Nguyễn Đình Minh trên chặng đường thơ mới

vanchuong1

(Toquoc)- Với Văn học Nghệ thuật. Với thi ca. Vai trò sáng tạo của nghệ sĩ thuộc về tài năng đơn nhất. Đấy là năng khiếu. Là thiên bẩm “trời phú” cho mỗi trái tim thi sĩ.

Dọc lộ trình của công cuộc lao động, kiếm tìm, cái “mỏ quặng” lấp lánh kia, được hiện diện, được tỏa sáng thế nào? Nó có riêng ở từng bước vận động, chuyển tiếp của mỗi người cầm bút.

Với Nguyễn Đình Minh, có thể nói, đã có tới hơn mười năm dài, lặn lội trên “cánh đồng thơ” mung lung, vô tận. Với năm tháng không ngừng ươm gieo, cấy gặt để tới chặng đường này, thơ Nguyễn Đình Minh đã trào lên tiếng vọng. Đã “nhập hòa.” Đã “lưỡng phân.” Đã cùng lúc đan xuyên, xô tấp trên hai dòng đặng vươn tới một “chân trời khát”…

Từ “Câu hát ngày xa” mà trước đó là thời gian dài của tình yêu thơ ban đầu lặng thầm, cất dấu trên những trang “mình viết cho mình”. Thơ, trong kỷ niệm, ký thác. Thơ, trong chầm chậm ngóng trông…

Khởi đầu, có tới đôi, ba tập thử sức với đăng đàn như vậy, Nguyễn Đình Minh cũng giống không ít cây bút khác, thơ anh thường đi từ cái cảm được đốt lên từ “lửa”. Thơ coi trọng cái tươi non, trong trẻo của trực giác. Thơ của con mắt tươi xanh trong ngắm nghía, trong “đối cảnh, sinh tình”. Thơ đi trên cái nền thi vị, ngọt của lối thơ “độc hành, duy cảm”…

Vâng. Đó cũng chính là cái quý! Bởi, ở đây, nó là cái khẳng định. Cái không thể nghi ngờ. Cái “khởi thủy”, “cái gốc.” Cái mà Nguyễn Đình Minh có được để bạn đọc tin rằng, anh, người đích thực mang trong mình một trái tim thi sĩ. Bởi, vai trò “cái Tôi”, cái chủ thể mang yếu tố thứ nhất trước thế giới vạn vật, trước va đập, trước cái nghe, cái thẩm thấu, nắm cầm… Nguyễn Đình Minh đã mang về “cái Có” nơi trang thơ anh viết, cái vệt loang lấp lánh. Cái thức động, chảy dài…

Minh chứng cho cái nguồn khá “phồn thi” của “vía hồn” người viết, khi đọc và phẩm bình tập thơ “Câu hát ngày xa,” tôi đã yêu và nhiều lần cùng Nguyễn Đình Minh dừng lại mà cảm, mà rung, cái tâm trạng trong câu thơ anh viết:

Người đi mang cả cuộc tình

Mảnh trăng rơi xuống sân đình vỡ đôi

Hoặc, trước “Mùa hoa gạo” ở một nét nhìn khác:

Làng giống một bàn tay run trong cơn đói

Trăng vẹt cong như chiếc lá lúa gầy…

Hoặc, vẫn mạch đi ấy, đây là câu thơ trong bước chuyển của Nguyễn Đình Minh ở tập thơ mới:

Ai quên chiếc liềm trăng giữa đồng trời tím thẫm?

Anh thơ thẩn tìm sông, giăng lưới vớt ngày xưa

Hoặc:

Hải Phòng

Hương gió bể ùa đầy trong vành nón chao nghiêng

Bài thơ nở cùng em và hoa phượng

Da diết, tiếng còi tàu gọi bến…

Đấy. Cái nội lực của hồn thơ Nguyễn Đình Minh đã làm nên nền tảng, chỗ tựa, bảo đảm cho mọi khám phá, kiếm tìm và đổi khác của anh là vậy. Người đọc thấy rõ, từ “Ủ ấm trái tim,” thơ Nguyễn Đình Minh đã đánh dấu một bước chuyển, đã khởi dậy một sắc diện mới mẻ qua một chặng đi dài.

Nối tiếp bước phát triển của “Ủ ấm trái tim,” ở “Mắt cỏ”, Nguyễn Đình Minh vẫn tiếp tục đắp dầy thêm mạch tìm trên chặng đường thơ mới. Dễ thấy, một Nguyễn Đình Minh luôn canh cánh bên mình nỗi trở trăn, luôn muốn vượt ra khỏi mình, văng xa nơi chính mình. Để, cuối cùng, cái trở về, “mình vẫn là mình,” trong những gì đã khác ...

Không uốn éo, gò mình, “tự tố lên” như vòng xa, ai đó, làm nặng nề, tù mù, làm rối thêm chính mình, ở quan niệm truyền thống hay cách tân, đẩy thơ rơi vào xa lạ, khác đi nơi bề mặt. Cái không phải là cốt lõi của “thơ Hay muôn thuở.” Nguyễn Đình Minh luôn bộc lộ mình ở sức vóc dồi dào, sung mãn trước thế giới ngắm nhìn. Thế giới, sẽ từ đấy làm giàu cho một “thế giới khác,” đấy là anh, cái “hồn người cầm bút.”

 

Lấy tiếp cận, lấy va đập để quay về đào sâu nơi “nội lực,” dường như, Nguyễn Đình Minh, ngỡ không phút yên bình. Anh say mê đi và gặp. Say mê đi và thấy. Say mê đi và thảng thốt trước “vô biên” của những tầng “đại giác.” Ví như, đây là Hải Phòng trong bao nỗi lo toan thường nhật:

Hải Phòng

Những cơn bão rung chuyển bến bờ

miên man sóng dữ

mồ hôi trắng loang màu áo thợ

toa tàu trôi ngang qua phố

… những mảnh trời bâng khuâng tiếng ve...

Hoặc, phút chợt gặp dáng “Làng” trong nỗi cảm thương se thắt:

Làng…

Hun hút gió chiều hoang đồng nứt nẻ

Oằn vai gánh nỗi truân chuyên

Cuống rốn ta chôn ở cạnh ao làng

Nơi bếp lửa đỏ mỗi ngày, nơi mái gianh …

Và mẹ…

Hoặc, đây là bài “Viết ở đồng.” Nó vẫn là không gian với nỗi niềm dội lên từ những gì có từ “đối thoại”:

Chua mặn ngàn đời thấm vào cả chiêm bao

cha bì bõm lội bao mùa gió bấc

trâu lầm lũi kéo bóng mình

cày quặn lòng xé đất…

Rồi vẫn là, cái “có trước” trong thơ, nó không phải bắt đầu từ ý niệm, nơi người viết gọi ra. Nó không phải cái Tôi bé nhỏ tự “vống, trải hồn mình” thay cho một ngoại giới sinh động. Nguyễn Đình Minh không tự đánh lạc sở trường, một sức chảy dồi dào luôn đem lại cho anh sức gợi. Một hiện thực thật sự nắm, cầm được trong tay, chứ không phải cái “hiện thực mờ,” đẻ ra trong cái tưởng, trong đẽo gọt, trong lặng khuất nơi tâm tưởng thi nhân. Và như thế, người đọc gặp ở đây, nhà thơ luôn đi giữa “cõi người,” hoặc là giữa đô thị bộn bề. Hoặc là chìm sâu vào cảnh làng trong gian nan, lầm lụi. Hoặc, mải mê với khi “Về Tây bắc.” Khi “Đã có một Lai Châu.” Khi đến với “Đêm chèo quê nội.” “Khi bước sang thu.” Khi nghe “lời rao trên phố.” Khi trở lại mảnh đất từng đi qua chiến tranh để lắng nghe “Lời hoàng hôn Đồng Lộc”:

Đất sinh sôi những đoá hoa sen

sen lại vắt hết hương mình dâng đất

chẳng thánh thần đâu, rất thật con người

thành linh hồn ngã ba Đồng Lộc

khói nhang thơm thay cho bữa cơm chiều…

Và,

…Các chị đã hành quân vào lịch sử

để dưới trời xanh thăm thẳm…

một con đường.

Với nẻo tìm: bám vào “cái rộng” để đánh thức cái “khoảnh khắc” lóe sáng của độc thoại. Cách đi này, khẳng định một năng lực “trường sức,” “trường giọng điệu” trong cái vừa đi vừa tự nó bật lên tiếng hát. Nó không lộ dấu vết của sự gò, sự “cố tình” mà người viết, tãi ra. Và, như thế, từ “ ấm trái tim” đến “Mắt cỏ,” thơ Nguyễn Đình Minh vẫn sôi động hành trình trên dòng chảy mới, xác lập. “…Nhà thơ đi giữa bộn bề, xô tấp của những câu thơ được đẻ ra từ cái nền mà người viết luôn bám theo “đại giác”. Đại giác của cảnh. Đại giác của sự. Đại giác của cái gọi là Thời và Đời... Để rồi, thi liệu cộm lên cái va đập, diện kiến. Cái cảm ngỡ lặn sâu dưới cái nghĩ trội vượt…” (1)

vanchuong2

Sau ba tập thơ đã lần lượt trình làng như “Đêm Tây Hồ, Câu hát ngày xa, Ủ ấm trái tim...”, ở “Mắt cỏ,” Nguyễn Đình Minh đã ý thức trong tập thơ mới mẻ này để làm nên bước chuyển, bước tiếp nối, cao hơn. Để cùng với “Ủ ấm trái tim” tạo thế “lưỡng phân,” tạo một độ dày, độ mạnh của thơ anh, ở một mạch tìm khác.

Bỏ qua cái du dương, mượt. Bỏ qua cái áp lực nhịp vần. Lấy tiết tấu, nhạc điệu ẩn chìm trong ngôn ngữ, ảnh hình, thi liệu, “Mắt cỏ” là “nhãn tự” của nhà thơ thật vi tế trước cái bao la của thế giới quanh mình. Và, ở đây, cái nhìn thế nào? Ngẫm suy gì có được? Qua “Mắt cỏ” bạt ngàn len lỏi, nở rộ và rọi soi kia? Quả tình, ở “Ủ ấm trái tim,” hay “Mắt cỏ,” Nguyễn Đình Minh đã chìm vào “thế sự.” Bám vào “Sự,” bám vào “Thời” để tìm được “cái Đời”. Để phát hiện và kiến giải những giọt nhỏ thắp sáng. Những giọt nhỏ có sức khơi dậy cả chân trời nhận biết.

Và, cứ thế, tựa vào “giọng điệu mở”, thơ Nguyễn Đình Minh bộc lộ một khả năng khái quát, “thơ lấy cái trọng, cái hơn ở ý và hình”(2):

Ví như:

Nơi ta cất tiếng chào đời đã gió

Câu ca dao tròng trành năm tháng thành nôi

Cơm mẹ mớm mặn mòi muối bể

(Mùa phượng đỏ)

Hoặc, vẫn là mạch đi ấy, nhưng người viết lại kiếm tìm ở một năng lượng mạnh được dồn vào “cái nghĩ”(3):

Rằng một chút hương bùn quê đã làm ta tồn tại

Cái mùi hương đồng làng ngai ngái

Nơi mảnh trăng cong em vín đợi bên cầu

Quả khế chua rụng vào câu chuyện cổ

Rơm rạ ủ ấm người khi trở gió

(Hương bùn)

Hoặc:

Ngọn lửa bùng lên đến rực hồng

và chị cháy, thành bóng than trên vách

tiếng chắt lưỡi Thạch sùng gõ vỡ đêm

đánh thức loài cây buồn trổ mùa hoa đắng

ở lưng trời trống rỗng quả trăng suông.

(Bến cô đơn)

Rõ ràng, thơ Nguyễn Đình Minh đã đi từ “cái rộng,” “cái ngoài ta” để “khai sáng cái giọt nhỏ chính mình.” Sau vệt đậm của những tập thơ đầu bộc lộ năng lượng mạnh của cảm xúc, của chất trữ tình nơi tâm hồn người viết. Nguyễn Đình Minh đã hướng thơ đi vào tầng xới lật khác. Thơ với “giọng xô bồ, đanh chắc. Thơ khoáng đạt một không gian của tầng rộng để khơi sâu cái lắng đọng, tầng chìm…”(4). Cùng với thơ thế sự, thơ tình yêu, thơ về các đề tài khác, Nguyễn Đình Minh có được những câu thơ mang chiều sâu, giàu ngẫm suy, với hình ảnh, hình tượng điển hình, khi người viết đẩy về thi pháp “cá thể hóa.” Ví như, trước “Mặt nạ” thì:

Trong khi rình và giết con mồi

thú hoang vẫn giữ nguyên mặt thật

Rồi:

Những mặt nạ nghiêng ngả cười

những mặt nạ quằn quại khóc

đến quên cả gỡ ra khi chết

Hoặc:

Bầu trời của diều là một cái lồng

Và cánh bay... thật khó tin.

Lại chính nhờ sợi dây trói chặt

(Bay giữa thơ ngây)

Và, đây nữa, trước “Mầm cỏ, mầm yêu”:

Kinh Phật dạy hãy nhổ cỏ hoang đi để trồng hoa

nhưng cỏ cứ xanh trên núi cao như thách thức

....

Sách xếp trong đường hầm Vatican dài 93 kilômét

cũng chỉ khuyên hai chữ: yêu người

Nhưng:

con người vẽ thành đêm

và ươm cỏ giữa lòng mình

v.v và v.v…

Với thơ, có thể nói, Nguyễn Đình Minh đã hành trình trên mười năm có lẻ, dọc dặm đường với những bước chuyển vững, với những vọng vang có được. Điều đáng nói ở “Mắt cỏ,” ở thơ Nguyễn Đình Minh là “hồn”, là “lõi.” Là vệt loang thấy được ở sức rung, sức nghĩ từ tâm hồn nghệ sĩ. Từ sự quan tâm, từ ý thức của công cuộc sáng tạo, của sứ mệnh nghệ sĩ đi giữa vũ trụ, giữa năm tháng, cõi người… Là cái HAY, cái lấp lánh còn ám ảnh đâu đó khi trang thơ khép lại.

Và tôi. Và người đọc đang tin yêu trước Nguyễn Đình Minh, trước độ say, độ sung sức ở ngọn lửa thơ, anh đang khơi dậy, đang từng bước xới lật và khai sáng chính mình trên những bước chuyển vận ở chặng đường thơ mới.

Kim Chuông