Cảm thức làng quê trong thơ Nguyễn Đình Minh

 PGSTS, NVVN Cao Thị Hồng -  Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên

 

 1. Có thể nói, trong tâm thức người Việt Nam, làng quê là nơi ghi dấu bao ký ức, hoài niệm của cả một đời người. Bởi làng quê là nơi người tacất tiếng khóc chào đời và cũnglà nơi tìm về sau những ngày tháng phiêu linh trong cuộc sống tha hương.Làng quê, vì vậy là dòng sông luôn tắm mát tâm hồn, là nơi khởi nguồn cảm hứng cho thơ ca nhạc họa, nơi kết tinh của những giá trị nghệ thuật giàu tính nhân bản luôn ám ảnh tâm thức con người. Tìm về với hình ảnh làng quê trong văn nghệ là tìm về với những giá trị văn hóa luôn hiện hữu trong dự phóng sáng tạo của người nghệ sĩ mà cảm thức về làng quê trong thơNguyễn Đình Minh không phải là ngoại lệ, như chính thi nhân đã khái quát qua một hình tượng thơ đầy tính biểu cảm mà đọc lên lòng ta không khỏi rưng rưng: “Đi qua biển rồi hiểu biển mông mênh/ đi qua mông mênh lại gặp làng ở đó(Làng). Và đây cũng chính là tư tưởng nhất quán, là cảm hứng chủ đạo chi phối thi giới Nguyễn Đình Minh trong hành trình sáng tạo của thi nhân. Vì vậy, ở những tập thơ: Người hát quan họ đêm Tây hồ (NXB Văn hoá Dân tộc, 2004), Câu hát ngày xa (NXB Hội Nhà văn, 2005), Ủ ấm trái tim (NXB Hội Nhà văn, 2011), Mắt cỏ (NXB Văn học, 2013), Thức với những tập mờ (NXB Hội Nhà văn, 2014), Lặng lẽ đời cây (NXB Văn học,2016)  hình ảnh làng quê trở đi trở lại như một nỗi ám ảnh khôn nguôi trong tâm cảm của nhà thơ... Đó là làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ với những nét đặc trưng về cảnh sắc thiên nhiên đẹp đến nao lòng. Không những thế, đó còn là một thiên nhiên mơ màng, thơ mộng, nơi có những người dân quê chất phác, đôn hậu, chịu thương chịu khó; những phận người lam lũ, tảo tần…Đó còn là một làng quê với những phong tục, tập quán, những hội hè đình đám vốn là những sinh hoạt văn hóa độc đáo, sinh động mang sắc màu truyền thống đã / đang bị mai một dần trước cơn bão táp của quá trình đô thị hóa mà khi nghĩ về những điều ấy lòng chúng ta không khỏi xót xa.

 

 Cảm thức về làng quê trong thơNguyễn Đình Minh vì thế là một thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc làm nên một giá trị riêng có của thơ ông đóng góp đối với thi ca đương đại Hải Phòng nói riêng và thơ ca cả nước nói chung

 2.  Như một cuốn phim chiếu chậm, đọc thơ Nguyễn Đình Minh, trước hết, ta thấy hiện lên  những bức tranh thiên nhiên làng quê vùng Bắc Bộ với nhiều nét sinh động, nhiều trạng thái cảm xúc đồng hiện trong một không gian lung linh sắc màu, lan tỏa trong một thứ ánh sáng không chỉ của cảnh vật mà còn của tâm cảm thi nhân trước một vũ trụ bao la, huyền diệu đến lạ lùng mà nếu không có một sự quan sát tinh tế và một cảm xúc đầy chất thơ thì không thể nào viết lên những câu thơ đẹp đến nao lòng như thế: Vỡ òa bát ngát trời quê/ cánh cò chớp thả bùa mê thảm vàng…/ đầy sân gió nội hương đồng/ thuyền mơ sương khói bến sông trước nhà/ Vó bè cất áng mây sa/ dế lang thang giữa mượt mà cỏ tơ/ cánh sen lần giở tuổi thơ/ mặt ao đựng bóng cả bờ tre xanh (Làng tre). Hoặc: Mặt biếc trải gương nằm gối hương đồng/ uống mùa thu,/ nghe hạt dần đóng sữa / con cá rô tung mình lên ngọn lúa/ vỡ mảnh trời xanh ẩn dưới chân bèo (Rơi về trong sóng ru nôi). Quả thật, thiên nhiên làng quê trong thơ Nguyễn Đình Minh là một thiên nhiên được phóng chiếu từ những cái nhìn đa diện đa chiều trong cảm thức thi nhân. Có lúc tĩnh tại, êm đềm, lặng lẽ như ẩn chứa một cảm thức tâm linh: Ao làng vẫn nước trong veo/ thuyền lá tre nặng lòng chở gió/  chiếc lá vàng có làm thành mùa thu/ rồi cũng về trong vòng tay đất mẹ/cái khoảnh khắc tìm lại hồn lại vía/tím lặng thầm/ hoa súng đợi đầu ao (Rơi về trong sóng đưa nôi); Và có lúc lại chất chứa một điệu buồn man mác, xuyến xao của thời khắc chuyển mùa: Ve đã lịm báo hết mùa dâng lửa/ muôn trùng xanh ngơ ngẩn vệt khói bông/ đến cuối đường mòn, chiều tụ vàng bậu cửa/ đom đóm đốt đèn… mưa sao rụng đầy sân/ Đất thở trắng hơi sương đêm cuối hạ/ trong ngào ngạt hương vườn da thịt thấy mềm thơm / ao vơi nước trong veo sen thì thầm rạc lá/ chút gió se gỡ rối tóc tre làng (Vào thu). Trăng vời vợi  đêm, cỏ xanh êm dưới lung/ Tiếng gà gáy mơ màng ngậm âm thanh phát sáng/Đồng trời mùa sao trổ lung linh/ Sóng sông Ngân đẩy những cồn mây trắng / Tiếng sáo diều sinh nở giữa nôi không gian/ Mênh mông nhung huyền gió hát/ Đom đóm chớp đèn, vó bè bên dòng khuya giữ nhịp/Dế rung cánh gửi trời điệu nhạc du dương…(Đàn trăng). Thời gian quánh mặt ao tù/ bóng trăng run trên cánh chuồn chuồn chỉ / cóc nghiến răng rạc rời như ngái ngủ/ không gian dán mình trên mặt lá trang (Làng). Heo may đêm nay hò hẹn với sương/ tơ tình giăng trong vòm lá/ chạm phải tiếng chim ngái ngủ/ mơ hồ/ Còn anh thì tỉnh lại/ dế nhón gót trong hương vườn nhà/ thả những thanh âm mỏng như sợi khói/ níu bước chân mây xiêu lệch trời xa (Có một miền trăng).

               Vì vậy, vẫn là những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc: cánh cò, con thuyền, bến sông, vó bè, chân bèo, ao làng, sáo diều, trăng, sương, đom đóm, dế, cóc, tre làng, ao sen… như đã gặp trong ca dao, hoặc trong thơ Nguyễn Khuyến, Anh Thơ, Nguyễn Bính. Nhưng đến Nguyễn Đình Minh những thi liệu ấy lại dung chứa một mỹ cảm riêng, khác lạ nhưng không xa lạ. Bởi tất cả hình ảnh ấy là những hình ảnh quen thuộc gần gũi với người nhà quê mà nhà thơ là một chứng nhân. Thế nên, cảm thức về thiên nhiên làng quê của Nguyễn Đình Minh rất tinh tế, chân thành. Ông sáng tạo thi ca bằng tất cả những gì thuộc về tiềm thức và tri nhận được bằng mọi giác quan, Những hình ảnh thân quen, giản dị, mộc mạc của thiên nhiên trong thơ Nguyễn Đình Minh là những tiếng gọi thiêng liêng đưa ta trở về với không gian độc đáo của những ngôi làng cổ xưa, thanh bình như cổ tích mà ở đó thiên nhiên còn nồng nàn mùi vị nguyên sơ, trong trẻo. Đây chính là một sợi dây vô hình neo đậu trong tâm thức mỗi người. Vì thế, dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù đi đâu, về đâu người ta cũng lưu giữ nơi trái tim mình những hình ảnh bình dị nhưng rất thiêng liêng của quê hương xứ sở, và bi kịch lớn nhất trong cuộc đời mỗi người là không có một làng quê để trở về.

 Thiên nhiên làng quê trong thơ Nguyễn Đình Minh chính là hình ảnh ghi dấu những kỷ niệm, kết tinh những giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng, là nơi để tâm hồn mỗi người trú ngụ, chia sẻ vui buồn, là nơi hẹn hò, đợi chờ, gặp gỡ của tình yêu, là nguồn cảm hứng, tiếp sức cho con người trên hành trình kiếm tìm bản thể …Và chỉ có thể xuất phát từ một tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết,  hài hòa, am hiểu thiên nhiên sâu sắc mới có thể phác họa được những bức tranh ngôn từ về cảnh làng quê, cổ kính và tiềm tàng sức sống như vậy.

 Thi giới Nguyễn Đình Minh, là thi giới gắn với những cảm thức của người trong cuộc. Thơ ông chính là tiếng gọi vang lên từ sâu thẳm trái tim mình. Đó là những lời thơ giản dị, chân mộc mà thê thiết những nỗi niềm riêng quyện hòa trong suối nguồn của tình tự dân tộc, quê hương. Và đây là nét riêng làm nên hồn thơ Nguyễn Đình Minh: Những áng mây phiêu dạt chân trời/lại hóa mưa rì rầm bến cũ/ tre gỡ tóc bần thần thương nhớ/ nỗi thời gian níu đợi đến cong cầu?/ Đốt đỏ lòng nhau bằng một miếng trầu/ cau sáu bổ ba gọi làng sum tụ/ đất dãi nắng dầm mưa, triền sông bồi lở/ vẫn gió đồng... thao thiết tiếng sinh sôi...(Rì rầm bến cũ); dấu hỏi uốn liềm trăng giữa trời nhập nhoạng/ bông lúa thì vàng,/ cánh cò thì trắng/ hạt cơm lại chìm trong nỗi đầy vơi?/ Đồng đất làng ruộng mật bờ xôi/ nhưng sớm vẫn gừng cay còn chiều muối mặn/ nơi hoa thơm vẫn có nhiều quả đắng/ mưa táp ruộng lầy/ nắng đốt đồng sâu (Viết ở đồng); Khi hấp hối chìm trong mùi lợi lộc/ ngộ độc chết lâm sàng vì bả công danh, /chợt nghe tiếng giọt sương gầy/ rơi trên tóc cha/ tiếng những hạt lép mùa mẹ trên đồng/ lay thức/ đôi vai vợ gánh nỗi đời của ta mòn vẹt/ gương mặt đi qua thời duyên/ như vầng trăng chiều khuyết/ hoá con thuyền trục vớt ta lên (Châm ngôn của mẹ). Công cuộc mưu sinh của những người thân yêu nơi làng quê với biết bao mồ hôi và nước mắt, với những bất hạnh, khổ đau của phận người đã thức nhận con người “nhà quê” trong thi nhân dứt mình ra khỏi giấc mộng hư danh phù phiếm của cõi trần để được sống là chính mình. Như vậy, trong nhận thức của nhà thơ chính lối sống chất phác, vị tha, bao dung của người nông dân sau lũy tre làng đã ẩn tàng những giá trị nhân văn cao đẹp, sâu sắc, có thể nâng đỡ tâm hồn, cứu rỗi thiên lương trong mỗi con người trên hành trình sống cũng như hành trình tìm lại chính mình. Thiết nghĩ, đây cũng là một hệ giá trị cần được ghi nhận trong cảm thức làng quê của thơ Nguyễn Đình Minh.

      Trong thơ Nguyễn Đình Minh chúng ta bắt gặp nhiều lần hình ảnh những người phụ nữ nơi thôn dã, họ có thể là người bà, người mẹ, hay chỉ là một người đàn bà nào đó không tên mà tác giả bất chợt gặp trong cuộc đời.  Nhưng tất cả họ đều là những con người đôn hậu, ân tình và âm thầm gánh vất vả, gian lao, luôn nhận thua thiệt về mình, dành phần ấm áp, hạnh phúc cho người khác mà không hề thở than, chỉ biết hy sinh thầm lặng: Nghiêng xiêu gậy chống thời gian/ đón con, ngoại đứng đầu làng ngóng trông (Làng tre);  Và mẹ,/ hun hút gió chiều hoang đồng nứt nẻ/ oằn vai gánh nỗi truân chuyên/ thuyền mủng tròng trành theo sóng nổi nênh/ tháng bảy ngâu về cùng bão táp/ dòng sông lở bồi, con đê trồi sụt/ lòng thảo thơm bù cơn đói tháng ba (Làng); Mẹ bạc muối áo nâu… giữa chang chang lửa/ chân cắm dưới bùn/ lưng giở trời xem (Viết ở đồng);  Nơi ruộng cạn đồng sâu ngập mặn chua phèn/ mẹ lệch vai gánh bao mùa gió (Gửi các học trò tôi);  Người đàn bà vác gàu ra đồng/ tát nước dưới trăng/ nhìn bóng sen, nhớ hương tấm áo/ từ lâu theo gió về trời/ bàn chân in mặt thời gian chơi vơi / qua những cánh đồng nứt nẻ, / qua những rình rập đạn bom. Nỗi lo đêm lũ phập phồng…/ gàu sòng múc ánh ánh trăng vàng/ nhưng chỉ nghe tiếng sôi bọt nước/ vai mòn vẹt nỗi chồng/ lòng nở bồi bao khúc vì con/ những khối u cào xé đêm mòn…/ Người đàn bà mang theo ca dao đi cấy/ xao xác nỗi buồn trông ngóng chân mây/ lạo xạo tiếng chân cua/ cùng với truyện cười đựng vào trong giỏ/ lấy tục ngữ răn mình/ cột khát thèm vào sợi dây tam tòng tứ đức/ phút hồn chênh vênh bên mép vực/ bắc câu Kiều tình tự với trăng suông… (Người đàn bà).   Rõ ràng, trong cảm thức của nhà thơ, những người phụ nữ nơi làng quê hiện lên không đơn thuần chỉ là những “thân cò” chịu thương, chịu khó, mà còn là hiện thân của phận số chịu nhiều cay đắng, bất công bởi những luật tục và bao sự ràng buộc khắt khe, nghiệt ngã đến phi lý. Song, những người phụ nữ “nhà quê” bé nhỏ ấy trong thơ Nguyễn Đình Minh, dường như ai cũng có một nội lực phi thường, dám dấn thân, thậm chí ngạo nghễ đối đầu với mọi trở ngại, mọi thách thức của đời sống để khẳng định nhân vị của mình, dẫu biết rằng cuối cùng:cả cái tên riêng/ cũng chìm vào quên lãng (Người đàn bà). Từ góc nhìn nữ quyền luận, có thể thấy cái nhìn của Nguyễn Đình Minh đối với những người phụ nữ sống sau lũy tre làng là cái nhìn đầy tính nhân bản không chỉ có sự cảm thông mà còn có cả sự trân quí trước những hy sinh lặng lẽ nhưng vô cùng cao cả của họ. Ông có xót xa, thương cảm cho thân phận của họ nhưng đồng thời chính ông cũng đã nhận thức rất rõ sức mạnh dẻo dai, bền bỉ, phẩm chất kiên cường và đức hy sinh cao cả vĩ đại của những người đàn bà sống nơi thôn dã còn nhiều rào cản để được sống cuộc sống hạnh phúc và tự do, và thức nhận được điều đó chính là nhà thơ đã tôn vinh, trân trọng, nâng tầm vị trí của phụ nữ nông thôn trong nhận thức của cộng đồng. 

        Xưa nay, trong tâm thức người Việt Nam ký ức văn hóa nguồn cội luôn là sợi dây thiêng liêng, bền chặt, neo giữ mỗi người với dân tộc, với đất nước, quê hương. Cho dù có đi đâu, cuối cùng trong nỗi nhớ của mình nhà thơ vẫn hướng về làng quê với những gì gắn bó, thân thương nhất. Dấu ấn văn hóa làng quê, vì thế, ta có thể thấy hiện hữu ở không ít thi phẩm của Nguyễn Đình Minh. Đó là những bài thơ mà người đọc có thể tìm thấy những hoài niệm phong tục, tập quán, sinh hoạt, lễ hội: Vọng về tiếng giọt chuông rơi/ bông sen nở giữa lòng phố cổ/ mùi cơm thơm, bếp chiều đỏ lửa (Thâm Quyến, chiều cuối năm), Sương trắng trôi về quấn mái đình cong/ chiếu chèo trải mời làng vào hội/ tiếng nhị vắt tháng ngày trong lại / hương sen khuya…/ngơ ngẩn cả khoang thuyền.../Áng ca dao đan ánh trăng vàng/ chuyện cổ tích chiết từ cây khế ngọt/ chuông từng giọt khoan thai… cõi phật/ trâu vếch sừng đón giọt sao rơi! (Rì rầm bến cũ), Ngày xưa rộn ràng xiêm áo/ mắt cười lúng liếng quai thao/ thiên thai ngập ngừng tiếng sáo/ bâng khâng hương… giải yếm đào/ Ngày xưa tầm xuân xanh lắm/ cầu vồng trăm sắc trong mưa/ rừng thiêng uống làn môi thắm/ sương chiều bịn rịn đón đưa (Viết trong cơn mưa rửa đền),Mẹ ơi hương thơm của hoa sen và lòng mẹ/ các nhà thơ đã kịp viết rồi/ vua đưa hoa về giếng ngọc/ thành truyền thuyết một thời/ nhưng con không hiểu/ trong giếng ngọc hoa sen liệu có còn thơm?/…Con nhớ về một vùng sen/ thuyền chở hương trôi trên đầm nước/ đêm đẫm ánh trăng/ ngày rực rỡ mặt trời/ câu chuyện xa xôi/ như từ kiếp trước.(Câu chuyện hoa sen). Trong cảm thức của Nguyễn Đình Minh, văn hóa làng hiện hữu trong những hình ảnh rất gần gũi và thân thương. Trải qua bao năm tháng, văn hóa làng với sức trường tồn mãnh liệt đã kết tinh trong những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần làm nên những tinh hoa của dân tộc. Đó là niềm tự hào, là những hệ giá trị để chúng ta tôn thờ, chiêm ngưỡng và cũng là khởi nguồn để con người khám phá và sáng tạo để làm phong phú đời sống tâm hồn, tình cảm của chính mình.

      Có một giọng điệu diết da, có một nỗi niềm trăn trở, một mối ưu tư đằm sâu trong không ít bài thơ của Nguyễn Đình Minh mà không thể không nhắc đến đó là cảm thức của nhà thơ về làng quê trước những biến động qua dâu bể thời gian: Thời gian bào mòn núi phật/ nắng chiều thêm lạnh cõi tu/ rau sắng cuối mùa đắng ngắt/ tháng năm nhạt lửa Thiên trù/ Cơn mưa rửa đền như trút/ táp vào ký ức xa xôi/ sáng lạnh hiên chùa ánh chớp/ tình như ảo ảnh kiếp người (Viết trong cơn mưa rửa đền);  Dòng sông mấy bận lở bồi/ Nước gầm gào rúng đê tháng bảy/ Những cánh đồng hẹn mùa non bấy/ Tức tưởi chết chìm trong tiếng lũ réo sôi./ Tháng tám trời chuyển heo may/ Nỗi cơm áo mái quê rung như bão/ Cha hoá tượng, ánh đèn dầu mờ tỏ/ Tiếng điếu cày rít xé lòng đêm...(Bên bờ sông quê nội). Trở lại chợ phiên sau bươn trải giang hồ /Se thắt lòng… ngày sương rơi trắng tóc/ Người cũ năm nào hồn tan vào mây nước/ Bầy con giống ở nơi đâu/ Chúng có kiếp luân hồi?/ Vẫn gấc đỏ, lá riềng xanh…gió tất tả dưới trời/ Hương thời gian rưng rưng mùi bột nếp/ Bấm mãi đốt ngón tay, lần tìm những thăng trầm được mất/ Tôi hóa tò he/ Ngơ ngẩn giữa chợ chiều (Con tò he). Chính vì thế, Trong cảm thức của thi nhân có cái gì đó lo âu, day dứt, hoài niệm, tiếc nuối khi nhận ra quy luật biến thiên của cõi nhân sinh. Thời gian có thể bào mòn tất cả, kiếp người chỉ như “ảo ảnh” vô thường và mọi sinh linh tồn tại trên thế gian này đều nhỏ bé, mong manh… hiện hữu đó rồi tan biến đó… Tâm thức hiện sinh này gợi cho chúng ta ngẫm ngợi đến những đối cực mất/còn, sống/chết của cuộc sống con người, để từ đó có thể an nhiên, tự tại lựa chọn cho mình một cách ứng xử nhân văn trước muôn vàn biến đổi không ngừng của thời gian và những đổi thay bất chợt của đất trời, của lòng người.

   Như đã đề cập, không gian làng quê trong cảm thức của Nguyễn Đình Minh chính là nơi lưu giữ những hình ảnh, những kỷ niệm đằm sâu trong tâm thức mỗi người, là nơi kết tinh những giá trị đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, là nguồn cảm hứng, tiếp sức mạnh cho con người.  Song, chính vì nâng niu, trân quý vẻ đẹp thuần phác của làng quê nên thơ Nguyễn Đình Minh còn là tiếng lòng khắc khoải, đau đớn trước sự xâm thực của đời sống công nghiệp đang dần dần làm biến dạng gương mặt làng quê: Trẻ buông bút trước đề văn tả bông lúa uốn câu/ Dù ngày nào cũng no nê cơm trắng/ Chim di trú ngàn dặm bay về tìm hơi ấm/ Đành rẽ cánh ngang trời/ Phố thị lấn đè những bờ tre, giếng nước/Hoa quả cúng thành hoàng y như hoa quả thật/Bát nước vối quán đầu làng/Thả thêm đá lạnh, nhạt tanh/Dấu chân trâu mặt đê lưu lại nỗi bâng khuâng/ Moi ký ức về ăn mày chút hương đồng nội/ sông cuộn sóng trôi tức tưởi/ Xót xa dòng đổi, nước thay màu…/ Khoảnh khắc giao thoa ngày với đêm sâu/ Chen một vũng hoàng hôn mờ tỏ/ Gốc cổ thụ vẹt dần, cành ngác ngơ gió lạ/ Hồn làng thành mây trắng rồi sao?(Trong vũng hoàng hôn); Mặt trời lẩn về phía tây chạy trốn thời gian/Tung bụi hoàng hôn đỏ đọc/Con tàu lao về phía bắc cố nuốt không gian/Tiếng bánh ray khô khét./Ta lặng im, tựa vào nốt chai sần trên thân đa chằng chịt /ủ ngàn câu chuyện cổ bồi đắp thành làng/ Nơi đất thở bốn mùa ngóng mặt trời lên/ có những người thân vĩnh hằng về cõi vắng/ Nhà đổi chủ, đất chuyển vần năm tháng… (Sương khói bên làng); Phố mới lên tầng mất dấu những bờ tre/ Ruộng đã bán không còn tên làng cũ/ Chợp mắt qua đêm biến thành người phố/ Tỉnh dậy còn mơ … cót két vó bè!/ Vết bùn chua vẫn vàng cáu mặt da/ Sáng mở mắt phố ùa đầy nhức mắt/Ngột ngạt giữa chất chồng đồ đạc/ Lòng khát khao trắng gió cánh cò/ Từ giã cuốc cày, chưa dứt nỗi đồng quê/ Chông chênh giữa bốn bề người xe ồn ã/ Con trâu cuối cùng chưa kịp rời khỏi phố/ Nằm thẫn thờ nhai bóng trăng xanh (Ngơ ngác…phố). Ở những bài thơ trên với tiết tấu nhanh, dồn dập, sử dụng nhiều động từ và tính từ mạnh chỉ hành động, trạng thái, cảnh tượng, không gian làng quê như đang bị “thảm sát” trước những cơn bão của quá trình đô thị hóa khiến khuôn mặt làng quê bị tổn thương làm nhức nhối lòng người. Là một nhà thơ sinh ra và lớn lên trong sự vang vọng của những câu ca dao, truyện cổ tích, ở một làng quê yên bình nên hơn ai hết, Nguyễn Đình Minh càng thấm thía hơn trước những sự biến đổi mang tính tất yếu này cũng như những hệ lụy của nó đối với sự phát triển tâm hồn và nhân cách của con người khi chúng ta  cố tình lãng quên giá trị đó.Văn hóa không những là quá khứ, là hiện tại mà còn là tương lai của dân tộc. Chiếc nôi văn hóa làng quê sẽ còn đi theo suốt hành trình phát triển trong sự tồn sinh của nòi giống, của đất nước, bởi nó là cái gốc làm nên những giá trị nhân văn khác.  Thế nhưng bao làng quê truyền thống với những cảnh quan hiền hòa thơ mộng đang bị thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng, ngột ngạt. Không gian làng quê đậm chất văn hóa Việt vốn có tự ng&