Nhớ mãi những “Đêm Ca dao-Dân ca” năm ấy” ! - PGS.TS. NGƯT Bùi Quang Thanh

(Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập khoa Ngữ Văn, Trường ĐHSP Hà Nội II - Xuân Hòa - Vĩnh Phúc - 1975-2015)

"Thủ đô Xuân Hòa", miền nhớ của một thời với biết bao thế hệ sinh viên trường ĐHSP Hà Nội 2, trong đó có sinh viên khoa Ngữ văn; Họ đã sống và đặt, (hoặc đánh rơi) trên mảnh đất sỏi đá, nhưng bạt ngàn  hoa sim tím này những kỷ niệm mà bây giờ cầm lên vẫn  còn nguyên  lửa... Trong xô bồ hồi ức ấy, Thày Bùi Quang Thanh, người thày đến với Xuân Hòa từ những năm tháng đầu tiên, người thày của riêng tôi lại nhớ về một kỷ niệm... và khi đọc lại, nó gợi lên trong ta những nốt vĩ thanh vô cùng diệu vợi...

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc của trang Wb.

          Vậy là, bước vào niên học 1978 – 1979, tôi đã gắn bó với bục giảng của khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội II được ngót 3 năm… Khoảng thời gian của những năm tháng “cằn khô sỏi đá” nơi vốn đã từng được người đời khi đó mệnh danh là “Thủ đô mới” ấy, dường như góp phần tôi luyện cho những kẻ bị coi là “bạc phận”, phải rời xa chốn “Đô thành” để đến với môi trường mới thuần túy hoang sơ, không lấy gì làm hấp dẫn đó. Cái trưa hè bỏng rát cuối tháng tư năm 1976 vẫn còn như in hằn trong trí nhớ của tôi cũng như cô bạn đồng khóa Hoàng Thị Văn (sau đó chuyển vào ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh) và thày Bùi Minh Toán. Và còn cả thày Trần Tiến Đức nữa, nhưng tiếc thay, thày đã về cõi vĩnh hằng hơn chục năm rồi ! Bốn người vốn đang mang danh là cán bộ giảng dạy của khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, nay bỗng nhiên ngoặt đến làm bốn cán bộ giảng dạy cơ hữu đầu tiên của bậc đại học văn khoa nơi sỏi đá cằn khô này, ngày đó, nghĩ đến lại thoáng “rùng mình”. Quên sao được những đêm khuya âm thầm gạn kéo từng xô nước giếng dành cho mưu sinh ngày kế tiếp ! Quên sao được những trưa hè bỏng rát đường beton độc đạo rạch ngang lòng thị trấn, không một bóng cây, với ngót chục dãy nhà 5 tầng đối sánh giữa trung tâm Xuân Hòa, chứng tích của thứ quy hoạch “dở người” về một “Thủ đô mới” sau ngày thống nhất đất nước (1975) ! Quên sao được những chiều ngược dốc leo dãy Thằn Lằn, chặt củi ôm về dành dụm làm chất đốt thời gian khó ! Quên sao được những đêm trăng, dọc “phố” Xuân Hòa đèn dầu tại hàng chục quán chiếu của cư dân làng Công giáo Yên Mỹ thắp như sao sa, hàng trăm sinh viên Kiến Trúc, Sư phạm có lẽ vì đói quá mà không học được, đành thay nhau, lần lượt ôm sách, ôm giá vẽ ra bám trụ với quán gió gần như thâu đêm…Nhớ buổi họp khoa đầu tiên, với sự hiện diện của thày Đinh Trọng Lạc chủ nhiệm, thày Đào Nguyên Tụ phó chủ nhiệm và anh Ngô Văn Nghị cán bộ tổ chức cùng anh Nguyễn Văn Khánh giáo vụ khoa, bốn cán bộ giảng dạy tân binh chúng tôi hầu như chìm trong yên lặng, để nghe nhà nghiên cứu ngôn ngữ họ Đinh động viên bằng chuỗi hình ảnh tươi sáng, đầy ắp “tu từ” lấp loáng nơi “rừng Mơ” Xuân Hòa sắp tới… Có lẽ, phải đến cuối năm 1978, khi bước vào khóa học mới, tâm trạng tôi mới dường như dịu lại, mới thực sự có những cảm nhận say nghề cùng những đam mê nguồn tri thức văn hóa dân gian, thông qua những truyền thuyết hấp dẫn và những bài giảng về ca dao – dân ca thấm đẫm tình người mỗi khi đứng trên bục giảng. Với một thày giáo trẻ mới 24 tuổi đời như tôi, những tháng ngày đó như điểm tựa lý thú cho sức bật của những bài giảng và những công trình nghiên cứu khoa học sau này của mình !

          Chuyến đi Ba Vì của tôi vào cuối thu năm 2014 vừa qua hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch. Sau cú điện thoại chào mời và hò hẹn, Nguyễn Ngọc Thạch, anh sinh viên lớp C của khóa học 1978 – 1982, nguyên là Phó hiệu trưởng trường PTTH Vân Đình (Ứng Hòa) “đánh” xe đến đón tôi, rồi đón TS. Lê Hữu Tỉnh và “nhà triết học” Xuân Hòa Lê Di ngược quốc lộ 32 thẳng tiến đất Sơn Tây. Giữa quán gió neo đậu bên đường, rộng mênh mông với những con đường ngang dọc sỏi đá và cây xanh trùm bóng, tiêu biểu cho sức sống dịch vụ hiện đại đã và đang bật dậy của vùng đất Quảng Oai, chúng tôi bất chợt ngập vào tiếng cười nói thân thương, lâng lâng trong tâm trạng gặp gỡ thày trò, từ ngập ngừng nhận mặt, đoán tên đến vỡ òa niềm vui sau hơn ba chục năm xa cách…Hoàng Duy Đỉnh vẫn trẻ trung như vị thế lớp trưởng lớp C ngày nào, hiện trong vai Giám đốc Sở TTTT Hải Phòng; Nguyễn Đình Minh mới thành danh ở vị thế hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, gương mặt điềm tĩnh pha chút trầm tư thi sĩ, trong vai Hiệu trưởng trường phổ thông trung học Nguyễn Khuyến, Vĩnh Bảo, Hải Phòng; Trần Văn Sơn nguyên là Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Lạc vui giọng của lớp trưởng lớp D năm xưa; Bùi Thị Thông hiện đang là Hiệu trưởng trường PTTH Quảng Oai, người đứng ra cùng chồng (hiện là phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì) đảm nhiệm vai “khổ chủ” cho cuộc gặp gỡ kỳ này, quấn quýt cùng  hơn ba chục gương mặt thân quen với những Nguyễn Thị Lan, Lại Thị Nhẫn, Nguyễn Thị Nguyệt, Tô Thị Bắc, Nguyễn Văn Chiến,… lần lượt tụ hội. Ríu rít và vui. Thày trò xiết chặt tay nhau, mừng mừng tủi tủi. Cả một không gian đầy ắp tiếng cười và miên man kỷ niệm không đầu không cuối về những năm tháng nơi học đường Sư phạm Xuân Hòa khi xưa… Không ngờ, giữa bao mẩu chuyện ngược, xuôi, mọi vòng xoáy râm ran ngôn từ lại chụm vào chủ đề về những ngày vất vả nhưng say mê và cuốn hút của chương trình ngoại khóa “Đêm ca dao – dân ca” của từng lớp học. Ngồi quan chiêm từng gương mặt học trò cũ và lâng lâng trong không gian văn hóa hiếm hoi này, tâm trí tôi lại lặng thầm nhen lên những “thước phim ký ức” từ hơn ba mươi năm trước…

          Hình như đêm ấy đầy trăng! Cái đêm trăng vẫn còn se lạnh giữa rằm tháng hai âm lịch ở Xuân Hòa. Tôi, với tư cách là giáo viên đảm trách phần giáo trình giảng dạy văn học dân gian, trong đó hiện đã chuyển sang phần học trình thơ ca dân gian cho sinh viên năm thứ nhất, niên học 1978 – 1979, đứng ra tổ chức cuộc họp với lãnh đạo và cán sự chuyên môn của sinh viên 4 lớp. Mục đích trọng tâm là bàn về kế hoạch tổ chức sinh hoạt ngoại khóa xoay quanh học phần ca dao – dân ca. Cả một lộ trình cho “chiến dịch” ngoại khóa văn học dân gian này đã được hoạch định. Và, may mắn thay, tôi được tuyệt đại đa số những người dự họp hưởng ứng với nỗi niềm hưng phấn và đầy trách nhiệm. Mang định danh chung là “Đêm ca dao – dân ca”, chương trình ngoại khóa trở thành cuộc thi vừa mang tính khoa học, vừa chứa đựng ý nghĩa ứng dụng thực tiễn đối với từng tập thể sinh viên đã được vạch theo các nhiệm vụ cụ thể. Các lớp, tùy theo nguồn “tài năng” của mình, tự đảm trách toàn bộ công việc, từ phân công người viết tham luận khoa học đến chuẩn bị một tờ báo tường số “đặc biệt”; đồng thời, tự dàn dựng chương trình diễn xướng dân gian, giới hạn trong các trích đoạn chèo cổ, tuồng đồ và sinh hoạt dân ca giao duyên cùng cách thức bài trí, tổ chức một đêm sinh hoạt văn hóa – khoa học. Ban Chủ nhiệm khoa sẽ cho phép nhóm giáo viên chuyên môn lập Hội đồng chấm giải và trao thưởng tùy theo thành tích từng đơn vị. Có lẽ, trải qua 3 năm đứng trên bục giảng (và những năm còn mang vai sinh viên văn khoa 1971 - 1975 trước đó), tôi chưa bao giờ được chứng kiến những ngày sinh viên rạo rực tiến hành chuẩn bị cho kế hoạch ngoại khóa văn học dân gian sôi động như vậy ngay tại vùng đất “cằn khô sỏi đá” và cơ man gian khó, đói kém này !

          Bạn Nguyễn Thị Nguyệt, nguyên là lớp trưởng lớp B, một lớp hoàn toàn nữ giới (mà không hiểu sao khi đó lãnh đạo Khoa lại cơ cấu một lớp học thuần giới như vậy ?!) xúc động trong hồi tưởng: Các thày và các anh, chị biết không, năm đó, lớp em khổ lắm. Muốn xây dựng một chương trình cho hay, chúng em đã chọn màn dân ca quan họ, với lề lối hát giao duyên sinh động, hấp dẫn. Bởi, lớp B có nhiều bạn quê Bắc Ninh, giọng hát quan họ quá hay. Nhưng đến chuyện tìm người đóng các vai “liền anh” thì trở thành cơ sự. Lúc đầu, chẳng bạn nào chịu đóng, vì ngượng. Sau phải động viên mãi, mọi việc mới êm xuôi. Và như các thày biết đấy, màn hát quan họ giao duyên của lớp em đã đạt giải diễn xướng dân ca hay nhất. Tuyệt vời không?! Chỉ tiếc, cái ngày đó, bọn em không có máy quay hay máy ảnh để ghi lại thời khắc “một đi không trở lại” này ! Mọi người quanh hai dãy bàn tiệc ồ lên, vỗ tay reo vui tán thưởng. Hoàng Duy Đỉnh mang phong thái đĩnh đạc từ ngày còn trong quân ngũ, đứng dậy, khoát tay chém gió: Bạn Nguyệt nói vậy thôi, chứ khi đó, lớp B là sướng nhất. Bao nhiêu con trai lớp khác đều dốc sức, dốc trí hỗ trợ cho các bạn còn gì. Nguyệt đâu hiểu hết những khó khăn của những trích đoạn Mẹ Đốp – Xã Trưởng, Thị Màu lên chùa, Xúy Vân giả dại của cánh bọn mình. Ờ, mà kỳ lạ thật. Trong các lớp, chẳng có ai chuyên môn đạo diễn nghệ thuật sân khấu đích thực, vậy mà các màn trích đoạn vẫn cứ diễn ra y như thật, chẳng kém gì chuyên nghiệp. Mấy đêm sinh hoạt văn nghệ diễn ra hồi ấy, các bạn có thấy sinh viên các khoa khác chen chân vây quanh hội trường để xem từ đầu đến cuối đấy à… Nghe Nguyệt và Đỉnh nói, trong tôi lại lần lượt hiện lên những khuôn mặt vã mồ hội của những Hà Đình Quyền, Nguyễn Bá Cổn, Nguyễn Văn Chiến,… vào những ngày phải ngược xuôi đạp xe về tận Bắc Ninh để thuê trang phục quan họ, về tận quê để mượn áo dài, khăn xếp, trống, mõ lên Xuân Hòa phục vụ nhu cầu cần thiết của từng tiết mục văn nghệ. Rồi những Cao Xuân Sơn, Nguyễn Đình Minh, Trần Văn Xuân, Nguyễn Văn Mỳ và nhiều cây bút khác phải nhịn đói, gò mình bới tìm tư liệu trong thư viện trường, đặng hoàn thành những bài luận khoa học về thơ ca dân gian, kịp trình bày trong đêm ngoại khóa.

          Quả thật, kéo suốt học kỳ II năm ấy, sự nhiệt tình và đam mê với văn chương dân gian của sinh viên khóa 1978 – 1982 như đã “kích động” cho lòng yêu nghề của một thày giáo trẻ như tôi, mỗi khi đứng trên bục giảng. Những bài giảng về ca dao của tôi như hiện về. Đến giờ, ngồi nghĩ lại trong không khí ấm cúng, thân tình này, tôi không hiểu sao khi đó mình lại có đủ cảm hứng ngôn từ để, chỉ một bài ca dao ngắn gọn đôi câu, mà lại diễn giảng hùng biện, say mê đến gần chục tiết học như vậy (!). Và những người đã và đang bước vào độ tuổi hưu trí ngồi bên tôi đây, khi đó vẫn say sưa lắng nghe, ghi chép và quên cả tiếng kẻng báo hết giờ từ văn phòng khoa dội lại ! Một bạn gái tâm sự: Xin cảm ơn thày về những bài giảng văn học dân gian mà chúng em được nghe từ ngày ấy. Đó là nguồn tư liệu quý báu để chúng em giảng dạy phần văn học dân gian ở chương trình lớp tám sau khi ra trường. Chúng em học theo cách cảm thụ, diễn đạt của các thày, cô và cũng nhờ đó, chúng em có được sự tự tin hơn mỗi khi bước lên bục giảng !

Nghe những lời tâm sự chân thành từ phía lứa học trò cũ năm xưa, tôi xúc động thầm cám ơn ngược lại các em vì những nỗi niềm trong veo và chân thật ấy. Giữa những bổng trầm của lời tâm sự của học trò, tâm trí tôi lại đan chen hiện về hình ảnh của từng đêm ca dao – dân ca mùa chớm hè năm 1979 đặc biệt ấy, do các em đã trực tiếp tập luyện, thực hành, vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn với những nỗ lực cao nhất. Lần lượt, từng tấm phông án ngữ trung tâm đêm ngoại khóa lại lung linh hiện lên vành trăng lấp ló giữa nhành tre xanh, tiếng sáo trúc véo von như ngân vang từ cậu bé cưỡi lưng trâu hay cảnh chú cò trắng lững thững một mình dạo ven bờ ruộng nước, mò con tôm cái tép của tranh dân gian được phác dựng lại. Lại như đang diễn ra trong hồi tưởng những cảnh Thị Màu lên chùa, Xúy Vân giả dại, Mẹ Đốp – Xã trưởng do chính các em đóng, vừa hồn nhiên, vừa ăn nhập với các vai từ văn bản đã học...

Và, chắc hẳn trong tôi cũng như mọi người, những ai đã có dịp trải nghiệm tại Xuân Hòa ngày đó, sẽ còn ngân vang, luyến láy mãi những bài quan họ giao duyên được các “liền anh, liền chị” sinh viên khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội II, Xuân Hòa, khóa học 1978 – 1982 diễn xướng trong những đêm ca dao – dân ca kỳ diệu ấy !

          10 – 2015 . BQT.