Truyện Ngôn tình & Đam mỹ một dạng ma túy ảo

Từ giữa năm 2015, Cục Xuất bản, In và Phát hành  đã có Công văn số 2116/CXBIPH-QLXB, yêu cầu các nhà xuất bản không đăng ký các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ, vì dòng sách này có "nội dung sáo mòn, vô bổ, thậm chí thô tục, phản cảm, bị thu hồi"; nhưng hiện tại nó vẫn xuất hiện trong đời sống văn hóa, đòi hỏi các nhà quản lý văn hóa phải có biện pháp xử lý.

Miền văn chương độc hại

Theo nhà văn Trang Hạ từ hơn 10 năm trước, chị đã vô tình dịch những cuốn truyện ngôn tình và giới thiệu nó nhập dòng sách ở Việt Nam. Với bản dịch “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” chỉ sau 3 ngày, trên 5.000 bản sách đã được bán ra. Từ thực tế này, dưới góc nhìn kinh doanh bất chấp hậu quả, nhiều nhà xuất bản đã ồ ạt in và tung ra thị trường những tác phẩm thuộc dòng truyện này. Khi người đọc bị “nghiện”, thì chính họ lại cùng các trang mạng khác tung hô Ngôn tình và Đam mỹ trên intenet tạo ra một hội chứng “nghiện” truyện Ngôn tình , Đam mỹ trong giới trẻ.

Tiểu thuyết ngôn tình là thể loại truyện, tiểu thuyết viết về tình yêu, những câu chuyện xoay quanh cuộc sống vợ chồng, những mối tình rắc rối, mối quan hệ đồng tính nam nữ… bay bổng, kích dục và khá xa rời thực tế. Còn Đam mỹ là thể loại truyện bắt nguồn từ truyện tranh Nhật Bản, nội dung viết về đồng tính và đối tượng độc giả nhắm tới là các teen nữ trẻ với tên gọi là Đam mỹ (Danmei). Đây là dòng tiểu thuyết tạo hình giả tưởng về “gay”,  nó nhanh chóng phát triển tại Trung Quốc, với cốt truyện éo le gây cấn, tình tiết giả tưởng hoang đường trong những khung cảnh đẹp kỳ lạ. Các nhân vật đẹp trai, hào hoa và táo bạo. Tại Việt Nam, dòng truyện này thu hút giới trẻ và biến họ thành những con nghiện, bởi nó viết về những góc khuất, những điều mà quan niệm văn hóa Việt truyền thống cấm kỵ. Và những “trái cấm ” này tạo ra cơn sốt tìm truyện ngôn tình và đam mỹ trên intenet, săn tìm chúng tại các hiệu sách, trao đổi bình luận trên diễn đàn Facebook rất rầm rộ… mà độc giả, bình luận viên, phần lớn ở tuổi học sinh sinh viên. Sau này xuất hiện thêm nhiều người trẻ dịch loại truyện này từ tiếng Trung đăng trên online… Trao đổi với nhau trên Facebook , nhiều độc giả teen nữ Việt thường trích câu trả lời của Jia Xiao, một học sinh trung học 18 tuổi (Trung Quốc), trả lời tờ báo mạng của Anh chuyên viết về đồng tính - Gay Star News: "Nó thú vị. Nó đẹp. Nó đa cảm. Nó làm tan nát trái tim. Đó là lý do vì sao tôi yêu đam mỹ".

Tuy nhiên sự thật là dòng truyện này đã cuốn hút giới trẻ vào một miền “văn hóa mềm” độc hại, nó nuôi cấy trong tâm hồn và trí tuệ lớp trẻ những nhận thức méo mó về tình yêu, kêu gọi bản năng thú tính, kích động lối sống buông thả, đánh tráo khái niệm nhân văn và trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Nhà văn Kim Chuông (Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng) nhận xét: Bằng những hư cấu hoang tưởng, kết cấu ly kỳ, tiểu thuyết Ngôn tình dẫn dắt những tư duy sa đọa bệnh hoạn và đặc biệt tiểu thuyết Đam mỹ không chỉ biến thái ở quan hệ đồng tính nam mà còn đầy rẫy yếu tố bệnh hoạn như khổ dâm, ác dâm, loạn luân, làm tình kiểu bầy đàn… đây là thứ độc tố nguy hại cho tâm hồn lớp trẻ.

Như dòng vi rut truyền bệnh dịch

Hiện tại, loại sách này vẫn tràn lan trên mạng intenet, ngay tại Hải Phòng những “chiếu sách vỉa hè” vẫn còn bày bán và một số điểm cho thuê truyện đọc. Theo thạc sỹ Nguyễn Văn Tuấn (THPT Quốc Tuấn) cho biết: tại các nhà trường ở thành phố, số học sinh tham gia truyền tay nhau đọc truyện này không phải hiếm, nhiều nhà trường đã tổ chức tuyên truyền và thu gom tiêu hủy, nhưng với mạng intenet thì vẫn bất lực.

Tiểu thuyết Đam mỹ như thứ virut bệnh lây lan nhanh chóng, điều lạ là những người bị nhiễm nhanh là các teen nữ (hủ nữ), chỉ cần một người đọc và kể thế là để tỏ ra sành điệu xuất hiện “hiệu ứng đám đông” tìm đọc ngay. Họ có thể ôm máy tính cả đêm, hoặc cài phần mềm đọc ebook bằng điện thoại. Nếu không có các phương tiện trên thì thuê đọc sách giấy với giá khoảng 5 ngàn đồng/ngày... Khi trao đổi với nhóm sinh viên khoa văn (ĐHHP) thực tập tại Vĩnh Bảo về nhận thức tác động của dòng truyện này tới người đọc, các bạn trẻ có ý kiến rất khác nhau. Theo đó, bên cạnh nhiều sinh viên có ý phản đối chống lại thì có người cho rằng truyện viết rất cuốn hút giúp giải trí sau giờ học, hoặc có người cho rằng nếu bóc đi sự “gợi dục” thì truyện vẫn mang những yếu tố nhân văn về tình yêu đồng tính mà nhà nước ta giờ cũng không cấm…

Từ một dụng ý giới thiệu tác phẩm “làm truyền thông về những giá trị nhân văn” của một nhà văn, giới kinh doanh sách vì mưu lợi cá nhân đã chớp  cơ hội là nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ lệch lạc, bản lĩnh văn hóa non kém của giới trẻ để biến dòng sách này thành…dòng tiền chảy vào túi họ. Chính nhà văn Trang Hạ sau này đã đau đớn nhận xét: “lợi nhuận quá lớn của dòng sách ngôn tình khiến các nhà làm sách không thể không ăn theo, nhưng họ lại không có tôn chỉ mang đến những giá trị nhân văn nữa, mà chỉ theo tôn chỉ đồng tiền. Đó là những lý do giúp ngôn tình đầu độc xã hội này”.

Bài đã đăng  trên Báo Hải Phòng

Nguyễn Đình Minh