Nguyễn Trọng Khánh

nguyen_trong_khanhNguyễn Trọng Khánh là một thày giáo dạy Hoá tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Thái Bình. Năm 2005, Khánh đến chơi, anh em gặp nhau và cùng uống bia cạnh bờ sông Hoá. Trong cái quán quê ấy, Khánh dường như biến thành người rất lạ. Anh say sưa đọc thơ và bình thơ. Ngay từ buổi gặp ấy tôi đã có ấn tượng đặc biệt với anh và những âm điệu bài thơ “Miền quê tháng sáu” anh đọc trong một trưa mùa hè…

Xin giới thiệu bài viết của Kim Chuông để các bạn có thể hình dung đầy đủ hơn về thơ Nguyễn Trọng Khánh.

Nguyễn Trọng Khánh - Người hành trình trên cánh đồng thơ  

Thơ Trọng Khánh không Tây, không Âu, không kim, không cổ, không tỉnh, không quê… Với giọng rỉ rả, lóng lánh duyên thầm… thơ anh khâu vào người ta như kim, như chỉ, như lúa chín, như cỏ may nhằm nhặm thịt da…*  

Với đồng bằng. Với làng quê thôn dã.  

Với thơ. Với các thi sĩ có tên trên đất Việt... 

Trong nhiều phía khai thác những vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, nghĩ suy, tâm tình, cảnh vật… Bài thơ Miền quê tháng sáu của Trọng Khánh được nhiều người ở nhiều vùng biết đến. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã viết lời bình và gọi đó là áng thơ tuyệt tác, thật “quý và hiếm” trong gia sản thơ ca viết về một miền quê đất nước.  

Với sáu tập thơ đã xuất bản. Với giọng thơ “dềnh dàng, rỉ rả, lóng lánh duyên thầm”… thơ Trọng Khánh “không Tây, không Âu. Không kim, không cổ. Không tỉnh, không quê… Thơ anh khâu vào người ta như kim, như chỉ, như lúa chín, như cỏ may nhằm nhặm thịt da...

Thơ Trọng Khánh “là cái giọng của người chân thành, người si mê, người thanh thản đi qua bể khổ sân si của cõi người…” (*)

Quả tình, trên thi đàn đất nước, nếu ai đó là nhà thơ của một đời có “bài thơ, câu thơ ta nhớ”, thì “Miền quê tháng sáu” là “bài thơ hay” của Trọng Khánh viết về một vùng đồng bằng với những hình ảnh giàu có thuộc về tầng nổi, tầng sinh động của thế giới thứ nhất. Đấy là bức tranh bộn bề, sinh động của ngoại giới. Đấy là nét chân dung thôn làng thật riêng, thật độc đáo trước một không gian rộng, giàu chất ký, giàu sức liên tưởng, khám phá của nghệ sĩ sáng tạo.

Tháng Sáu…

Chân đen dận thuốc

Đội phên chạy cơn mưa rào

Chuồn chuồn bay thấp

Mưa ngập cầu ao

Chuồn chuồn bay cao

Con cá rô róc…

Rồi:

Đất mình hành tía

Củ bằng bình vôi

Rọc xanh trẻ nhỏ thổi còi gọi nhau

Từ trực giác, từ cảm xúc dồn nén, những câu thơ từ con tim rung cảm của Trọng Khánh cứ gối nhau, bước ra trong nguồn chảy dào dạt:

Tháng sáu ngày xưa

Tháng sáu bây giờ

Đợi nhau bóng nắng tròn vo chân ngày

Rồi:

Răng bừa còm cắn không tan vầng đất

Rồi:

Con trâu buồn nhai lại cả gốc đa

Rồi, điểm sáng của câu thơ hay nhất, ấn tượng nhất được kết tinh trong cái lung linh, ngân đọng được đẩy tới thế này:

Người đi chợ ăn đứng

Người đi cấy ăn ngồi

Con cò áo trắng

Con người áo nâu

Lại con trâu

Vẫn con trâu

Đời mày kéo cả đời tao trên đồng…

Rõ ràng, cái kết đọng, hoàn chỉnh và tiêu biểu ở bài thơ “Miền quê tháng sáu” với hàng loạt câu thơ hay được dồn tới cái “Đế,” có sức nâng dậy bài thơ từ giá trị phản ánh tới giá trị phát hiện, kiến giải.

Cùng với rất nhiều câu thơ hay viết về nông thôn, đồng bằng, như:

Nồi bánh chưng cứ sôi về một phía…

Hoặc:

Bát cháo gion nổ bung như cốm nẻ…

Hoặc:

Cây khế ngọt thương tình người lại giống…v.v…

Thì phải nói, cùng với Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính và nhiều nhà thơ khác từng viết về thôn làng, quê kiểng, thơ Trọng Khánh mang nét riêng ở cách nhìn, cách nghĩ, cách mô tả ở một tầng bề mặt với một tầng chìm sâu và sức vọng vang có được của nó.

Phải nói, tất cả những gì trong xanh, sâu nặng nhất của tháng năm - mảnh đất với bao nhiêu gian khổ, nhọc nhằn trên đất làng Bao Hàm (cửa biển Diêm Điền, Thái Thuỵ, Thái Bình), nơi quê hương nhà thơ sinh ra, lớn lên đã hoà vào máu thịt và bước vào trang thơ Trọng Khánh, làm nên phút thăng hoa, như hạt muối mặn mòi, trắng thơm mà cầm được, mà soi thấy cả đại dương trong đó.

Là người quê, thơ viết về đất quê, nhưng hồn thơ, giọng thơ, thể cách và phẩm cách thơ đã ôm chứa cái cụ thể, cái khái quát, bao trùm… Thơ trụ lại ở cái đích với hiệu quả cao nhất.

Còn nhớ, cuối năm 1971, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình vừa thành lập, từ Báo Quân khu Tả ngạn, tôi được chuyển ngành về Hội làm cán bộ biên tập, xuất bản. Mãi đầu năm 1980, tôi mới gặp và quen thân Trọng Khánh. Buổi ấy, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc, Trọng Khánh, thầy chủ nhiệm khoa chuyên Hoá - Sinh, trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Kiên Giang vừa hoàn thành nhiệm vụ sau thời gian dài từ Thái Bình xung phong vào công tác ở các tỉnh phía Nam.

Dáng người cao. Gương mặt đẹp. Trọng Khánh sáng lên vẻ yêu tin, gần gũi. Nhất là,guigd.onhuvao  Buu  cái mũi thẳng và nét thông minh ở cái nhìn, cái cười nom thật lành và hóm. Như cái duyên hay là sự đặt bày trong tiền định. Kể từ buổi ban đầu “tương ngộ” rồi mãi mãi sau này, tôi và Trọng Khánh đã làm nên tình bạn, tình văn chương gắn kết thật sâu nặng trên một vùng đất.

Trọng Khánh yêu thơ và sáng tác thơ từ lâu. Nhưng những bài thơ gọi là “ngẫu hứng” ấy, Trọng Khánh chỉ giữ làm kỷ niệm, lặng thầm xếp dầy trong “ngăn kéo” đời riêng.

Khi Phạm Ngọc Ngoạn, bạn thân của Trọng Khánh và tôi. Ngọc Ngoạn là Tiến sĩ khoa học, là giám đốc “loại mạnh” trong làng kinh tế. Ngoạn “mê và trọng” văn chương như không ai gặp và nghĩ, “ với văn chương, Phạm Ngọc Ngoạn lại là người ngoại đạo”.

Nhưng, bắt đầu từ một kỷ niệm ở cuộc gặp vui, cùng cụng ly, cùng “đàm thiên, thuyết địa, luận nhân”, Ngọc Ngoạn kết nối Trọng Khánh với tôi và mang thơ Trọng Khánh “trình làng”.

Đúng như thi sĩ Chế Lan Viên từng viết: “Thơ hay giống như gái đẹp / Đi đâu, ở đâu cũng lấy được chồng”.

Trong rất nhiều bài thơ Khánh viết, tôi “chộp” được “Miền quê tháng sáu”, một bài thơ hay, hiếm thấy ở mảnh đất đồng bằng, hiếm gặp ở báo chí trên đăng đàn đất nước. Là ngưòi làm công tác sáng tác, biên tập văn học, tôi thật vui, đem lòng yêu thơ và con người thơ Trọng Khánh. Thế rồi, từ buổi ấy, thơ Trọng Khánh xuất hiện dầy hơn trên Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, đặc san Báo Thái Bình. Rồi, Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội và nhiều tuyển tập thơ khác. Trọng Khánh trở thành Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, Hội viên Hội Nhà văn của đất nước…

Trọng Khánh có duyên trong các cuộc thi sáng tác văn học. Năm 1985-1990, Trọng Khánh đoạt giải Nhất cuộc thi thơ do Bộ Giáo dục đào tạo tổ chức.

Nếu như, “Miền quê tháng sáu” là bài thơ “tuyệt tác” viết về mảnh đất đồng bằng, thì “Người đánh trống trường tôi”, bài thơ được trao giải nhất cuộc thi viết về thầy giáo và nhà trường của Trọng Khánh cũng xứng với thương hiệu “hàng đầu” ở hàng nghìn bài dự thi, ở tứ thơ, ở hình ảnh thơ, ở thi liệu, thi pháp.

Mới đây, tháng 8 năm 2010, cuộc thi thơ của Báo Gia đình & Xã hội, bài thơ “Đêm bệnh viện” của Trọng Khánh trong chùm thơ đoạt giải Nhất lại lần nữa khẳng định một bến bờ, dấu mốc trong lao động sáng tạo nghệ thuật của anh. Bài thơ xúc động và lắng sâu ở cảm xúc, cái nhìn, với ý thức quan tâm của nhà văn trước “cõi người thăm thẳm”…

Với sáu tập thơ: Bụi phấn hương tay (1990), Huyền thoại đền Đồng Bằng (1993), Mưa (1995), Nắng vào thu (2003), Hoa đồng tiền đêm (2005) và Ném bụi phấn vào đêm (2009), thơ Trọng Khánh là mạch nguồn của dòng chảy dài, lắng trầm, êm xanh mà xoáy xiết.

Trong bến bờ tìm kiếm, có thể thấy, một Trọng Khánh với mảng đậm sâu của thơ ở phút giây nhập hoà giữa “người - thơ” và một phía thuộc về đại giác.

Thơ ở đây là tiếng lòng của người trong cuộc. Thơ dội lên từ kỷ niệm, ký ức. Thơ là mảnh đời ấu thơ thật quặn lòng, diết da của Trọng Khánh mang ơn sâu người mẹ một thời thật xinh đẹp, tảo tần. Từng bắt cáy, hái rau trên bãi vắng. Từng nhiều năm một mình, một bóng nuôi con.

Thơ là giọng mẹ se lòng gửi vào câu Kiều, lời ru còn ngàn năm vang động.

Rồi, người cha, với chiếc địu trên lưng. Với bàn tay dắt Khánh từng bước xa nhà đi học, đi các vùng tản cư trong tiếng súng đánh Pháp. Trong những năm cụ làm việc ở Thái Bình, ở cơ quan “Toà án tối cao” nơi kinh thành Hà Nội. Thơ Khánh là bức tranh hằn sâu bao tâm tình, máu thịt của nhà thơ về miền đất nắng mưa, về quãng đời mong manh, thương cảm.

Bởi vậy, khi nghĩ về quê hương, về Mẹ, anh viết :

Đêm cuối năm tiếng chày ai giã gạo

Gà gáy dồn, sương đậm rổ rau con

Ánh đèn dầu heo hắt mảnh khăn vuông aong nhug     Khi Phamon ngu

Trên bậc cửa mẹ têm trầu sáng sớm…

Rồi:

Mưa sớm quá sợ nắng lên chết rột

Chiếc cuốc cùn khơi đất rãnh gan gà

Con trâu buồn nhai lại cả gốc đa…

(Mẹ)

Đánh thức hồn mình từ những gì qua con mắt nhìn ngắm, Trọng Khánh tìm ở trực giác những nét quê in đậm sắc màu trong mưa nắng, mùa màng, trong gian lao, làng quê, năm tháng… Hình như, mỗi khi chạm đến “khoảng xanh này”, thơ Trọng Khánh dễ lung linh, sống động. Và, người quê, cảnh quê cứ ùa ra trong nét vẽ, trong câu thơ tả thực:

Người quê mình biết ngày nào chủ nhật

Chỉ thuộc lòng những buổi chợ phiên…

Rồi:

Thời tiết đọng trong đêm đổ ải

Giọt mồ hôi rơi vào bát nước vối

Chất mặn tìm chất chát để thương nhau

Rồi:

Bà ngoại lưng còng ho nặng về khuya

Nhà tranh gầy lủng củng những nong nia…

… Em ở vậy, giã cốm phồng đỡ mẹ

Hoặc:

Ánh đèn con bập bùng khăn mỏ quạ

Miếng trầu xanh hoá thân thành bã đỏ

Hoặc:

Câu hát chèo xóm Chùa qua kẽ liếp

Mẹ tôi cười đen nhánh nét răng đen…

Người đọc gặp bóng dáng thôn làng rất đỗi thân thương qua thơ Trọng Khánh ở một thời nghe rất gần đâu đó. Từ cái ứ đầy trong ngắm nhìn, mô tả, thơ Trọng Khánh được khơi lên từ “cái có” thật dồi dào. Nó như “vỉa” sẵn chứa trong anh. Hình ảnh quê hương ở đây luôn “động” với nhiều dáng vẻ qua những câu thơ được “cá thể hóa”. Từ “Con trâu buồn nhai lại cả gốc đa” đến “Con cò áo trắng, con người áo nâu”. Hoặc “Vẫn con trâu/ Lại con trâu/ Đời mày kéo cả đời tao trên đồng”… Rồi, trong cái khắc nghiệt của tiết đông giá rét, anh nhìn thấy bóng hình người mẹ còn “già hơn cả gió đông” nỏ trời, héo đất nữa kia …

Tất cả những gì có từ cái gặp, thơ Trọng Khánh đằm thắm thương yêu từ tấm lòng cảm rung, chân thành của người cầm bút. Đây là mạch nguồn dễ nhìn thấy nét trội. Bởi, viết về vấn đề gì, khi quay về “cái vỉa” khám phá, Trọng Khánh đều có được những câu thơ đáng nhớ.

Ví như, viết “Gửi em cô gái sông Đà”, đây là hình ảnh người mẹ mong đứa con xa trong những ngày giáp Tết:

Cha mẹ mong em quả gấc chín để phần

Nồi bánh chưng cứ sôi về một phía

Hoặc, khi hồi tưởng về những ngày thơ ấu, nơi chôn rau cắt rốn lại hiện về trong nét riêng quê kiểng:

Bức tường đất

xình

từ mùa thu trước

Đợt mưa dầm đã vẹt mòn chân rết

Cái ngõ con xiêu vẹo ruột xóm nghèo…

Rồi:

Bong bóng con cõng nhau qua lỗ lội

Bùn lầy lấm mái đầu xanh

(Hồi thơ ấu)

Và,

Bát cháo gion nổ bung như cốm nẻ

Vị răm cay cùng chất bể mặn mòi…

Rõ ràng, nếu không phải người từng đằm mình trong vùng quê kiểng ấy, thì hình ảnh, những “Bức tường… Những trận mưa đã vẹt mòn chân rết”. Rồi, “Bong bóng cõng nhau qua lỗ lội”. Rồi, “Cái ngõ con xiêu vẹo ruột xóm nghèo” v.v… và, v.v… thơ Trọng Khánh sao có được những câu thật “rờn xanh” đến thế ?...

Ba mươi sáu năm sống, gắn bó với Thái Bình, tôi có với Trọng Khánh gần ba chục thu trời cùng giao du, bó bện. Những ngày sống. Những cuộc đi. Những cuộc rượu. Những vui buồn sẻ chia của những người bạn trai là tri kỷ, tri âm.

Ở các quán nhậu, quán cà phê ven sông Trà, chùa Tiền, phố Vọng cung “tỉnh Thái”… Bao nhiêu năm trời, đêm nào, tôi và Khánh, “hai người trai ấy” cũng lặng im cùng nhau nâng ly rượu. Nhìn thị xã vào khuya. Nhìn đêm sâu. Nhìn hai cái bóng đổ dài, đang hoà thành bóng lẻ.

Bùi Thị Đoan, vợ Trọng Khánh, người xinh đẹp, nết na. Đoan yêu Khánh, thương “tình đôi bạn”. Đoan thu xếp, lo cho chúng tôi ăn bữa tối với nhau. Thường ngày, tôi nấu cơm chờ Khánh mỗi chiều. Là thầy giáo, nhiều buổi, Trọng Khánh phải dạy tới ba bốn ca liền. Có đêm mưa gió, lỡ chợ, cả hai phải khoác áo đội mưa, dẫn nhau tìm vào các quán, lo bữa. Tôi viết nhiều thơ tặng Khánh. Bạn bè thường nhớ những câu:

Bỗng dưng gió lạnh chiều nay

Ta ngồi đợi bạn dưới cây thông già

Hôm nao cũng thế này mà

Chiều không có bạn còn là chiều đâu