Tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi

th1Ông Nguyễn Đình Thi, một trong những tác giả lớn của văn học Việt Nam thế kỷ 20, Ông qua đời tại Hà Nội ngày 18.04.2003. Buớc vào văn đàn trong kháng chiến chống Pháp như đại diện tài năng của một thế hệ mới, sớm nổi bật với những thành công ở nhiều thể loại nghệ thuật từ thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, chính luận đến âm nhạc, và cũng sớm được trao những cương vị quan trọng trong bộ máy văn hoá-chính trị, nhất là cương vị Tổng thư ký Hội nhà vănViệt Nam suốt 31 năm (1958-1989), cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi gắn liền với toàn bộ nền văn học cách mạng Việt Nam nửa sau thế kỷ 20 và giai đoạn lịch sử ấy.
Chúng tôi xin giới thiệu lại một tư liệu văn học xung quanh cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi tại Hội nghị tranh luận văn nghệ do Hội văn nghệ Việt Nam tổ chức trong các ngày 25, 26, 27 và 28 tháng 9 năm 1949. Hội nghị đã trao đổi, tranh luận từ những vấn đề chung về đường lối, phương pháp, đến các vấn đề riêng của từng bộ môn nghệ thuật. Nhưng đặc biệt buổi chiều ngày cuối cùng hội nghị đã dành để bàn riêng về thơ Nguyễn Đình Thi, một tiếng thơ lạ nên bị coi là lạc lõng lúc ấy. Năm 1949, Nguyễn Đình Thi mới 25 tuổi. Phần trích đăng sau đây gồm ý kiến có tính chất đề dẫn của nhà thơ Xuân Diệu, ý kiến duy nhất ủng hộ thơ NĐT của nhà văn Nguyên Hồng, ý kiến phát biểu của NĐT, và ý kiến kết thúc của nhà thơ Tố Hữu, chủ tọa hội nghị. Phần Phụ lục gồm các bài thơ Đêm mít tinh (1948), Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948), Đất nuớc (1956, bản đầu) và Đất nuớc (1956, bản cuối), cho thấy sự phát triển qua từng giai đoạn của bài thơ nổi tiếng nhất của Nguyễn Đình Thi cho đến khi nó trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của Thơ cách mạng.

Xuân Diệu: Nói đến thơ anh Thi, không phải nói đến vấn đề thơ không vần, cũng không phải chuyện những câu thơ dài, ngắn tự do. Hai đặc điểm ấy của anh Thi còn là việc phụ. Nhiều người không thích thơ của anh Thi, chính là vì anh chưa đạt, chưa thành công. Cái "điệu" của anh Thi chưa rõ.
Nhân đọc thơ anh Thi, tôi càng thấy hình thức với nội dung là một. Mỗi câu thơ là một ít xác thơ đựng một ít hồn thơ. Hồn thơ anh Thi chưa ổn, nên câu thơ có chỗ lệch lạc. Cái anh Thi muốn nói chưa phải là cái anh Thi đã nói được.
Tôi có mấy nhận xét sau này về thơ anh Thi.


Nội dung:

1) Các đoạn trong tứ thơ không dính nhau, phạm cái điều mà tôi gọi là đầu Ngô mình Sở (incohérence). Ví dụ: bài Đêm mít tinh, ban đầu nói trên rừng Phan Lương có sao, rồi nói đến Hà Nội của chúng ta, sau đến cờ sao kéo về, và câu kết: "Sao ơi, núi rừng ơi, nức nở". Tôi thấy nó xa quá. Không hiểu sao đang đêm mít tinh lại nói nhớ đến Hà Nội. Cái tứ chạy đi như thế, người ta khó theo.

Một bài nữa cũng nói đến nhớ thủ đô: Sáng mát trong như sáng năm xưa. Nếu ba câu đầu không có ở trong bài cũng chẳng sao cả. Nó không cần thiết. Theo tôi, trong thơ cũng phải có tính cách cần thiết (nécessaire), và phải làm sao người ta thấy ý này bắt sang ý kia là tự nhiên. Trong hệ thống tư tưởng cũ, thơ hay nói lung tung. Thơ bây giờ phải theo một sự hợp lý mới. Ý tình phải quấn quít lấy nhau theo một lệ luật hợp lý nào đó.

Thơ anh Thi từng bộ phận thì hay, và có những câu rất hay. Những đoạn, những câu hay ấy, chắp lại với nhau thì không thành ra hay. Như môi đẹp, mắt đẹp, mũi đẹp, mà không thành mặt đẹp vì là môi, mắt, mũi của nhiều người.

2) Thơ anh Thi tính cách trí óc nhiều, tình cảm ít. Nếu tình cảm đã chín, thì nó vọt ra rất dễ dàng. Tình cảm dù cho tinh vi, phiền phức mấy, nói ra cũng phải dễ. Như các bộ phận trong con người, nếu giải phẫu ra thì rất phiền phức, nhưng toàn người thì những người đẹp đi đứng rất dễ dàng, tự nhiên. Thơ anh Thi không có tính cách cơ thể. Dầu thơ vần hay không vần, vần trắc hay vần bằng, câu nào câu ấy phải như tim, như gan, như phổi trong người, chỗ nào phải vào chỗ ấy. Có thể nói: bài Đêm mít tinh nếu tỉa đi hai câu cũng không hại đến bài thơ.

Vì tình cảm chưa chín mùi, nên bài Sáng mát trong… không có cái cốt chính của bài thơ. Cái chưa chín rõ nhất trong bài Đường núi. Những nét thơ rất đẹp nhưng chỗ này một nét, chỗ kia một nét tán loạn như trong một bức tranh siêu thực.


Hình thức

1) Câu thơ của anh Thi đúc quá. Anh Thi rất tiết kiệm chữ. Đó là một ưu điểm. Nhưng lại tiết kiệm quá. Không những không có chữ thừa, mà chữ đệm cũng không có. Không những đúc trong một câu mà đúc cả đoạn nữa. Sự tiết kiệm chữ và tiết kiệm lời (tức là ý) phải đến cái trình độ thích trung. Nếu không đúc, sẽ lảm nhảm, lải nhải, chưa phải là thơ. Nhưng nếu đúc quá, độc giả không theo kịp được, thì cũng không còn là thơ nữa. Đúc quá hóa khó cảm xúc. Đã đành thơ không lý sự, nhưng từ đoạn này sang đoạn khác cũng phải có cái cầu cần thiết.


2) Người ta yêu một thi sĩ là vì tình cảm của anh, vì tâm hồn của anh, chứ không phải vì thơ có vần hay không có vần. Nhưng bây giờ nói đến trong bài thơ, thì vần rất là hệ trọng.

Tôi công nhận, có thể có những bài thơ không vần; có những trường hợp thơ không vần hay nhưng phải đúng trường hợp. Tôi lại nhận trong một bài thơ có vần, có thể có một vài đoạn không vần, và trong một đoạn thơ có vần có thể có một vài câu không vần nếu sự không vần ấy giúp cho bài thơ hay thêm lên.

Nhưng đại đa số trường hợp, nên có vần, là vì những cái ích lợi của nó.

a) Vần giúp mình nghỉ hơi một cách dễ dàng hơn. Đã đành rằng ngay trong văn xuôi, cũng có chỗ nghỉ hơi; huống chi thơ viết lại xuống nhiều giòng, thế nào người ta cũng nghỉ hơi. Nhưng chỗ nghỉ hơi lại có một cái vần thì thật khoan khoái, lý thú, như ngậm âm nhạc trong miệng.

b) Vần là một cái trở lực vô để cho thi sĩ vượt qua mà tiến lên. Có vần, những bước thơ không có vẻ chông chênh, mà trái lại, hồn thơ tựa vào những câu thơ, một cách vững chắc. Bỏ vần là bỏ mất một phương tiện đắc lực. Nhiều khi nhờ tìm vần cho đúng mà nẩy ra những tứ thơ tân kỳ.

c) Đối với công chúng, cái vần giúp cho trí nhớ (và giúp cho cả tác giả nữa). Thơ phải là một thứ dễ khuân vác, dễ chuyên trở; nhớ văn thì người ta nhớ ý, nhớ thơ thì phải nhớ câu nhớ bài mới hay. Vần giúp cho bài thơ dễ in vào trí nhớ.

d) Quần chúng của ta rất yêu vần. Đàn bà Việt Nam mở miệng ra là muốn có vần có nhịp. Giả sử như tiếng ta một thứ tiếng cộc lốc, thì đi tìm vần cũng mệt. Nhưng tiếng ta đã rất nhạc, lại rất nhiều vần. Cũng như ở Việt Bắc thì lấy nứa làm nhà, tiếng nước ta rất dễ bắt vần tội gì mà không dùng vần. Dùng vần có mệt nhọc gì đâu, không dùng vần tức là lập dị. Sau này chưa biết cuộc tiến hóa sẽ thế nào, nhưng bây giờ thơ không vần thì khó thưởng thức.



3) Một điểm nhỏ nữa trong hình thức, là cái chấm câu. Thơ anh Thi không chấm câu. Có những đoạn thơ rất khó chấm câu, vì câu này tràn sang câu kia không biết chấm thế nào cho đúng. Những trường hợp ấy thì nên bỏ chấm câu. Nhưng phần lớn trường hợp chấm câu phải giữ. Chấm câu làm cho phân biệt ý này với ý nọ, giúp cho người ta dễ hiểu tác giả, một bài thơ từ đầu đến cuối viết không chấm câu người đọc không biết tạm ngừng hơi, hay tạm nghỉ mắt vào chỗ nào, không biết một câu bắt đầu từ đâu và đi đến đâu thì hết. Câu thơ khêu gợi tràn lan là tự cái sức bên trong của ý thơ và của những tiếng chứ không phải là nhờ vào sự bỏ chấm câu, để cho nó tràn lan, khêu gợi.

Nghệ thuật là ước lệ, miễn là ước lệ sống. Nếu muốn cho thật tự nhiên thì cảm giác của ta làm gì có vần có chấm câu. Nhưng muốn truyền cảm đi, phải có một ước lệ, một sự thu xếp nào đó.

Tóm tắt ý tôi:
Người thi sĩ mới bắt đầu viết cái cốt nhất, là anh ấy đem cái điệu tâm hồn đặc biệt của mình vào thơ. Anh ấy phải chú ý luyện cái điệu tâm hồn không để cho nó lờ mờ. Ý bài thơ có thể lờ mờ, nhưng điệu tâm hồn phải rõ rệt.

Nhiều bài thơ có thể không có vần, nhưng phải có điệu. Những câu ngắn dài, những chữ bằng trắc nặng nhẹ phải phân phát cho dễ đọc. Điệu thơ lủng củng thì không gợi cảm được. Nhờ ở điệu mà bài thơ nhịp nhàng, tiết tấu.

Có người nói: thì thơ Pháp, thơ Âu châu cũng làm từ ý này sang ý nọ, cũng không vần, cũng bỏ chấm câu. Tôi thấy trường hợp thơ ta hiện tại khác xa với trường hợp thơ Pháp hiện tại. Mặc dầu những nhà thơ như Aragon, Eluard là những nhà thơ cộng sản, nhưng thơ họ không thật mới. Họ đã là những kiện tướng trong trường thơ siêu thực; đến lúc họ giác ngộ, nhưng máu huyết của họ cũng đã 50 tuổi rồi, tình cảm họ không giản dị mà phiền toái, khúc khuỷu. Thơ chúng ta bây giờ hoàn toàn khác, nó hoàn toàn trẻ, do những người tuổi trẻ và do một giai cấp trẻ làm ra, nó giản dị tự nhiên, mà giàu đủ. Muốn thấy những bài thơ Pháp thật là mới, có lẽ ta phải chờ lúc nhân dân Pháp nắm chính quyền, có phong trào văn nghệ nhân dân Pháp.

Điểm cuối cùng: làm thơ là cảm và truyền cảm. Tôi cảm rồi, nhưng tôi chưa truyền được cái cảm cho người chung quanh, thì tôi vẫn chưa làm nên thơ. Một bài thơ phải tự nó tuyên truyền cho nó, tác giả không cần phải giải thích thêm nữa, như thế mới là thơ hay. Khi mình đứng bên cạnh người đọc thơ mình, thì mình còn giải thích được cho người đọc hiểu: chứ lúc mình đi vắng, thì ai giảng thơ mình? Hơn nữa lúc mình chết đi rồi, thì ai bênh vực nó? Thơ là mực đen giấy trắng, phải làm thế nào cho những bài thơ của mình tự nó nó sống.

Từ nãy, tôi chưa nói rằng có những bài thơ anh Thi mà tôi thích như Khúc hát miền Tây, như đoạn giữa bài Đêm mít tinh và nhiều câu thơ tách riêng ra. Hôm nay tôi đã đem công khai hóa những sự giằng co giữa tôi và anh Thi.


Nguyên Hồng

Tôi phản đối tất cả những ý kiến nói thơ anh Thi là cuộc thí nghiệm. Tôi nói nó là một sự cần dùng, một sự tất yếu. Nếu là thí nghiệm thì nó chỉ thí nghiệm ở một phía nào thôi.


Tôi phản đối ý anh Xuân Diệu nói thơ anh Thi đầu Ngô mình Sở. Thơ có thể làm được như thế. Ví dụ: một người đi ngoài đường rung cảm vì tiếng tàu điện rồi về hôn con, và làm thành một bài thơ. Có gọi là đầu Ngô mình Sở hay không? Hiện bây giờ người ta đã xúc cảm như anh Thi rồi.

Dân tộc ta rất nhiều bản năng. Thơ đi qua rất nhiều rung cảm khác nhau trong một bài.

Ý riêng tôi, thì anh Thi rất thành công, ngay bây giờ đã thành công rồi. Anh Thi tiêu biểu cho tâm hồn rộng rãi, rải rác. Tôi tin sẽ có những bài thơ kỳ diệu của dân tộc ở trong loại thơ đó.


Nguyễn Đình Thi

Tôi đồng ý phần lớn những lời phê bình. Tôi hay lý luận. Cái tìm tòi của tôi cũng hay lý luận. Nhưng nói đến thơ, đó là một cái thiết tha nhất của tôi, và cũng là cái tìm tòi rất khổ của tôi (tuy nó có cái vui của nó). Tôi không trả lời lại một lời phê bình nào, mà dựa vào ý kiến của anh chị em, lấy tinh thần của hội nghị làm một cuộc tự phê bình.


Bài đầu tiên theo thể này là Đêm mít tinh ý định ca tụng chiến công Việt Bắc. Tôi làm nó theo hình thức thường, bốn, năm đêm liền, thấy không được. Cuối cùng tôi quay sang một thể khác, và có bài Đêm mít tinh như các anh chị đã đọc. Sau bài ấy, tôi còn làm tiếp theo nhiều bài nữa.

Bảo thơ tôi là một cuộc thí nghiệm thì không đúng. Nói là một thành công hay thất bại thì đúng hơn. Hay là nói đó là một cuộc tìm tòi thơ nhưng có những chỗ chưa được thỏa mãn.

Cũng có những người trạc tuổi như tôi thích thơ tôi nhưng phần ấy rất ít. Nói đến thơ tôi, tôi rất áy náy: Một là vì thơ ấy là thơ của tôi. Hai là thơ ấy là thơ tự do (dài, ngắn, vần, không vần, không quan hệ). Đáng lẽ thơ của tôi là thơ của tôi. Còn vấn đề thơ tự do thì rộng hơn thơ tôi nhiều. Vậy phải tách ra làm hai: trước hết, tôi tự phê bình bình thơ tôi. Sau xin bênh vực thơ tự do.

1) Phê bình thơ tôi
th2Một tác phẩm, xét nó là xét ở nội dung của nó, nó tác dụng thế nào trong hoàn cảnh bây giờ. Anh Xuân Diệu nói là thơ của tôi già. Gần đúng. Vì thơ của tôi không phải là những bài thơ vui. Đó là những bài thơ đau đớn. Lúc tôi làm nó, tôi cũng đã nghĩ rằng: trong lúc này, có nên đưa ra cái đau đớn đó không? Có. Vì cuộc kháng chiến của ta có bao nhiêu cái đau đớn, nhưng đau đớn chính đáng; miễn là cái đau thương ấy không phải là cái đau thương đi xuống. Anh Xuân Diệu nói nó gò bó, cũng đúng. Rất đau thương mà không nói, đó là thái độ nội dung của tôi. Khi tôi nói cái đau thương của tôi ra, nó ẩn ở một chỗ rất kín (Ví dụ trong bài "Không nói": Môi em, đôi mắt còn ôm đây). Nhưng nội dung ấy khách quan mà xét, thì nó không đúng với cuộc kháng chiến bây giờ, cái đau đớn của kháng chiến không giống cái đau đớn trong thơ tôi. Ở nhiều chỗ của kháng chiến, còn đau đớn hơn nhiều, nhưng cái đau đớn không như thế.

Một số thanh niên như tôi, nhiều khi không phải là văn nghệ cũng thích thơ tôi. Một số bạn khác rất mê thơ tôi. Nhưng nhìn kỹ lại các anh ấy phải nhận rằng họ cũng ở một tình trạng na ná như tôi. Sau này, tôi cố gắng sửa chữa. Những lời phê bình làm tôi suy nghĩ. Tôi suy nghĩ và tôi tự bảo tôi phải đổi.

Vì cái nội dung đã u uất rồi, cho nên khi nó thể hiện ra ngoài, nó cũng có vẻ khắc khổ, gò bó. Trong khi tôi đi tìm một hình thức tự do, thì cái nội dung của tôi lại gò tôi lại. Tôi muốn có cái mộc mạc, đơn sơ, thì trái lại nó lại cầu kỳ. Tôi đồng ý với anh Xuân Thủy và rất mừng có dịp để định một thái độ minh bạch. Chỉ quan niệm không mà thôi, nhất định là không đủ. Phải được sống nhiều hơn, sống rộng rãi, vui, tin tưởng, khỏe lành. Không thể quay vào mình thôi mà tìm được.

2) Thơ tự do
Tôi đồng ý với anh Xuân Thủy, đó là một câu chuyện rộng rãi, vượt qua tôi nhiều. Khi tôi nói đến thơ tự do, xin hiểu cho là tôi nghĩ đến cái gì chung.

Cái hình thức gọi là "thơ mới" nó sẽ cứ có, dù ngăn nó cũng không được. Vần hay không vần, câu dài hay câu ngắn, cái đó đã thường lắm rồi. Kháng chiến đã làm ra như thế. Những bài thơ hiện nay đã chứng tỏ điều này.

Còn vần là một lợi khí rất đắc lực cho sự truyền cảm. Nhưng không phải hết vần là hết thơ. Khi làm thơ, thái độ của người làm là ghi cho đúng cảm xúc. Nếu cảm xúc gặp được vần thì hay. Nhưng gặp khi nó gò bó, hãy vượt lên nó đã. Hình thức nghệ thuật (các luật bằng trắc) phải tự thân nó ra. Khi gạt luật bên ngoài đi, phải có luật bên trong rất mạnh.

Có thể có sự bỡ ngỡ đối với thơ không vần. Hồi "thơ mới" (1932) mới ra đời, người ta cũng bảo không hiểu. Thơ tôi bây giờ có gì là không hiểu? Người ta hiểu mà chưa cảm. Vì không nói được sự sống chung quanh. Nếu nói đúng cái cảm xúc chung quanh hiện thời, thì dẫu có trúc trắc, không vần, nghe vẫn lọt.

Nếu trên đường cởi mở, có rất nhiều người làm thơ ấy, thì mới đầu nó có loạn thật, nhưng rồi cũng quen như thơ lục bát. Trở về ý đầu Ngô mình Sở. Tôi không thích những bài thơ nói ra tâm tình. Nó phải nói ra cảm xúc, cảm xúc là tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi tay sờ, cảm thế nào, nói thế ấy. Từ thời Nguyễn Du, Thị Điểm có biết bao nhiêu là câu thơ hay, không kể lể tình cảm, chỉ nói cái sống ra bằng những hình ảnh, thành cảm xúc. Thơ như thế không phải đầu Ngô mình Sở. Nó cũng có sợi dây nối liền những hình ảnh đó lại. Đó là một thứ dây lý luận rất khéo. Thơ bộ đội bây giờ có nhiều hình ảnh và cũng có sợi dây liên lạc, chỉ có điều là tất cả các thứ dây đó đều không giống thứ dây của thơ tôi. Thơ bây giờ nói hình ảnh, cảm xúc, chống hẳn lối thơ kể lể mười mấy năm trước đây.

Vậy:

– Khi đã bỏ luật lệ rồi, đủ cảm xúc tự nhiên thì cứ nói, thành vần cũng được, không thì thôi. Nói như lời nói thường vậy.

– Rút ra những cái trong cuộc sống.

– Nói như lời thường. Tôi mong đi tới những câu thơ như lời nói thường mà đến một độ cảm xúc mãnh liệt. Nếu cần nói một hơi dài, dùng những câu dài. Nếu hơi ngắn, nói ngắn. Những hình ảnh thơ mới bây giờ, tôi tưởng tượng nó cần phải khỏe, gân guốc, xù xì, chất phác chung đúc, tự nhiên. Những bài thơ cũ, cùng một nhịp điệu đều đều, tôi không thể chịu được. Bài thơ chất phác kia tác động vào tâm hồn ta hơn. Rồi đây, tiến đến độ hơn nữa của tình cảm, thơ sẽ trở về cái hình thức đều hòa hơn…



Tố Hữu

Nghe anh Thi tự phê bình thơ anh, anh chị em nghĩ: "Tại sao biết mình như vậy, mà cứ làm như vậy?" Đó là cái khổ tâm của người làm thơ. Làm thơ không phải do trí tuệ muốn, mà do sự sống của bản thân mình.


Có những lúc tôi yêu thơ anh Thi, và cũng nhiều lúc tôi thù ghét nó. Những lúc mà tôi buồn bực, nhọc mệt, có những lúc tôi nhớ, tôi thích đọc thơ anh Thi. Tôi đọc những bài Sáng mát trong… Thơ là một điệu hồn, tìm đến với những hồn đồng điệu. Nhưng lúc thấy cần làm việc, tôi thấy ghét thơ anh Thi ghê lắm vì tôi thù ghét cái cá nhân nó lại trở về với tôi. Rồi tôi lại dè chừng với tôi. Nhiều khi thấy bài thơ hay, mà chưa chắc nó hay. Vậy lấy gì làm tiêu chuẩn cho cái hay?

Tôi không thể lấy cái "ta" làm tiêu chuẩn. Người nghệ sĩ phải tự hỏi: Quần chúng xem bài này thế nào? Quần chúng có xúc cảm không? Cái đau đớn của quần chúng có được nêu lên đây không? Nếu tác phẩm chưa nói, hay nói ngược cuộc sống của quần chúng, thì phải xem là không hay. Những bài thơ của anh Thi tôi cho là không hay, vì chưa nói lên được nỗi niềm của quần chúng. Đó là nội dung.

Tôi đồng ý thái độ tự phê bình của anh Thi, một thái độ đứng đắn. Còn một điều cần thiết nữa, là anh phải kiểm tra lại cái tư tưởng, cái rung cảm của mình trong quần chúng. Quần chúng có những lúc tinh thần mỏi mệt, sút kém, họ có thể nghe cái mệt mỏi.Vậy phải lãnh đạo quần chúng, phải xem tư tưởng của mình có dắt quần chúng đi lên cuộc đời tốt đẹp không?

Cuộc tranh luận đã khá đầy đủ. Chúng ta đã đồng tình ở những điểm căn bản.

Tạp chí Văn Nghệ số tranh luận (số 17, 18, tháng 11, 12 - 1949).
Chuyển dẫn từ Sưu tập Văn Nghệ (1948-1954),
Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999, tập 2 - 1949, tr. 633-646)

Nguồn: talawas


Phụ lục

Nguyễn Đình Thi (1924-2003)
Đêm mít tinh

Muôn ngàn đêm hẹn nhau họp đêm nay
Yên lặng nép ngồi

Tia vàng vút bay
Tung lên hoa lửa
Lên lên mãi
Một vầng sao ngời muôn vầng sao
Bụi ngọc ngập trời
Rơi rơi trên đầu trên cổ
Trên ngón tay
Triệu triệu sao
Rừng Việt Bắc

Trời sao đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta

Những xóm đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về

Ngàn sao phơi phới đang bay
Dạt dào mắt không thấy nữa
Dưới kia Hà Nội nhìn lên
Phố phường nín thở
Những lề đường mòn cũ
Lành lạnh mưa phùn
Hà Nội
Một mình buồn xé ruột
Ngày ngày buồn thức dậy
Quay mặt đi đâu ngày hôm nay
Gió mùa đông trong lá chưa đi
Còn đến bao giờ bao giờ
Đêm nay trời sao trắng bạch
Cháy trùm đất nước

Đêm lòe sáng
Đi lên đi lên
Ta lớn ta khỏe
Súng ta rợp đồng
Ngàn sao chào múa
Trời nắng bỏng
Bao nhiêu tường chói lóa
Những lùm cây cháy cả lên
Rừng Phan Lương dữ dội reo hò
Đỏ đỏ trôi đường phố

Hà Nội phố hè ngực đập thình thình
Tiếng hát reo cười cuốn trào nước mắt

Sao ơi, núi rừng ơi nức nở

1948



Sáng mát trong như sáng năm xưa

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em

Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
Phố dài xao xác heo may
Nắng soi ngõ vắng
Thềm cũ lối ra đi
Lá rụng đầy

Ôi nắng dội chan hoà
Nao nao trời biếc
Gió đượm hương đồng ruộng
Hương rừng chiến khu
Tháp Rùa lim dim nhìn nắng
Những cánh chim non
Trông vời nghìn nẻo
Mây trắng nổi tơi bời