Tiếng Việt cất thành thơ, thơ đang ứa lửa

(Nhân đọc tập thơ Ở đây,lúc này của Nguyễn Đình Minh - Nhà xuất bản Hội nhà văn 2022)

 

Bùi Thị Kim Thông

Đôi dòng chia sẻ khi đọc tập thơ, trước hết để cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đình Minh và sau nữa để hưởng ứng ngày Hội sách Thủ Đô!Ở đây, lúc này là thực tại từng giây, từng phút,cái cần thiết nhất của con người để sinh tồn. Nhưng giờ đây, không gian sinh tồn ấy, chiến tranh và dịch bệnh bủa vây"Trên từng kênh vĩ độ máu loang buồn”. (Ngày vỡ vụn). Con người sẽ sống ra sao? Nỗi đau nhân thế? Những số phận sợi tơ run trong gió lạnh, mảng màu cuộc sống da diết yêu thương, đau đớn và hi vọng!

Văn nghệ sỹ nói chung, nhà thơ nói riêng, họ là những người nhạy cảm nhất trước những vấn đề thời cuộc. Dù vậy, cách tiếp cận khác biệt sẽ mang tới sự khác biệt cho tác phẩm.

Nguyễn Đình Minh đau đáu lẽ sinh tồn của con người giữa lằn ranh sinh tử. Con người “chỉ tồn tại” mà “không sống thật "? (Tưởng niệm). Hay sự vô cảm trong tâm hồn là nguyên nhân của những nỗi đau? Câu hỏi như tiếng chuông cảnh tỉnh toàn nhân loại: Hãy nhận thức lại về cuộc sống, về bản thân, đừng thỏa hiệp. Hãy ngăn “Lòng người luôn mang thai độc tố. Đẻ vào cuộc đời muôn dạng chấn thương.” (Những phép cộng có độc )

Bố cục ba phần của tập thơ mang ý tưởng nghệ thuật rất rõ. Đó là chất trữ tình-triết luận kết hợp và tư tưởng nhân văn vì con người.

Đi thẳng vào những vấn đề “nóng “ nhất: Covid tử thần và chiến tranh đầy máu, Nguyễn Đình Minh đã cho người đọc hiểu từng ngày mình đang sống để biết phải sống như thế nào? Với cách tiếp cận đó,tôi tin “Ở đây, lúc này” như “chim báo bão” sải cánh không gian với sức mạnh riêng có của thơ: Cảm hoá tâm hồn!

Ai cũng thích dòng sông tuổi thơ êm đềm kỉ niệm,có ai chọn nơi sóng cuộn để thuyền đi? Nguyễn Đình Minh thì khác. Chọn dòng sông cuộn sóng,căng buồm! Như “Sen chọn nở ao làng “, tác giả “Ở đây, lúc này” chọn”bão" nở bông thơ đẹp sắc hương,lung linh trên cao,ánh soi vẻ đẹp con người nhân văn,văn hoá!

Dùng hình tượng “Mắt bão"để nói về đại dịch Covid,Nguyễn Đình Minh đã nhìn thẳng vào nỗi kinh hoàng, hiểm họa khi cả thế giới chưa tìm ra vacxin. Mà nếu có vacxin thì bao nhiêu quốc gia có khả năng tiếp cận?Những nước nghèo vẫn mãi ngóng chờ các quyết định trên bàn nghị sự?Thực tế là bóng đen chết chóc vùng tâm dịch,bóng đen cuộc sống trong”Song sắt vô hình” đang bao phủ!

Mắt bão-tâm bão là vùng bình yên nhưng lại đang chực chờ hiểm họa. Các nước trên thế giới có nền khoa học khí tượng phát triển, họ dùng máy bay lao vào cơn bão khi bão lớn dần trong phạm vi bờ biển để đo các dữ liệu phục vụ cho việc cảnh báo chính xác nhất. Bằng cảm quan hiện thực sắc sảo, Nguyễn Đình Minh cũng lao vào “bão”, để nhìn thấu thảm họa và di chứng “hậu Covid” xoay chuyển cuộc sống con người như thế nào?

Cuộc sống thời Covid, trắng màu khẩu trang che mất cả nụ cười. Con người giao tiếp qua màn hình thời công nghệ. Đến cả”Nụ hôn bây giờ thành vũ khí sát thương. “(Trong gió tử thần). Chết chóc tang thương trong bất lực “Vùng đất của các Lạt-ma oan hồn giăng mặt đất.Thánh địa Vaticăng, khói phủ đen trên nóc nhà thiêu xác.”(Viên đạn buồn thứ nhất).Trong bối cảnh này, có ai còn không ngộ ra lẽ sinh tồn thuần khiết con người ? "Thèm được nghe vô tư tiếng dế. Nhập hồn theo tiết tấu cuộc đời thường!" (Trong đêm Covid). Vậy nên,xin hãy đừng làm “ ngày vỡ vụn"đừng phá đi lẽ sinh tồn thuần khiết con người!

Điềm sáng lấp lánh trong những vần thơ nghiệt ngã là đức tin ở sự thần thánh của con người, của sự sinh tồn thuận theo lẽ tự nhiên. “Rồi bật lên tiếng oa!Oa!Tiếng của con người “Gọi thế giới xung quanh thức dậy nụ cười “Như nguồn sáng thiêu tàn đêm đại dịch “(Tiếng khóc chào đời đêm đại dịch). Trong ngột ngạt bủa vây vẫn chảy mạch nguồn sự sống, những sinh mệnh vẫn “truyền nhau một lẽ sinh tồn.” (Ngộ ra).

Vậy là, khác với cách nhìn hiện tượng để miêu tả,thương cảm và ngợi ca,Nguyễn Đình Minh đã viết theo cách suy tư về bản chất của vấn đề và nâng tầm tư tưởng mang tính nhân loại. Câu hỏi” Chiến tranh,tại sao?” xuyên thời gian. Từ thời trung cổ đến thời văn minh,bộ mặt thật của chiến tranh không bao giờ thay đổi. Đó là máu! “Máu vẫn chảy suốt từ thời nguyên thủy”. Sử dân tộc nào không viết bằng máu? Những không gian máu trong bảo tàng chứng tích chiến tranh.”Máu ròng ròng trên nhãn mác văn minh.”! (Thời thiếu lửa, thừa bom"

Không có bên nào, phe nào trong cuộc chiến được nói đến ở đây, lúc này, mà chỉ có nỗi đau hậu chiến,hiện tại đầy máu và con người phải đi qua chiến tranh như thế nào? Khi còn tồn tại những thế lực loài thú “Một tay cầm nụ cười, còn tay kia cầm bom nguyên tử “(Ngụ ngôn của loài thú). “Ở đây, lúc này “, nhưng Nguyễn Đình Minh không bị cuốn vào dòng chảy chính trị thời cuộc. Nhập dàn đồng ca thì dễ nhưng làm cây đơn ca thì khó!

Những “Chiều Bắc Á”, chiều Seoul đến “24 giờ bóng tối”, cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Sao đớn đau đến vậy!

“Chiều Bắc Á bây giờ chớm thu rồi

Nhưng không gian toàn lửa

Thảng thốt tiếng bầy chim gãy cánh thiên di...”(Chiều Bắc Á)

Tiếng nói phản chiến thấm từng mao mạch máu tim người! Ở đây, lúc này, tác giả có khá nhiều bài thơ nói về những cuộc chiến tranh đằng đẵng mà dân tộc ta phải hứng chịu. Đi qua những đau thương tột cùng của chiến tranh,những người mẹ, người em, người lính chiến...họ, từ nỗi đau đến ý chí, niềm tin, ước mơ và khát vọng, đã làm nên văn hoá Việt Nam, văn hóa con người. Đó là phẩm chất con người Việt Nam, sức mạnh sống và chiến thắng!

“Nếu ý chí,niềm tin, ước mơ...không thành văn hóa

Ta thành hạt nước thừa trên trái đất kí sinh”. (Con người)

Thanh xuân gửi lại Trường Sơn, trở về với nỗi đau da cam, nhưng:

“Chị vẫn mơ thời hoa dại mà khôn ngoan đáo để

Nở trắng thơm giữa khói bom

Chị đứng đợi thuyền... “

(Đợi thuyền)

Ngày mai có thể nằm lại nơi biên ải, người lính chiến vẫn ấm áp nụ cười của niềm tin:

“Dưới sim tím ngát núi đồi

Vẫn đoán biết giữa chờ mong ngóng đợi

Bước em lội qua chiều

Mang rượu đến cho tôi..”

(Uống rượu ở mép đường biên)

Phảng phất đâu đây chất hào hoa, lãng tử của người lính Tây Tiến trong thơ Quang Dũng! Cũng phải thôi, những chàng trai Hà Nội hay Bạch Đằng Giang thì cũng chảy dòng máu Lạc Hồng!

Tình yêu là những rung cảm đẹp nhất của con tim, còn chiến tranh là con tim, vô cảm, hoá đá. Thế nên vì tình yêu hãy nói không với chiến tranh!

“Khi muốn nói lời yêu và tìm điều tri kỷ

Mà lại nuôi giữa tim mình tiếng nổ những ngày xa?”

(Gửi ông Obama)

Nguyễn Đình Minh đặt câu hỏi: Chiến tranh, tại sao? Và câu trả lời đã có!

“Nhà thương trái tim” mang tính biểu tượng sâu sắc. Nơi chữa trị, điều dưỡng những chấn thương tâm hồn.Cái nhìn mang tính phát hiện của Nguyễn Đình Minh. Nhìn thấu những đối ngược trong cuộc sống, từ vi mô đến vĩ mô rồi hình tượng hoá bằng ngôn ngữ thơ, Nguyễn Đình Minh mang đến giọng điệu riêng cho tác phẩm.

Thân xác con người có thể bị "nhốt" trong trái đất, nhưng tâm hồn có thể “Hái những vì sao đang chín giữa trời đêm"(Tâm hồn). Tâm hồn mà có những “lỗ đen” thì đó là những trái tim mù không thấy máu? “ Bú sữa người nhưng phun sóng thần bão táp.Để tiếng chuông chùa theo gió trượt ngoài tai!" (Những chiếc lỗ đen). Những người lùn kiêu hãnh sống,gã khổng lồ ôm chân quỳ lạy, chẳng khác nào”Đỉnh núi cao, cỏ còn cao hơn đỉnh.”(Người lùn)...

Suy cho cùng, để “rửa trong những buồn đục” cuộc đời, chỉ có trái tim yêu thương!

Biết vậy, nhưng không dễ? Vì những lỗ đen (hố đen) trong vũ trụ, kính thiên văn soi được. Còn lỗ đen trong hố óc con người thì không kính thiên văn nào soi được. “Nhà thương trái tim” cho quá trình tự thức của cả nhân loại. Ví như,để có mùi hương, trà phải qua cuộc sinh tử đoạn trường. Rễ qua cằn cỗi, thân sương giá buốt, nắng đốt, mưa chan, búp non chà xát, rang trên chảo lửa, dìm vào nước sôi. Khi đó, trà tái sinh thành hương trong nước xanh! Yêu thương trong nước hương đời, muốn có, mỗi người phải tự thức:

“Hay đời là thế, để một lần kết ngọc

Phải xé mình ra quăng quật đoạn trường!”

(Hậu trà)

Con đường đi của văn học chân chính là hướng tới con người và không biên giới. Câu hỏi: Nhà thương nào...cho thơ? Như nỗi lòng riêng của Nguyễn Đình Minh :

“ Những câu thơ bầm dập đớn đau”

“Và vì đời mà nhức xương rỉ máu

Sao không có nhà thương nào cho thơ?”

“Thơ đành nương vào trái tim thi sỹ

Trái tim thành nhà thương, thành nơi tri kỉ

Điều dưỡng những câu thơ?”

Quan điểm nghệ thuật thật đáng suy ngẫm!

 

Ba Vì, 10/10/2022

Bùi Thị Kim Thông