Đôi điều tản mạn khi đọc “Ở đây, lúc này” - tập thơ của Nguyễn Đình Minh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2022

 

Nguyễn Ngọc Thạch

Trong một lần về bãi biển Đồ Sơn – Hải Phòng  , vào những ngày cuối tháng 05,  mùa hạ , nhân ngày gặp mặt của VK4 – SP2 , tôi  đã được anh bạn : nhà thơ – nhà báo – nhà quản lý giáo dục  - nhà giáo Nguyễn Đình Minh tặng một vài tập thơ. Những tập thơ ấy, thi thoảng mang ra đọc, thấy ngấm, cảm  thấy  say như say thuốc lào Vĩnh Bảo quê anh tạo ra trong tôi  một cảm giác êm , lâng lâng và khó tả thành lời, thấy cả một tâm hồn siêu đa cảm, giàu lòng vị tha cao cả và một sức bền của một người có tới gần nửa thế kỷ gắn bó với thơ, với văn học nghệ thuật. Thế rồi, trong một ngày tháng 10, mùa thu, sau bão Nooru, trời bỗng hửng, tôi lại nhận được một tập thơ mang cái tên thật lạ: Ở đây, lúc này của Nguyễn Đình Minh gửi tặng theo đường chuyển phát nhanh từ Vĩnh Bảo về làng Vân quê tôi .

Tên của tập thơ “Ở đây, lúc này “, cả thảy vẻn vẹn chỉ có 04 chữ, nó không chỉ xác định nghĩa tường minh là thông báo địa chỉ và thời gian, mà nó là cả “Chánh niệm ” nhà Phật, đó là  quan niệm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh ( người có tên trong danh sách đề cử giải Nobel Hòa bình vào năm 1967), thường nhắc các đệ tử: “Quá khứ qua rồi, tương lai chưa đến. Quan trọng là ở đây, lúc này”. Chánh niệm ấy, NĐM đã trân trọng chú thích trong bài (Tiếng chào đời đêm đại dịch) và đã chọn nó đặt tên cho cả một tập thơ của mình - một tập thơ bao gồm 81 bài, chia làm 03 phần (Trong mắt bão; Chiến tranh, tại sao? ; Nhà thương trái tim) với một  cấu trúc hợp lý và một bố cục chặt chẽ, viết về nhiều vấn đề của cuộc sống mang tính thời sự nóng hổi, cấp bách của thời đại: đại dịch Covid 19, tiếng súng vùng Trung Đông, cuộc chiến đang diễn ra giữa hai nước Nga và Uknaira, biển Đông dậy sóng và có cả tiếng thì thầm như gọi bạn trong một đêm Khau Vai ở trên biển. Những vấn đề ấy bề bộn, nhiều lớp, nhiều tầng được thể hiện bằng thơ chứng tỏ năng lực khám phá , bản lĩnh nghệ thuật , sự thăng hoa của một tâm hồn khiến câu , chữ và hình ảnh trong tập thơ vừa khái quát những vấn đề của cuộc sống vừa có sức biểu cảm mà vẫn gửi đi một thông điệp đầy tính nhân văn tới mọi người : “Tôi viết ngay lúc này, trên trái đất , trong ngôi nhà của minh bằng trái tim đau đớn cho số phận nhân loại , cho dân tộc của tôi và ngưỡng vọng trân quý phẩm giá con người “

 

Trong lời tựa của tập thơ, NĐM đã từng viết như vậy. Nhà thơ viết “lúc này”  – cái lúc mà cả trái đất của chúng ta có những cơn bão mang tên Corona có sức mạnh vùi dập tất cả không chỉ đối với “ riêng bạn , riêng tôi , riêng dân tộc Việt mà tất cả thế giới loài người “. Để làm được điều đó, nhà thơ chọn cho mình một góc nhìn của một nhà điện ảnh để quan sát tất cả rồi ghi lại bằng thơ , bằng chính tâm hồn của người nghệ sỹ ” Mặt đất thì nín thở / Bước chân Corona thao túng cả màn hình / Lời thương co mình náu sau mặt khẩu trang / Người buông rời nhau như xa lạ / Và nụ cười bất ngờ héo úa / Thành phố sau một đêm, sáng dậy như phế hoang “ ( Ngày vụn vỡ ) .

 Covid 19 bắt đầu từ thành phố Vũ Hán vượt biên giới Trung Quốc  tràn ra khắp các châu lục như một đại hoạ, như một cơn đại hồng thuỷ “ bẻ gãy, nhấn chìm các đường kinh , vĩ tuyến “ rồi có lúc “ giương vuốt . nhe nanh …săn đuổi con người “… khiến mọi con đường mù mịt không biết “ đi đâu, về đâu “. Một câu hỏi đi đâu, về đâu nghe sao mà ám ảnh vậy! Nỗi ám ảnh đó của nhân gian từ quê hương của Phật cho đến “ Thánh địa Vaticăng “ trong mùa đại dịch bay đậu vào thơ của tác giả khiến câu thơ càng ám ảnh mãi không thôi : “ Đầy trời mây xám màu tang / Chấp chới ánh đèn cấp cứu / Người hoảng hốt náu mình sau những chấn song “ ( Trong gió tử thần ) hay “ Nhưng trái đất chưa một phút bình yên / Và cánh đồng thời gian thây người như ngả rạ / Những nghĩa địa chập chùng thập giá / Vọng tiếng dế  than nẫu ruột canh trường “  ( Loài thú lốt người ) .

NĐM gọi Covid là một loài thú quái dị, không có trái tim để lại những di chứng làm “ nghiêng cả lịch sử loài người ‘. Covid 19 quả là một con thú dữ “ , nó xuất hiện như ‘ báo ngày tận thế ‘ và “ tắm máu con người “ . Thơ anh có tính thời sự  khi viết về Covid và coi đó  như một lời cảnh báo với nhân loại.

Nhà thơ thu gom những hình ảnh có thực ở khắp mọi miền của Tổ quốc mình, của nhân loại để rồi gắn, đính, cài một cách có nghệ thuật vào trong thơ tạo nên một bức tranh ảm đạm,  u ám trong những ngày đại dịch đến nỗi: “Những lá quốc kỳ buông xuôi, ủ rũ / Trên từng kinh vĩ độ máu loang buồn “. Thế rồi nhà thơ đi truy tìm nguyên nhân của cơn đại hồng thuỷ mang tên Corona bằng một phát hiện khá bất ngờ: “Chối bỏ mẹ Thiên Nhiên, ngỡ mình hoá thánh “ để rồi khẳng định chính con người đã gây ra thảm hoạ này: “ Vẫn nhỏ bé mỏng manh/ Và vẫn chỉ con người “ ( Nghĩ trong đêm đại dịch )

Nguyễn Đình Minh đến với thơ từ những năm rất xa của thế kỷ trước. Ngày đến Xuân Hoà, lúc đó ai cũng bảo đó là thủ đô tương lai của đất Việt nhưng riêng anh, anh cho nơi đây không có đèn xanh đỏ mà bạt ngàn một màu tím hoa sim. Hơn 40 năm sau , cũng ở “ nơi đây “- cái nơi trong mắt bão giữa những ngày đại dịch, với tư cách là một nhà thơ – một ông giáo trường làng anh làm thơ về những ngày tháng Tư đợi ….học trò :

“ Dịch Covid tràn về vùi ngập úng tháng Tư

Sân trường lạnh tanh , phượng nghẹn ngào úa lá

Mặt trống nghỉ trái mùa

Ngóng muôn trùng mây úa

Học trò tôi bây giờ ở đâu ? “

Một câu hỏi tu từ nghe xao xuyến thế, để rồi anh khao khát được chia sẻ và bộc lộ nỗi niềm với học sinh thân yêu của mình qua “ tiếng nói , nụ cười “. Có lúc, nhà thơ thèm nghe một tiếng dế - đó là một  thanh âm quen thuộc nơi đồng quê  để được  “nhập hồn theo tiết tấu cuộc đời “. NĐM là vậy! Anh nâng niu, trân trọng tiếng khóc chào đời của một đứa trẻ trong một đêm đại dịch. Đó là tiếng con người - tiếng của những thiên thần bé nhỏ “ cho ta tin / Sự thần thánh của con người “ (Tiếng chào đời trong đêm đại dịch )

Tính triết lý trong thơ của NĐM bao giờ cũng gắn với cảm hứng trữ tình . Có đôi lúc ta bắt gặp những so sánh về người sản phụ vượt cạn để giành lấy sự sống :

“ Sản phụ gồng mình vượt tầm tay thần chết

Tình người vẫn lung linh như ngọc

Kịp sáng lên trong bụi bặm cõi đời “

( Tiếng chào đời trong đêm đại dịch )

Nhớ lại tháng Tư năm ngoái trên khắp phố phường, bản làng đâu đâu cũng thấy những chiếc Barie vô hồn cắm chôt để ngăn ngừa Covid . NĐM coi nó như “ một dấu trừ xuyên ngang con đường quê vốn ồn ào , tấp nập “ và có cả một vầng trăng khuyết “ treo lưng trời buồn tênh …“ ( Chốt covid ở làng )

Sự sống bắt đầu từ cái chết âu cũng là triết lý của cuộc đời . Hình như NĐM cũng hướng tập  thơ của mình theo cái triết lý ấy. Một số bài anh viết ở phần thứ I – phần Trong mắt bão, theo tôi, bên cạnh bức tranh có gam màu xám, màu tối giữa mùa đại dịch trên khắp hành tinh của chúng ta có cả màu sáng - màu của tương lai và hi vọng. Những gam màu này được tạo ra trong thơ anh được lấy cảm hứng từ trách nhiệm công dân , trách nhiệm của người nghệ sỹ đối với cuộc sống . Anh vẫn thấy hương hoa ở ngoài kia thoang thoảng bay vào, anh vẫn thấy loài chim ríu ran làm tổ… bởi “lúc này” anh mới “ ngộ ra “ ở đây “ đang hứng chịu cơn bão Corona tàn phá . “ Ngộ ra “ những điều bình thường và kỳ diệu của cuộc sống, chứng tỏ NĐM không bi luỵ trước hoàn cảnh và số phận để mang đến cho mình, cho thơ một cái nhìn thật bình dị, sáng trong và cảm động đến khôn cùng :

“ Lá vẫn xanh dưới trời như xưa vẫn thế

Ong đan cánh khiêng những hạt nắng vàng “( Ngộ ra )

Những hình ảnh thật đẹp ở đâu đó xuất hiện giữa cái “ hỗn độn bi thương bão Covid để lại “, NĐM còn “ngộ “ ra cả những gì “ quá đỗi giản đơn “ và thân thương  ở cuộc sống này :

“ Ngộ ra cái ta cần quá đỗi giản đơn

Và nuối tiếc những tháng ngày mộng mị

Bỗng khát mảnh bếp chiều toả khói cơm thơm

Mẹ vín gậy chờ ta về đầu ngõ

Trăng xuống sân hát đồng dao cùng con trẻ

Tình vợ nghĩa chồng gieo những mùa xanh “

( Ngộ ra )

Sức của người viết có hạn mà vấn đề ở trong tập thơ này quả là tầng tầng , lớp lớp khó mà cảm nhận hết được. Vậy nên chỉ đôi điều như thế để gửi lại nơi người sản sinh ra tập thơ hay, sâu sắc và rất nhân tình của anh bạn: nhà thơ - nhà báo - nhà giáo - nhà quản lý Nguyễn Đình Minh./.

Thị trấn Vân Đình, Tháng 10 năm 2022