Lời khai mạc Hội thảo thơ Nguyễn Đình Minh - Đình Kính

Thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý!

       Thưa các nhà thơ nhà văn và các nhà lý luận phê bình! Thưa những người yêu thơ có mặt trong khán phòng ngày hôm nay.Thơ là gì? Đã có quá nhiều định nghĩa về điều ấy. Có người cho rằng Thơ, đó là cách đi tới nơi tận cùng của ý thức.Thơ, là cấu trúc (gestalt) của trí tưởng tượng.Cũng có người gọi thơ là cái gì tồn tại giữa các dòng chữ. Hoặc: Thơ, là tiếng nói ly khai chống lại sự lãng phí từ ngữ và sự thừa thãi điên rồ của chữ in và vân vân. Có bao nhiêu nhà thơ, có bao nhiêu nhà phê bình thì có bấy nhiêu con đường dẫn dụ tới quan niệm thơ. Thậm chí mỗi một bài thơ, mỗi một câu thơ là một định nghĩa về Thơ. Và do đó, Nguyễn Đình Minh là một định nghĩa về thơ. Vậy, quan niệm về thơ có mẫu số chung không? Thơ viết theo phong cách nào, trao lưu nào, câu trúc ra sao thì mục đích cuối cùng vẫn không gì khác hơn là hướng tới miền cộng sinh của cái đẹp, sự tao nhã và đạo làm người. Cộng hưởng những giá trị ấy làm nên sức mạnh thi ca. Và đó là giá trị văn hóa, giá trị nhân văn của thơ.

 

 Thưa các anh các chị! Hội Nhà văn Hải Phòng có hai nhà thơ, Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn, đại diên cho hai dòng thơ, hai lối thể hiện, hai thi pháp khác nhau. Nếu Đồng Đức Bốn với lối viết tải trải chữ nghĩa và khả năng sắp đặt ngôn từ một cách bình dị,là nhà thơ lục bát tài ba, bẩm sinh, trung thành với thơ truyền thống,đại diện tiêu biểu cho thi pháp cổ điển; và nếu Mai Văn Phấn là nhà thơ tiên phong sáng tạo theo hướng đổi mới, cách tân, là sự cô đặc ý tưởng và chữ nghĩa, không tải rải mà ép nén thành cao, do vậy đọc thơ anh, trước hết  rất cần một ly rượu đồng cảm; thì thơ Nguyễn Đình Minh, bằng trải nghiệm và dần dà định hình trong ý thức không lặp lại người khác, là cái gạch nôi giữa thơ truyền thống của Đồng Đức Bốn và thơ cách tân của Mai Văn Phấn.

Nguyễn Đình Minh rất ý thức trong sử dụng ngôn từ. Ở chừng mực nào đấy, anh biết viễn du cùng ngôn ngữ, biết đặt ngôn từ cần dùng đúng cái chỗ mà ở vị trí đó, ngôn từ ấy sáng nhất, thăng hoa nhất, cao sáng nhất, ở vị trí đó ngôn từ ấy là vua, hoặc ở vị trí hậu.

 

 Thơ hay là thông qua ngôn ngữ để thực hiện quyền năng nuôi dưỡng tâm hồn con người của người nghệ sỹ. Thơ Nguyễn Đình Minh lấp ló quyền năng ấy. Nhưng đó là ý kiến chủ quan của chúng tôi, bởi vậy để làm sáng rõ hơn về định nghĩa thơ, về quan niệm thơ của Nguyễn Đình Minh thông qua sáng tác của tác giả, Hội Nhà văn Hải Phòng phối hợp với Chi hội nhà văn VN tại Hải Phòng tổ chức cuộc hội thảo với tiêu đề dung dị: Nguyễn Đình Minh, một chặng đường thơ.

Tổ chức Hội thảo về thơ Nguyễn Đình Minh, là chúng tôi muốn, thêm một lần, bằng sự đúc rút của nhiều luận cứ mang tính học thuật khách quan, chúng ta cùng trao đổi, cùng luận giải để không chỉ đánh  giá về tác giả Nguyễn Đình Minh mà qua đó, mở rộng biên độ nhận thức thơ, nhân thức về sự cần thiết đổi mơi tư duy thẩm mỹ thơ. Đồng thời cũng là dịp, có thể qua Hội thảo mà góp môt chút nho nhỏ đặng nhìn nhận thấu đáo sự được và cái chưa được của thơ đương đại. Không rõ mong muốn của Ban Tổ chức có là tham vọng quá chăng? Hy vọng, bằng học vấn, tri trức và thành tâm, các anh các chị sẽ có những đóng góp đáng trân trọng, đặng góp phần vào sự thanh công hội thảo hôm nay .

 Thay mặt Hội Nhà văn Hải Phong, Chi hội Nhà văn VN tại Hải Phòng, tôi trân trọng cám ơn Hội Nhà văn Việt Nam, trân trọng cám ơn Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng đã tạo điều kiện để chúng tôi có thể tổ chức cuộc hội thảo này.

        Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo.

 Cám ơn các anh các chị đã lắng nghe.