Giáo dục và đào tạo Hải Phòng- 55 năm bài ca của những người truyền lửa

gd_hai_phong
Có một ngọn lửa bền bỉ cháy và luôn bừng sáng từ ngàn đời nay trên mảnh đất thuộc một vùng cửa biển đầy sóng gió Hải Phòng, đó là ngọn lửa của đạo học.
Hải Phòng, mảnh đất đã ghi danh mình trên hàng chục tấm bia tiến sỹ tại Văn miếu Quốc tử giám trong tổng số 78 tiến sỹ thời nho học, và nổi lên với 3 đỉnh học vấn chói sáng- ba trạng nguyên : Lê ích Mộc, Trần Tất Văn và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Truyền thống khoa bảng ngày xưa ấy như một mạch chảy không hề nguôi nghỉ trong chuỗi thời gian thăng trầm hưng phế của lịch sử và trào lên cuộn sóng trong 55 năm qua. 55 năm, Giáo dục và đào tạo Hải Phòng như một khúc ca ấm áp tràn đầy sinh lực trong bản hoà ca đang ngân rung hào sảng trên mảnh đất cửa biển anh hùng.
Trước khi bước vào cuộc hành trình gian truân có cả máu nước mắt và mồ hôi 55 năm ấy, Giáo dục Hải Phòng còn phải trải qua một giai đoạn đầy thách thức của những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà,9 năm kháng chiến trường kỳ và 300 ngày đêm đợi chờ tiếp quản.
Tại Hải Phòng, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mặc dù là thành phố quan trọng, nhưng thực dân Pháp chỉ xây dựng một nền giáo dục quy mô nhỏ trên địa bàn nội thành, tập trung đào tạo chủ yếu cho con em những gia đình giàu có và công chức thân Pháp. Do thực hiện chính sách ngu dân, nên đến năm 1945, dân số mù chữ toàn tỉnh vẫn chiếm 95%.
Ngày 23/08/1945, Hải Phòng đã khởi nghĩa giành chính quyền Ngày 8 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 17 đặt ra một chương trình bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam. Ngày 25/11/1945  Chỉ thị kháng chiến kiến quốc của Trung ương Đảng được ban hành. Hải Phòng - Kiến An ra sức thực hiện những nhiệm vụ cấp bách là củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân, tăng gia sản xuất, chống nạn đói, chống nạn mù chữ.
1945-1954, đi qua một thập kỷ, Giáo dục Hải Phòng đã vượt lên những gian khổ chồng chất của nghèo đói, của đạn bom của ách đô hộ thực dân. Hệ thống giáo dục quốc dân tại Hải Phòng thời điểm này vừa đa dạng vừa mang những đặc điểm lịch sử đặc biệt. Bên cạnh phong trào bình dân học vụ là hệ thống trường phổ thông.  Song song với giáo dục vùng tự do là giáo dục vùng tạm chiếm. Giáo dục có lúc nở rộ, có khi lại bị dìm trong lửa đạn của những cuộc càn quét bắt bớ của thực dân Pháp. Thậm chí giai đoạn 300 ngày chờ tiếp quản các trường học vùng tạm chiếm đã phải đóng cửa, giáo dục đình trệ hoàn toàn. Trong thời kỳ lịch sử đau thương và anh dũng ấy, Giáo dục Hải Phòng vẫn bừng cháy như một ngọn lửa không thể lụi tàn; đã vượt lên những thách thức tưởng chừng không thể. Chưa có một tượng đài nào kịp dựng để nói về giai đoạn lịch sử này của GD Hải Phòng, nhưng với 10 năm thấm đẫm máu lửa ấy những con người đất cảng kiên trung vẫn kịp dựng cho mình một móng nền của nền giáo dục dân chủ nhân. Và chính nhờ có nó mà giáo dục thành phố cảng những thời kỳ sau này mới có thể bước tiếp và nở rộ những mùa hoa.
Ngày 13/5/1955, lá cờ ba sọc của Pháp hạ xuống, tên lính thực dân cuối cùng buộc phải rời thành phố cảng thân yêu. Hải Phòng giải phóng. Trong niềm vui vô bờ ấy Thành phố cảng đồng thời tiếp nhận nhiệm vụ cùng với cả nước thực hiện nhiệm vụ chung của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc - dân chủ - nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất  đất nước. Sự nghiệp giáo dục cách mạng ở HP cũng bắt đầu những bước đi đầu tiên trong thời kỳ mới ẩn tàng những thách thức cam go.
Ngay từ những ngày đầu giải phóng chính quyền đã coi công tác xoá nạn mù chữ trên địa bàn thành phố là một công tác lớn của ngành giáo dục thời kỳ này. Phong trào BDHV đã lan rộng, ăn sâu vào các thôn xóm, bến sông hải đảo. Bình dân học vụ trở thành một phong trào nhân dân thực sự với những hình thức tổ chức hết sức linh động, thích nghi với điều kiện sinh hoạt của nhân dân lao động. Các lớp BDHV được mở ở khắp nơi bằng cách tận dụng  ở các đình chùa, các nhà tư , ở các đường phố, xóm ngõ, các xưởng thợ, công sở, các bến sông, bờ biển hay lưu động trên sông nước … để mọi người tiện theo học. Nét khác biệt của phong trào BDHV thời kỳ này là nối tiếp phong trào BDHV trong chiến tranh, nhưng được cải tiến biện pháp đó là tổng huy động các nguồn lực từ dân và đội ngũ giáo viên được trưởng thành trong kháng chiến, phong trào BDHV trên địa bàn thành phố không chỉ sôi động mà có những chuyển biến về số và chất lượng.
Trong 3 năm 1955 - 1958, Hải Phòng - Kiến An đã căn bản hoàn thành việc thanh toán nạn mù chữ. So với 10 năm trong kháng chiến ta mới  xoá mù chữ được 55 làng, thì con số này quả là một thành tựu lớn.
Thời kỳ này, giáo dục phổ thông đã chứng tỏ sức mạnh vượt trội của mình. Ngày 18/05/1955, các trường trung học, tiểu học đã mở cửa. Hơn 3.000 học sinh nội thành Hải Phòng và tỉnh lị Kiến An trở lại trường, tiếp nhận nội dung giáo dục mới.
Năm học 1955 - 1956, toàn thành phố có 159 trường cấp I với 31.214 học sinh; 10 trường cấp II với 2.797 học sinh.
Cùng với giáo dục phổ thông, công tác BTVH được coi trọng, từ năm 1955 - 1965  ngành học BTVH đã thu hút và đào tạo được 482.216 người đạt trình độ  BTVH cấp I. Đây là con số kỷ lục của ngành BTVH Hải Phòng.
Giáo dục mầm non từ số không bước đầu được xây dựng. Năm học 1956 - 1957 có 8 lớp, 10 cô giáo và 310 trẻ; đến năm 1964 - 1965 phát triển lên được 310 lớp 9.063 trẻ và 372 giáo viên.
Các trường chuyên nghiệp được thành lập đầu tiên là các trường sư phạm và y tế. Trường sư phạm sơ cấp đào tạo giáo viên cấp I, hệ 7+1; trường sư phạm trung cấp, hệ 7+2, đào tạo giáo viên cấp II dạy nhiều môn, theo hai ban khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Mặc dù GDCN mới trong thời kỳ khởi đầu, nhưng những mái trường, những ngành học của nó đã góp thêm đồng thời làm hoàn thiện bố cục và những sắc màu vào bức tranh đang khởi sắc phong phú của sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo  trên miền đất đầy sóng gió.
Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam và gây ra chiến tranh phá hoại rất ác liệt đối với miền Bắc. Giáo dục chuyển hướng sang thời chiến, kết hợp học tập, giảng dạy với đời sống sản xuất và chiến đấu, xây dựng nhà trường chống Mỹ, cứu nước. Năm 1965, các trường ở nội thành và thị xã Kiến An tổ chức sơ tán ra các vùng nông thôn. Những lớp học được tổ chức nơi những ngôi chùa rêu phong cổ kính, trong những ngôi nhà đắp đất và dưới những căn hầm chữ A. Sân trường chằng chịt hào giao thông, học sinh phải đội mũ rơm để tránh bom của máy bay Mỹ oanh tạc…
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng trăm cán bộ, giáo viên và hàng vạn học sinh Hải Phòng đã đi công tác và chiến đấu ở các chiến trường B - C - K; nhiều người đã anh dũng hy sinh.
Các bậc học đều phát triển mạnh về quy mô và chất lượng. Bậc học mẫu giáo và nhà trẻ được xây dựng thành bậc học chính thức trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Giáo dục phổ thông phát triển với quy mô lớn. Trong 10 năm từ 1965 đến 1975  đã có 204 trường cấp I với 179.848 học sinh, 180 trường cấp II với 91.469 học sinh và 21 trường cấp III với 15.989 học sinh. Thời kỳ này, bậc học phổ thông bỏ chế độ giáo viên dân lập, tuyển tất cả giáo viên dân lập vào biên chế, bỏ việc đóng học phí cho học sinh phổ thông. Việc đào tạo học sinh giỏi được đưa vào thành một nhiệm vụ quan trọng, một chỉ tiêu phấn đấu của các trường. Các lớp chuyên toán được tổ chức từ năm 1965, chuyên văn được xây dựng từ năm 1969 ở trường THPT Thái Phiên. Các quận, huyện chịu trách nhiệm bồi dưỡng học sinh giỏi cấp 1, cấp II. Nhiều huyện đã có những lớp chọn đặt ở một trường điểm để bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhờ đó, trong những năm từ 1966 - 1969, Hải Phòng đã có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi miền Bắc và toàn quốc.
Một nét đặc biệt của lịch sử Giáo dục - Đào tạo Hải Phòng thời kỳ này, là làm nhiệm vụ chăm nuôi các em học sinh miền Nam tập kết. Xác định các em không chỉ là con em đồng bào đồng chí miền Nam đang chiến đấu hy sinh trên tiền tuyến, ngay trong lòng địch, mà các em còn là “những hạt giống đỏ” của nửa miền tổ quốc. Chính các em sẽ là những người trực tiếp chiến đấu và xây dựng quê hương sau này. Bởi vậy học sinh miền Nam được tấm lòng Hải Phòng dành cho sự ưu ái đặc biệt.
Từ năm 1955 đến 1968 Hải Phòng đã nuôi dạy gần 3 vạn học sinh miền Nam. Hầu hết các học sinh được tu dưỡng rèn luyện tại các trường miền nam tại thành phố cảng sau này trưởng thành. Có những người hoạt động trên lĩnh vực văn hoá nghệ thuật thành danh như Nghệ sỹ nhân dân Trà Giang; có người giữ những chức vụ rất quan trọng ở trung ương  như  nguyên thủ tướng Phan Văn Khải và nhiều lãnh đạo chủ chốt khác từ trung ương đến các địa phương. Đây không chỉ là một nhiệm vụ lịch sử được hoàn thành xuất sắc mà còn là một minh chứng cho sự đóng góp to lớn của giáo dục – đào tạo Hải Phòng với cả nước.
Sau giải phóng miền nam mùa xuân 1975. năm 1979,  Hải Phòng thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục, xác định mục tiêu của giáo dục là chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ ngay từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, thực hiện giáo dục phổ cập toàn dân và đào tạo, bồi dưỡng với quy mô ngày càng lớn và đội ngũ lao động mới.
Đây là thời kỳ khởi sắc mạnh mẽ của GD&ĐT Hải Phòng. Về quy mô giáo dục phổ thông, số lượng học sinh cấp II tiếp tục phát triển; năm học 1977 - 1978 có 110.959 học sinh, đây là năm học có số lượng học sinh cấp II cao nhất trong 40 năm (1955 - 1995). Cấp III từ 21 trường năm 1975 đã tăng lên tới 27 trường với 31.721 học sinh năm học 1985 - 1986.
Về bậc học BTVH, tiếp tục mở các lớp BTVH cấp I. Năm 1980 hoàn thành phổ cập cấp I cho nhân dân lao động đến 40 tuổi. Đến năm 1981, phổ cập được cấp II cho cán bộ xã, thôn. Đặc biệt, đã phát triển mạnh mẽ BTVH cấp III, huy động được 160.211 người đi học. Đến năm 1981, có 38% cán bộ chủ chốt xã, 80% cán bộ chủ chốt quận, huyện có trình độ văn hóa cấp III.
Bậc giáo dục chuyên nghiệp tiếp tục phát triển. Cho đến năm 1985, Hải Phòng có một hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, tính cả TW có 2 trường đại học, 1 phân hiệu đại học, 1 trường cao đẳng, 2 trường tương đương cao đẳng, 8 trường trung học chuyên nghiệp và 16 trường dạy nghề.
Những năm đổi mới (từ năm 1986 - 1990) giáo dục diễn ra trong tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội nên chất lượng giáo dục đại trà và số lượng học sinh giảm sút rõ rệt . Từ năm học 1992 - 1993, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế - xã hội, sự nghiệp giáo dục - đào tạo bắt đầu phát triển lên một cấp độ mới cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Năm 1995, nước ta thóat khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tình hình giáo dục - đào tạo đã có bước phát triển vững chắc trong cơ chế mới.
Dấu ấn đầu tiên là hệ thống trường mầm non dân lập tư thục phát triển cả ở thành thị lẫn nông thôn góp phần giảm tải gánh nặng ngân sách cho nhà nước. Về bậc học phổ thông, từ năm 1991, các trường PTCS tách ra thành các trường tiểu học và THCS. Từ năm 1992, bắt đầu thí điểm thành lập trường trung học chuyên ban, mở đầu là trường PTTH Ngô Quyền. Trường PTTH năng khiếu Trần Phú thành lập năm 1986. Nội dung giáo dục dạy theo SGK với nội dung được đổi mới cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đặc biệt, bộ môn Tin học đã được đưa vào chương trình phổ thông và tiếng Anh là môn ngoại ngữ chính. Nét nổi bật  trong thời kỳ này là việc xây dựng trường phổ thông kiên cố cao tầng ở các xã từ năm 1992 - 1994 đã có 63,5% số xã.
Năm 1991, Hải Phòng đã được công nhận là thành phố hoàn thành PCGDTH theo tiêu chuẩn quốc gia.
Nửa thế kỷ đi qua (1945 - 1995), từ chỗ 95% dân số mù chữ, đến nay Hải Phòng đã có 95% dân số biết chữ, đại bộ phận nhân dân có học vấn từ tiểu học trở lên. Thành phố đã có một đội ngũ trí thức: 24.000 cán bộ có trình độ ĐH, CĐ, gần 100 tiến sỹ, phó tiến sỹ và gần 30 giáo sư, phó giáo sư. Hải Phòng đã đi trước cả nước 10 năm về PCGDTH và đến năm 2000, PCGD THCS trên quy mô toàn thành phố.
Những năm cuối thế kỷ XX , sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, nâng cao một bước trình độ đào tạo dân trí và chỉ số phát triển con người, bồi dưỡng nhân tài có tiến bộ rõ. Giai đoạn này, GD - ĐT Hải Phòng có một đội ngũ giáo viên với trên 2 vạn người, hơn 700 trường học các cấp học, bậc học, trong đó có 48 trường THPT, 4 trường ĐH, 1 trường CĐ cộng đồng…
Quy mô GD - ĐT tiếp tục ổn định và phát triển. Mỗi năm tăng từ 1,5 - 2 vạn học sinh, 3-4000 sinh viên chuyên nghiệp, đưa tổng số học sinh các cấp lên gần 60 vạn (cứ 3 người dân có 1 người đi học). CSVC được tăng cường: đã có 98,7% số xã có trường cao tầng. 50 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; 2 trường đang phấn đấu đạt chuẩn quốc tế. Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được bổ sung đầy đủ và nâng cấp về trình độ. Công tác XHHGD được đẩy mạnh, phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển rộng rãi trên khắp địa bàn thành phố.
Chất lượng đào tạo không ngừng tăng trưởng, tỷ lệ tốt nghiệp duy trì ở mức 98,6-99 %. Hải Phòng là một trong những địa phương có số lượng và chất lượng giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế mạnh nhất (trên 600 giải quốc gia, 15 giải quốc tế).
Ghi nhận những nỗ lực vượt khó và sự đóng góp không nhỏ của giáo dục Hải Phòng đối với sự phát triển giáo dục của cả nước, những năm qua ngành GD - ĐT Hải Phòng đã được tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen các loại. Tính đến năm 2001, toàn ngành đã được Nhà nước tặng thưởng 9 huân chương (trong đó có 1 huân chương Độc lập hạng ba, 3 huân chương Lao động hạng nhất, 14 huân chương Lao động hạng nhì, 74 huân chương Lao động hạng ba); 1 đơn vị và 2 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động, 7 chiến sỹ thi đua toàn quốc và 69 Nhà giáo ưu tú. Ngoài ra, ngành còn được Chính phủ tặng thưởng 12 cờ luân lưu, 138 bằng khen cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu; Bộ Giáo dục - Đào tạo và UBND thành phố tặng thưởng 70 cờ tiên tiến xuất sắc. Ba năm học liên tiếp (từ năm 1997 đến năm 2000). ngành GD - ĐT Hải Phòng được Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng cờ thi đua xuất sắc cho “đơn vị dẫn đầu”.
Những năm đầu của thế kỷ XXI, Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị được ban hành. Đây là một nghị quyết mang tầm chiến lược. Khi đề cập về phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ CNH, HĐH, Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu phấn đấu: Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục đào tạo vùng Duyên hải Bắc Bộ. Cũng ở thời điểm này, Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ vê xây dựng và phát triển Hải Phòng cũng khẳng định, đến năm 2019, Hải Phòng trở thành đô thị văn minh hiện đại, có sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển cao của khu vực phía Bắc và cả nước.
Nắm bắt chủ trương trên  và hoà nhập với không khí đổi mới của nền kinh tế-Xã hội thành phố, GD&&DT có những bước chuyển mình ngoạn mục.  Toàn ngành xác định rõ  đích hướng tới : tiếp tục đẩy lùi  tiêu cực, xây dựng một môi trường giáo dục  chất lượng, giàu tính nhân văn  hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố giao phó.
Xác định phát triển quy mô có ý nghĩ hết sức quan trọng, nên trong các chương trình  được xây dựng  từ cấp Sở đến các cơ sở, mục tiêu này được khẳng định là nội dung tiên quyết . Bởi có phát triển quy mô thì mới hoàn thành nhiệm vụ “Nâng cao dân trí” và “Đào tạo nhân lực” được.  Vì vậy, hệ thống trường học phát triển mạnh. Quy mô trường lớp và số học sinh cũng tăng lên qua các năm. Ở hầu hết các cấp học  mỗi năm quy mô đều tăng từ 3 -5 nghìn học sinh/ cấp học.  Chỉ tính riêng  năm học  2008 - 2009, toàn thành phố có 778 trường học với  373.666 học sinh, chưa kể số học viên, sinh viên các trường thuộc ngạch đào tạo và bổ túc văn hóa.  Con số ấy đã đủ nói lên sự phát triển về quy mô giáo dục của thành phố.
Giáo dục đào tạo Hải Phòng luôn chú trọng tới bậc học  nền tảng, bởi vậy quy mô ngành học mầm non luôn ổn định. Đến năm 2010 toàn thành có 252 trường mầm non và nhà trẻ với nhiều loại hình Công lập bán công, dân lập và tư thục. Trong số ấy có 13 trường đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống trường này đã huy động được trên 80% số cháu ra nhà trẻ và mẫu giáo, đặc biệt lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,9 %.
Hải Phòng  có 60 trường THPT, 218 xã phường của thành phố đều có trường Tiểu học và Trung học cơ sở. Trong số ấy, Tiểu học có 100 trường, THCS có 30 trường và THPT có 21 trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1.
Hệ thống TTGDTX của Hải Phòng vẫn duy trì được quy mô của mình với 14 trung tâm và gần 10 nghìn học sinh. Gần 10 năm qua, toàn thành phố có trên 200 Trung tâm học tập cộng đồng . Với  phương thức đa dạng hoá nội dung đào tạo thích ứng với đòi hỏi của xã hội, phục vụ cộng đồng những vấn đề thiết thực, hệ thống TTGDTX của thành phố vẫn khẳng định được vai trò quan trọng trong xu thế giáo dục hiện tại , khi mà hệ thống này của các tỉnh bạn đang lâm vào khủng hoảng.
Hệ thống trường chuyên nghiệp cũng không ngừng tăng trưởng về quy mô và đa dạng hoá các loại hình đào tạo. đến nay thành phố đã có  4 trường ĐH (ĐH Hàng hải Việt Nam, Đại Học Hải Phòng, Đại học Y Hải Phòng và ĐH Dân lập Hải Phòng), 8 trường cao đẳng và 8 trường trung cấp chuyên nghiệp. Hệ thống các trường chuyên nghiệp được xây dựng với quy mô chuẩn. Nổi lên với thương hiệu đào tạo tầm quốc gia và khu vực ASEAN  là Đại học Hàng hải Việt Nam.
Số học viên, sinh viên học trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có chuyển biến tích cực trong giai đoạn 2006 - 2010. Riêng năm học 2008 - 2009, hệ thống các trường giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã thu hút được 74.000 học sinh, sinh viên các hệ; hệ đào tạo TCCN tuyển sinh được 6.238 học viên, trong đó: hệ chính quy có 4.113 người theo học; hệ vừa học vừa làm có 2.125 người theo học.
Điểm nổi bật mang tính đổi mới phù hợp với giai đoạn cả nước phát triển nền kinh tế thị trường là sự  tồn tại và phát triển của các loại hình trường Dân lập, Tư thục. Hiện tại tất cả các bậc học từ nhà trẻ mầm  non đến đại học ở  Hải Phòng đều có loại hình này. Tỷ lệ trường ngoài công lập đạt 30%.  Số trường ấy, với khả năng huy động nguồn lực XHHGD khá tốt đã thực sự góp phần làm giảm bớt gánh nặng tài chính  cho ngân sách của thành phố. Và Hải phòng trở thành đơn vị đi đầu cả nước về xây dựng hệ thống trường NCL.
Việc phát triển quy mô đã thực sự góp phần giải quyết bài toán nhân lực chất lượng cho yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá của thành phố đồng thời tạo ra sự phát triển về đời sống dân sinh, an ninh trật tự xã hội...
Tuy nhiên thành tựu của GD và ĐT Hải Phòng  không chỉ ở chỗ phát triển quy mô, mà điểm nhấn ấn tượng là ở chất lượng đào tạo. Tỷ lệ học sinh xếp loại trung bình trở lên ở các cấp học ổn định ở  91%. Tỷ lệ học sinh giỏi từ 18 -21 %. Đặc biệt học sinh THPT của thành  phố có tỷ lệ tốt nghiệp từ 96 đến 98 % và tỷ lệ vào đại học là trên 40% ,luôn đứng trong tốp 4 tỉnh thành phố dẫn đầu toàn quốc. Năm học 2008 -2009 theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Hải phòng có tới 9 trường nằm trong tóp 200 trường có tỷ lệ học sinh vào đại học cao của toàn quốc.
Số lượng học sinh đạt giải quốc gia , quốc tế và khu vực ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng giải ngày càng cao. Điển hình là năm học 2007-2008 Hải Phòng đã có 01 huy chương bạc môn hoá học, 01 huy chương đồng môn vật lý giải thi học sinh giỏi quốc tế và 73 giải văn hoá,  04 giải thi máy tính Casio tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Trong 5 năm gần đây Ngành GD&DDT Thành phố liên tục nằm trong tốp dẫn đầu của toàn quốc về thành tích giáo dục đào tạo được nhận cờ đơn vị dẫn đầu, huân huy chương của nhà nước và Bộ GD&DDT khen tặng. Đối với cá nhân ở các đơn vị cơ sở, Bộ Giáo dục - Đào tạo, UBND thành phố đã tiến hành xét tặng, trao thưởng  cho 145 cán bộ quản lý, 885 giáo viên. Nhà nước trao tặng huân chương cho 4 cán bộ quản lý và 1 giáo viên . Cũng trong giai đoạn này, tập thể các đơn vị của ngành được vinh dự đón nhận 4 huân chương Lao động hạng nhất, 7 huân chương Lao động hạng nhì, 44 huân chương Lao động hạng ba; 1 huân chương Độc lập hạng nhì, 1 huân chương Độc lập hạng ba và 57 cờ thi đua cấp tỉnh bộ, 5 cờ thi đua cấp quốc gia. Đáng trân trọng là những đơn vị đã vươn lên dẫn đầu đạt danh hiệu nhà trường anh hùng thời kỳ đổi mới : Trường Mầm non Tam Cường huyện Vĩnh Bảo, Tiểu học Đinh Tiên Hoàng và THPT năng khiếu Trần Phú…
Giáo dục Hải Phòng là thành viên quan trọng nằm trong G5 (năm đơn vị tỉnh thành phố có chất lượng giáo dục mạnh nhất toàn quốc) chiếm được trọn niềm tin yêu của đảng bộ và nhân dân thành phố, là một điển hình tiên tiến mà giáo dục các tỉnh và thành  phố  khác ngưỡng mộ.
Những thành tích kể trên có được, là do các cấp quản lý của ngành học biết coi trọng và phát huy nhân tố con người giáo dục. Những năm gần đây, công tác bồi dưỡng đạt chuẩn và vượt chuẩn là một nội dung hoạt động trọng điểm của ngành. Huy động và tranh thủ sự ủng hộ của mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh nội lực của từng đơn vị cơ sở, từng cá nhân ; Ngành đã phố hợp tốt với  Sở Nội vụ tổ chức tuyển chọn  nguồn giáo viên hết sức khoa học, tổ chức liên kết đào tạo với các trường đại học, đại học quốc gia Hà nội, các Vụ, Viện khác trong các chương trình đào tạo chuẩn và vượt chuẩn.  Đến nay ngành đã xây dựng được một đội ngũ  hùng hậu . Với tổng số hơn 26.210 cán bộ, giáo viên, nhân viên thời điểm năm 2009, tỷ lệ chuẩn đào tạo trên 97,89%, có 999 thạc sỹ, 112 tiến sỹ, 36 giáo sư và phó giáo sư, 119 Nhà giáo ưu tú, 03 Nhà giáo nhân dân, 09 Chiến sỹ thi đua toàn quốc; giai đoạn 2006 – 2010.
Đội ngũ hùng hậu ấy hiện tại đang tích cực hưởng ứng phong trào "Mỗi thày cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo" đã thực sự là nhân tố chủ động tạo ra động lực làm tăng tốc con tàu giáo dục Hải Phòng vươn ra biển lớn hội nhập
Với  tầm nhìn chiến lược, Giáo dục đào tạo Hải Phòng sớm nhận ra vai trò của Ngoại ngữ và công nghệ tin học trong giáo dục con người  mới thời kỳ hội nhập. Chính vì vậy chương trình học ngoại ngữ và công nghệ trở thành điểm nhấn nổi bật của ngành trong những năm qua. 100% các nhà trường đều có góc ngoại ngữ và những chương trình Festival được tổ chức hết sức cuốn hút sôi động. Đây không  đơn thuần chỉ là buổi sinh hoạt ngoài giờ,trên thực tế đã tạo ra một không khí,một môi trường thực sự, mà ở đó học sinh được tăng trưởng thêm vốn ngoại ngữ của mình  - điều kiện  quan trọng trong hành trang bước vào ngưỡng cửa cuộc đời.