Bài thi môn Sử, kỹ năng cần nhớ.

 

Những năm gần đây, kết quả thi môn Lịch sử trong kỳ thi đại học có thể coi là bi đát, thực tế năm 2011, tỷ lệ thí sinh zqx1241599602đạt điểm 5 môn này không quá 30% tổng số người dự thi, trong đó tại hội đồng thi Đại học Tôn Đức Thắng chỉ có 1 bài duy nhất đạt 5 điểm. Đã có nhiều quan điểm nêu nguyên nhân của tình trạng này, nhưng trong đó có một nguyên nhân chủ quan, đó là thí sinh không thành thạo kỹ năng làm bài.

Trao đổi với cô Hà Thị Nga, nguyên chuyên viên bộ môn lịch sử Sở GD&ĐT Hải Phòng và  nhóm giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Nguyễn Khuyến, những vấn đề này đã được làm rõ với những chỉ dẫn bổ ích. Theo đó nguyên tắc làm bài thi đại học môn lịch sử phải đạt được là Đúng, trúng và hay. Đúng là lý giải không sai vấn đề mà đề hỏi, không lan man xa đề hoặc lạc đề. Trúng là tập trung xoáy sâu, khai thác triệt để trọng tâm vấn đề nội dung câu hỏi đặt ra; và hay là phương pháp lập luận chặt chẽ theo đặc trưng bộ môn, vấn đề hình thức trình bày tường minh.

Bộ môn Lịch sử theo quan điểm từ xưa vẫn coi là môn học thuộc lòng, nhưng căn cứ trên các đề thi từ xưa đến cấu trúc thi mới như mấy năm gần đây cho thấy, nội dung học thuộc lòng không quá 30% nội dung bài thi; và nội dung này cũng không phải là nội dung cứ thuộc là kể ra mà nó chỉ có giá trị như dẫn chứng minh họa. Phần quan trọng nhất là những đánh giá nhận xét ý nghĩa của sự kiện và kỹ năng xâu chuỗi tổng hợp. Để đạt điểm cao trong kỳ thi cần có một phương pháp làm bài hiệu quả, và nắm vững những bí quyết đặc trưng của thi môn sử.

Khi nhận đề thi, cần đọc kỹ lưỡng các câu hỏi trong đề thi để tránh được lạc đề, xác định được đề thi có bao nhiêu câu, câu nào ngắn, câu nào dài để khi trả lời tránh tình trạng trả lời thừa hay thiếu. Khi làm một câu trong đề, để tránh tình trạng bỏ sót các ý  cần viết  dàn ý sơ lược ra giấy nháp gồm các ý chính, các ý nhỏ trong ý chính. Đây là phần quan trọng, nhưng tránh làm nháp hết các nội dung trả lời ra giấy rồi viết lại vào trong bài, vì sẽ rất mất thời gian .

Cấu trúc  Đề thi tuyển sinh môn Sử hiện nay thường có từ 3- 4 câu hỏi. Mỗi câu hỏi có thang điểm khác nhau. Câu nào có số điểm cao thì có độ khó hơn và độ dài hơn, với dạng câu hỏi này thì dành nhiều thời gian hơn. Để tận dụng thời gian, tạo hưng phấn cho chính mình cho nên làm bài tuân theo nguyên tắc: Câu nào thuộc nhất làm trước.

Cần tập trung cao cho loại câu hỏi cần phải tổng hợp kiến thức, hãy xác định rõ xem những nội dung trả lời nằm ở những bài nào, chương nào. Những câu hỏi mang tính chất trình bày sự kiện, phải trình bày theo thứ tự: hoàn cảnh, chủ trương, diễn biễn, kết quả, ý nghĩa sự kiện. Những câu hỏi nhận định, giải thích, nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc: Xác định sự kiện trước khi trình bày nội dung sự kiện.

Cũng như các môn thi khác, yếu tố thời gian là cực kì quan trọng. Vì vậy,  cần phân phối thời gian các câu sao cho hợp lí. Cô Nguyễn Thị Thuấn (THPT Nguyễn Khuyến) nêu một kinh nghiệm , với thời gian làm bài giả thiết là 180 phút, hãy dành 30 phút cho xác định yêu cầu của đề, viết đề cương sơ lược, soát lại bài; 150 phút chia cho thang điểm 10 để tính ra số thời gian dành cho mỗi câu. Như vậy mỗi điểm tương ứng với 15 phút, giả sử câu có biểu điểm là 2 thì dành thời gian cho nó là 30 phút...

Một bài học đáng giá cần nhớ cho các thí sinh là việc trình bày. Trình bày không  chỉ là viết đẹp viết sach , mà quan trọng  là phải viết tắt đúng quy định, không sai chính tả và đặc biệt là diễn đạt đúng ngôn ngữ lịch sử trong sáng, lập luận chặt chẽ đảm bảo nguyên tắc : Đúng, trúng và hay.