Kim Chuông - Người anh, người bạn thơ của tôi
Quanh co mãi mới tìm được ngôi nhà 126- Khu Cái Tắt 3, phường Sở Dầu (quận Hồng Bàng), nơi tổ ấm mà nhà thơ Kim Chuông tìm về sau hơn 40 năm cầm súng và cầm bút đầy sóng gió. Năm 1965, Kim Chuông đi bộ đội, là phóng viên báo Quân khu Tả Ngạn, sau đó là Trưởng Ban biên tập xuất bản Văn học,Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Bình, kiêm Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Thái Bình và Phó tổng biên tập Tạp chí Nghề Báo Thái Bình. Bây giờ Kim Chuông trở lại quê mẹ Hải Phòng, sinh hoạt trong Chi hội Nhà văn Việt Namtại thành phố Cảng.
Kim Chuông là nhà thơ dồi dào bút lực trong các đề tài cuộc sống mà ông trải nghiệm. Ông có khả năng viết nhiều thể loại văn học. Về văn xuôi có: “Nửa khuất mặt người” (tiểu thuyết - NXB Hội Nhà văn - 2005, tái bản 2005) - “Dưới đám mây xa” (Tập truyện ngắn -2009). Ông cũng đã viết, in chung 6 tập bút ký tư liệu và một tập tiểu luận: “Nhìn từ áng văn chương” - NXB Hội Nhà văn - 2005. Tiểu thuyết và truyện ngắn của Kim Chuông đầy ắp hơi thở cuộc sống, khơi dậy nhiều vấn đề trong suy ngẫm, trải nghiệm và luôn ngân rung chất thơ. Kim Chuông viết phê bình sắc sảo mà tinh tế. Cái quan trọng nhất trong các bài phê bình của ông bao giờ cũng có những phát hiện riêng và luôn hướng tới những giá trị thẩm mỹ. Cách “phê” của Kim Chuông đầy tính nhân văn, với thái độ chân tình, ấm áp, bằng cách nói giản dị, hình ảnh, dễ giúp người khác nhận ra những cái được, cái cần vươn tới qua sở trường, sở đoản ở từng tác giả và trên mỗi trang viết.
Tuy nhiên, phần để tạo thành chân dung Kim Chuông, vẫn là sáng tác thơ. Ngay từ năm 1986, tập thơ “Hoa nở ngày em đến” của Kim Chuông được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành hơn một vạn cuốn. Kim Chuông viết say mê nghiêm túc. Ông tâm sự: “Trách nhiệm của người cầm bút là phải thật chân thành, tâm huyết. Nghĩ gì, viết gì trước giá trị hữu ích, trước đời sống xã hội, con người …” Có lẽ vì vậy, Kim Chuông có bài “Hạt thóc”, được in trong sách tiếng Việt lớp 1 và lớp 3 phổ thông. Nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Chung, nhận xét: “Thơ Kim Chuông bộc lộ tiếng nói giàu nghĩ suy và cảm xúc. Thơ với niềm đam mê trăn trở của một con người, một tấm lòng trước cuộc đời rộng lớn”. Đọc thơ Kim Chuông đã hay, nhưng nghe Kim Chuông đọc thơ mới thấy hết cái hay của nó. Mỗi lần, nghe nhà thơ “trình diễn” thơ mình, quả tình mắt, mũi chân tay anh “đều đọc cả”. Hình như, trong anh có sắc màu sân khấu (Kim Chuông từng viết chèo và viết nhiều vở diễn). Những lần, nghe Kim Chuông đọc thơ, nhìn anh như lên đồng, người nghe ngỡ bị anh mê hoặc, “bỏ bùa”. Trong giới thiệu chân dung nghệ sĩ, nhà thơ Võ Bá Cường, Nguyễn Bùi Vợi, đã gọi “Kim Chuông là nhà thơ lãng tử”. Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết “Thơ Kim Chuông hào hoa và đào hoa”. Còn, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu bình luận: “Thơ Kim Chuông luôn tạo được chất men say trong cảm xúc. Kim Chuông luôn trở trăn ở sự chiêm nghiệm, giãi bày. Ông tự bạch: “Tháng năm làm cuộc hành trình/ Tôi khao khát đến được mình và thơ…”
Với văn chương, Kim Chuông đã đi qua một chặng đường dài hơn 42 năm và là người đi nhiều, viết nhiều. Ông đã có 23 đầu sách, trong đó 15 tập thơ lần lượt trình làng và đoạt nhiều giải thưởng văn học.
Hiện, Kim Chuông vẫn hăm hở đi và viết. Ông vẫn say mê nơi các diễn đàn văn học, ở nhiều buổi trò chuyện trước đông đảo công chúng. Và từ căn nhà nhỏ trong ngõ sâu này những áng văn chương của ông vẫn tiếp tục nở đều trên báo chí và văn đàn toàn quốc.