Xã hội hóa công tác giáo dục phải gắn liền với chính sách đầu tư của Nhà nước

xa_hoi_hoa Xã hội hoá giáo dục theo quan điểm nước ngoài (All for ducation) là một quá trình mà giáo dục phát huy hết vai trò của nó đối với xã hội và mọi người và xã hội cùng mọi người phải có trách nhiệm về tinh thần và vật chất đối với giáo dục.  

Khái niệm Xã hội hoá giáo dục  (XHHGD) ở Việt Nam trên thực tế là khái niệm quen dùng trong đời sống giáo dục và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên bản thân giáo dục đã chứa tính xã hội, giáo dục không cần hoá , cho nên cần hiểu chính xác hơn là  xã hội hoá công tác giáo dục (XHHCTGD) đây cũng chính là khái niệm gần đây các nhà nghiên cứu giáo dục đã dùng. 

Nghị quyết của Chính phủ số 90/CP ngày 21/8/1997  và  Luật giáo dục. Điều 11 về xã hội hoá sự nghiệp giáo dục cũng đã xác định hàm khái niệm này và vai trò chủ đạo của nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục. 

Về nội dung cơ bản của xã hội hoá sự nghiệp giáo dục, Nhà nước cũng đã thể chế hoá cuộc vận động này và nêu rõ các nội dung cơ bản của nó. Để ngắn gọn người ta thường gắn 5 nội dung xã hội hoá nêu trên với 5 chữ hoá như sau : 

Giáo dục hoá xã hội tức là tạo cơ hội học tập cho mọi người - tạo nên một xã hội học tập ;  Cộng đồng hoá trách nhiệm của giáo dục và của cộng đồng, xã hội;  Đa dạng hoá loại hình, hình thức giáo dục; Đa phương hoá nguồn lực và huy động cộng đồng;  Thể chế hoá chủ  trương xã hội hoá giáo dục để chủ trương này nhanh chóng đi vào cuộc sống.  

Việc huy động cộng đồng tham gia và phát triển giáo dục liên quan đến nhận thức của xã hội về giáo dục, lợi ích và trách nhiệm của nhà trường, của cộng đồng gắn liền với chính sách đầu tư của nhà nước TW và địa phương đối với giáo dục.

Từ việc phân tích toàn bộ cơ sở lý luận trên chúng ta có thể rút ra những thiếu sót trong nhận thức về XHHCTGD hiện nay.

Một là không nên hiểu đơn thuần đây là hoạt động quyên tiền xây dựng CSVC hỗ trợ đời sống giáo viên cho các nhà trường. Trên thực tế nó là một cuộc tổng huy động mọi nguồn lực vật chất và tinh thần cho sự nghiệp giáo dục để thực hiện nhiều mục tiêu giáo dục khác nhau.

Hai là mọi đối tượng trong xã hội đều có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia trong đó có một lực lượng là chính những người đang hoạt động trong ngành giáo dục và người học.

Ba là XHHCTGD không chỉ hiểu đơn thuần là việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư. Vấn đề vai trò của quản lý nhà nước được xác định rất rõ đó là chính sách đầu tư  cho giáo dục của nhà nước TW và địa phương phải được hoạch định ưu tiên theo quan điểm "Giáo dục là quốc sách hàng đầu". Bởi không có lý gì, khi những nhà trường chịu sự quản lý nhà nước của chính quyền TW và địa phương, đào tạo con người cho xã hội lại chỉ được nhận nguồn hỗ trợ từ cộng đồng. Và như vậy rõ ràng XHHCTGD luôn gắn liền với chính sách đầu tư của nhà nước. Nói cách khác, nhà nước cũng là một đối tượng tham gia.

Hiện tại, XHHCTGD vẫn còn quá nhiều bất cập. Trước tiên cần đặt câu hỏi ai là người chịu trách nhiệm tổ chức quản lý chỉ đạo cho hoạt động này ở các cấp? Hầu như không có một bộ phận nào quản lý chỉ đạo trực tiếp mà chỉ là một nội dung hoạt động trong một đơn vị hoặc một nhà trường mà thôi. Trên thực tế chúng ta có các nghị quyết, nhưng chưa có bộ máy vận hành chỉ đạo. Đề cập tới vấn đề này PGS.TS Hà Nhật Thăng - Viện chiến lược Việt Nam, nói " Chủ tịch UBND các cấp, Hiệu trưởng các đơn vị trường học là người chỉ đạo. Hoạt động của công tác này theo trục dọc bằng cơ chế chính sách và kế hoạch hoá cụ thể từ nhà nước cấp tỉnh đến đơn vị cơ sở ". Do không có chỉ đạo như vậy nên hầu như công tác này hoạt động không đồng nhất và mới phát huy tại các đơn vị cơ sở nhưng vẫn theo hướng mạnh ai ấy làm nặng về tự phát.

Mặt khác do nguyên nhân vừa nêu, nên vai trò của nhà nước chỉ đạo bị mờ, làm cho các vùng miền với những điều kiện khác nhau thì kết quả thu được khác biệt. Có những đơn vị nhà trường thu được hàng tỷ đồng từ XHHCTGD /năm học, nhưng cũng có nhiều nhà trường chỉ được sự cảm thông chia sẻ của cộng đồng mà thôi. Thạt khó có thể nói là XHHCTGD tốt khi mà các vùng đô thị được hỗ trợ nhà nước ngang bằng với vùng khó khăn trong khi nguồn lực huy động từ cộng đồng nơi đây gấp hàng trăm lần vùng nông thôn nghèo. Những vấn đề hoạch định chính sách chưa được điều tra xã hội học và kiểm chứng thực tiễn dẫn đến những nội dung chính sách ban hành trở nên bất khả thi. Điển hình là sự xoá sổ hoặc hoạt động đèo đẹt của không ít các trường ngoài công lập. Vừa qua Thành phố Hồ Chí Minh có tới 22 trường THPT ngoài công lập phải chuyển đổi mô hình công lập tự chủ để tạm tồn tại, tương tự Hà Nội có 06 trường sát nhập vào công lập và giải thể. Tại Hải Phòng những trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT An Hải phải chuyển sang đào tạo nhiều cấp học, 4 trường  bán công chuyển sang công lập và 3 trường THPT khác chuẩn bị giải thể vì không có học sinh trong đó có trường đầu tư tới 50 tỷ đồng cơ sở vật chất. Ở đây nếu có cơ cấu hợp lý về tỷ lệ phân nguồn học sinh thì có thể phát triển được khối trường này ở các vùng kinh tế nội đô, nhà nước giảm chi ngân sách mà lại tập trung hỗ trợ cho các trường học ngoại thành là những trường quá yếu về sức huy động từ cộng đồng.

Ông Vũ Xuân Khoá - Hiệu trưởng trường THPT Mari Quyri (Hải Phòng) bức xúc: "Thành phố trống dong cờ mở để đón dự án đầu tư nước ngoài, nhưng các trường xin một ít diện tích đất để làm sân giáo dục thể chất thì nhiều năm vẫn chờ đợi. Với 26/64 trường THPT ngoài công lập chiếm tỷ lệ trên 40% mà các trường chỉ được phân nguồn 28% học sinh tốt nghiệp THCS bị loại ra từ thi vào công lập thì các trường sao có thể phát triển quy mô, bởi trong 28% ấy có nhiều em đi học TTGDTX, đi học nghề và bỏ học đi làm".

Nếu kết hợp tốt giữa chính sách nhà nước và nội lực của cộng đồng thì rõ ràng có một sự điều tiết hữu hiệu làm cho tất cả các trường học đều được hỗ trợ. Và giảm tải được gánh nặng ngân sách nhà nước, tạo ra sự công bằng tương đối giữa thành thị và nông thôn

Trong suốt tiến trình phát triển, GD&ĐT với xã hội đã tạo nên một hình xoắn ốc ,ở đó luôn tồn tại mối quan hệ hai chiều thúc đẩy nhau cùng phát triển. Sự cân bằng động đó tồn tại vì con người và do con người. Trong quá trình ấy GD là công cụ ,là phương tiện để cải biến xã hội; và chính nhờ có giáo dục làm động lực XH sẽ không ngừng phát triển. Như vậy thực hiện tốt xã hội hoá giáo dục tức là gắn kết xã hội với giáo dục quá trình gắn kết này thúc đẩy cân bằng động phát triển. Đương nhiên để có được điều đó, cần phải hiểu về nội hàm của XHHCTGD và có những giải pháp hành động tích cực tầm vĩ mô. Việc làm XHHCTGD theo kiểu phong trào sẽ không cắt được cái đuôi tự phát và rất dễ trở thành một thứ  bệnh nữa "Bệnh XHHGD".

Nguyễn Đình Minh

( Đã đăng trên Báo BVPL tháng 9/2009)