MÈO VÀ CHUỘT TRONG TRANH ĐÔNG HỒ

Trên thế giới có nhiều chuyện mèo và chuột, câu chuyện của cặp đôi này lên phim ảnh, thành những biểu tượng lễ hội, là con giống làm quà kỷ niệm…nhưng ở Việt Nam nhắc đến mèo và chuột vào những ngày xuân về ai cũng liên tưởng đến bức tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột”. Bởi thế đám cưới ấy đã “Tưng bững rộn rã” xuyên không gian, vượt thời gian từ ngàn xưa đến tận bây giờ.

            Có quá nhiều nội dung bàn, tranh luận về nguồn gốc, bố cục sắc màu, về tên gọi “Trạng chuột vinh quy” hay”Lão thử cầu thân”… nhưng có một điều hai nhân vật của bức tranh với cuộc “Thoại không lời” đến nay vẫn vang vọng nhiều tầng ý nghĩa sâu xa mà nghệ nhân dân gian gửi gắm. Xem tranh dễ dàng nhận ra nghệ nhân dùng bố cục ngang nó như một lát cắt xẻ ngang cái xã hội làng xã Việt Nam thời phong kiến. Trong cái “Khuôn” tranh ấy, có tới 12 con chuột nhưng chỉ có 1 con mèo. Với tỷ lệ 1/12 về số lượng, nhưng không gian và diện tích mà con mèo chiếm chỗ tới 1/8. Vị trí của mèo ở tầng cao nhất và đối mặt, ngược hướng đi với chuột.

meo1Theo truyền thuyết, khi các con vật chạy thi, con Chuột đã lừa con Mèo rằng ngày chạy thi là ngày hôm sau, nên Mèo yên tâm năm ngủ. Con chuột trèo lên lưng trâu, và trâu cứ lầm lũi chạy, gần đến đích thì con chuột nhảy xuống và chiến thắng. Vì vậy từ đó mèo căm thù và hay đuổi bắt chuột. Trong thực tế Mèo là loài có tật xấu ăn vụng, ăn sống nuốt tươi. Chuột luôn đục khoét phá phách. Mèo luôn rình rập ăn thịt Chuột và Chuột sợ hãi cảnh giác Mèo. Nhưng ý ẩn dụ của tranh thể hiện khá rõ hai lực lượng thống trị và bị trị thời kỳ ấy. Dường như có hai con đường mà đàn chuột đi. Đường dưới là chú rể Trạng Chuột và đoàn hộ tống kiệu hoa hành tiến. Mặc dù đã tránh đường, nhưng tâm trạng chú rể chuột vẫn lo lắng ngoảnh lại quan sát. Đường trên, nỗi lo sợ của họ nhà chuột quá rõ. Con đầu đàn đối diện với Mèo cụp cả đuôi lại, con thứ hai đánh rơi cả cá là vật tiến cống. Hai con còn lại không dám dương kèn lên trời thổi theo đúng nghi thức vui mừng của lễ cưới mà lại chúc kèn xuống đất theo kiểu thổi kèn tang lễ.

Tuy vậy, bức tranh không chỉ có cuộc thoại câm như vậy. Người nghệ sỹ dân gian, ngoài hình vẽ vẫn còn có những chữ và hình chú giải. Trước hết là 5 dấu chấm tượng trưng cho ngũ hành tương khắc tương sinh.Trên bức tranh có đề mấy hàng chữ : “Thử bối đệ ngư: chí, chí, chí”, nghĩa là đàn chuột dâng cá kêu chí, chí, chí.”Miêu nhi thủ lễ: mưu, mưu, mưu” nghĩa là chú mèo giữ lễ kêu meo, meo, meo. Lại có hàng chữ Nôm ở góc trái phía trên: “Tác lạc” nghĩa là làm vui “Khôn khôn khôn đà có dễ - Đỗ cao cưới vợ tiếng rằng hời”. Hoá ra đó lại là cảnh vui thanh bình, con người vạn vật trong thời khắc nào đó cũng giao hoà bỏ qua những đố kỵ hằn thù để cùng tồn tại. Giống như “Âm”, biểu tượng Mèo và “Dương”, biểu tượng chuột hài hoà cân đối lại, thành trật tự trong “Xã hội” bức tranh. Biểu tượng ngũ hành trên đầu đàn chuột, có phải là lời cảnh báo mèo về sự vận chuyển của vạn vật? Đó cũng là một hình thức đấu tranh đầy trí tuệ. Và ý nghĩa tươi vui trong bức tranh có phải là tư duy, là khát vọng của người dân Việt cổ xa xưa: biết mình, biết người, tránh đối đầu. Chọn đối thoại làm giải pháp mưu sự hoà bình an vui?

Cái ý tưởng ngày xưa của người Việt, bây giờ thế giới đang tích cực tién hành trên quả đất luôn bỏng rát đối đầu. Và vì vậy “Đám cưới chuột” tự tạo ra cái dư ba của nó, không chỉ là bức tranh tết đón xuân của cư dân vùng châu thổ sông Hồng, mà là cả một câu chuyện của thế giới loài người muôn đời.

Báo Hải Phòng, Xuân Tân Mão