Đọc thơ Nguyễn Đình Minh

Nhà thơ  Hoàng Xuân Tuyền - Hội  viên Hội Nhà văn Việt Nam : Thật tình cờ, tôi có trong tay cùng lúc năm trong số sáu tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Nguyễn Đình Minh (trừ tập thơ đầu - Người hát quan họ đêm Tây Hồ , NXB Văn hóa Dân tộc, 2004). Nếu cứ lấy năm 2000 làm dấu mốc khởi đầu, thì tính đến năm 2018 này, trung bình cứ 3 năm nhà thơ có một tập thơ mới gửi tới bạn đọc. Rất đều đặn và thật dày dặn!Là một bạn đọc thơ và yêu thành phố cảng, tôi thích chất thơ mộc mạc, khỏe khoắn, khẩn trương mà da diết mến thương trong bài Hải Phòng: “… Hải Phòng / những cơn bão rung chuyển bến bờ / miên man sóng dữ / mồ hôi trắng loang màu áo thợ / con tầu trôi ngang qua phố / mang những mảnh trời / bâng khuâng tiếng ve …”. Cũng mộc mạc như thế, Nguyễn Đình Minh viết trong bài thơ Làng không mẹ: “Chiều áp tết trời giăng đầy mây xám và sương / Chúng tôi mang quà vào làng… / Cái làng không có mẹ / Những đôi mắt thẫn thờ và tiếng vỗ tay của bầy trẻ nhỏ…” . Bài thơ với những câu kết thật bình dị và không thể quên: “… Tôi cũng chỉ con người xương thịt / Cũng mong manh trong giông gió cõi người / Chiều mặn đắng lời cảm ơn … em hát / Đẹp và buồn trong nước mắt thơ tôi”.

 

Bạn đọc có thể dễ dàng tìm được nhiều bài thơ như thế, rất nhiều câu thơ như thế trong số mấy trăm bài thơ đã công bố của nhà thơ Nguyễn Đình Minh.

Nào hãy cùng anh lên núi: “ Thác réo sôi, hồn lau thì phơ phất / chiếc gậy mẹ tra ngô cắm xuống cỗi cằn / đêm bí ẩn rừng sâu nai tác / sông Đà …/ thuyền đuôi én nổi nênh…” (Đã có một Lai Châu, Mắt cỏ, NXB Văn học, 2013).

Nào cùng anh về biển: “Biển lấn vào trời xây không gian ngọc bích / Buồm hay nghìn cánh bướm ra khơi / Cát vàng mịn, gót chân em hồng mịn / Thuyền dập duyềnh trong sóng chơi vơi…”. ( Một thoáng Cát bà, Câu hát ngày xa, NXB Hội Nhà văn, 2006).

Hãy lắng nghe tâm tư anh khi xuất ngoại: “…Nếu được ước điều gì, chỉ ước hóa cánh bay / Hà Nội gọi ngọt ngào, đào đang nhú lộc / hoa thắp đèn chở hương vào chợ Tết / liệu có kịp về kiếm lá, gói bánh chưng?” (Thâm Quyến, chiều cuối năm, Mắt cỏ, NXB Văn học, 2013).

Và hãy lắng nghe anh với Khúc Thăng Long: “ Có một Thăng Long là hương cốm đầu mùa / Gói trong lá sen / xanh từ thời viễn cổ … Có một Thăng Long, rạo rực bước chân đi / Lời ca đẫm bình minh, hào sảng / Mặt trời vẫn mọc từ Đông / Chan hòa ánh sáng / Bừng lên trong sắc quốc kỳ… Thành phố của niềm tin, của hy vọng vươn cao / Có lắng được tiếng rì rầm của cỏ? Hạt mưa lang thang tìm thơ trên phố / Chạm chiều thu ngơ ngẩn tiếng đàn bầu” (Ủ ấm trong tim, NXB Hội Nhà văn, 2011).

Rồi thơ Nguyễn Đình Minh đưa anh và bạn đọc tới đâu? Ta về tựa gốc khế chua là bài thơ khép lại tập thơ gần đây nhất của anh - Lặng lẽ đời cây (NXB Văn học, 2016): “ Ta sẽ vẫn trở lại làng / Để thức với cánh đào phai nở cùng mưa rây bột / Nồi bánh chưng đêm ba mươi  ăm ắp chuyện đời … Tựa gốc khế chua đứng đợi đại bàng / Ngả vào hương sen tẩm trăng, chất sáng khoang thuyền… Xin làm vạt heo may… / Gọi vía quê đang lạc vào xác phố phường ngông cuồng hiện đại / Nhập lại với hồn quê rơm rạ tỏa rưng rưng”.

Trở lại làng với thơ, phải chăng là trở về với mạch nguồn văn hóa, nơi chập chững bước thơ anh? Đọc Nguyễn Đình Minh, có thể thấy: cũng như không ít nhà thơ Việt Nam đương đại khác, thơ anh  khởi nguồn từ mạch ca dao, cổ tích; khởi nguồn từ bùi ngùi, thổn thức tình quê với những Nguyễn Bính thăm thẳm đầu đằng kia thế kỷ trước. Mở đầu bài Tiễn Người (Câu hát ngày xa, NXB Hội Nhà văn, 2006) anh viết: “Thôi em về với nhà chồng / Cánh chim giam hãm trong lồng khó bay / Gửi tình cho nhựa trầu cay / Hôm nay sương muối rơi đầy bến sông …”. Trở về, vì không cách gì rứt bỏ. Dứt bỏ để làm gì? Dứt bỏ rồi đi đâu? Câu chuyện làng - phố trong thơ Nguyễn Đình Minh luôn trở đi trở lại như một day dứt khó nguôi, ngay cả trong tập thơ với tên gọi thật hiện đại - Thức với những tập mờ (NXB Hội Nhà văn, 2014), ta cũng bắt gặp nhiều câu thơ dùng dằng, băn khoăn lên phố, về quê như những câu sau : “Huyện hóa quận, xã hóa phường / Mặc váy ngắn, đánh môi son em thành gái phố / Lũ trẻ xì xồ tiếng tây bồi, nhuộm mắt xanh, tóc đỏ / Cha tìm quán nước vối ven đồng / Gặp vị đắng cà phê…” (Ngơ ngác … phố).

*            

Đọc thơ Nguyễn Đình Minh, theo suốt thơ anh qua chặng đường năm tập, từ Câu hát ngày xa đến Lặng lẽ đời cây, thấy có cảm giác như là ghen tị với nhà thơ đất cảng. Sao thơ có vẻ như hào phóng với anh Nguyễn Đình Minh và keo kiệt với bao bạn thơ của anh đến thế?  Với anh - nhà thơ Nguyễn Đình Minh, thơ luôn bủa vây, thơ luôn đón đợi trên mỗi nẻo đường anh qua, mỗi chặng anh dừng chân trong hành trình cuộc sống. Ngỡ như chỉ cần anh mở cánh cửa bình minh bước vào một ngày mới là thơ mới sẽ đến ngay, như  trực sẵn từ đêm trước. Xin được cảm ơn anh!