Thơ Nguyễn Đình Minh, trong vùng mờ ẩn sau tấm mành tre

  Làng quê trở thành hồn cốt trong tâm thức thơ Nguyễn Đình Minh. Cả cuộc đời sống và dạy học gắn bó với thôn quê lại thả bóng mình xuống mặt nước ca dao, Nguyễn Đình Minh là một thi sĩ làng quê đích thực. Nhưng đây cũng là thách thức không nhỏ đặt ra cho Nguyễn Đình Minh. Bởi trước anh, thơ về đồng quê, làng quê Việt đã được định danh với những gương mặt Thơ Mới như: Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Nguyễn Bính hay thơ sau đổi mới: Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn...Rất dễ đi lại dấu chân họ nếu nhà thơ không có được giọng điệu và tư tưởng khác biệt. Nguyễn Đình Minh đã vượt lên điều này.

        Không gian làng trong thơ Nguyễn Đình Minh được bao bọc bởi ý thức tìm về và gìn giữ văn hóa thôn quê. Làng xuất hiện trong thơ anh đậm đặc. Đến mức cứ viết về đô thị- mảng đề tài đối lập với làng là anh cảm thấy ngột ngạt, bức bối. Nên bất ngờ gặp một dáng tre trong phố xá bê tông với anh như một sự cứu rỗi:

Như lạc vào trưa sa mạc

đột nhiên tìm thấy cổng làng

ùa  vào lòng sông sóng biếc

rũ bỏ bao điều chói chang

                            (Tre trong phố)

Hay bất ngờ nghe một tiếng nhị khuya trong chuyến đi Biển Hồ là lòng quê lại dào dạt, thổn thức :

Tiếng nhị chạm vào tôi
hóa vi vu sáo diều giữa trời biếc gió
bờ tre ngào ngạt hương đồng,
....
văn vắt những đêm trăng
làng mở hội chèo…
                             (Tiếng nhị giữa Biển Hồ)

Hoặc giữa Thâm Quyến phồn hoa thì thi sĩ cũng thấy cũng thấy vô vị và xa lạ:

Tôi chắc chẳng nhớ gì

những phiên bản vô tri giam trong ánh chiều tàn

nếu không bất ngờ chạm dáng Chùa Một Cột

trầm tư đứng trên đồi cỏ biếc

nỗi ly hương được uống chén mặt trời!

vọng về tiếng giọt chuông rơi

bông sen nở giữa lòng phố cổ

mùi cơm thơm, bếp chiều đỏ lửa

mẹ ngóng ta về từ phía chân mây…

                              (Thâm Quyến, chiều cuối năm)

 

       Làng trong tâm thức Nguyễn Đình Minh còn nguyên vẹn kí ức với những đêm hội theo mẹ nghe hát trống chèo, xem múa rối nước, là thong thả bên thềm tóc em buông chải,rì rầm bến cũ, là dáng mẹ gánh liêu xiêu chiều giông gió, là sương trắng trôi quấn mái đình cong, là hương sen khuya ngơ ngẩn cả khoang thuyền....Hình ảnh những người đàn bà của làng hiện lên thật đẹp, đầy sự thuần phác, mộc mạc không đánh mất mình:

Người đàn bà mang theo ca dao đi cấy

xao xác nỗi buồn trông ngóng chân mây

lạo xạo tiếng chân cua

cùng với truyện cười đựng vào trong giỏ

lấy tục ngữ răn mình

cột khát thèm vào sợi dây tam tòng tứ đức

phút hồn chênh vênh bên mép vực

         bắc câu Kiều tình tự với trăng suông

                                                 (Người đàn bà)

         Những cảm thức về làng là vậy nhưng  thơ Đình Minh không thiên về vịnh, tả những bức tranh quê đơn thuần. Mỗi bài thơ về làng của anh như một câu chuyện, ẩn chứa triết lý nhân sinh sâu sắc. Từng chiêm nghiệm những thăng trầm số phận để nhận ra đâu là hư danh, phù du ở đời, Nguyễn Đình Minh tìm cho mình sự giằng níu của hồn quê với những điều thiêng liêng tốt đẹp:

Chiếc lá vàng có làm thành mùa thu

rồi cũng về trong vòng tay đất mẹ

cái khoảnh khắc tìm lại hồn lại vía

tím lặng thầm

hoa súng đợi đầu ao.

                      (Rơi về trong sóng ru nôi)

       Đánh mất đi sự thuần phác, hồn hậu nguyên thủy, với anh, con người sẽ trở nên bi kịch. Phóng chiếu cái nhìn đó khi nhìn lại lịch sử xa xưa trong câu chuyện về Thục Phán An Dương Vương từng có đêm ngủ lại làng trong một chuyến tuần du ven biển để thành nỗi tiếc nuối muôn đời:

Chỉ tiếc sau đêm ấy, nhà vua không ở lại

Người tin vào nỏ thiêng và Cổ Loa Thành

...

Sao Người sau đêm ấy lại rời dân?

Tất cả các vương triều dựa vào thành cao đều thảm bại

                                                               (Gửi hồn Thục Phán)

       Sau những buồn vui bầm dập nổi trôi của đời khi đối mặt với những Luật rừng, Những mặt nạ người...con người nên trở về làng để được thanh lọc mình, tìm lại những giá trị nguyên bản đã mất. Triết lí ấy thôi thúc trong thơ Nguyễn Đình Minh. Thèm được Tựa gốc khế chua đứng đợi đại bàng/ Ngả vào hương sen tẩm trăng, chất sáng khoang thuyền/ Mẹ chở ta trôi trong đêm tháng giêng cùng với đàn đom đóm/ Những Thạch Sanh, Lưu Bình, những Xúy Vân, cô Tấm/Rung trống chèo mời gọi ở bến sông (Ta về tựa gốc khế chua)

     Những vùng mờ của thơ

    Không riết róng đặt con chữ là mục đích sáng tạo, là hàng thứ nhất như những nhà thơ dòng chữ, những nhà thơ cách tân với những tìm tòi về hình thức, Nguyễn Đình Minh vẫn trung thành với thơ dòng nghĩa. Nhưng anh rất có ý thức mong muốn tạo ra những vùng mờ cho thơ ngoài tính đa nghĩa của nó. Trong tự bạch về tập Thức với những tập mờ, Nguyễn Đình Minh tâm sự: Khi viết tập thơ này, tôi những mong các bài thơ nhỏ bé của mình làm sáng lên được một vài những khuất khúc, sự tàng hình của đời sống nhân gian với những đạo lý, tổ quốc, tình yêu… chúng tập hợp lại trong cái logic những tập mờ ngay bên cạnh ta đã làm ta ngộ nhận về nó. Logic nhị phân cho ta một đáp số chính xác; Logic tập mờ trong tập thơ này là tiếng nói trong bộ óc tôi trỏ cho trái tim mình cái cách thắp sáng một tình yêu đích thực, cho dù có thể nó rất u buồn.

       Dẫu rằng giữa mong muốn và thực tế luôn là những khoảng cách nhưng cũng cần ghi nhận và trân trọng quan niệm sáng tạo này. Những tập thơ của anh mạnh về tứ, giàu sức gợi và những ám dụ về thân phận, cuộc đời, con người và tìm được sức bung tỏa ở thể thơ tự do. Nhiều câu thơ, đoạn thơ chứa đầy những nỗi buồn hoang hoải, quắt quay, nỗi đắng ngắt nhân sinh, những câu hỏi không dễ trả lời như:

Mặt trời đốt đêm đen hóa thành ánh sáng

Đêm có biến tan?

Nơi tưởng như thuần khiết bóng ngày lại là nơi bóng hiện

...

Anh tự hỏi lòng mình (như tìm cách giải thiêng vấn nạn)

Ánh sáng ấy mà, ánh sáng có bóng không?

                                   (Ánh sáng có bóng không?)

Hoặc:

Nên con người ngàn đời bị cùm chân trên mặt đất

Chậm chạp kéo lê mình về phía huyệt thời gian

                                                  (Nghĩ trước tổ chim câu)

      Với Nguyễn Đình Minh, người đọc tin rằng hành trình thơ phía trước của anh vẫn còn nhiều vẫy gọi thôi thúc anh tiếp tục khám khá, sáng tạo. Một người thơ đã tìm được con đường của mình, con đường tựa vào những căn cốt truyền thống để khai mở những vùng mờ tâm thức, cũng là những thử thách không hề giản đơn. Và trong vùng mờ ẩn sau tấm mành tre ấy là khuôn mặt thơ của tác giả.

 

                                                  Hải Phòng, tháng 10/2018

                                                            L. K. P