Văn hóa sử dụng thịt động vật dâng cúng tổ tiên

Vị trí địa lý giúp cư dân Việt cổ có một môi trường sống gắn bó với tự nhiên rộng lớn như đồng bằng, núi rừng và biển cả. Trong thế giới tự nhiên có muôn nghìn muông thú đã trở thành nguồn thực phẩm dồi dào nuôi sống người Việt từ ngàn xưa. Nhưng khi quan sát đồ thờ cúng, hiến tế bằng thức ăn từ thịt động vật trong đời sống tâm linh người Việt, thì số lượng động vật được dùng cho hoạt động này chỉ vài chục loài, vì sao có hiện tượng này?

cung3Căn cứ theo các nguồn cứ liệu văn hóa và văn học dân gian Việt Nam (Fonclo), chúng ta hiểu được người Việt có những quan niệm khá đầy đủ về từng loài vật, đương nhiên những quan điểm này gắn với đời sống văn hóa tâm lý và khả năng tri nhận của người Việt cổ. Chính những quan điểm ấy đã chi phối rất mạnh mẽ tới văn hóa sử dụng đồ hiến tế thần linh hay cúng giỗ tổ tiên. Người Việt cổ đã xây dựng những tiêu chí rất cụ thể để phân loại động vật. Theo đó, có một số tiêu chí sau đây: Trước hết là tiêu chí gần – xa: Đây là tiêu chí mà người Việt dùng để xác định động vật nuôi và động vật hoang dã. Theo quan niệm này, tất cả động vật nuôi được đánh giá là gần gũi, gắn bó với con người. Ngược lại, động vật hoang dã được đánh giá là xa lạ hơn, ít gắn bó hơn với con người; Thứ hai là tiêu chí đáng giá – không đáng giá: đây là cách đánh giá về giá trị vật chất, giá trị văn hóa của các loài động vật trong các lĩnh vực của đời sống con người. Các loài vật nuôi, hoặc đã được thuần dưỡng như voi nhà, trâu, bò, dê, lợn, gà đứng đầu các nấc thang giá trị, được sử dụng làm vật lễ tế, dâng cúng, hiến nạp, trao đổi, mua bán nhiều nhất.

Tuy nhiên, một trong những tiêu chí chi phối mạnh nhất tới việc người Việt cổ lựa chọn loài động vật để dâng cúng trong các hoạt động tâm linh là dựa vào tiêu chí sạch – không sạch. Tính chất  này của động vật qua đặc tính sinh hoạt của chúng bị người Việt quy chiếu về hạng người hoặc những quan hệ xã hội khác trong đời sống con người. Bởi vậy, những con vật có đặc tính xấu bị loại bỏ trong cúng tế. Ví dụ con chuột tương ứng với loại người chuyên làm chuyện đục khoét, con rắn có nọc độc hình ảnh của người độc ác, con vịt lạch bạch không bay xa là so sánh của người chậm chạp…

Trong quan niệm của người Việt tính chất sạch hay không sạch của động vật và các thức ăn có nguồn gốc động vật có mối liên hệ sâu sắc, mật thiết với quan niệm tôn giáo, tín ngưỡng của các cộng đồng. Tuy nhiên, trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, những quan niệm này không chặt chẽ, nghiêm ngặt như các tôn giáo khác. Gà và lợn là những đồ lễ quan trọng của người Việt trong mọi nghi lễ: tục thờ cúng tổ tiên, thành hoàng, thổ thần, cúng trời đất… Người Việt cũng dùng cá để dâng cúng, những loài cá được xem là sạch, được dâng cúng thường xuyên là cá chép, cá trắm, ngược lại, cá mè, cá trê, lươn, chạch vv… không được xem là những đồ lễ sạch vì chúng sống dưới bùn nhơ hoặc tanh tưởi hay có màu đen màu của tang tóc. Con chó – một con vật nuôi cực kì thân gần với người, nhưng đồ ăn từ thịt chó lại bị xem là những thứ không tinh sạch, bởi chó ăn chất thải không thể dùng trong tế lễ.

Trừ cá, hầu hết động vật hoang dã không còn được xem là nguồn thức ăn chủ yếu của con người, đồ ăn từ động vật hoang dã cũng không được xem là sạch sẽ, tinh khiết, quý giá, không được dùng trong nghi lễ, không phải là những đồ ăn của thuần phong mĩ tục. Câu thành ngữ “Ăn cả rắn, đéo cả ma” biểu hiện phần nào quan niệm về thức ăn nguồn gốc từ một số động vật hoang dã trong dân gian xưa (chủ yếu là đồng bằng Bắc bộ): những thức ăn này là lạ, độc, không thích hợp với con người, không nên lạm dụng.

Người Việt cổ ưa dùng các loài gia cầm, thú nuôi làm đồ ăn – chế biến kĩ để dâng cúng tổ tiên, xem đó là thành quả lao động quý giá, biểu hiện sự thành tâm, sự tri ân của con người đối với gia tiên, với các thế lực siêu nhiên, với đất trời… Đó cũng là một nét đẹp văn hóa trong cách ứng xử với cộng đồng, với môi trường. Và với những quan niệm như vậy, nên dù số lượng muông thú trong điều kiện tự nhiên Việt Nam có tới trên nghìn loài, nhưng các con vật được chọn làm đồ cúng thần linh, tiên tổ chỉ có đến vài chục loài mà thôi.