Một số hình ảnh gây thương nhớ trong thơ Nguyễn Đình Minh

Gần mười lăm năm làm thơ, cho ra đời 6 tập thơ in riêng cùng một số tập thơ in chung, tuy không phải bài thơ nào cũng thuộc hàng xuất sắc, nhưng có thể thấy Nguyễn Đình Minh đã có một gia tài thơ “đáng giá” và “đáng nể”. Sáng tác thơ khi tuổi đời đã vào “độ chín”, mỗi bài thơ của ông thể hiện sự chiêm nghiệm của một hồn thơ tinh tế, sâu sắc, và đặc biệt, dạt dào tình yêu làng quê, yêu mẹ, yêu em… Những lắng đọc cảm xúc của Nguyễn Đình Minh trước các khách thể đó làm nên cho thơ ông sự da diết và gây thương nhớ với phần đông độc giả, bởi lẽ, bằng thơ và qua thơ, ông đã chạm đến phần thiêng liêng nhất của mỗi người.

1. Làng - những mảnh hồn Việt

Làng là một đơn vị cư trú và một hình thức tổ chức xã hội quan trong của nông thôn Việt Nam. Những tác động của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tiến trình hội nhập mạnh mẽ của nước ta mấy chục năm gần đây là một phép thử quan trọng với những giá trị truyền thống, trong đó có văn hóa làng xã.

Trong thơ Nguyễn Đình Minh, làng được tái hiện gần gũi, mộc mạc mà rất đỗi thiêng liêng với những giá trị bất biến. Đó là nơi giải thoát con người bởi những ồn ào phố thị, những khói bụi, kẹt xe, với “Vó bè cất áng mây sa/ Dế lang thang giữa mượt mà cỏ tơ”, với “Chè tươi ngọt nước chum sành ngày xưa”, với “Bồ rau chụm lửa ba hòn/ Bánh chưng vuông, bánh dày tròn ở đây”, và đặc biệt, với “Nghiêng xiêu gậy chống thời gian / đón con, ngoại đứng đầu làng ngóng trông” (Làng tre – Trích từ tập “Mắt cỏ”). Ở một thi phẩm khác, làng hiện lên gần gụi như máu thịt:

“Cuống rốn ta chôn ở cạnh ao làng

nơi bếp lửa đỏ mỗi ngày, nơi mái gianh …

và mẹ,” (Làng – Trích từ tập “Mắt cỏ”)

Bao nhiêu lần hình ảnh của một làng quê thuần nông vùng đồng bằng Bắc Bộ được tái hiện trong thơ Nguyễn Đình Minh là bấy nhiêu lần trái tim của những người con xa quê thổn thức, đặc biệt, với những người đi lên từ đồng đất. Chắc hẳn, mỗi người sẽ đều tìm thấy làng mình trong những miêu tả của Nguyễn Đình Minh bởi ông đã tạo lập một mẫu số chung bất biến, dẫu tử số có nhiều thay đổi.

Nói và viết về làng khi ngày ngày gắn bó với thị trấn (Vĩnh Bảo – Hải Phòng) đã đem lại cho thơ Nguyễn Đình Minh sự miêu tả chân thực và thuần phác. Nhưng để đạt đến độ da diết, có lẽ phải chờ đến những trang viết của ông về làng từ một điểm nhìn không gian khác. Là một người ưa xê dịch và có điều kiện xê dịch, Nguyễn Đình Minh đã đặt chân đến nhiều vùng đất trong và ngoài nước. Và ở mỗi hành trình như thế, ông đều lưu giữ những kỉ niệm về mỗi vùng đất trong thơ. Cố nhiên, vùng đất nào ông có dịp ghé thăm cũng đều đẹp xinh, cuốn hút, nhưng thường trực trong thi nhân luôn là nỗi nhớ quê, nỗi buồn ly hương và những khắc khoải tìm về (Thâm Quyến, chiều cuối năm; Phía HuếTiếng nhị giữa Biển Hồ; Đến Ninh Kiều nghe lý thương nhau,….)

2. Mẹ - mảnh hồn quê

Gắn Mẹ với mảnh hồn quê không phải đồng nhất hay thu hẹp một trong hai phạm trù vốn gần gũi và linh thiêng, máu thịt. Rơi vào một trong hai cách hiểu như thế cũng đều đem lại những nhận thức phiến diện, dù rằng hai phạm trù này luôn song hành, và Mẹ - tự ngàn đời chẳng phải đã luôn gắn với quê, với ngọn nguồn sinh thành và nuôi dưỡng, bao bọc?

Theo khảo sát chưa thật đầy đủ của tôi, hình ảnh mẹ là hình ảnh trở đi trở lại nhiều nhất trong thơ Nguyễn Đình Minh, và hẳn nhiên, luôn chiếm nhiều tình cảm của tác giả nhất. “Tết này mẹ vào thành phố”, “Bong bóng mưa trên phố”, “Làng”, “Miền nghĩa địa của rừng xanh”…là những cung bậc yêu thương, trân trọng khác nhau của Nguyễn Đình Minh dành cho mẹ.

Mẹ đối với mỗi người đều là hiện thân cho đức hy sinh, tần tảo và lòng cao cả, bao dung. Nhưng đối với một nhà thơ đã ngoại ngũ tuần, đã nếm trải đủ mọi cay ngọt của đời, thì những nghĩ suy về mẹ lại càng sâu lắng, suy tư. Tôi đặc biệt ám ảnh với những câu thơ trong bài “Châm ngôn của mẹ”:

“Khi hấp hối chìm trong mùi lợi lộc

ngộ độc chết lâm sàng vì bả công danh,

chợt nghe tiếng giọt sương gầy

rơi trên tóc cha

tiếng những hạt lép mùa mẹ trên đồng

lay thức

                                                                ….

 Ta đi đến mòn cạn tháng năm

 chưa qua hết câu châm ngôn của mẹ:

 cánh cửa luôn mở ra, chỉ có ở nhà mình. »

          Những trải lòng của một người đã đi qua nhiều lợi danh chiêm nghiệm lời dạy của mẹ là một tứ thơ không mới, nhưng cái khắc khoải, day dứt thậm chí chua chát của Nguyễn Đình Minh thì « thật » vô cùng, như con tằm rút ruột nhả tơ, và vì lẽ đó mà những câu thơ ấy rất đáng trọng.

3. Em – mảnh hồn anh

Mỗi thi nhân luôn có cho mình ít nhất một  « nàng thơ » và những thi phẩm tuyệt vời nhất của họ thường là về tình yêu với những « nàng thơ » ấy. Cùng với hình ảnh làng và mẹ, hình ảnh « em » làm nên một mảng màu tươi tắn, sung mãn cho thơ Nguyễn Đình Minh, tạo nên sự đa dạng của bức tranh cảm xúc trong thơ ông. “Khèn Mèo nghe dưới đêm trăng”, “Trà đêm hồ Núi Cốc”, “Bên bờ sông quê nội”, “Phía Huế”, “Thong thả bên thềm em buông tóc chải”…đã ghi nhận nhiều hình ảnh về em. Khi thì là người vợ đầu gối tay ấp, khi là một bóng hồng thoáng gặp đã gieo tương tư, khi lại là một số phận gây ám ảnh thi nhân, hoặc giả cơ hồ chỉ là một phiếm chỉ nào đó… Nhưng dù ở đối tượng nào, em vẫn là nơi nương náu của mảnh hồn anh, là nơi thi nhân tìm được sự đồng điệu hay ký thác những yêu thương.

Hãy nghe:

«Nào ta ơi, hãy về nhà

Dẫuphấn thơm đưa, lúngliếngbónghồng

Dẫuchiềubất ngờ bão giông mờ mịt

Ngôi nhà ta vẫnsángđèn như ngọnhải đăng

Bên mâm cơm ủ nóngđợi chờ

Vợ ta đang đứngngồi… cháyruột »

(Hãy mau về nhà – Trích trong tập « Thức với những tập mờ »)

 « Lưng chừng núi nắng rót lửa Tam muội

em dịu hiền tươi tắn ở trong mây

đá bỗng nảy mầm trong nước bình Cam Lộ

núi Phật giật mình, chiều ngất ngư say”

(Trái đỏ - Trích trong tập “Mắt cỏ”)

                          “Suối bỗng dưng sao thì thầm thế suối

sương hoá lụa mềm vắt dọc rừng xanh

hương bồ kết quấn mềm đá núi

em gội đầu lóng lánh một dòng trăng”

                      (Về Tây Bắc – Trích trong tập “Mắt cỏ”)

          Sáng tác thơ khi đã vào độ “chín” của tuổi đời và sự nghiệp, những xúc cảm về em, về tình yêu trong thơ Nguyễn Đình Minh không có cái hừng hực, mê đắm, vồ vập như thường thấy ở những tác giả trẻ, thay vào đó là sự điềm đạm tuy vẫn rất “say”, vẫn “phiêu”.

          Với gần mười lăm năm bén duyên, vương nợ cùng thơ, Nguyễn Đình Minh vẫn là một cây bút đang khai mở, vẫn là một nhà thơ “trẻ” với bút lực dồi dào. Mỗi một tập thơ ra đời đánh dấu sự trưởng thành trong lao động nghệ thuật của ông và là những kết tinh của trí tuệ, xúc cảm, vốn sống cùng năng lực biểu hiện thiên bẩm của một tâm hồn đa cảm nhưng cực kỳ tỉnh tảo và sắc bén. Độc giả mỗi lứa tuổi sẽ tìm được những hứng thú riêng, những khám phá riêng ở cánh đồng thơ Nguyễn Đình Minh, nhưng tôi chắc rằng người trẻ nên đọc, rất nên đọc, bởi những chiêm nghiệm phong phú những trải nghiệm xê dịch không mấy người có cơ hội trải qua và trải lòng thành thực, trách nhiệm như Nguyễn Đình Minh.