Tô Hoài ở Vũng Tàu - Trần Đức Tiến
Tô Hoài đến Vũng Tàu nhiều lần, và hình như lần nào cũng để viết một cái gì đó, chứ không phải để nghỉ ngơi. Ông tá túc trong ngôi chùa trên núi, ăn cơm chay cùng nhà sư và hoàn thành bản thảo một cuốn tiểu thuyết. Ông nằm ở nhà sáng tác, cặm cụi viết "101 truyện đời xưa"... Có lần ông gọi điện thoại cho tôi đến chơi. Cũng có lần tôi cùng mấy người bạn thân mời ông đi uống. Nhưng nói chung, chúng tôi đều rất ngại làm mất thì giờ của ông nên không dám quấy quả nhiều. Ông đến, đóng cửa làm cho xong công việc của mình rồi lẳng lặng lên đường. Có khi ông đi rồi chúng tôi mới biết.
Nhiều người biết Tô Hoài thích uống bia, nhưng nếu phải chọn một trong hai thứ rượu và bia thì chắc ông chọn rượu. Sở dĩ nói vậy vì lần đầu tiên mời ông đi ăn tối ở Vũng Tàu, bữa đó có cả nhà văn Xuân Sách, muốn giữ gìn sức khoẻ cho hai ông nên chúng tôi chỉ gọi bia. Lũ hậu sinh chúng tôi ăn uống cẩu thả, bia rượu hầm bà lằng, nhưng hai nhà văn tuổi cao (năm ấy Tô Hoài ngoài tám mươi và Xuân Sách ngoài bảy mươi) có vẻ không được hào hứng lắm. Sực nhận ra, tôi đổi sang rượu. Tô Hoài vui hẳn lên. Ông ung dung "thanh toán" từng ly một, hết ly này sang ly khác. Nhìn ông uống rượu mới thấy chai rượu ngon và qúy biết chừng nào.
Đi chơi với chúng tôi ở Vũng Tàu, Tô Hoài rủ rỉ kể cho nghe đủ thứ chuyện, chẳng chuyện nào dính dáng đến viết lách. Một lần đưa ông đi ăn cơm, cô chủ quán biết trước đã bí mật đưa cả nhà - cả bố chồng, cả chồng và đứa con đang học cấp I - đến quán, cốt để "chiêm ngưỡng" nhà văn là cha đẻ của Dế Mèn. Khi phát hiện ra điều đó, Tô Hoài vẫn làm ra vẻ tự nhiên, nhưng rõ ràng là ăn mất ngon, và luôn luôn phải đổi tư thế ngồi. Nhìn ông loay hoay chống đỡ với sự nổi tiếng của mình, thực tình tôi thấy... người nhẹ bỗng! Lúc ấy Tô Hoài trở nên gần gũi, "dễ thương" lạ thường, và cũng lớn lao lạ thường. Có lẽ chỉ những nhà văn có khả năng coi viết lách cũng là một nghề, một công việc cần lao như tất cả những công việc khác trong đời, mới có thể “bình dân” một cách đáng yêu như thế. Trong trí nhớ chưa đến nỗi lú lẫn của tôi, đâu như chỉ có vài lần Tô Hoài nhắc đến chuyện văn chương, mỗi lần đá qua vài câu. Chẳng hạn như ông ấy lúc xuất hiện thì hay đến kinh ngạc, nhưng lụi tắt cũng nhanh đến kinh ngạc. Còn ông ấy hồi trẻ bị người ta thổi lên, ngỡ mình tài ghê lắm, rốt cuộc mụ mẫm cả đời không viết thêm được dòng nào cho ra hồn... Rồi Tô Hoài liếc nhìn tôi, cười mủm mỉm: "Viết hay cũng khó lắm chứ"! Câu nói khiến tôi bất giác đờ người, tỉnh cả rượu.
Năm 2003, truyện vừa "Làm mèo" của tôi được giải thưởng của Nhà xuất bản Kim Đồng, từ Hà Nội ông gửi vào cho tôi một lá thư và một bài viết về cuốn sách đó (trong thư ông viết "để Tiến đọc cho vui"). Với tôi, điều này còn bất ngờ hơn cả giải thưởng. Tôi biết ông trong ban chung khảo, chắc ông có đọc cuốn sách dự thi của tôi, nhưng lại viết về nó thì tôi không nghĩ đến. Thư và bài đều viết tay, còn nguyên cả những chữ gạch xoá. Nói là viết về cuốn sách, nhưng ông lan man kể chuyện con mèo tam thể "quần lụa bạch áo hoa vàng" nào đó của người bà con trong Sài Gòn gửi cho, chuyện con mèo lạc đường tít bên bờ Địa Trung Hải, chuyện ngựa lạc đường, chó lạc đường, để cuối cùng đoan chắc rằng tôi - tác giả cuốn sách - thể nào cũng gặp lại được chú mèo kia, cái con mèo mà tôi đã bịa ra! Bài viết mấp mé một trang viết tay khổ A4, câu chữ nhẹ như không, mê hoặc, dẫn dụ.
Khi "101 truyện đời xưa" vừa xuất bản, ông cũng nhớ gửi cho tôi một cuốn kèm theo lá thư, nói là "để kỷ niệm những ngày ở Vũng Tàu". Trong thư ông bảo sợ cái gió chướng ở Vũng Tàu quá, lần trước ở Vũng Tàu về ông đổ bệnh, nhưng khi dậy được lại nhớ, lại muốn vào cái thành phố biển yên bình ở phương Nam này lần nữa.
Vâng, như thế thì còn gì bằng, thưa bác Tô Hoài! Ở đây mấy anh em rất mong được thêm nhiều lần đón bác. Hiển lâu lâu lại hỏi: "Bác Tô Hoài năm nay vào chưa"? Minh, Huấn thỉnh thoảng cứ suýt soa nhớ buổi tối đi chơi đột nhiên trời trở lạnh mà bác chỉ phong phanh chiếc sơ mi mùa hè. Cô Tâm đến giờ chưa hết bồi hồi vì buổi chiều được đón cả hai bác đến ăn cơm ở quán cô ấy. Còn tôi vẫn thủ sẵn chai rượu ngon thằng con trai xách từ Tây về. Ai cũng quen tửu lượng của bác rồi, và chắc sẽ không ai để cho bác lạnh, bác ốm vì cái gió chướng mùa khô trong Nam...
Người ta đã nói nhiều về tính chuyên nghiệp trong việc viết văn viết báo của Tô Hoài. Ông viết cả khi đang họp, thậm chí đang trên ghế chủ tịch đoàn. Nhiều người trong số chúng ta mỗi khi ngồi trước trang giấy hay trước màn hình computer là vật vã khổ sở như... đi đánh vật, đi cuốc đất hay làm thợ đấu! Còn Tô Hoài viết tự nhiên như thở. Xong cuốn này tiếp ngay cuốn khác. Tính về số đầu sách in nhiều ở nước ta thì ông đang là nhà văn giữ kỷ lục... Về cách sống của ông, dư luận cũng eo sèo khen chê điều này điều nọ. Có người còn bực mình cả với những nụ cười mủm mỉm của Tô Hoài.
Là kẻ viết văn quèn ở tỉnh lẻ, tôi đâu dám góp lời bình phẩm với các cao nhân. Tôi chỉ nghĩ nông cạn: sống được như Tô Hoài là quá khó. Cả đời cầm bút "chuyên nghiệp" như ông đã khó rồi; đến tuổi tám, chín mươi, danh tiếng có thừa nhưng vẫn làm người bình thường, cư xử với kẻ dưới cẩn trọng, ân cần đến thế còn khó hơn gấp bội. Nếu Tô Hoài sống khác đi thì sao nhỉ? Chúng ta có được đọc những Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba người khác…? Viết đến đây bỗng giật mình sực nghĩ đến những tên tuổi nổi như cồn, cả tuổi trẻ mình tôn thờ mê đắm như thần tượng; rốt cuộc khi thần tượng về với cát bụi lại chỉ để lại mấy cái xác gián chết khô trong ngăn bàn, trong lúc các supporter nhẹ dạ vẫn còn đang dài cổ ra hy vọng...
T.Đ.T