Vụ thảm sát đẫm máu Noong Nhai - Du An

Trong hồ sơ tội ác của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, có một trang đẫm máu. Đó là vụ ném bom hủy diệt nhằm vào dân thường vô tội tại trại tập trung Noong Nhai, chiều 25/4/1954 làm 444 người chết, hàng trăm người bị thương. Bà Lường Thị Phanh, một nhân chứng sống duy nhất (bị cụt chân trái, mất gót chân phải) trong vụ thảm sát kinh hoàng ấy, đang ở bản Ban (xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Ký ức kinh hoàng

Dò hỏi những cựu chiến binh Điện Biên Phủ, người Thái cao tuổi ở Mường Thanh, cuối cùng tôi cũng gặp được bà Lường Thị Phanh tại bản Ban, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Trong căn nhà đất, thấp bé chật chội, gỗ tròn vách nứa người đàn bà không giấu nổi đau đớn, nước mắt khi nhớ lại… hôm Pháp ném bom.   

“Chiều hôm ấy, tôi ra ngoài trại, xuống bãi Hoong Cúm (Hồng Cúm) kiếm rau dền gai chuẩn bị bữa tối, vừa được mấy ngọn thì thấy trên trời nhiều máy bay quá; rồi tiếng nổ to, khói lửa… rồi không biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy thì đôi chân, toàn thânđau quá như chết rồi, mắt muốn nhìn xem ai còn ai mất mà cay nhức không mở được. Tôi cứ nằm như vậy mà khóc. Xung quanh ngập tràn khói lửa tiếng kêu khóc - bố ơi, mẹ ơi, chết hết rồi… cứu tôi với, tôi chết mất…”, bà Phanh nhớ lại trong nước mắt.

Nén nỗi súcđộng, bà Phanh kể về thời dân Mường Thanh bị Pháp bắt vào trại tập trung. Tháng 4/1954, bà khoảng 14, 15 tuổi (chỉ ang áng vậy, hồi đó không làm giấy khai sinh). Gia đình bà ở bản Hoong Cúm (xã Thanh An, huyện Điện Biên), có nhà sàn to, 20 con trâu, mấy con ngựa, các nhà khác trong bản ngoài xã đều chăm chỉ ruộng nương, chẳng ai bị đói. Giữa mùa lúa chín, 11/1953, giặc Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, cuộc sống người dân từ đấy xáo trộn. Thóc ngô thiếu, vì hầm hào đồn bốt, hết đất sản xuất. Trâu bò ngựa chết dần vì đạn pháo. Tầm chiều chiều là Pháp lại bắn pháo tứ tung, sau đấy bọn lính đi gom trâu bò bị thương, chết về đồn mổ, ăn dần.

Lúc đói khổ nhất thì thực dân Pháp gom dân lòng chảo Mường Thanh vào bốn trại tập trung trong đó có trại tập trung Noong Nhai, cách trung tâm Mường Thanh 5 km về phía tây nam. Trại tập trung Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) gồm hơn 3.000 dân, chủ yếu là bà con dân tộc Thái đến từ các xã: Sam Mứn, Thanh An, Noong Hẹt và Thanh Xương. Dưới sự quản lí của đồn Hồng Cúm, thực dân Pháp đã dung túng để bọn tạo lộng, mật thám thả sức cướp bóc và hành hạ nhân dân trong khu tập trung. Hàng ngày, cánh trai tráng khỏe mạnh bị Pháp dồn đi lính làm bia đỡ đạn thay cho chúng, đàn ông luống tuổi bị bắt đi xây dựng đồn bốt, chiến lũy; trong trại chỉ còn lại những người già, phụ nữ và trẻ em, sống chen chúc trong những túp lều cỏ tranh lụp xụp và bẩn thỉu.

Ngoài việc thường xuyên có lính đi tuần, thỉnh thoảng Pháp còn cho pháo dập xung quanh trại. Mục đích của chúng không chỉ nhằm ngăn chặn đồng bào bỏ trốn, mà còn đề phòng Việt Minh thâm nhập vào trong lãnh đạo nhân dân làm cách mạng. Dưới sự giám sát chặt chẽ, hà khắc của lính Pháp và đám tay sai tạo bản, bình quân mỗi tháng hai lần các gia đình được cử về bản cũ lấy lương thực, thực phẩm vào trại. Hàng tháng trời, cuộc sống người dân trong trại tập trung như địa ngục trần gian: phụ nữ bị hãm hiếp, đàn ông bị bắt đi lính, đi phu, đói khát và bệnh tật hoành hoành dữ dội mà chẳng có bất cứ một loại thuốc chữa nào.

Trở lại vụ ném bom lịch sử 25/4/1954… Buổi sáng hôm ấy, bà con Noong Nhai tập trung rất đông để đưa tang một người trong trại bị chết vì bệnh thương hàn. Trên trời, tiếng máy bay “bà già” ro ro trong sương mù - bọn “thám không’ bay trước để xác định tọa độ oanh kích. Sau mấy vòng lượn trên bầu trời Noong Nhai, những chiếc “bà già” khuất vào trong sương, và đó vẫn thường xảy ra hàng ngày, nên chẳng ai để ý lắm. Quá trưa, từng tốp những chiếc khu trục (B54) bất ngờ xuất hiện. Chiếc sau nối chiếc trước, nhằm mục tiêu trại tập trung Noong Nhai cắt bom. Từ dưới đất, những cột lửa ngùn ngụt bốc lên không trung, khói đen cuồn cuộn phủ tối một vùng trời. Sau loạt bom sát thương, bọn chúng ném tiếp 12 quả bom napan. Những tiếng nổ chát chúa, rung chuyển cả một góc phía nam lòng chảo Mường Thanh. Dân chúng kêu khóc hoảng loạn, chạy tứ tán khắp nơi. Những người bị thương không chạy kịp, bị bom napan thiêu cháy đen thui, nham nhở. Mấy đơn vị bộ đội đóng gần đấy, một mặt bắn trả máy bay giặc, một mặt xông vào lửa đạn cứu dân. Những người bị thương được bộ đội nhanh chóng đưa ra ven suối sơ cứu tạm thời. Kết thúc cuộc thảm sát dã man, rất nhiều gia đình không còn sống sót một người nào; tổng cộng có 444 người dân thường vô tội bị chết, hàng trăm người bị thương, nhiều người bị tàn phế suốt đời. Lúc đó là 14h ngày 25/4/1954 - một ngày đau thương và căm thù trong lịch sử vùng đất Noong Nhai, Điện Biên Phủ.

          “Bộ đội đã cứu sống tôi”

          “Nếu không có bộ đội cứu chữa thì tôi sắp được 60 tuổi ma rồi. Cái chân này, bom cắt chưa đứt hẳn, lủng lẳng. Tôi đau như có một nghìn cái kim đâm xoáy. Mẹ tôi mở chân con ra, kêu lên hoảng hốt - trời ơi, con giòi đẻ nhiều quá. Lúc đó tôi đau nhưng vẫn nói - bố mẹ xuống hầm đi, cứ để con trên này, kệ con chết thôi. Nước mắt bố trào ra, bố run run lấy một ít nước cho tôi uống. Chân tôi bị thối rữa... chẳng có thuốc chữa, chẳng biết cách chữa, tôi nghĩ, mình chết cái chân rồi sẽ chết lên cả người”. Bà Phanh ngồi xuống giường, tháo chân giả, xoa xoa đầu mỏm cụt, nói như với con người.

Sau khói lửa khủng khiếp ấy, tôi được anh trai (nuôi) Lường Văn Chăn bế lên bản Pom La (Thanh Xương) tạm lánh xa chỗ xác người. Bộ đội còn đang bận thu gom, chôn cất bao nhiêu người chết ở trại tập trung. Ba ngày tôi nằm không với ruồi muỗi, bọ bang, sương gió, bụi đất…  tôi chỉ biết đau, đầu óc thấy mờ mờ mình đang chết.   

Đến ngày thứ tư, bộ đội mới quay lại được, một anh xem chân tôi, hốt hoảng kêu lên - gay rồi bố mẹ ơi! Bố mẹ cho chúng con đưa em đi trạm quân y ngay! Tôi nhanh chóng được hai anh bộ đội cáng đi. Tôi còn nhớ, khi bế tôi, một anh rất trẻ nói - gầy quá, ba chục cân là cùng. Trời nhập nhoạng, “cái cáng” cứ rò rẫm, men men lối giao thông hào chiến trường mà đi. Tôi đau, theo bước thấp bước cao, con đường ngổn ngang đất đá nhưng cố nghiến răng không rên. Tôi lo các anh bộ đội vì tôi… có khi lại hi sinh, bởi xung quanh đạn pháo vẫn ùng oàng. 

Quá nửa đêm thì chúng tôi đến Trạm Quân y Mường Đăng (nay thuộc huyện Mường Ảng, Tuần Giáo). Mấy hôm sau, tôi nghe bác sỹ bộ đội nói thế, chứ lúc ấy, tôi còn đang mê man. Hai anh bộ đội đưa tôi vào trạm rồi quay về Mường Thanh ngay. Họ tên gì, giờ tôi chẳng còn nhớ… chán quá!

Tôi được bố trí nằm trong một cái hầm thấp, có hai cửa, ở đầu cuối, ở đó đã có anh ba bộ đội bị thương. Những ngày tiếp theo, tôi vẫn mê man, tỉnh thức. Tôi được rửa vết thương, tiêm thuốc rồi cưa phần chân thối rữa... từ lúc nào cũng chẳng rõ. Khi những cơn đau của tôi lắng xuống thì đã mùa mưa. Tôi biết đau, nghe thấy xung quanh có các anh bộ đội bị thương từ chiến trường Điện Biên Phủ ra đây. Hai anh kia tôi không nhớ, chỉ nhớ một anh cũng kêu rên đau đớn. (Sau này, hồi kỉ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, anh lên thăm chiến trường xưa có đến tìm tôi. Lúc đó, tôi mới biết anh tên là Trần Quốc Hanh, đánh trận Hồng Cúm, bị thủng ruột, ra trạm quân y trước tôi mấy ngày). Anh không biết tiếng Thái, tôi không biết tiếng Kinh nhưng khi thấy tôi khóc “Phà ơi” (trời ơi), anh lại nói với sang - đừng khóc, càng khóc càng đau đấy.

Lúc bấy giờ đang giữa mùa mưa. Căn hầm quân y dã chiến vốn ẩm thấp lại càng ẩm ướt. Nước trời rò theo vách đất chảy xuống giường tre. Khi ấy tôi đã đỡ nhiều, thấy thỉnh thoảng đất bùn cứ rơi xuống mặt, xuống người. Rồi buổi chiều hôm đó, tự nhiên thấy trần đất đùn đùn, rùng rùng... Tôi hốt hoảng thét lên - Hủm ê lắm (hầm sắp sập rồi). Các y tá cuống quít chuyển bệnh nhân đưa ra ngoài, người cuối cùng vừa ra thì cả khối đất sập xuống. Hú vía.

Sau vụ sập hầm, tôi được sang một hầm khác, với bộ đội bị thương khác. Hôm khỏi bệnh, bộ đội cho người về bản gọi bố mẹ ra đón. Bố đi mang một con ngựa, cho tôi cưỡi về. Bố ôm bộ đội khóc, bảo, bộ đội sinh ra con tôi lần nữa rồi. Tôi không nói được gì, nước mắt cứ trào ra. Cái chân tôi thằng giặc Pháp lấy đi một nửa, còn cuộc sống bộ đội lại cho tôi một nửa, đi tiếp.

Chìm khuất nơi vùng cao biên giới

Cô bé Phanh ngày nào bây giờ đã là bà già tuổi 75. Chân cụt, chân mất gót, một mắt hỏng, dấu tích tội ác của thực dân Pháp vẫn… vẹn nguyên. Chiến tranh Điện Biên Phủ đã qua sắp 60 năm nhưng nó vẫn ngày ngày song hành cùng cuộc sống của người đàn bà Thái vùng sâu này.

Chuyện di chuyển của bà, sau đó là chuỗi những tháng ngày gian nan - lê lết bằng cùi chân, làm việc nhà, làm nương. Khá hơn, ông bố tự chế cho con gái chiếc nạng bằng tre. Cao hơn, tận 15 năm sau, cả nhà dồn lực, vay mượn, bán thóc ngô đưa bà về Ninh Bình lắp chân giả. Vui mừng nhất là chục năm nay, bà đã có một chiếc xe lăn, do hội chữ thập đỏ tỉnh tặng.

Chuyện tình duyên của bà, mãi năm 1960, một anh bộ đội cảm thương hoàn cảnh của cô Phanh đã kết duyên. Hạnh phúc ấy chỉ vẻn vẹn hơn một năm, khi cậu con trai Lường Văn Bun ra đời chưa kịp nhớ mặt bố thì bố mắc bệnh hiểm nghèo ra đi mãi mãi.

Khi tạm biệt bà Phanh tại bản Ban (bản nghèo của xã biên giới Mường Nhà, huyện Điện Biên), bà nhờ tôi - có ai lên thăm chiến trường Điện Biên Phủ, tìm bà thì cháu chỉ đường cho họ giúp bà nhé. Đang ở ngoài phố Him Lam, vào đây đường xa, khó khăn, khổ lắm chẳng muốn nhưng vì con cháu đành phải theo. Bà có chân đâu mà đi, già yếu rồi thôi kệ đời đến đâu thì đến.

 

DU AN

Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh Điện Biên

Phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, Tỉnh Điện Biên.

DĐ: 0168.230.9422

Email: duan1966@gmail.com