Những góc nhìn riêng từ suy tư và cảm xúc - Nhân đọc ‘‘Miền Hoa Phượng” – tập thơ của Nguyễn Văn Mạnh

Phóng khoáng, ăn sóng nói gió, đúng tính cách của người đất Cảng và lao vào làm việc quyết cho bằng được bất kể không gian vùng địa lý xa xôi, bất kể thời gian đêm ngày… đó là tính cách con người Nguyễn Văn Mạnh. Có hơn 10 năm cùng làm báo chí với nhau tôi đã quen những cá tính của vị Luật sư - Nhà báo này, nhưng cũng vẫn bất ngờ và xúc động khi anh đưa tập bản thảo thơ.  Thì ra tất cả những cái tôi biết về anh vẫn là phần nổi của tảng băng chìm, có một phần khuất lấp anh giữ kín đó là những khúc ngân tâm hồn bây giờ mới được người thơ mở ra trao gửi…

Như tất cả những người viết thơ ở độ tuổi anh, một vỉa thơ mà tôi tìm được trong tập bản thảo là những cảm thức về một thời quá vãng. Mặc dù quê hương anh làng Gạo, xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, vùng ngoại thành, trong hồi ức của anh toàn kỷ niệm buồn nhưng nó bước vào thơ anh thì khác hẳn, nó như một phần máu thịt anh nâng niu trong đời vậy. Trước hết nó vẫn ngời sáng ở nhiều bài thơ trong tập với ánh trăng, hương đồng nội, triền đê nợp cỏ, cánh diều… Nhưng cái lắng sâu ở anh là bản sắc quê hương. Đó là trường hợp ở nước ngoài xa xôi gặp bà cụ gần trăm tuổi xa  quê, nhưng tác giả vẫn nhận ra hồn vía làng mình qua giọng nói tiếng Việt. Đây là sự độc đáo mà ít những bài thơ viết về quê hương có được :

Những âm tiết của người quê tôi nói ngọng,

Có đốt thành tro… cũng tiếng người làng!

Nhà thơ trong dòng hồi ức của mình đã không sa vào con đường mòn của người đi trước mà luôn có được sự tìm tòi riêng vì thế mà nỗi nhớ trong các câu thơ không chỉ lạ về đề tài được phát hiện mà còn sáng lên cái riêng có. Đây là anh nhớ về mái trường quê một thời mà các hình ảnh khiến chúng ta vừa vui vừa tủi: Trường Huyện như bảo tàng xe đạp/ Đủ ngàn kiểu dáng khắp Đông Tây/ Em bên hàng xóm đi bộ suốt… và trong bộn bề ký ức ấy, cô giáo dạy môn Toán hiện dậy cũng không giống với các cô giáo của các bài thơ thường gặp mà là một nhà giáo trút hết tình yêu cho nghề, cho trò nhưng vẫn gần như trắng tay, một chuyên gia dạy toán nhưng bất lực khi giải bài toán của đời mình. Bài thơ như một dấu hỏi lớn hay là một dấu chấm than mà tác giả đã tẩm vào đó niềm thương, nỗi đau của chính bản thân mình với cuộc đời cô giáo:

Ngàn đứa con cô đến chân trời góc bể

Vẫn không đứa con chỉ của riêng mình

Gian nhà hẹp bỗng thừa vô kể

Hoá một khoang thuyền đựng gió chông chênh

                                       ( Cô giáo dạy toán)

Là một chiến binh, một Luật sư, một Nhà báo trải đoạn trường băng vượt từ 1974 đến tận ngày nay có lẽ tự hình thành một tiểu thuyết của riêng anh, ở đó là những nổi chìm của cuộc chiến đấu máu lửa gian nguy, nỗi cơ cực đời thường, những bi kịch gia đình và bản thân… Nhưng trong thơ không thấy những tiếng buồn ấy cất lên. Trái lại những ký ức của anh lại đầy ắp sự sôi nổi, niềm tự hào của tuổi trẻ một thời. Điều này rung ngân rất rõ trong chùm thơ anh viết về nước Nga, những người bạn Nga trên công trình thủy điện Sông Đà, một chùm thơ anh đã đạt giải tại cuộc thi viết về nước Nga năm 2003:

Chàng I van từ cổ tích đi ra

Những Paven từ công trường đã tới

Trang sách Nga, con người Nga bổi hổi

Gieo vào tôi bản lĩnh giữa đất trời.

(Hồn Nga)

Nếu nói về những khúc trầm thì mảng thơ viết về đời lính của anh có những tiếng buồn thoảng vọng, đó là nỗi gian lao, hy sinh đời lính. Ở mảng này có nhiều câu thơ day dứt về cái chết của đồng đội: “Bao lần tiễn đưa đồng đội hy sinh/ Chẳng một sợi khói hương dù đầy trời lửa khói…”, hoặc chút nghi hoặc vu vơ sau giờ thắng trận với một cô gái nào đó ở hậu phương trước khi ra trận đã từng có hẹn thề: “Chiếc nhẫn Duyra em tặng tôi…hẹn đợi / Nhẫn vẫn còn / Con sáo có sang sông?”. Nhưng cũng chính ở đề tài người lính anh có những suy tư táo bạo trong lối ví von. Theo đó tiếng súng của người lính Cụ Hồ lại là tiếng “gõ cửa hòa bình”: Phép tính cuối cùng trên hành trình tìm đáp số/ Là tiếng súng ngày mai gõ cửa hòa bình” - ( Nghĩ giữa trưa im tiếng súng)

Hoặc nữa, những chiến binh Việt trong cuộc cứu nguy nạn diệt chủng cho dân tộc Campuchia được anh gọi là “Đạo quân nhà Phật”. Đấy là một cách nhìn của trái tim nhân văn

Giờ quê em lúa vàng đồng, lá khoe sắc biếc

Vẫn reo thầm thì tiếng máu chiến binh

Họng súng treo vành trăng hòa bình

Và trái tim của đạo quân nhà Phật

Em gái Takeo có thấu hiểu nghĩa tình?

Những bài thơ viết về đề tài tình yêu của Nguyễn Văn Mạnh cũng mang sức hút riêng. Trước hết nó cũng chao lắc đau khổ tuyệt vọng ngẩn ngơ… như trạng huống tình cảm của các trái tim yêu khi mối tình tan vỡ, nhưng hình thức thể hiện lại là những ẩn dụ thông qua hình ảnh “con sáo”, “con nhện” và các loài cây loài hoa “rau răm” “cải ngồng”... mỗi hình ảnh là một điển tích về một câu chuyện tình mang vẻ đẹp của nỗi buồn, nó không tuyệt vọng dù day dứt, nó không phải là sự buông bỏ mà mãi vấn vương hy vọng trở lại ngày xưa với những phút giờ của mùa yêu cũ:

Bây chừ con sáo sang sông

Rau răm ở lại cải ngồng nơi mô

Nhện đi khỏi tổ tò vò

Rồi mùa toóc rã rơm khô...có về?                                   

ừĐó cũng là cách nói, cách viết, cách chọn thi liệu ở chùm thơ về đề tài tình yêu lứa đôi trong các bài thơ Mùa xuân Yên Tử, Qua bến cũ, Em mãi mãi trong cánh rừng tưởng tượng…nhưng sự chia sẻ thấu hiểu trong tình yêu mới là điều quan trọng, nhà thơ đã nói được tiếng nói của trái tim yêu thông minh trong một câu thơ mang màu triết luận về thân phận mong manh và đau đớn của những người con gái đẹp :

Ai hiểu hồn hoa nặng tựa đá đeo

Suốt kiếp gánh nỗi buồn hương sắc

Rồi chìm trong cát bụi vần xoay?

Thơ là nhật ký tâm hồn của thi sĩ, nó cũng là nhật ký của cuộc sống thực mà bước chân tác giả đã đi qua. Tập thơ cho chúng ta nhận biết được bước chân mà Nguyễn Văn Mạnh đã đi và đến rất nhiều những vùng đất của tổ quốc. Trong những chuyến đi ấy có thể là hy sinh mất mát trong chiến đấu, có thể chứng kiến những số phận buồn và có cả những cuộc gặp gỡ, những niềm vui… Đây là một nỗi đau mà trái tim nhà thơ đã “chớp” được. Tưởng là phi lý em bé sống trong căn phòng VIP dư thừa vật chất nhưng ánh mắt khát vọng của em lại thoát lên một bi kịch thiếu lòng yêu thương máu thịt của người mẹ:

Đàn búp bê ngồi đứng trên sàn

Chúng lặng câm. Những thiên thần nhựa

Vô cảm với bàn tay bé thơ vuốt ve truyền lửa

(Bởi chúng sinh ra từ máy

Bay về với em trên đôi cánh bằng tiền).

(Mẹ của em)

Có điều với tác giả tất cả vui buồn đớn đau mà anh nếm trải đều hóa thành phù sa bồi đắp không chỉ tâm hồn mà còn là thể xác và ý chí, những điều ấy được ví với hình ảnh ẩn chứa sức gợi: “như mặt trăng tròn dần”:

Chúng tôi như mặt trăng tròn dần

Lúc về Nam khi hành quân lên ải Bắc

Súng nổ vô hồi đuổi giặc

Máu thấm bao lần dưới trăng sáng như mơ.

Một bộ phận khá nhiều của tập thơ là những bài thơ giàu suy cảm về rất nhiều vấn đề cuộc sống. Ở đề tài này có những suy nghĩ về quy luật của kiếp nhân sinh thông qua một ẩn dụ về bông nhất chi mai:

Như cánh bướm trời muôn kiếp mỏng manh

Có phải vì đất không mà trở lại

Để một thoáng sáng bừng rồi tàn lụi

Để như mất như còn, như có như không?

(Ngỏ với hoa mai)

 Có những triết lý tưởng như quen thuộc “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, câu tục ngữ xa xưa muốn đưa ra một đạo lý con người như nước phải thích nghi mới sinh tồn được. Nhưng ở thời hiện đại hôm nay, mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường tác động vào đời sống thì mọi thứ có thể thay đổi và những con người mang giá trị đẹp đẽ có thể chuốc lấy bi kịch thảm họa. Cách dùng ẩn dụ để nói về điều này của tác giả khá lạ:

Người đo vàng, cát bằng khuôn

Ở bầu vàng liệu có tròn được không?

Hay một kiểu ẩn dụ khác để nói về công lý vẫn tồn tại sự thiên lệch:

Có lúc ngẩn ngơ nhìn mạng nhện

Chỉ có những con nhỏ nhoi giắng vào bất hạnh                                             (chuyện ngày thường)

Tôi rất yêu những ý suy tinh tế và sâu sắc này bởi nó không phải là những suy nghĩ đơn thuần nữa mà nó đã chạm đến những vấn đề lớn lao hơn mà con người đang khát vọng vươn tới nhưng đích đến còn rất xa vời. Cái đáng quý là tiếng nói của một trái tim nhân văn đã cất lên và nói được điều ấy bằng thơ.

Có thể nói tác giả đã chiu chắt và chọn được một tập thơ vừa đủ (không phải về số lượng) mà là vừa đủ để người đọc hình dung một bức chân dung tâm hồn của một con người yêu thơ và làm thơ. Nén lại trong số lượng không nhiều bài nhưng lại đa dạng đề tài, cách nhìn, cách viết mang bản sắc riêng không bị pha trộn không theo các con đường mòn của người đi trước. Cách tiếp cận và giải quyết ý và tứ trong từng bài khá gọn ghẽ, hình ảnh và ngôn ngữ dường như khá rõ những sắc thái riêng hài hòa giữa cảm xúc và lý trí…Đó là điều quan trọng cần có của một phong cách dù ở giai đoạn mới bắt đầu mang trái tim theo gót nàng thơ.

Tác giả Nguyễn Văn Mạnh là một Luật gia, một Nhà báo và theo nghề cho đến bây giờ, cần xác quyết điều này để thấy rằng chính thực tiễn mà anh đã trải trong nghề, đã nhìn và đã cảm từ cuộc sống đời thực trở thành nguồn thi liệu đắp bồi nên thơ anh, một điều kiện mà hành trang thơ không thể thiếu. Bên cạnh đó, sự “va đập” của anh với rất nhiều nhà thơ Việt Nam đương đại trong các không gian, thời gian đã không chỉ giúp anh học một cách tự nhiên về kỹ thuật làm thơ mà còn là những cú hích vào trái tim mẫn cảm của anh làm nó rung ngân...Và cũng bởi vậy đọc thơ anh tôi không thấy có sự “ngơ ngác” nào của người mới vào nghề; Thơ anh rất đằm thắm, chạm đến trái tim và dư “muối” ở rất nhiều câu chữ.

Tôi đã tin yêu và đọc Nguyễn Văn Mạnh như vậy./.

 

                                                    Hải Phòng, Tiết Thanh minh, Xuân Nhâm Dần, 2022

                                                    N. Đ. M