Vua Quang Trung giả qua mặt triều đình Tàu
Chuyến đi sứ năm 1790 thời vua Quang Trung đã trở thành chuyến đi sứ độc đáo và kỳ lạ bậc nhất trong lịch sử bang giao Việt Nam - Trung Quốc.
Trong hành trình kéo dài gần hai năm trời, đoàn sứ phò tá vua Quang Trung giả (Phạm Công Trị đóng) sang mừng thọ vua Càn Long được mô tả sinh động trong tập thơ "Tinh Sà Kỷ Hành" của ông Phan Huy Ích - một Phó sứ trong đoàn. Đây là cuốn nhật ký bằng thơ độc đáo, với nhiều thông tin quý báu, mang đến góc nhìn mới về chuyến đi sứ "mạo hiểm" nhưng đầy vẻ vang của lịch sử bang giao thời phong kiến.
Bình thản “qua mặt” triều đình Mãn Thanh
Vào một buổi sáng đầu hè nắng như đổ lửa, tôi trên đường về Sài Sơn - Quốc Oai, Hà Nội, để thăm khu nhà thờ của dòng họ Phan Huy (một dòng họ nổi danh về khoa bảng, có những người con kiệt xuất của dân tộc như Phan Huy Ích, Phan Huy Chú...) - một di tích lịch sử cấp quốc gia. May mắn cho tôi, chuyến đi hôm đó đã được những hậu duệ của các danh nhân văn hoá dân tộc đón tiếp rất thân tình. Cuộc tiếp chuyện khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ vì đã khám phá được nhiều tư liệu quý, gắn liền với những kiện lớn trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là lịch sử bang giao của Việt Nam triều đại Tây Sơn.
Điều bất ngờ này đến một cách ngẫu nhiên khi tôi có điều kiện trò chuyện với ông Phan Huy Giám (69 tuổi) và anh Phan Huy Thanh (55 tuổi) - tộc trưởng dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn. Với tôi, cuộc tiếp xúc hôm đó rất thú vị và đầy bất ngờ vì trong di sản văn hoá mà dòng họ này còn lưu giữ được cả kho tác phẩm thi ca độc đáo, phản ánh về những chuyến đi sứ của những nhà ngoại giao đại tài, xuất thân từ dòng họ này. Trong chuyến đi này, tôi đã tiếp cận được với tác phẩm "Tinh Sà Kỷ Hành" của nhà ngoại giao Phan Huy Ích. Đây là tác phẩm viết trong thời điểm ông đi sứ cùng với vua Quang Trung giả sang mừng thọ tuổi 80 của vua Càn Long - Trung Quốc. Qua cuốn nhật ký bằng thơ này, nhiều bí ẩn lịch sử của cuộc hành trình hai năm trên đất Trung Quốc như huyền thoại đã được hé mở.
Được biết, chuyến đi sứ năm 1790 là một hành trình táo bạo của các sứ thần triều vua Quang Trung sang Yên Kinh (Trung Quốc). Cuộc hành trình "có một không hai này" của đoàn sứ bộ nước ta tháp tùng vua Quang Trung giả nhằm “qua mặt” triều đình Mãn Thanh, để đặt nền móng cho quan hệ ngoại giao Tây Sơn - Nhà Thanh bước sang thời kỳ mới (chuyến đi sứ lần này trong thời điểm khi nước ta vừa đánh bại quân Thanh, do đó nhiệm vụ là nối lại mối quan hệ bang giao hoà bình. Nhiều tư liệu phản ánh, để đón tiếp đoàn sứ do Quang Trung giả dẫn đầu, vua Càn Long đã chi tới 800.000 lượng bạc. Kết quả, đoàn sứ bộ, vua Quang Trung giả được vua Càn Long tiếp đón nồng hậu, thậm chí còn biếu nhiều vật phẩm quý báu.
Điều khiến các học giả ngạc nhiên và thán phục là một sự kiện ngoại giao mang ý nghĩa quan trọng, nhưng đoàn sứ lại tiến hành theo hình thức phò vua Quang Trung giả để ra mắt Càn Long. Rõ ràng, nếu việc đóng giả bị phát hiện, thì các sứ giả sẽ bị giết. Do đó, cuộc hành trình từ ải Nam Quan đến Yên Kinh và ngược lại luôn chứa đựng nhiều rủi ro.
Trong tập thơ này, nhiều bài thơ đã miêu tả tường tận nghi lễ đón tiếp long trọng của chính quyền Mãn Thanh với đoàn sứ nước ta. Tất cả hành trình từ ải Nam Quan đến Yên Kinh trải qua nhiều đơn vị hành chính. Đi đến đâu, sứ đoàn nước ta cũng được một đội quân hộ tống đông đảo. Đến một địa phương, đích thân Tuần phủ các tỉnh phải ra nghênh đón, mở yến tiệc linh đình chiêu đãi. Đích thân các vị tuần phủ phải đi theo đoàn sứ để sắp xếp nhằm đảm bảo an toàn cho sứ bộ nước ta đến hết địa bàn hành chính mình quản lý. Sau khi bàn giao lại cho tuần phủ tỉnh khác, lúc đó họ mới được trở về. Nghi thức đón tiếp này được thực hiện nghiêm túc trong suốt cuộc hành trình cả đi lẫn về của đoàn sứ nước ta.
Những tư liệu này cho thấy, sự thiết đãi đoàn sứ nước ta của triều đình Mãn Thanh rất trang trọng. Với Càn Long sự kiện vua Quang Trung sang Yên Kinh trở thành một sự kiện lớn trong ngoại giao của nước này. Riêng với phái đoàn của ta, mặc dù tháp tùng vua giả đi sứ nhưng rõ ràng trước bá quan văn võ của nhà Thanh, đoàn sứ mình vẫn thản nhiên nhận sự đối đãi, cho thấy sự bình tĩnh hiếm có của những sứ giả nước Nam. Mọi việc thuận lợi và “qua mặt” được tất cả chính quyền Mãn Thanh quả là một chiến tích lưu danh với sử xanh.
Nhiệm vụ nặng nề... nhưng không đánh mất đi cảm hứng nhà thơ
Trong chuyến đi sứ "mạo hiểm" này, những tưởng người trong cuộc lo lắng nhưng quả thực với những gì trong thơ, thì đây là một cuộc du ngoạn của những thi sĩ bậc thầy, thích khám phá vùng đất mới. Hành trình chuyến đi được ghi chép trong tác phẩm này không khác một chuyến du lịch khám phá mà mỗi sứ giả như một nhà thơ thực thụ.
Những địa danh nổi tiếng trong văn hoá Trung Hoa như đình Tỳ Bà Hành bên sông Tầm Dương (ở tỉnh Giang Tây, gắn liền với tên tuổi của nhà thơ nổi tiếng Bạch Cư Dị), hay Gác Tịnh Xuyên, Lầu Hoàng Hạc (hai địa danh ở Hồ Bắc, đi vào thi ca, trong đó gắn liền tên tuổi của nhiều nhà thơ lớn của Trung Quốc, trong đó có Lý Bạch), Miếu Tam Lư bên sông Mịch La thờ Khuất Nguyên - tác giả của Ly Tao nổi tiếng văn học Trung Quốc... cùng rất nhiều địa danh đã đi vào thơ của Phan Huy Ích.
Điều đặc biệt, nhiệm vụ ngoại giao lớn lao của chuyến đi này là rất nặng nề. Tuy vậy, mỗi lần đến những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, đoàn sứ cố gắng lùi lại vừa để nghỉ ngơi vừa thăm thú. Với những sứ giả tài văn thơ, đây là cơ hội để họ bộc lộ cảm xúc. Trong những bài thơ có trong tập "Tinh Sà Kỷ Hành" cảnh quan đất nước con người Trung Quốc hiện lên rất sinh động và đẹp mắt bởi góc nhìn của một "lãng tử chu du" hơn là một nhà ngoại giao. Cũng trong tập thơ này, có nhắc các sứ giả nước mình, khi đứng trước cảnh đẹp nên ngẫu hứng làm thơ, đối thơ xem đó như thú vui trong chuyến hành trình kéo dài.
Như bài "Du Hoàng Hạc Lâu", Phan Huy Ích viết nhằm đáp lại bài thơ của Đoàn Nguyên Tuấn (một sứ giả cùng đi trong đoàn) ngẫu hứng làm thơ tại địa danh này. Hay nhiều bài thơ khác nữa được Phan Huy Ích viết đề tặng những người bạn cùng đi sứ và những người bạn nơi quê nhà. Với những gì được phản ánh trong thơ của Phan Huy Ích, ta thấy các sứ giả lần này tỏ ra rất bình thản. Họ tuy có chút căng thẳng nhưng sợ hãi thì không trước nguy cơ bị biết là phò vua giả. Cuộc đi sứ "mạo hiểm" trong nhật ký độc đáo này trở thành một cuộc du ngoạn của văn nhân. Điều này khẳng định được bản lĩnh vững vàng của đoàn sứ giả có một không hai trong lịch sử dân tộc.
Lược trích theo PL&ĐS