Những mẩu chuyện ngoài thơ của nhà thơ Binh nhì

Thi Hoàng là người lính chính hiệu, nói theo cách diễn ngôn của anh “Tao, lính súng dài hẳn hoi và lội ruộng bom mìn chứ không phải lính văn phòng đâu nhé”. Đọc những trường ca  "Gọi nhau qua vách núi" (Giải thưởng của Hội NVVN 1996) và gần đây là trường ca “Vệt sáng” (2014) có thể hình dung anh từng lăn lộn chứng kiến, nếm trải muôn mặt đau khổ mất mát của cuộc chiến chống Mỹ. Tuy nhiên Thi Hoàng  có câu chuyện hay nhất về đời lính, nghe ra như bịa. Anh hỏi tôi: theo mày tao phải giữ chức vụ gì trong quân đội trước khi xuất ngũ? Anh ở cùng quê với tôi, nhưng tuổi hơn hẳn tôi hai giáp, song căn cứ vào hoàn cảnh những người như anh tôi đoán “Chắc là đại úy, nếu là nhà thơ mà ngang như anh có khi chỉ trung úy!”. Anh cười rung hàng ria bạc “tao với mày đều là cháu cụ Trạng Trình cả, nhưng mất gốc lâu rồi, mày đoán sai bét. Binh nhì!”. Binh nhì, tôi há hốc mồm vì bất ngờ. Anh nhìn tôi khoái chí cười rung bộ ria bạc tóe ra lởm khởm và kể. Thật đấy, nói đúng ra thì trong giấy báo xuất ngũ ghi là Binh Nhất Hoàng Văn Bộ (Tên thật của anh), nhưng tao chỉ binh nhì. Bởi năm ấy tao bị thương phải điều trị ở bệnh viện dã chiến. Đến lúc chuyển tuyến ra Bắc cô y tá chăm sóc lấy danh sách tao khai đúng quân hàm của mình; cô ấy cười bảo “trông Bác lớn tuổi thế này sao lại binh nhì được, thôi cháu cứ ghi binh nhất”. Tao mệt lả và đau đớn cứ kệ. Và cái quân hàm ấy không phải do quân lực quyết định. Sau này nghĩ lại cứ sợ không biết mình có lỗi gì không?

Tên tuổi Thi Hoàng đến với mọi người từ …thơ. Thơ anh làm cho nhiều người khăn gói đến xem mặt “cái lão Hoàng” như thế nào mà “chém gió” ghê người đến vậy; nhiều nhà thơ “to” khẳng định Thi Hoàng là người cách tân thơ thành công nhất, chuyện “các em” xin gặp, nhưng anh quyết từ chối vì anh nói: khi đến nhìn thân xác tao bọn nó thất vọng mất, thôi cứ để chúng tưởng tượng có khi còn hay… Riêng tôi, thì chuyện hứng thú nhất là được tán dóc đủ chuyện với anh và nghe Thi Hoàng…so sánh.

 Tôi nhớ lần đến phố văn Cao, thấy anh bần thần vì chuyện sắp phải xa cái ngôi nhà anh gắn bó bao năm, có gì như day dứt lắm, như không muốn rời xa… tôi bảo: Thế anh cứ ở yên không được sao, đất rộng có cây có hồ sân vườn, lại yên tĩnh tha hồ suy ngẫm và viết. Anh cười: tao cũng tính vậy, nhưng mày tính nếu ở một cơ quan thủ trưởng quyết, công đoàn nhất trí, đoàn thanh niên hăng hái ủng hộ thì cái thằng nhân viên quèn có chống lại được nghị quyết không? Ô hay cái ông này! chuyện nhà, liên quan quái gì đến công đoàn với thủ trưởng? - tôi vặc lại. Không ngờ, Thi Hoàng nghiêm túc: “ừ nhà tao nó thế. Vợ tao là thủ trưởng, con gái là công đoàn, thằng con rể là đoàn thanh niên tất cả đều biểu quyết ra mặt đường, tao là thường dân trú nhờ thì quyết được sao?”. Tôi cười lăn ra vì cách anh so sánh, áp vào anh thì đúng thật. Anh thường tâm sự: mày giỏi đấy, nói cả nghìn người nghe, tao thì cứ có 2 người là không thể nào chỉ huy được. Tôi cứ tưởng anh bỡn, nhưng hoá thật. Nhà thơ Kim Chuông kể: trước lão Hoàng vì có năng lực nên thành phố chú ý cất nhắc lên chức Phó chủ tịch Hội Liên hiệp VH&NT, ai dè lão không nhận. Trên dưới ép mãi lão đưa ra tối hậu thư: nhận cũng được nhưng phải miễn cho lão tất cả các cuộc họp. Chuyện thật như bịa, làm lãnh đạo mà không họp thì coi như không, ấy là lão tìm cách thoái chức đấy. Song Thi Hoàng thì nói thật: đúng là mất thời gian, tao quý thời gian để viết lắm, với lại tao cũng không quen chỉ huy, làm chỉ huy là làm hành chính trăm sự vụ, đối đầu, đối thoại … tao mù tịt năng khiếu này.

       Nói đến chuyện vợ con, chợt nhớ ngày anh cưới chồng cho con gái. Gặp tôi, anh trình bày mọi vấn đề chuẩn bị rành rẽ như một tay tổ chức lão luyện, nhưng mặt lại âu sầu: tao lo lắm, mày ạ. Vặn hỏi mãi, hoá ra anh lo vì phải đóng bộ quần áo mới. Thi Hoàng thích mặc áo rộng thùng thình, nhàu nát và chiếc quàn bò, anh bảo thế nó mới ra tao! Ngày cưới con, Anh chỉ mong cho nhanh để trút bộ comple mới bóng. Tôi bảo, bộ vec quá đẹp sao anh mặc như khoác đống kiến trên người thế? Thi Hoàng cười: Nói thật tao thấy mình giống con cá da trơn khi khoác nó, chúng mày bắt tao gông cái cavat trên cổ chẳng khác gì bắt tao đeo chai tương ớt. Cái so sánh kiểu bố này thì đúng là vỡ bụng mà cười!

Thi Hoàng hay nói tếu, nhưng cách nói của anh rất hóm hỉnh có chiều sâu gợi ra những suy nghĩ. Cái đặc biệt là câu của anh bao giờ cũng có so sánh, dù ở bất cứ đề tài gì. Anh thường nhắc, làm được gì thì làm đi, chứ vô duyên nhất là cái tuổi đái đầy mu bàn chân. Đấy là cách anh nói về tuổi già. Nhưng khi bàn về câu chuyện giao thông và kiến trúc thủ đô anh cũng có ý kiến. Thi Hoàng bảo, theo mày thủ đô là gì không biết, nhưng tao cho thủ đô là cái bàn thờ và cái nhà khách. Tôi suy ra, ý anh nói thủ đô nên chỉ giữ chức năng làm  nơi lưu giữ cái hồn tổ quốc và là nơi tiếp khách ngoại giao, khách đến giao dịch công tác; còn mọi thứ phải dẫn ra ngoài thế mới có một thủ đô không ách tắc không ô nhiễm.

Bây giờ Thi Hoàng đã chuyển về căn nhà mới nằm trong ngõ của đường Nguyễn Bỉnh Khiêm quận Hải An, Hải Phòng. Trên ban công tầng 2 của căn nhà nhìn ra con đường rộng yên tĩnh, Anh thường nằm trên chiếc ghế xo pha cũ, bên cạnh là một chậu hoa mai, tập sách hoặc bản thảo và ngẫm ngợi. Chàng thi sỹ binh nhì năm xưa đã bước sang tuổi 73, anh rất yếu; nhưng qua đó một lần sẽ thấy được kho chuyện đời thường ở anh chưa có tập cuối cùng