Bóng hình người phụ nữ trong thơ Nguyễn Đình Minh

Từ “Lặng lẽ đời cây”, “Mắt cỏ” đến “Thức với những tập mờ” ta trải lòng cùng biết bao cung bậc cảm xúc, bao hình ảnh, bao luyến láy của thơ Nguyến Đình Minh. Tất cả đều dịu nhẹ, đều da diết và man mác trong cái hương đồng gió nội của một hồn thơ nặng tình, nặng lòng cùng những buồn vui cuộc sống. Chạm đến thơ anh là chạm đến câu ca dao, chạm đến hình cây lúa, chạm đến những bóng hình thân thuộc tự ngàn năm. Nhưng với tôi, thả hồn theo thơ anh tôi nhận ra một hình ảnh không mới trong văn chương kim cổ nhưng lại thật ám ảnh, thật lạ, thật day dứt; Hình ảnh người phụ nữ. Trước hết, trong thơ anh, ta gặp hình ảnh người mẹ tảo tần,giản dị gắn liền cùng những kỷ niệm buồn vui của đứa con yêu mẹ tha thiết. Bên cạnh đó, ta còn bắt gặp biết bao chân dung những người phụ nữ khác: thật quen mà cũng thật lạ.Viết về đề tài đọc lên tưởng chừng như quá cũ ấy, Nguyễn Đình Minh đã cho ta nhận ra những điều thật bình dị, những điều thật đáng trở trăn của một trái tim đàn ông lúc nào cũng yêu thương và muốn hiểu cùng những người phụ nữ quanh mình.

 

 

Hơn 40 năm sau chiến tranh, thế hệ của những người phụ nữ chờ chồng cũng đã lùi đi cùng những thăng trầm số phận,thế mà bỗng nhiên ta chợt nghẹn lòng khi bắt gặp trong bài thơ “Người đàn bà” hình ảnh:

Người đàn bà vác gàu ra đồng

tát nước dưới trăng

để rồi :

gàu sòng múc ánh trăng vàng

nhưng chỉ nghe tiếng sôi bọt nước

vai mòn vẹt nỗi chồng

lòng nở bồi bao khúc vì con

những khối u bào xé đêm mòn

và trong“ Vọng tiếng chày khuya” một người phụ nữ với tiếng chày giã trấu:

Muôn hạt trấu rỗng, xốp như bông

Đẩy những nhát chày giội lại

Người đàn bà lặng lẽ gửi những nỗi lòng tê tái

Vào vô định hay vô tình thời gian...

 

Và tiếng chày giã trấu vẫn dội âm thầm

Vắt những khát thèm chính chuyên ra ngoài thể xác

Những giây phút sống đau hơn chết

Cắn đến bật máu môi, để tắt tiếng cỏ cây lặng lẽ sinh tồn

Hình ảnh những “người vợ trẻ mòn chân bên cối gạo canh khuya” (Nhớ- Hồng Nguyên) ngày nào thao thức biết bao hồn người ra trận, trăn trở biết bao thế hệ bạn đọc vậy mà giờ đây lại không phải là tiếng chày giã gạo. Tiếng chày dội lại ấy giã trấu. Người đàn bà trong bài thơ làm cái công việc thật lạ kỳ, những cái “quệt mồ hôi” “lặng thầm”, những “tiếng thở dài” “trút” ra “nhão ra vào bóngtối”. Thế hệ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh đâu hiểu nổi ý nghĩa của sự vô lý ấy. Cũng giống như người vợ trẻ kia, người đàn bà hôm nay cũng tìm đến công việc nặng nhọc này để cố dằn những cảm xúc nhớ nhung, đau khổ đợi chờ, những khát khao rất con người. Nhưng Nguyễn Đình Minh đã cho chúng ta thấy nỗi lòng tê tái, nỗi cô đơn tuyệt đỉnh, nỗi đau không thể gọi thành tên, nỗi đợi chờ đã thành vô vọng khi:

Chiến tranh đã biến người chồng chỉ còn là nỗi nhớ

Những khát khao chắp đến ngàn lần

                     chẳng nối được...một vòng ôm

Không còn có người để mà chờ đợi, không còn có hy vọng mà để khát khao. Người đàn bà ấy đã và đang quằn quại với chính mình, đang đối chọi với những giây phút “sống đau hơn chết”. Nhà thơ đã gói trọn nỗi đau, đã hóa đá tâm hồn của con người thủy chung vào một phép so sánh đầy xa xót. Nhưng thực tế là thế. Những ai đã trải qua mất mát, những ai đã thắt lòng vì những cuộc biệt ly vĩnh viễn sẽ thấu hiểu như Nguyễn Đình Minh. Bởi vẫn sống là vẫn còn mang nặng sầu đau, còn nhớ nhung khắc khoải, còn đợi chờ mòn mỏi, và còn cả những vật vã của chính những phút giây “Vắt những khát thèm chính chuyên ra ngoài thể xác”. Thi nhân hiểu tiếng lòng của người con gái tuổi đôi mươi xưa qua tiếng chày giã trấu đó. Anh thức cùng người, “nghẹn nuốt” cùng tiếng chày giã trấu hằng đêm và vọng đến mỗi người đọc chúng ta một thanh ngân của sự nghẹn lòng sẻ chia.

Không chỉ nghe tiếng chày giã trấu để thấu trọn lòng người, Nguyễn Đình Minh còn ám ảnh hơn với ta khi anh khắc tạc “Người đàn bà không còn khóc được”. Đối diện với khói hương, cái “ngọn khói” là “cái cuối cùng” người ra đi để lại, người đàn bà ấy không còn khóc được bởi:

Nước mắt cạn khô rồi

Nước mắt chan vào mưa, trôi mất

Nước mắt nắng đốt hóa hơi

Thấm vào cõi lòng chết khô thành sa mạc

Tất cả tuổi trẻ, tình yêu, sự hiện hữu của anh trong em đều đã tan biến bởi luồng sét chiến tranh. Nhà thơ nhìn thấy sự trống không nơi sa mạc tâm hồn, nhìn thấy cái thẫn thờ trong đôi mắt, nhìn thấy những lời day dứt không thể hỏi ai, nhìn thấy những chông chênh cuộc đời phía trước. và anh nhìn thấy:

Một trái tim trụi trần

thoi thóp.

Sự tồn tại như không. Đến giọt nước mắt để vơi đi những buồn đau thao thức ở người đàn bà ấy cũng không còn có thể vắt ra được nữa. Chân dung thi sĩ họa lên là cả một trời trống vắng, vô hồn mà ở đó chỉ còn có nhịp đập “thoi thóp” của “trái tim trụi trần”. Trái tim ấy còn đập, yêu thương ấy vẫn còn. Nước mắt không trào ra nơi khóe mắt, nước mắt đã chảy ngược vào tim. Không ai nhìn thấy người đàn bà ấy khóc chỉ có nguyễn Đình Minh. Anh đã lặng lẽ đến, lặng lẽ lau những giọt nước mắt ngược dòng, lặng lẽ hóa giải phần nào cô đơn người hóa đá trong hương khói mỏng manh.

Vẫn viết về nỗi đau chiến tranh, trong “Xóm đá không chồng”, thi nhân lại mở một cánh cổng khác, rộng hơn, trống vắng hơn nơi “làng gái góa”:

Những cô gái tuổi đôi mươi

Những viên kim cương trong lửa đạn một thời

Ngày hôm nay, họ chẳng có gì. Họ chỉ là “bóng đàn bà. Phơ phất dưới trăng suông”. Họ sống trong câm lặng với những khát khao không bao giờ thành hiện thực, họ chìm trong những bóng đêm “nặng chịch”. Nhưng Nguyễn Đình Minh thấu tất cả, anh đã nhận ra mùi “thơm vô duyên” của “bồ kết”, nhận ra cái “nặng chịch, chìm như đá” của đêm nơi này, nhận ra sự “âm thầm hóa đá” của những người con gái ngày nào. Kết lại một bài thơ lặng thầm như thế, anh đã đem “ trở gió lòngngười” vào “giữa đêm bình yên”. Vâng, đó là sự đồng cảm của người đàn ông muốn sẻ lòng cùng nỗi đau của những người phụ nữ đơn bóng. Đó là cái day dứt không yên của một tâm hồn thi sĩ trước buồn thương kiếp người. Đó là cái tình khởi phát tự lòng người muốn sưởi ấm lòng người.

Có thể nói, Nguyễn Đình Minh đã có những bài thơ neo đậu vào trái tim chúng ta khi anh góp phần làm sống lại ký ức chiến tranh qua những cuộc đời người phụ nữ thời hậu chiến. Phía sau bản hùng ca chiến thắng của dân tộc, thế hệ sau chiến tranh chúng ta nhận ra rằng có những số phận như thế, những sự hy sinh như thế. Sự mỏi mòn trong thời bình, câm lặng trong tình riêng cũng là một sự hy sinh của những người phụ nữ nơi hậu phương, của những cô gái thanh niên xung phong một thuở. Họ xứng đáng được có những tâm hồn đồng điệu, sẻ chia từ những trái tim chân thành, tha thiết như trái tim người thầy, trái tim người thi sĩ của đồng quê Vĩnh Bảo- Hải Phòng.

Sẽ có người lý giải: viết về người phụ nữ sau chiến tranh hay như vậy bởi nhà thơ sống vào giai đoạn ấy, biết nhiều, hiểu nhiều về những số phận ấy. Đó là thời của anh. Cái thời hậu chiến mà chân dung con người hiện lên thật đẹp, thật có nhiều cái để viết, để nói. Tuy nhiên không phải thế. Người phụ nữ là đề tài không quá nổi trội nhưng là đề tài anh day dứt trong thơ.Hôm nay, chân dung họ là ai trong thơ anh?

Đó là cô giáo vùng cao “thắc thỏm từng giây mong trẻ đến trường” nơi “lớp học bám vào sườn đêm chênh vênh”. Cuộc sống là những chuỗi ngày người con gái ấy “thương đất, thương người níu lòng ở lại”, tuổi xuân đi cùng năm tháng để rồi:

Mùi đàn ông, đôi lần thoảng qua thành khoảng không tê dại

Trái tim cô hóa quả Pao,

Bay lạc giữa mây ngàn

Và:

Bao lứa học trò đều yêu quý như con

Nhưng đứa con của riêng mình

Dẫu vãn nửa đời cô vẫn chưa có được.

( Gió hú cổng trời)

Hạnh phúc đời thường của người phụ nữ đâu có lớn lao. Một người chồng, một đứa con, một tổ ấm nhỏ nhoi nhưng với cô giáo vùng cao sao mà xa vời. Cô vẫn cùng ngọn đèn, trang sách nơi rừng già, biên ải. Một nỗi cô đơn mấy ai giữa ồn ào phố xá hiểu cùng?

 “Rưng rưng gió hú cổng trời”

là tiếng lòng của ai đây? Của cô giáo? Của nhà thơ? Hay của mỗi chúng ta?

Đó còn là “Người đàn bà thời công nghiệp”:

Nai nịt như một Ninja, rồ máy, rời làng

Đua với thời gian cùng dòng xe ken chật...

...Ăn thật nhanh. Uống vội. Đi như chạy, dù nắng, dẫu mưa...

Đọc những dòng thơ này mấy ai trong chúng ta của ngày hôm nay đều không nhận ra bóng dáng của chị, của mẹ, của những người thân yêu, của những người sống quanh mình và có khi, của chính ta trong thời đại công nghiệp này? Hình như không còn là nghệ thuật nữa, từ đời thường khói bụi người phụ nữ đã bước thẳng vào thơ Nguyễn Đình Minh để rồi từ đó đến với trái tim chúng ta. Người phụ nữ ấy :

Thèm được bên chồng, dắt con đi giữa gió, dưới trời...

...Thương tiếng gáy của chồng nặng trĩu canh dài

Lặng lẽ khóc

Vì con đòi ngủ với bà quyết không nằm với mẹ

Bao nhiêu cung bậc tâm trạng của một người vợ, một người mẹ, một người phụ nữ bình thường gói trong những “thèm, thương, lặng lẽ” ấy. Hạnh phúc đã ở trong cùng một mái nhà, những gì mà cô giáo vùng cao là giấc mơ xa thẳm thì người phụ nữ này đều đang có. Nhưng hạnh phúc đâu có chạm tay người. Xót xa sao khi chính người đàn bà ấy “Giữa nhà mình, thành cái bóng...không xanhưng vẫn lạ”. Cuộc sống đã bắt chị đánh đổi. Sự sinh tồn đã bắt chị “vắt kiệt tâm can, phơi ngườihành xác” cùng “guồng quay máy móc”. Góc nhìn đầy cảm thông, chia sẻ với những nhọc nhằn của chị đã được thể hiện trên nhiều góc độ. Đâu chỉ nhọc nhằn thân xác mà quan trọng hơn là sự thiếu thốn những tình cảm của người thân, nỗi cô đơn ngay trong chính tại nhà mình mà mình đành bất lực. Con người ấy đang bị chai sạn đi về tâm hồn, muốn níu lại mà dường như ra khỏi guồng quay thì không thể.Biết là thế mà chị vẫn đành:

...trút nỗi não nề với đống đêm tàn

Vắt nước mắt vào trời bàng bạc sáng

Đánh thức chồng.

Chào mẹ.

Lướt nhìn con đang cười trong giấc mộng,

Rồi lại hóa Ninja vội vã rời làng...

Một ngày mới lại bắt đầu. nhịp cuộc sống thời công nghiệp vẫn diễn ra như thế. Ai cũng thấy bình thường với những người công nhân các khu công nghiệp đi ra từ những lũy tre làng. Họ lại hối hả để “hút qua như một con mồi” khi qua cổng nhà máy. Có mấy ai được như Nguyễn Đình Minh nghẹn ngào khi người đàn bà sau phút một mình “trút não nề, vắt nước mắt”với đêm dài là cùng một lúc “đánh thức chồng, chào mẹ, lướt nhìn con” như một người máy để lên đường. Có mấy ai được như Nguyễn Đình Minh, anh không chỉ khắc họa bộ Ninja kín mít mà anh còn điểm tô một nét vẽ nhân sinh:

Duy nhất lộ ra đôi mắt đói...

Thờ thẫn màu chì!

Đôi mắt ấy, ta dám khẳng định không chỉ đói những đói no sinh tồnmà còn đói cả những hạnh phúc giản đơn, đói những khát thèm mộc mạc.Thi nhân đã đau đáu cùng đôi mắt đó, đau đáu cùng một niềm thương.Thật khó để người họa sĩ họa lại được trọn vẹn cái thần trong đôi mắt màu chì ấy. Điều này lại có thể có ở nhà thơ.

Thơ ca giờ thật nhiều. Những người yêu thơ, đến với thơ cũng thật nhiều và ai cũng muốn trên hành trình kiếm tìm vẻ đep thi ca có những điều neo đậu lại nơi tâm hồn mình. Tôi cho rằng thơ Nguyễn Đình Minh đã làm được điều đó. Không thể có khát vọng và biết mình cũng không thể làm được là hiểu hết thơ anh, tôi chỉ là một người đọc chạm vào và thấy hình ảnh những người phụ nữ bình dị này đã từ trang thơ của anh bước thẳng vào trái tim mình. Và quan trọng hơn tôi thấy một hồn thơ dung dị với những cái đời thường nhưng lại có những tứ thơ thật bất ngờ. Cất cánh trên nền của hiện thực, trên những kế thừa của thơ ca lớp trước, anh đã tự lái một đường riêng, con đường tinh tế nhạy cảm với với những lẩn khuất hồn người không dễ tỏ bày đặc biệt là từ nơi những người phụ nữ quanh anh. Anh làm được bởi trước hết anh đã làm thơ bằng tiếng gọi từ chính trái tim mình.