Mật mã tranh “Ngũ hổ” Đông Hồ

Bức tranh “Ngũ hổ” của làng tranh Đông Hồ đã xuất hiện từ vài trăm năm nhưng bỗng nhiều nhà nghiên cứu phát hiện ra hiện tượng “loạn ngũ hành” trong bức tranh này. Vậy đây là sự nhầm lẫn do vốn hiểu biết về triết học phương Đông của tiền nhân hay còn vì lý do nào khác?

 

Bố trí “loạn ngũ hành”

Tranh “Ngũ hổ” Đông Hồ được dân gian yêu thích và thường mua về làm tranh thờ tết. Trên nền phông tranh có hình mặt trời rực rỡ, những ngôi sao chìm mờ, gió mây cuồn cuộn biểu thị cho vũ trụ chuyển động và rộng lớn. Nhóm hình ảnh trung tâm được tập trung miêu tả là 5 con hổ với 5 màu khác nhau tượng trưng cho màu Ngũ hành theoquan niệm của người phương Đông về mối tương tác của vạn vật trong trong tự nhiên. Hiện còn lưu tồn được 2 bức tranh cổ. Bức thứ nhất miêu tả con hổ hành Thổ màu vàng to hơn những con hổ khác, nó đè chân lên chiếc hòm ấn có khắc 6 vạch (kí hiệu của quẻ Bát thuần Càn trong Kinh Dịch) ;bên trái có 5 bảo kiếm thể hiện uy lực, bên phải có 5 lá cờ ngũ sắc thể hiện sự linh hoạt. Tập trung bút lực miêu tả vào con hổ này tác giả dường như muốn biểu hiện “đất” là yếu tố trọng tâm có liên hệ với 4 yếu tố còn lại. Tiếp theo, tính theo chiều kim đồng hồ là con hổ hành Kim màu trắng, con hổ hành Hỏa màu đỏ, con hổ hành Mộc màu xanh lá, con hổ hành Thủy màu đen, chúng đứng xung quanh con hổ vàng làm thành một vòng tròn. Ở bức thứ 2 có sự thay đổi nhỏ đó là 2 vị trí của hổ hành mộc và hổ hành thủy giao hoán cho nhau.

 

Nếu đặt 2 tranh này bên cạnh tranh “Ngũ hổ” của làng tranh Hàng Trống và nhìn qua, có lẽ chỉ nhận ra sự khác biệt là tranh Hàng Trống tinh vi hơn ở đường nét màu sắc đặc biệt là độ nổi khối 3D, khi mà tranh Đông Hồ chỉ là mặt phẳng dẹt. Tuy vậy quan sát kỹ mới thấy sự khác biệt thật sự nằm ở việc các nghệ nhân bố trí  5 con hổ ở các vị trí khác nhau. Nếu “Ngũ hổ” Hàng Trống bố trí các con hổ được tô màu xếp theo chiều chạy của kim đồng hồ tuân thủ nguyên lý tương sinh của ngũ hành: Kim (Hổ trắng) - Thủy (hổ đen) - Mộc (hổ xanh lá) - Hỏa (hổ đỏ) – Thổ (hổ vàng) thì tranh “Ngũ hổ” Đông Hồ lại bố trí theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Nếu lấy tranh Hàng Trống làm chuẩn thì rõ ràng cách bố trí của “Ngũ hổ” Đông Hồ không ra kiểu ngũ hành gì, và vì thế nhiều người đã kết luận là do thất truyền nên đời sau các nghệ nhân Đông Hồ mới “làm bừa” ra thế.

Mật mã ẩn giấu

Sự thật không phải vậy, cần nhìn hình theo hướng các đường liên kết của chúng. Theo chiều ngang (hoành) thì có 2 cặp tương sinh ( Mộc – Hỏa và Kim – Thủy). Nếu theo các đường chéo thì có 2 cặp tương khắc ( Thủy – Hỏa và Kim – Mộc), theo đó, Thổ (hổ vàng ở giữa) tương sinh với Kim, Hỏa và tương khắc với Mộc, Thủy. Đây là một thông điệp toàn diện và rất dễ hiểu được thể hiện theo nguyên lý “Ngũ hành nguyên thủy”.

Nhưng các nghệ nhân còn đạt đến trình độ siêu tinh vi, họ đã mã hóa thông điệp ngũ hành vào chính 5 con hổ tưởng như xếp sai vị trí đó. TS. Hà Hưng Quốc (khoahocnet.com) viết: “phải khám phá được sự phản ảnh của bức tranh ở cả hai chiều thuận và ngược kim đồng hồ thì mới có thể tiến tới chỗ phục dựng đúng đồ họa ẩn dấu trong tranh. Điều này đặc biệt quan trọng vì sự vận hành hai chiều chính là dấu ấn đặc thù của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy”.  Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra cách “đọc” mật mã này bằng phương pháp lấy 2 tấm gương đặt ở bên phải và bên trái đồng thời cùng chiếu chếch vào bức tranh, kết quả tạo ra 2 hình ảo mới trong gương. Hai hình ảo này cho ta phát hiện ra đồ họa chỉ 2 chiều vận hành thuận và nghịch của ngũ hành. Theo đó, khi xoay cho hành Thủy lên hướng chính Bắc thì ảnh bên trái phản ảnh chiều vận hành của ngũ hành thuận kim đồng hồ và ảnh bên phải phản ảnh chiều vận hành ngược kim đồng hồ.  Điều này cho thấy tính minh triết trong nhận thức thế giới của các nghệ nhân đó là dù trong không gian thời gian nào thì sự tương sinh và tương khắc của các yếu tố trong ngũ hành đều là bất biến.

Đến đây ta hiểu thêm vì sao con hổ vàng lại được đặt ở vị trí trung tâm, nó là yếu tố đất phải hứng chịu tất cả những ảnh hưởng thuận và nghịch của các yếu tố tự nhiên khác tác động. Mặt khác hình ảnh con hổ hành Thổ màu vàng đè chân lên chiếc hòm ấn có khắc 6 vạch (kí hiệu của quẻ Bát thuần Càn trong Kinh Dịch) mang một thông điệp lớn cho con người trên trái đất. Bởi theo bàn luận của kinh dịch, quẻ này là quẻ đại cát mang ý nghĩa về đạo trời trỏ ra quy luật giao hòa của vạn vật trong vũ trụ nếu thuận theo và biết vận dụng các mối liên hệ tương tác của chúng trong những hoàn cảnh, công việc cụ thể thì con người sẽ luôn tạo được hạnh phúc./.

 

                                                 Thạc sỹ. Nguyễn Đình Minh

                                                           (Hải Huyền Phong)

Chú thích ảnh: Tranh “Ngũ hổ” dòng tranh Đông Hồ.