Đánh giá và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên THPT- Bài toán của các nhà quản lý

Trong hệ thống các hoạt động quản lý, quản lý nguồn nhân lực là một nội dung hàm chứa đầy thách thức.  Bảy hoạt động trong quá trình quản lý  thực chất là một quy trình động. Nếu miêu tả bằng hình ảnh thì nó là một vòng xoắn ốc vừa khép kín vừa phát triển đi lên liên tục. Tính khoa học của nó được xác định như một tiên đề. Tuy nhiên cho đến thời điểm này nó chưa được đi vào cuộc sống với tư cách là một "cây đời".,bởi những bất cập cản trở . Dưới đây chúng tôi chỉ xin  đề cập tới vấn đề bất cập trong việc đánh giá thành tựu và các chương trình bồi dưỡng phát triển đội ngũ.

Trên thực tế công tác đánh giá giáo viên  gắn bó hữu cơ với công tác bồi dưỡng. Dù thực hiện đánh giá không chính thức hay đánh giá chính thức có hệ thống thì mục tiêu cao nhất vẫn là làm mạnh hoá nguồn nhân lực. Lý luận đã khảng định : "Đánh giá thành tựu là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của người quản lý trong việc quản lý nguồn nhân lực và cũng là nhiệm vụ khó khăn ".            Trước hết muốn tìm ra người cần  bồi dưỡng phải Thẩm định kết quả làm việc. Để thẩm định và đánh giá GV hiện nay chúng ta đều sử dụng những chuẩn tạm thời (mỗi cơ quan một vẻ), nhiều tiêu chí đưa ra ở tình trạng khái quát chung chung không lượng hoá, thiếu khoa học. Mặt khác do yêu cầu PCGD và sức ép của XH nên việc đánh giá học sinh dễ dãi trở thành một thứ văn hoá nhà trường dẫn đến tình trạng không biết chất lượng dạy đích thực của mỗi giáo viên như thế nào ?

Việc xác định những tiêu chí công việc chuẩn cho một giáo chức hiện thời vẫn còn nghiên cứu. Khi so sánh với yêu cầu chuẩn về một cử nhân của Mỹ, Canađa, Anh loại chương trình 500 (theo Lê Đức Ngọc- "Đánh giá ở lớp học”) mới thấy chuẩn của ta là quá thấp. Nhưng giáo viên của chúng ta sau khi có tấm bằng và biên chế là yên tâm sống suốt đời. Luật Lao động và Luật hợp đồng lao động ít khi len lỏi được vào đời sống của các trường công lập bởi chính những chế định của nó đặt ra còn nhiều

bất cập và sức mạnh can thiệp của những luật bất thành văn khác tại địa phương.

Tâm lý bằng lòng khiến GV tư duy về việc học nâng cao như một sự xa xỉ. Để thích ứng với yêu cầu của GD hiện đại theo xu thế hội nhập chúng ta còn phải học hỏi rất nhiều. GS Hồ Ngọc Đại khi trả lời Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình (1981) đã đưa ra mệnh đề: Muốn CCGD thì phải thay toàn bộ hệ thống nhân lực của GD hiện thời.

Đương nhiên đấy chỉ là câu trả lời vui (theo ý của giáo sư) và đương nhiên chúng ta không thể làm như vậy vì nhiều nguyên nhân. Song thiết tưởng rằng đã đến lúc chúng ta cần có một chuẩn giáo viên với những tiêu chí và minh chứng khoa học - một hình ảnh chuẩn về một giáo chức bậc THPT, để lấy đó làm mẫu hình cho công tác đánh giá và công tác đào tạo bồi dưỡng.

Về quy trình bồi dưỡng hiện nay ấn tượng nhất vẫn chỉ là BDTX theo các chu kỳ. Còn hình thức và cách thi cử của học sinh vẫn không thay đổi; GV dạy, và khi kiểm định bằng chất lượng thi cử họ vẫn đạt cao, nhà QL có thể nói gì? Chính vì vậy công tác bồi dưỡng đội ngũ đến bây giờ vẫn chưa mang lại hiệu quả đích thực dù chúng ta đã có những thành quả về công tác này.

Các trường THPT khó có nguồn  để cung ứng cho GV đi đào tạo. Hậu quả căn bệnh trầm kha của  cơ chế đầu tư giáo dục đang kìm hãm sự vươn dậy của  rất đông những nhà giáo có ý chí vươn lên. Việc huấn luyện tại chỗ (on-the-job-training),gặp trở ngại là hiện tượng dấu nghề đang xuất hiện ngày càng nhiều.Tác động  mặt trái  cơ chế thị trường  đã làm nghèo đi bản năng chia sẻ vốn là bản năng đặc trưng của giới trí thức.

GD &ĐT Hải Phòng hiện là một đơn vị "Lá cờ đầu" của GD toàn quốc.Thành tích ấy trước hết là sản phẩm nội sinh của cán bộ quản lý và giáo viên CNV của ngành.Tuy nhiên để chuẩn bị cho mục tiêu tương lai cần có một chương trình  "xã hội học tập" trong ngành , thực hiện "hiện đại hoá" đội ngũ,tự xây dựng tiềm lực "tăng tốc" tiến vào kỷ nguyên "Hội nhập". Muốn có được điều ấy chúng ta phải  xem lại vấn đề kiểm định  giáo viên,và đương nhiên chúng ta cũng phải tham mưu thật tốt để các nhà QL tầm vĩ mô hoạch định một chiến lược khả thi cho giáo dục của một thành phố đô thị trung tâm loại I cấp quốc gia. 

 

 

Nguyễn Đình Minh

Tạp chí Khuyến học - Hội KHTL HP ( Tháng 11/2007)