Nỗi lòng người thày trong những ngày đại dịch

Cảm nhận khi đọc bài thơ “ Tháng tư đợi…học trò” trong tập thơ “ Ở Đây, Lúc Này” của tác giả Nguyễn Đình Minh – NXB Hội Nhà Văn năm 2022

Lê Hoa

Tôi biết Nguyễn Đình Minh – bút danh Huyền Phong khi còn là sinh viên khoa Ngữ Văn trường ĐHSP II Xuân Hòa. Ngày ấy Nguyễn Đình Minh làm thơ, thơ bạn ấy còn non nớt nhưng trong trẻo như tâm hồn sinh viên vậy. Sau nhiều năm ra trường gặp lại, Nguyễn Đình Minh đã là nhà giáo, nhà quản lý và là nhà thơ khá chuyên nghiệp.

Với thơ, Nguyễn Đình Minh viết về nhiều đề tài. Có một điều là Minh luôn làm mới các đề tài ấy bằng những câu thơ rất đỗi tài hoa. Thơ anh nhiều tầng nghĩa, không đi theo những lối mòn với những hình ảnh đã thành  “xáo” trong thơ ca. Đọc thơ Minh,  người đọc phải suy nghĩ, trăn trở thì mới thẩm thấu hết được những giai tầng  ngữ nghĩa mà tác giả thể hiện trong mỗi bài thơ. 

Là người con của quê hương Vĩnh Bảo – Hải Phòng, ngoài việc làm quản lý một trường THPT bận rộn, anh còn dành quỹ thời gian eo hẹp đến nhiều nơi, quan sát, thu thi liệu cho thơ mình cất cánh. Thơ là tiếng lòng của người thi sĩ. Thi sĩ ấy lại là thầy giáo dạy Văn nên tình yêu như được cộng hưởng bởi trái tim đa sầu đa cảm, nhân hậu bao dung…

“ Ở Đây, Lúc này” là tập thơ thứ 8 của Nguyễn Đình Minh. Tập thơ được NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2022.  Tập thơ gồm 81 bài chia làm 3 phần.

Phần 1: Trong mắt bão

Phần 2: Chiến tranh, tại sao

Phần 3: Nhà thương trái tim

Những vấn đề được tác giả đặt ra trong tập thơ không còn là thứ trang sức để làm dịu mát tâm hồn nữa. Mà đó là những vấn đề nhức nhối, nóng bỏng của thời đại, của xã hội. Nguyễn Đình Minh viết về chiến tranh, về dịch bệnh, về thiên tai….Đọc thơ anh người đọc cảm nhận sâu xa về số phận mỏng manh, bé bỏng và yếu ớt của con người. Từ đó nhà thơ truyền đi một thông điệp mạnh mẽ: Hãy yêu thương con người, hãy chung tay cứu vớt nhân loại khỏi thảm họa đau thương.

Nguyễn Đình Minh là một nhà giáo làm thơ, nên tôi rất quan tâm đến những bài thơ mà anh viết về mái trường, về thầy cô giáo, về các em học sinh và về đồng nghiệp. “ Tháng tư đợi…học trò” là một bài thơ như thế. Bài thơ trích trong phần 1: Trong mắt bão

“Tháng tư đợi…học trò” ra đời trong bối cảnh khốc liệt của dịch bệnh Covid – 19. Một dịch bệnh kinh hoàng càn quét khắp thế giới và Việt Nam chúng ta. Năm 2021 được coi là đỉnh điểm của dịch bệnh. Cả thế giới chìm ngập trong đau thương tang tóc. Những cảnh tượng cha mẹ mất con, vợ mất chồng, anh mất em, phố phường, xóm làng hoang toàng tưởng chỉ có thể xảy ra thời chiến tranh vậy mà giờ đây đến giữa thời bình. Lời hiệu triệu của Đảng “ Chống dịch như chống giặc” vang lên thôi thúc con người . Trong bối cảnh ấy khiến ta cảm thấy đây không còn là thứ dịch thông thường mà là đại thảm họa đang đe dọa,  hủy diệt loài người. Bài thơ  mở đầu bằng câu thơ:

                   “Dịch covid tràn về vùi ngập úng tháng tư”

Câu thơ gieo vào lòng người một nỗi niềm uất nghẹn. Tôi bị ám ảnh bởi động từ “ tràn về”. Bỗng chợt lại nhớ đến nhà văn Kim Lân miêu tả cái đói tràn về trong truyện ngắn “Vợ nhặt”. Hình ảnh “ Ngập úng tháng tư” khiến ta liên tưởng đến cơn dịch bệnh tràn về như cơn lũ quét kinh hoàng. Buồn biết bao nhiêu thời điểm tháng tư: mây trắng, nắng vàng, phượng đã bắt đầu nở. Đáng lẽ trong không gian ấy, trên sân trường luôn rộn ràng bởi bóng dáng của học trò và thầy cô giáo. Nhưng với bài thơ này thì ngược lại:

                   “ Sân trường lạnh tanh, phượng nghẹn ngào ứa lá

                    Mặt trống nghỉ trái mùa…

                   Ngóng muôn trùng mây úa

                   Học trò tôi bây giờ ở đâu?”

Một sự im ắng đến rợn người. Câu hỏi tu từ khép lại khổ thơ cứ xoáy vào tâm trí người hiệu trưởng như anh nỗi day dứt sự ly tán. Tự dưng khi đọc câu thơ này của Nguyễn Đình Minh tôi liên tưởng đến một loạt câu hỏi tu từ mà nhà thơ Hoàng Cầm đã dùng trong bài “Bên kia sông Đuống”. Tâm trạng đau đáu trước sự mất mát của chiến tranh “ Bây giờ tan tác về đâu?”

Trong bối cảnh dịch bệnh ấy, tất cả chuyển dạy học online. Phương tiện liên hệ duy nhất giữa thầy trò là màn hình vi tính

                   “ Nhờ màn hình điện thoại để …thương nhau

                   Sao lạ hoắc xa xôi, sao chập chờn hư ảo

                   Chẳng thay được tình thầy trò nơi căn phòng học nhỏ

                             Gần gũi, sẻ chia tiếng nói nụ cười”

          Là người đã từng đứng lớp dạy trực tiếp học trò, tôi cảm nhận sâu xa nỗi vất vả của thầy cô giáo và học sinh khi học online. Mọi giao tiếp chập chờn hư ảo, nhìn thấy nhau mà cảm thấy “ sao lạ hoắc xa xôi”. Thơ Nguyễn Đình Minh đưa người đọc đến sự nuối tiếc, yêu thương, sự trân quý những giá trị thường nhật mà trong cuộc sống hàng ngày dễ bỏ qua.

          Và trong bối cảnh kinh hoàng của dịch bệnh ấy không biết bao giờ mới đi qua. Mỗi tối trên ti vi ai cũng dán mắt vào màn hình để xem tin, người chết tăng lên, người sống chen chúc trong bệnh viện, khu cách ly. Trong bối cảnh ấy tránh sao tâm trạng lo âu

                             “ Tôi hoang mang viết gì vào giáo án đêm nay

                             Khi thế giới xé nát mình trong cơn thảm họa

                             Bao nhãn mác siêu cường thành giấy đen bọc lửa

                             Thời kỹ trị 4.0 chẳng phải phép màu

                             Và loài người không có cảnh thiên di

                             Sự sống mong manh nép sau lần áo vải

                             Mùa dịch tương lai đang trồi mầm kinh hãi

                             Siêu vi rút vẫn ký sinh như đỉa bám lòng người”

Những câu thơ vẽ ra một hiện thực, hiện thực đến trần trụi. “ Thiên di” có nghĩa là dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác một cách tự do, thuận lợi. Có lẽ muôn đời sau con cháu chúng ta vẫn còn được nghe về những ngày này. Mạch máu giao thông bị cắt đứt, các chốt lập lên san sát để kiểm soát người về từ vùng dịch. Đọc câu thơ “ Sự sống mong manh nép sau lần áo vải” mới thấy xót xa làm sao. Số phận con người quá nhỏ bé trước thảm họa thiên tai dịch bệnh. Ranh giới sự sống và cái chết quá gần, chỉ trong tấc gang. Trong khi đó dịch bệnh, siêu vi rút được nhà thơ ví như con đỉa bám vào lòng người.

          Thơ Nguyễn Đình Minh ít thiên về ngợi ca. Cây bút thơ trong tay anh như lát dao đang gọt tỉa, phanh phui hiện thực cuộc đời. Bởi thế nên thơ anh mang hơi thở của thời đại, hơi thở của cuộc sống đời thường.

          Bài thơ khép lại với tứ thơ nhắn nhủ đến thế hệ tương lai:

                             “ Tôi sẽ dạy gì với học trò…nếu còn có ngày mai

                             Về bàn tiệc tự nhiên ban, bốn mùa tươi thơm hoa cỏ

                             Về bản thế nhân gian giàu tâm hồn trí tuệ

                             Nhưng ngộ nhận ngông cuồng đã xúc đổ đi”

          “Nếu còn có ngày mai”, anh đặt ra xứ mệnh của người giáo viên đứng lớp, xứ mệnh của người làm thơ. Tôi sẽ dạy gì? Tôi sẽ viết gì? Chả lẽ dạy về vẻ đẹp của thiên nhiên mà “ bốn mùa thơm hoa cỏ”?. Chả lẽ viết về vui buồn nhân gian, tâm hồn trí tuệ để rồi đem đến những ngộ nhận ngông cuồng. Bài thơ không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng chơi vơi

“Như một con đò lênh đênh ở giữa tháng tư

               Xin chút lòng gửi học trò trong sóng gầm hồng thủy

             Rằng chỉ có trái tim thông minh mới làm ra phép lạ

            Làm năng lượng yêu thương cho nhịp đập địa cầu”

          Hình ảnh “Con đò” vẫn hay dùng chỉ công việc của người dạy học. Con đò lênh đênh giữa tháng tư dịch bệnh. Thời gian vẫn trôi theo vòng tuần hoàn của nó. Công việc thì vẫn vậy chả bớt tẹo nào. Chất lượng giáo dục vẫn phải đảm bảo nâng cao. Bằng trái tim nhân ái, bằng sự trăn trở của người quản lý, anh chỉ biết gửi lòng mình, gửi tình cảm của mình đến với học trò qua cơn sóng lòng tình cảm. Tôi rất thích nhà thơ sử dụng hình ảnh “ Sóng gầm hồng thủy”. Tình yêu ông dành cho thế hệ học trò mới mạnh mẽ làm sao. Không thể hiện hết bằng lời mà như đợt sóng ngầm ẩn sâu trong trái tim nhân ái bao dung.

          Từ đó ông đề ra trách nhiệm cho tất cả chúng ta:

“ Chỉ có trái tim thông minh mới làm ra phép lạ

        Làm năng lượng yêu thương cho nhịp đập địa cầu”

          Con người ta không chỉ có trái tim thông minh mà còn có trái tim yêu thương. Trí tuệ và tình yêu, lý trí và tình cảm mới tạo ra năng lượng để làm nên cuộc sống này!

          “Tháng tư đợi …học trò” là một bài thơ chất chứa nỗi niềm cảm xúc, thấm đượm tình yêu thương, sự sẻ chia thông cảm, nỗi niềm da diết nhớ nhung. Điều đặc biệt là tác giả không dùng lối thơ truyền thống để dễ đọc dễ thuộc dễ nhớ. Những câu thơ trắc trở bởi sử dụng khá nhiều thanh trắc. Vì vậy đọc bài thơ ai cũng nghĩ suy đến một bối cảnh không gian và thời gian không phẳng lặng. Dịch bệnh có thể gây ra bao nỗi mất mát đau thương, tang tóc nhưng không ngăn được tình yêu thương của con người. Từ đó nhà thơ gửi đi thông điệp cho mỗi chúng ta phải có trách nhiệm với cuộc sống này. Thông điệp ấy đầu tiên là thay đổi nhận thức của học trò – tương lai của đất nước!

          Nhan đề “ Tháng tư đợi …học trò” gieo vào tâm trí người đọc một tâm trạng chờ đợi ngóng trông. Dấu ba chấm ở ngay nhan đề bài thơ gợi nhiều tầng nghĩa. Vừa mong dịch bệnh qua nhanh để đón học sinh trở lại trường, vừa là tâm trạng của mỗi thầy cô khi dạy học học online. Đã có những câu chuyện dở khóc dở cười trong ngày học qua màn hình điện thoại. Ngày nay, dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng tâm trạng chờ đợi học trò cứ khắc khoải mỗi khi đọc bài thơ này. Cảm ơn thi sĩ, anh đã góp một thi phẩm hay để đánh dấu ngày tháng khốc liệt này!

                                                          Hà Nam, tháng 10/2022