Vang động vịnh Cái Bèo

Hơn 80 năm trước đây, nhà khảo cổ người Pháp bà Colani trên con thuyền nhỏ như chiếc vỏ trấu so với biển cả bao la đã “vớt” được di chỉ trên 7000 năm tuổi - vịnh làng chài Cái Bèo “Bale de Pêcheurs” - ( Colani 1988: 94, 1939: 12). Vùng vịnh nhỏ rất đỗi thơ và mộng lại chứa đựng trong nó những địa tầng văn hóa viễn cổ xa xăm ấy nằm ở phía Đông đảo Cát Bà có tọa độ 2004343’’ độ vĩ Bắc và 10700325’’ độ kinh Đông, rộng 18.000m2 và cao trung bình 4m so với mực nước biển. Nó có sức cuốn hút kỳ lạ đến nỗi hầu như ai từng đến Cát Bà thì không thể không lưu lại dấu chân của mình bên bờ vịnh này.

Hè 2018, trong một tuor du lịch nghiên cứu khám phá văn hóa Cát Bà với một số nhà sử học và Địa lý, chúng tôi đã ngồi thuyền thả trôi lững thững quanh vịnh. PGS.TS Bùi Quang Thanh chuyên gia cao cấp của Viện Văn hóa trung ương, thốt lên: Thật là đắc địa! Vịnh có thế “ Quân vương thiết triều”, nghĩa là có ngai là phần núi bờ vịnh, và hai bên tả hữu là hai dãy núi ôm như hai hàng quan văn võ, trước mặt  cửa vịnh mở ra biển thoáng đãng mênh mông… Còn TS Nguyễn Đăng Chúng (Trường ĐHSP Hà Nội I) lại đưa ra một thông tin khoa học, theo đó nằm chung trong quần thể với 388 hòn đảo lớn nhỏ của Cát Bà, núi ở đây có độ cao trung bình từ 50-100m và nước biển có độ sâu từ 5-39m, nên khu vực Vịnh cũng có đặc điểm tương ứng. Dãy núi hình dung như vòng cuốn ba mặt kia là dãy Long Nhan, đá kiến tạo nên nó là đá vôi có tuổi Carbon - Permi…

Điều kỳ diệu là cái vòng ôm của dãy Long Nhan ấy đã “ôm” lấy một vùng văn hóa cổ xưa, một thành tố quan trọng tạo nên sự đặc sắc của Cát Bà. Tôi nhớ có lần đã sửng sốt khi thấy hiện vật của Di chỉ Cái Bèo trong Bảo tàng Hải Phòng, được chú thích có độ tuổi khoảng 7000 năm! Ra về, lòng mãi băn khoăn về niên đại hiện vật được xác định sâu như vậy? Nhân một lần tham gia làm việc cùng PGSTS Nguyễn Lân Cường (Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam) tại Bảo tàng Hải Phòng, tôi có dẫn ông lên xem lại và nhờ ông hóa giải những hồ nghi của mình. Ông hào hứng kể và nhớ cả những thông số kỹ thuật như chính thời mà ông cùng các đồng nghiệp nghiên cứu khám phá vào những năm 80 của thế kỷ 20. Theo đó, trên cơ sở phân tích tổng hợp kết quả nghiên cứu hiện vật của các lần khai quật thì: Lớp văn hóa trên cùng thuộc văn hóa Hạ Long, thuộc hậu kỳ thời đại đồ đá mới  nó có mối quan hệ rất gần gũi với các di vật thuộc văn hóa Phùng Nguyên có tuổi trong khoảng 4.000 đến 4.500 năm cách ngày nay. Lớp giữa của di chỉ tìm thấy gốm bàn xoay, gốm nặn tay và các công cụ đồ đá có kỹ thuật mài khá tốt, có thể thuộc giai đoạn đầu của Hậu kỳ đá mới cách ngày nay trên dưới 5.000 năm. Lớp cuối cùng chỉ có công cụ ghè đẽo, đồ gốm nặn bằng tay, còn thô sơ, thuộc Trung kỳ đá mới khoảng 6.000 - 7.000 năm cách ngày nay.

 

Khẳng định của một chuyên gia khảo cổ đầu ngành đẳng cấp quốc tế làm cho niềm tin của tôi trụ vững. Chợt nhớ, khi học sử Việt, chúng ta quen thuật ngữ “Lịch sử 4000 năm”, nhưng các cuốn gia phả thời Hùng Vương hiện tại không đủ sức chứng minh cho 18 ngành hoặc đời Vua Hùng lại kéo dài tới 4000 năm. Thế mà Di chỉ Cái Bèo lại lên tiếng 7000 năm, xác thực tại chính nơi đây có người Việt cổ sinh tồn. Sự thật này có lẽ sẽ tác động lớn lao dẫn đến thay đổi đời sống văn hóa, sử sách nước ta? Điều ấy sao chẳng ngạc nhiên và còn tự hào vì di chỉ ấy ngay trên quê hương mình.

*

Vịnh Cái Bèo còn chứa bao điều ẩn giấu huyền bí trong nó? Câu hỏi ấy thời gian sẽ trả lời, nhưng hiện tại nó không chỉ là vịnh cổ nhất mà còn vào loại đẹp nhất Việt Nam. Nếu tung Flycam lên bầu trời để hút cảnh và trải hồn theo cánh bay sẽ có cảm giác vùng vịnh giống như một chiếc “ao trời” khổng lồ và trên đó là muôn hình vạn dáng của một công trình “non bộ” kỳ vĩ do một kiến trúc sư được phái từ “Thiên đình” xuống tạo tác và bài trí.  Quần thể vùng vịnh là sự kết hợp bởi nước biển và đá núi, của hình khối, âm thanh và sắc màu đan nhập một cách hữu cơ vào nhau, sống động trong một khoảng trời nước mênh mông… Nếu được ví von thì nó như một bức tranh thủy mặc 6D, mà độ tinh tế hài hòa, lung linh và hồn cảnh vật đều là sản phẩm của tự nhiên. Trên bề mặt địa hình núi non có những vạt rừng thấp và thưa nhưng vẫn đủ lợp một màu xanh lá kết nối với sắc xanh lam của biển và sắc biếc trời, tạo thành không gian xanh văn vắt đến muôn trùng mà nếu đến ta sẽ ngỡ mình cũng tan biến thành… xanh! Đặc biệt là núi, núi đứng, núi ngồi… với muôn hình nghìn thế tạo thành trăm dáng thú khi uốn như rồng, khi như đàn rùa rùa bò trên cát vàng mịn, có lúc vươn mình đón sóng vỗ như con cá khổng lồ, bất thần lại xuất hiện những chỏm đá lả nghiêng vào không gian như chim phượng hoàng sắp vỗ cánh bay vào gió lộng… Khuất lấp trong những đá núi cây rừng ấy là hàng nghìn loài động vật sinh sống trong số hơn 3.800 loài ở quần đảo Cát Bà.

Trong vòng tay chở che của dãy Long Nhan, không gian vịnh ấm về mùa đông và mát lộng về mùa hè. Khi hạ sang, trời xanh và sạch quang, đôi khi có đám mây trắng thả mình trên mặt biển phồng căng như những cánh buồm thong thả trôi ra cửa vịnh. Sóng ở đây không lớn kể cả có mưa và gió. Những ngày ấy, nếu đi trên vịnh có lẽ mới cảm thấy hết sự bồng bềnh của biển và nghe tiếng mưa rơi vỗ trên đầu sóng, quất vào vách núi tạo ra âm thanh kỳ diệu như bản giao hưởng hòa tấu khúc hồn của núi rừng, trời cao và biển thẳm. Các mùa còn lại mặt vịnh hầu như yên bình, có lúc phẳng lặng đến khó tin như một tấm gương ngọc bích khổng lồ xanh và ngời sáng. Dường như nó muốn căng hết nhãn lực của mình để hút về nó mảnh trời xanh, những dáng núi vắt vai dải sương trắng mềm như lụa, bãi cát vàng chân núi phơi nắng bâng khuâng hay một cánh chim bất ngờ lửng lơ giữa không gian soi bóng…

Buổi sáng mặt trời tắm gội tinh khôi tỏa màu đỏ hồng châm bình minh cho biển cả. Theo độ sáng của mặt trời, biển trên vịnh giống như một cô nàng đài các liên tục đổi thay y phục: sớm khoác màu áo lá, giữa trưa đã thay màu lam sáng và chiều tối là màu tím bồng bềnh trong sóng hoàng hôn. Trên mặt vịnh, những con thuyền chở khách du lịch về Lan Hạ thong thả trôi như những đàn cá voi lượn lờ tự thả rông mình tắm ánh sáng và sắc biếc, mặc kệ dòng thời gian đang ào ạt chảy ở đâu đó. Ven những chân núi đá thấp thoáng vài chiếc thuyền bơi Kayak của khách  du lịch mạo hiểm lao trên mặt nước như con chim bói cá nhỏ dần, nhỏ dần rồi chìm khuất vào các khe núi…Tôi chợt hình dung từ thời xa thẳm những chiếc thuyền độc mộc của người Việt cổ có lẽ cũng bơi như vậy, nhưng không phải là du lịch thám hiểm mà là giăng câu, bủa lưới tìm kiếm sự sinh tồn. Nhưng chính những con người tiền cổ ấy đã góp công tôn tạo Cát Bà, món quà họ để lại cho cháu con hôm nay. Và sẽ không ngoa nếu nói: có những nét văn hóa mà chúng ta phải học tập ở họ, đó là cách sống hòa nhập, thân thiện với thiên nhiên…

Buổi tối ở vịnh bây giờ rực rỡ như một lễ hội ánh sáng giữa biển khơi. Các làng nổi đồng loạt lên đèn! Toàn cảnh giống như một làng sao chín thơm lấp lánh rơi lạc trên mặt biển. Những lồng bè kết hình ô vuông chi chít như những bàn cờ tiên thả vào mặt nước. Rồi trăng từ từ ngoi lên khỏi biển đậu trên đỉnh Long nhan, đêm vào sâu hơn, vịnh được phủ một không gian ánh sáng tự nhiên êm đềm. Trăng gọi gió, gió gọi sóng rì rào cuộn mình lên tắm trăng dệt những đường thêu ánh sáng mềm mại kết thành tấm thảm biển biếc sáng đỡ lưng cho giấc ngủ của vạn chài… Khuya, gió mát rười rượi, sóng bắt đầu ngân bài hát rì rầm muôn thuở của mình. Xa xa thấp thoáng những con thuyền nhỏ nhấp nhô ánh đèn chạy ra cửa vịnh, đó là những thuyền câu của ngư dân ra khơi đi câu mực hoặc của những khách du lịch đi câu giải trí. Ngồi trên những chiếc thuyền ấy giữa đêm biển bao la mang đến cho ta sự trải nghiệm của cô đơn khiến lòng trong lại và cho ta biết sự nhỏ bé của mình trước kỳ vĩ bao la của đất trời. Nó cũng mang đến sự khoái cảm kéo cần căng rung khi cá mắc câu, và bữa ăn “toàn biển” trong sóng và gió rạt rào.

*

          Vịnh Cái Bèo dài rộng về diện tích, thiên nhiên mỹ lệ cẩm tú và các tầng trầm tích mang lại cho nơi đây chiều sâu văn hóa hiếm gặp. Thời kỳ đổi mới, cuộc sống gian nan trong những mái vạn chài của cư dân nơi đây đã đổi thay như gặp phép màu. Bây giờ, giữa vòng ôm của chiếc nôi đá núi là những căn nhà kết lại thành làng mái tôn mạ màu san sát nổi trên mặt biển. Điện lưới quốc gia đến từng căn hộ và bừng sáng cả ngư trường. Gần 300 hộngư dân sinh sống trên đó. Thi thoảng nghe tiếng chó sủa, tiếng gà gáy trưa ngỡ cứ như làng trên đất liền vậy. Cư dân nơi đây hầu như đã chuyển đổi từ đánh bắt sang nghề nuôi cá lồng biến vạn chài thời xa thành khu vực sản xuất kinh doanh thủy hải sản phát triển mạnh. Nếu một lần ghé qua sẽ thấy đủ mặt loài cá sinh sôi  bơi lội với mật độ dày đặc trong hàng ngàn chiếc lồng lớn… cảm giác như một góc thế giới của cá được gom về hội tụ. Tính đến năm 2019, khu vịnh này có trên 300 lồng bè nuôi hải sản. Đặc sắc của nghề nuôi cá lồng bè ở đây là công nghệ nuôi. Theo đó, cá giống được mua từ những thuyền đánh bắt xa bờ, rồi chia ra nuôi theo từng lồng. Thức ăn của cá toàn là... cá nhỏ và các động thực vật khác từ biển. Vậy nên chất lượng cá lồng không hề khác cá biển tự nhiên. Khi Cát Bà trở thành một trung tâm du lịch hút khách thì Cái Bèo trở thành một thị trường cá biển sôi động. Các chủ lồng bè lớn đều chia sẻ: trước đây đi đánh bắt ngoài khơi cơ cực lắm, hiểm nguy nữa mà thu lại chẳng là bao. Giờ nuôi cá lồng lợi nhuận trung bình cũng phải từ 30-40% trên tổng đầu tư. Bình quân mỗi bè quy mô từ 30 - 50 ô lồng thì mỗi năm thu lãi từ 300-500 triệu đồng.

Nhưng biển cả chẳng cho không ai cái gì bao giờ, nó cũng hút của cư dân nơi đây nhiều mồ hôi và cả nước mắt nữa. Trăm thứ phải chống chọi, nhưng nguy hại hơn cả vẫn là dịch bệnh. Nhiều làm nghề nơi đây chưa quên đợt dịch bệnh cá kinh hoàng vào các năm 2008 và 2009, cá nuôi bất ngờ chết hàng loạt nổi trắng cả lồng, nhiều chủ bè chịu cảnh tán gia bại sản. Những năm gần đây nguy cơ dịch vẫn tiềm ẩn, theo công bố của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (Lan Hạ - Cát Bà) với báo chí thì tỷ lệ nuôi hao hụt tới 50-60% vì một loại ký sinh trùng giống loài đỉa sinh sôi rất mạnh. Ở vịnh Bến Bèo, loài “đỉa biển” này còn khủng khiếp hơn, có khi 3-4 ngày chúng đã bám đầy cá nuôi. Chưa hết dịch “đỉa biển” thì ngư dân lại lao đao vì đại dịch Covid như một cơn sóng thần ập xuống…

Đầu đông năm nay tôi lại về vịnh, thiên nhiên vẫn như gấm hoa và hệ thống hạ tầng đang phát triển khá hoành tráng nhưng vịnh thì lại quạnh quẽ. Những con tàu du lịch gối đầu lên bến co ro trong gió bấc ngó mây bay, khách đến mua hàng thưa vắng như cảnh chợ chiều… Một sự kiện nóng bỏng cũng đang làm rối ruột ngư dân, đó là việc UBND huyện Cát Hải quyết định triển khai phương án giảm 3/4 số bè nuôi trồng thủy sản trên mặt nước toàn huyện đảo. Hiện tại có trên 600 chiếc với khoảng gần 8000 lồng của hơn của 429 hộ nuôi chiếm 100 ha mặt nước, nếu giảm theo đúng phương án thì toàn bộ mặt biển huyện Cát Hải chỉ còn trên trăm chiếc và khu vực Cái bèo theo tỷ lệ này cũng chỉ còn vài chục chiếc.

Vấn đề an sinh cho vài trăm hộ dân, đền bù thế nào về vật chất cho các chủ lồng bè không được phép hoạt động nữa và cải tạo thế nào để trả lại chất nguyên thủy cho biển cả… là những bài toán mà Đảng bộ, HĐND, UBND và nhân dân nơi đây đang tích cực vào cuộc hóa giải. Không phải không có những suy tính thiệt hơn và cả những tư tưởng tiêu cực nữa xung quanh sự kiện này. Tuy vậy, nếu nhìn sự việc dưới góc độ khoa học khách quan thì sự “thịnh vượng” của cư dân vịnh Cái Bèo những năm qua là sự thịnh vượng không bền vững. Chính cách làm kinh tế theo hướng “ăn xổi ở thì” đã tạo ra những mầm họa khôn lường. Mỗi ngày rác thu từ mặt vịnh Cái Bèo lên tới hàng chục mét khối; chất hữu cơ thải xuống biển từ các lồng bè thì không tính nổi nhưng đã tạo lớp trầm tích làm thay đổi tính chất và hệ sinh vật đáy biển. Ngoài ra, lưới của hệ thống lồng bè xếp san sát chiếm chỗ cả vài chục ha mặt nước với độ sâu 4m, tạo thành những bức tường  chập chùng ngăn cản dòng chảy, làm chậm quá trình rửa trôi, tăng khả năng tích tụ, bồi lắng các chất thải hữu cơ độc hại. Điều này dẫn đến việc thu hút và tạo sinh những loài vi sinh vật có hại, mà “đỉa biển” là một vấn nạn mà chính cư dân là người hứng chịu.

 Bởi vậy, chưa nói đến việc phải tháo dỡ vài trăm lồng bè gây ô nhiễm môi trường để “cứu” biển, cho Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới; Chỉ cần tính đến sự thịnh vượng lâu dài bền vững của huyện đảo và “cứu dân” thì “những bức trường thành” này cũng đã nên phải giải phóng khỏi mặt biển. Biết là khó khăn, nhưng cũng biết con đường đi đúng đắn thì sao phải chần chừ? Hãy làm vì dân, vì một vùng biển đảo sẽ được vinh danh trên trường quốc tế trong tương lai gần! Nếu như vậy chúng ta hoàn toàn hiện thực hóa được giấc mơ về ngành “công nghiệp không khói”  tại nơi đây, mở ra sự hưng vượng bền vững cho quần đảo.

Tôi tạm biệt Cái Bèo, một lần nữa ghi vào trong mắt cảnh sắc nước non trời biển tươi đẹp muôn trùng, bỗng nhớ tới sách “Đại Nam nhất thống chí” có đoạn ghi về mảnh đất Cát Bà giống như một thiên đường:“Một vùng núi non dựng lên như ngọc, cá tôm nhiều như đất, dân đua nhau thu lượm, lúa má không có, thuế đánh không nhiều. Sóng vỗ dập dồn vách núi, thuyền xuyên vỉa đá mà đi.  Nhân dân vui hưởng thái bình…”. Lòng chợt nghĩ: không biết đây có phải đoạn dự ngôn tiên tri cho Cát Bà thì tương lai, hay đó là thông điệp người xưa gửi lại huyện đảo  về mục tiêu hành động giữa những tháng ngày này?

 

Cát Bà, đầu đông 2021

Nguyễn Đình Minh