Bi hài câu chuyện Luật Nhà văn

 

Cội nguồn câu chuyện là do đề xuất của một ông Nghị

tt12Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 13, nhà văn, bác sĩ, đại biểu Nguyễn Minh Hồng đề xuất đưa Luật Nhà văn vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh Quốc hội khóa 13. Để miêu tả  cách hình dung của mình về đề xuất này, đại biểu Nguyễn Minh Hồng cho biết: “Thực trạng văn học đặt ra nhiều vấn đề như: viết về lịch sử như thế nào thì không bóp méo, xuyên tạc lịch sử; Xử lý tranh chấp bản quyền, hồi ký ra sao; Căn cứ nào phân giải hiện tượng đạo văn; Làm sao bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền thừa kế cho nhà văn ra sao... Rồi có người hỏi, thế nào là nhà văn? Có thẻ Hội Nhà văn có phải nhà văn không? Có người viết văn rất nhiều nhưng không có thẻ thì có gọi là nhà văn? Hoặc có giáo viên dạy chuyên văn thì có thể gọi là nhà văn?... Như thế là phải có luật”.

Cũng theo Ông Nguyễn Minh Hồng sở dĩ ông nhất quyết đề xuất Quốc hội đưa Luật nhà thơ vào bộ luật vì : "Năm ngoái, sau khi nghe nghị quyết của Đại hội Hội Nhà văn khóa VIII, tôi đã đứng lên phát biểu: 'Với tư cách là nhà văn và đại biểu Quốc hội, tôi sẽ cố gắng đưa luật này vào trình Quốc hội'. Sau đó các nhà văn vỗ tay. Hứa rồi nên bằng bất kỳ giá nào tôi cũng phải trình, nếu không các nhà văn lại bảo đại biểu Quốc hội nói suông, hứa không làm”. Và thế là dù không chắc chắn về khả năng Luật Nhà văn được Quốc hội xem xét, đại biểu Nguyễn Minh Hồng vẫn nhất quyết trình lên 'bằng bất kỳ giá nào' vì  đã hứa với các nhà văn '.

Và đã  quyết là làm, ông Hồng đã trình lên Quốc hội tại kỳ họp của Quốc hội vừa qua, trong chương trình nghị sự thảo luận về Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Ngay sau khi trình, dư luận và số đông đại biểu bất ngờ trước những dự án luật Luật Nhà thơ. Và nội dung đề xuất này trở thành chủ đề khá nóng trong đời sống xã hội.

Bình luận của người trong cuộc

Không kể những bài đăng trên các trang mạng xã hội của một số nhà phê bình, nhà văn nhà thơ nổi tiếng trên các trang Bloc Phạm Ngọc Đào, Bloc Trương Duy Nhất với những ý kiến gay gắt, bi hài nhưng bộc lộ rõ ý phản đối; các nhà thơ nhà văn điểm tĩnh hơn cũng có ý kiến bất đồng.

Nhà thơ Bằng Việt chia sẻ: “Tôi chưa hình dung ra chuyện này vì chưa thấy có nước nào trên thế giới có Luật Nhà văn”. Nhà văn Hoàng Minh Tường cho biết: “Khi thấy có người đề xuất ra Luật Nhà văn, tôi thấy ngạc nhiên, buồn cười lắm”. Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đặt vấn đề: “Nếu xây dựng Luật Nhà văn thì chắc sẽ phải có Luật Nhà thơ, Luật Nhà phê bình rồi Luật Họa sĩ, Luật Nhạc sĩ...?”.

Nhà văn Hoàng Minh Tường cũng nhận định, người đề xuất đã hiểu quá đơn giản nguyện vọng của các nhà văn. Theo ông, nghị quyết Đại hội VIII đã đưa ra những đề nghị khá hợp lý, tạo tiền đề cho sự phát triển của văn học. Nhưng vị đại biểu được họ gửi gắm đã không hoặc chưa lĩnh hội hết tâm tư của những người cầm bút.

Ngay cả Đại biểu Quốc hội, ông Trần Du Lịch cũng thẳng thắn nêu quan điểm: "Tôi không hiểu dự án Luật Nhà thơ nó chế định cái gì mà lại được đưa vào chương trình. Chẳng nhẽ lại bắt ông kia phải làm thơ, ông này không được làm. Trong khi những cái rất cần như Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước, đã được đề nghị đưa vào từ khóa trước đến nay nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn còn nợ cử tri".

Về kiến giải của ông Hồng nguyên nhân ông đưa trình Quốc hội cái văn bản dự kiến đưa vào dự thảo luật ấy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, tinh thần của Luật phát triển văn học mà Hội đề xuất hoàn toàn khác với cách hiểu của đại biểu Nguyễn Minh Hồng. “Dù chưa rõ ràng, nhưng nghị quyết Đại hội VIII mong muốn Quốc hội tạo hành lang pháp lý rộng mở hơn, bảo trợ cho hoạt động sáng tạo của nhà văn, ví dụ tạo điện kiện cho tự do sáng tác; đầu tư sáng tác; phát triển tài năng, bảo vệ bản quyền… Nếu soạn thảo theo tinh thần đó thì tôi nghĩ luật có thể cần thiết để tồn tại. Nhưng phải gọi nó bằng một cái tên khác, chứ không phải là Luật Nhà văn”.

Tuy không phát triển thành một bộ luật riêng, nhưng một số nước trên thế giới cũng ban hành các chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với văn nghệ sĩ, trong đó có nhà văn. Điển hình là mô hình của Ireland. Chính phủ nước này miễn hoàn toàn thuế thu nhập đối với một số ít các nhà văn, nghệ sĩ tài năng. Một số khác, đáp ứng đủ các điều kiện nhất định, sẽ được miễn thuế đối với khoản thu nhập 125.000 euro (3,6 tỷ đồng) đầu tiên trong năm. Một số quốc gia khác như Mỹ, Anh lại áp dụng chính sách trả lương cho các thi sĩ công huân (những người có vai trò quảng bá, kích thích sự phát triển của thơ ca cũng như văn hóa đọc trong công chúng). Và hầu hết quốc gia phương Tây đều dành ra khoản ngân sách nhất định đầu tư cho các thư viện công, hỗ trợ hoạt động sáng tác cũng như khuyến khích các tài năng nghệ thuật.

Lời bình thêm

Luật pháp dưới góc độ luật học được hiểu như là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, và cưỡng chế.Như vậy pháp luật là hệ thống các quy tắc hành vi, quy tắc xử sự do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận đựoc nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điểu chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình. Từ định nghĩa khái quát này, áp dụng cụ thể vao việc xây dựng luật Nhà thơ đúng hay sai?

Thứ nhất, trên thế giới chưa có tiền lệ này bao giờ. Sự chưa có tiền lệ phản ánh cách nhận thức của cộng đồng các quốc gia là không cần thiết, không đúng hoặc cách nhìn của họ kém người Việt. Trong lập luận này giả thiết thứ 2 rõ ràng đuối lý, vì nền văn chương của Việt Nam không phải là vùng trung tâm của thế giới bao giờ. Các quốc gia sở hữu những  vùng văn chương cổ lớn phải kể đến Trung Quốc, những dòng văn học ánh sáng (Pháp), hay Phục hưng (Anh), và cả cường quốc Mỹ, nơi có nền văn học hiện đại phát triển, có  bộ luật khá đầy đủ và khổng lồ.

Thứ hai, Bản thân các Văn nghệ sỹ  là những công dân họ bị điều chỉnh bởi rất nhiều các quy phạm pháp luật khác để làm tròn tư cách công dân. Và như vậy khi làm thơ, viết văn ngòi bút văn sĩ luôn phải điều chỉnh cho đúng quy phạm rồi. Nếu coi làm thơ, viết văn là một nghề (thực ra các nhà thơ, nhà văn Việt Nam hầu hết là công tác ở ngành nghề khác) thì bản thân nghề nghiệp đó có những quy định của nó rồi, và đương nhiên quy định này đã tuân thủ luật pháp. Việt Nam có điều lệ Hội Nhà văn gồm có 7 chương 29 Điều được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam và được bổ sung liên tục cho phù hợp thực tiễn. Như vậy chế ra cái Luật nhà văn để làm gì? điều này giống như ta mặc một bộ cople lịch lãm vừa khít pom người lại bắt khoác thêm 1 chiếc áo tơi ra ngoài vậy, nó vừa xấu xí vừa không khéo lại bị coi là nhố nhăng và bị tội làm tổn hao tiền của dân.

Thứ ba, bản thân sáng tác văn học nói chung, và thi ca nói riêng là lĩnh vực sáng tạo. Có quá nhiều tư tưởng của nhà văn đi trước thời đại hàng thiên niên kỷ hoặc thế kỷ. Ví như “Hai vạn dặm dưới biển” của Juynvec, “Chinh phục mặt trăng” của Xioncopxki… trước đây là những viễn tưởng bây giờ là sự thật. Một đặc trưng của nguyên tắc làm luật là xây dựng các quy phạm bắt nguồn từ thực tiễn. Trước đây ta có luật cho xe 2 bánh và 4 bánh, nhưng các anh chàng láu cá làm xe 3 bánh thành ra cái bánh thứ 3 nằm ngoài quy phạm, vậy phải cho nốt nó vào bằng luật xe có động cơ. Câu chuyện với văn sĩ không phải vậy, nếu cấm họ tưởng tượng ra ngày tận thế, những trận sóng thần hủy diệt thì không những không có những tác phẩm hay mà còn làm mất chức năng dự báo tiên đoán , định hướng của văn chương vốn rất hữu ích cho khoa học và làm giàu trí tưởng tượng bay bổng của con người. Chúng ta đã hơn một lần nghe câu chuyện về Galile khi ông khẳng định trái đất quay đã phạm luật nhà thờ và ông bị  hình phạt oan uổng. Vậy muốn làm Luật này thì những nhà làm luật phải là thượng đế chí tôn, người biết trước là viết như vậy có đúng với thực tiễn xảy ra ở trăm năm nghìn năm sau không thì mới cấm được.

Chúng ta lo lắng về việc không có luật thì văn sĩ sẽ làm rối lên? Xin thưa không phải, ngoài ý thức pháp luật của công dân nhà thơ thì chúng ta còn có cả bộ máy chuyên chính, có hệ thống luật khác điều chỉnh và nhiều văn sỹ đi trệch quỹ đạo làm tổn hại quốc gia đã nhận hình luật. Bởi vậy câu chuyện Luật nhà văn hình như là chỉ để nói ra cho vui lúc cao hứng sáng tác của một ông Nghị  mà thôi.