…Lặng lẽ xanh – Ngô Xuân Hội


Nhà thơ Nguyễn Đình Minh,  quê quán: Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Tốt nghiệp Khoa ngữ văn ĐHSP Hà Nội năm 1982, lên Tây Bắc dạy học, năm 1989 chuyển vùng về quê. Tu nghiệp Thạc sỹ khoa học 2002 tại Đại học Quốc gia Hà Nội; hoàn thành đào tạo chương trình quản lý hành chính và Lý luận chính trị cao cấp tại Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh năm 2010. Viết và in thơ từ năm 1987, vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013. Hiện là Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Khuyến, thành phố Hải Phòng.

 

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN: Đã in 6 tập thơ: Người hát quan họ đêm Tây hồ (2004); Câu hát ngày xa (2005); Ủ ấm trái tim (2011); Tập thơ Mắt cỏ (2013); Thức với những tập mờ (2014); Lặng lẽ đời cây (2016). GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: các giải nhất, nhì, ba (Hội Liên hiệp VH&NT Hải Phòng, 2010,2011,2012); Giải B tập thơ “Mắt cỏ” (Liên hiệp các Hội VH&NT Việt Nam 2013)

 

Hồi đang là người yêu của vợ nó bây giờ, thằng em tôi bị hầu hết người của phía nhà vợ ở Gia Lâm, Hà Nội tẩy chay. Để gỡ bí nó viết thư tâm sự với báo Tiền phong, chả là ngày ấy Tiền phong có mục “Tầm thư” chuyên gỡ rối tơ lòng rất “hot”. Chừng một tháng sau thắc mắc của em được giải  đáp. “Tầm thư” khuyên em tôi, đại ý: “Quan trọng nhất trong chuyện này là em yêu cô ấy và cô ấy yêu em, những trở ngại dù to lớn, nhưng không thể không vượt qua. Để tiến tới hôn nhân đòi hỏi các em bằng tình yêu và sự khéo léo của mình phải làm sao thuyết phục được mọi người. Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền...”

Đọc “Tầm thư” xong, em mua mười tờ báo về đưa người yêu chín tờ, xui rải như rải truyền đơn trong nhà. Sau đó bằng những việc làm cụ thể hai đứa âm thầm mà quyết liệt gỡ dần các “boongke”. Gần một năm sau các boongke được gỡ sạch, phía đối tác của nó chịu thua. Ngày cưới, em gửi “Tầm thư” một tấm thiệp báo hỷ. Nhưng “Tầm thư” là ai? Mãi sau này tôi mới biết “Tầm thư” chính là hai nhà thơ Trần Hòa Bình và Nguyễn Đình Minh. Trần Hòa Bình khi ấy là giảng viên Học viện báo chí tuyên truyền, Nguyễn Đình Minh nhỏ tuổi hơn, là sinh viên năm cuối Đại học sư phạm Hà Nội. Hai người chơi thân với nhau. Bình phụ trách mục “Tầm thư”của báo. Do chơi thân, biết năng lực của ông bạn sinh viên, nên mỗi khi bận việc Bình thường nhờ Nguyễn Đình Minh trả lời giùm . Một hai lần thấy người đóng thế vai gỡ rối cho mình gỡ quá đạt, nên Bình ngày càng tỏ ra bận rộn nhiều hơn. Việc rắc rối của thằng em tôi do Nguyễn Đình Minh gỡ. Dù chuyện xảy ra đã hơn ba mươi năm mà khi nhắc lại anh vẫn nhớ,  lại còn đưa tôi xem cả một xấp bản thảo của chuyên mục ngày xưa ấy.

Gỡ rối cho người thì hay vậy mà gỡ rối cho mình anh làm rối canh hẹ. Ấy là dù học giỏi, khả năng nghiên cứu cao nhưng do không có tiền và không thích đi đêm nên khi tốt nghiệp, Minh bị tổ chức nhà trường ấn tượng, bắt lên Lai Châu, trong lúc bạn bè đứa nào cũng được ở dưới xuôi. “Tây Bắc ư? Có riêng mày Tây Bắc?”(*).Cầm tờ quyết định trong tay, Minh cáu, bỏ về nhà đi buôn. Hàng chỉ là thuốc lào, chè Thái thôi mà có những hôm thuế vụ đuổi bắt phải ngồi thuyền nan rồi nhờ bọt thải từ nhà máy giấy Việt Trì phủ lên, thả trôi theo dòng nước mà vượt thoát. Buôn chè thì dấu chè vào trong hộp đàn ghi-ta mang về xuôi. Lại ngồi đóng gói thuốc lào bán lẻ qua đêm, sáng dậy giao hàng dọc khu Văn Điển, Hà Nội… Nhưng cuộc sống vẫn bế tắc. Nghĩ lại những lời mình khuyên mọi người với tư cách “Tầm thư” ngày nào, và nghĩ cách đây ba mươi năm bằng đôi chân trần bộ đội, dân công ta từ khắp các miền xa của đất nước đã “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ…”(**), không quản gian lao bom đạn đưa hàng, kéo pháo lên Điện Biên, nay mình chỉ đi “gieo cái chữ” mà ngại là cớ làm sao. Thế là mùa xuân năm 1984, chàng cử nhân văn khoa Nguyễn Đình Minh quyết định giã từ đoạn trường này, bước sang đoạn trường khác: Tây tiến! Tiễn Minh đi, Trần Hòa Bình ôm anh khóc, dặn:

“Tao khuyên mày hai điều, một: đừng làm bố mẹ khổ và hai: đừng viết văn, nếu không muốn khổ như tao”.

Mang một nửa lời khuyên của nhà thơ “Thêm một” làm hành trang, nửa kia khi nhảy tàu Lào Cai Minh lỡ tay đánh rớt. Vì thế đến Phố Lu mua hai chiếc bánh sắn ăn lót dạ xong, không đủ tiền thuê nhà trọ, anh gạt lá cây xuống hố đạn pháo do chiến tranh biên giới năm 1979 để lại nằm hút thuốc và … làm thơ! Đêm công an đi tuần gặp, ngỡ thám báo Trung Quốc, bắt đưa về đồn kiểm tra, thấy bài thơ, biết người bị bắt thật là vàng, họ kính phục lắm. Thế là Minh được ngủ không mất tiền, sớm mai lại được các chiến sĩ công an trong đồn mời ăn và chặn bắt xe tải xin cho đi nhờ lên thị xã Lai Châu. Hôm sau anh lại bắt xe về trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh đang sơ tán ở huyện Tuần Giáo, làm giáo viên dạy Văn.

Ba mươi năm trước Tuần Giáo, Điên Biên là chiến trường quyết định sự thắng bại giữa ta và Pháp trong một cuộc chiến lớn; ba mươi năm sau trở thành nơi thâm sơn cùng cốc, đói rét cay cực vô ngần. Những buổi tối Minh và các đồng nghiệp ở tập thể thường mở các Câu lạc bộ kể chuyện ma, hay thi các ý tưởng. Có anh mơ tạo ra một loại diệp lục cấy vào da, nhờ đó da người như lá cây tự quang hợp để không bao giờ bị đói. Có anh mơ bào chế được thứ thuốc, uống vào, người hóa thành hòn bi. Đặt một cái ống dài từ Pha Đin tới Hà Nội, thả hòn bi vào cho nó chạy, đỡ phải chen chúc tàu xe… Lại nhớ lời khuyên của Trần thi sĩ: “Đừng làm bố mẹ khổ và đừng viết văn”. Nhưng ở trên này không viết văn thì làm gì. Chả lẽ lại đi hút thuốc phiện? Mà muốn hút thuốc phiện cũng phải có tiền. Thế là Minh cầm bút viết văn. Ban đầu anh viết các bài bình thơ cho Tạp chí văn nghệ tỉnh, tiến tới tham gia làm báo Lai Châu. Nhờ làm báo, Minh đi được nhiều  nơi ven sông Đà và các vùng xa biên giới. Những chuyến đi đã giúp Minh hiểu hơn về đất nước, con người miền núi cao Tây Bắc, ngắm thỏa thích các “Cô gái hơ mông bên bếp lửa”. Rồi đến lượt mình, tháng 9 năm 1985 suýt nữa anh đã làm một “Chàng trai Mường tè cạnh gốc cây”. Hôm ấy như mọi hôm, Minh đang say sưa trên bục giảng thì công an ập vào nắm cánh khuỷu đẩy lên xe bít bùng. Cả trường nháo nhác, nhiều em sinh viên khóc khi thấy thầy bị bắt. Hóa ra hôm sau, 14-9 Nhà nước tiến hành đổi tiền. Ban đổi tiền huyện Mường Tè nơi ngã ba biên giới thiếu một Thư ký tổng hợp và thầy giáo Nguyễn Đình Minh được chấm, nhưng do phải giữ bí mật đến phút cuối cùng nên họ mới nghĩ ra một kịch bản đầy chất hình sự như vậy.

Lại có những chuyến đi mà mạng người như trứng để đầu đẳng. Đấy là những đêm đi săn, bị voi đuổi, sáng dậy đầu nhà đầy dấu chân hổ.Hay lần Minh cùng Huy Tuyến Thư ký tòa soạn báo Lai Châu, đến xã Dào San huyện Phong Thổ, giáp giới Trung Quốc. Núi liền núi, sông liền sông, Dào San cũng như toàn bộ huyện Phong Thổ, toàn bộ các huyện, tỉnh dọc biên giới Việt – Trung ngày ấy thường bị thám báo Trung Quốc lẻn sang thám thính và gây án tạo hoang mang trong nhân dân. Đêm, hai anh em đi lạc đường. Thấy ánh lửa trước mặt, nghĩ phía trước có bản làng, cả hai tìm đến xin cơm ăn. Chợt Huy Tuyến dừng lại bấm tay Minh nói nhỏ “có thám báo”. Từng là đại úy đặc công trong chiến tranh chống Mỹ, Tuyến rất tinh. Cùng lúc ấy từ xa vẳng lại tiếng lính Tàu rì rầm. Tuyến kéo Minh chuồn lẹ. Chẳng may một hòn đá rớt ra lăn kêu lộc cộc. Lập tức bọn thám báo Tàu đuổi theo, may là trên đất mình chúng không dám bắn. Huy Tuyến bình tĩnh đưa Minh quay lại vị trí ban đầu, chạy thoát, cứ vậy đến khi mệt quá, nằm. Dưới bóng trăng mờ thấy một bông hoa to như cái thúng trắng lóa. Tuyến bảo, có thể dưới này đầy xác người nên hoa mới to đột biến vậy. Nhưng chẳng thấy sợ, cả hai lăn trên hoa mà ngủ, cho đến lúc giật mình tỉnh dậy vì tiếng quát. Hóa ra bộ đội ta đi tuần. Mừng như cha chết sống lại.

Mưa dầm thấm đất. Theo thời gian, con người và thổ ngơi vùng Tây Bắc ngấm dần vào Minh, được tâm hồn giàu cảm xúc của anh chưng cất thành những vần thơ dung dị: “Nơi anh nằm thêm một lần tôi đến/ Mùa xuân vương đâu đây trên những lá cành/ Trong không gian một khoảng rừng tĩnh lặng/ Hồi ức về Anh bật dậy thì thầm (Viết bên mộ Vừ A Dính).

Bài thơ được báo Nhân Dân số ra ngày 15-5-1987 in trang nhất, viền khung màu vàng sậm. Viết bên mộ Vừ A Dính làm theo thể tự do, bốn câu một khổ. Chưa hay nhưng chững chạc, liên tưởng hợp lý, câu trước gọi câu sau, khổ trước gợi khổ sau xuất hiện. Đọc, không thấy cái vụng dại của người lần đầu cầm bút. Từ đó như được khí thiêng rừng núi miền Tây Bắc truyền lực, ngòi bút của Minh trở nên tung tẩy, thơ văn đăng tràn trên các báo trung ương và địa phương. Riêng với báo Lai Châu, Minh nhận được 5 giải A cộng tác viên viết về Giáo dục và sáng tác thơ… Cứ theo văn mạch ấy, hẳn Nguyễn Đình Minh đã sớm tạo dựng tên tuổi trong làng thơ Việt nếu không có chuyện anh chuyển vùng về xuôi.

Năm 1989, hết hạn 5 năm theo giấy cam kết thực hiện nghĩa vụ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình ký, Nguyễn Đình Minh chuyển về Hải Phòng. Đói kém, học sinh bỏ học hàng loạt, các trường teo tóp, Tổ chức Sở không sao xếp được việc cho anh.  Sau hai năm chờ đợi, năm 1991 Minh mới được xếp việc, nhưng phải dạy lớp 4. Nhiều đồng nghiệp tưởng Minh bị kỷ luật, phải giáng cấp dạy từ Cao đẳng xuống Tiểu học. Vợ Minh lúc ấy cũng đã chuyển vùng về quê và cũng không có việc làm, lo cho cuộc sống gia đình, suất lương của Minh như muối bỏ bể. Cùng tắc biến, hai vợ chồng xoay sang buôn bán rau cỏ, nuôi heo, chạy máy xát gạo, cuộc sống ổn định dần.

Như một quán tính, những ngày đầu về quê Minh vẫn viết bài gửi tạp chí Cửa biển và báo Hải Phòng, nhưng chẳng có hồi âm. Chợt nhớ lời Trần Hòa Bình “Đừng viết văn nếu không muốn khổ như tao”. Anh gác bút, quyết định dồn hết tâm lực vào nghiệp lái đò đưa khách qua sông. Năm 1999, trước những biến chuyển to lớn của xã hội, Nhà giáo Nguyễn Đình Minh lúc này đã là Hiệu trưởng một trường THCS, tham mưu với huyện mở trường cấp 3 bán công. Trường THPT Nguyễn Khuyến huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng nổi tiếng hôm nay ra đời như thế. Trường được quy hoạch trong một khu đầm lầy.  Vốn liếng chỉ có một tờ quyết định, một thầy Hiệu trưởng sắp đến tuổi nghỉ hưu làm nhiệm vụ “cầm cờ” và thầy Hiệu phó Nguyễn Đình Minh. Trong 5 năm (2000-2004) toàn bộ sức và tâm của Minh được vắt kiệt cho việc xây dựng trường. Rồi người cầm cờ về hưu, Minh trở thành “Người cầm cờ”… Năm 2008, trường bán công Nguyễn Khuyến chuyển sang quốc lập, lại tiếp tục xây dựng. Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, đến hôm nay trường đã có 10 lần đạt danh hiệu xuất sắc cấp thành phố, 2 bằng khen Thủ tướng, 1 HCLĐ hạng Ba, còn các loại khác vô kể. Riêng Nguyễn Đình Minh ba lần được công nhận là Nhà giáo tiêu biểu cấp thành, 1 giải  nhất cuộc thi Hiệu trưởng giỏi, bằng khen Thủ tướng và mênh mông các bằng khen khác.

Từ những thành quả riêng chung đạt được, nhiều người nghĩ Minh tham bát bỏ mâm, đắm đuối với chức Hiệu trưởng mà bỏ mất cơ hội đoạt cái bằng Tiến sĩ hứa hẹn nhiều danh lợi. Bởi họ biết Minh tham gia đào tạo Thạc sĩ Quản lý giáo dục năm 2002. Năm 2004 tốt nghiệp, đỗ Thủ khoa, là người duy nhất của năm ấy luận văn đạt đủ 5 điểm 10 của 5 giám khảo, được tuyển thẳng đào tạo Tiến sĩ. Nhưng điều họ không biết là sau ba tháng, thầy hướng dẫn, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chí chết vì ung thư tụy. Thầy là một tài năng, thông thạo năm ngoại ngữ. Trước khi chết, trong căn phòng nhỏ bé ở phố cổ Hàng Than, thầy nhìn học trò cưng nói lời trăng trối:

“Ở lớp Thạc sĩ này mày là đứa hay nhất tao chọn cho chữ cuối cùng, nhưng rồi không cho được. Các thầy muốn mày trở thành giảng viên trụ cột của Khoa Sư phạm nên chọn, song ở Hà Nội cũng chưa hẳn bằng nhà quê. Mày học tiếp hay không thì tùy, thầy xin lỗi…”

Nói xong lời gan ruột, thầy nằm im, trút hơi thở cuối cùng. Minh khóc nắm tay thầy. Hóa ra học đến tiến sỹ cũng vẫn khổ, giỏi đến như thầy cũng vẫn khổ. Thôi về! Thế là an táng thầy xong, anh quyết định bỏ luôn cái lớp Tiến sĩ nên danh nên giá ấy.

Có lẽ Nguyễn Đình Minh sẽ mãi bằng lòng với cảnh làm một anh giáo làng ở xứ đồng chiêm Vĩnh Bảo, nếu không có chuyện tình cờ xảy ra.  Trong phong trào “Cả nước xuống đường đục tường làm dịch vụ” thời đất nước mở cửa. Một buổi sáng năm 2004 có một nhà báo tìm tới trường xin gặp thầy Hiệu trưởng, đặt vấn đề làm dịch vụ in thơ.

“Thầy chỉ cần đề xuất ý tưởng – Nhà báo nói – Biến những ý tưởng đó thành thơ là việc của tôi. Có điều thầy phải chi tiền”.

“Bao nhiêu?”

Nhà báo nói ra một con số. Thầy Hiệu trưởng cười :

“Rẻ quá”

“Nếu thấy rẻ, thầy có thể cho thêm – Nhà báo hào hứng - Chỗ anh em cả mà”.

“Là tôi nói chỉ mất từng ấy tiền mà vụt cái tôi trở thành nhà thơ ấy. Còn ý tưởng thì thế này, anh có thấy hai cây thiên tuế kia không? (chỉ hai cây thiên tuế đặt ở sân trường) Khi mới trồng hai cây như nhau mà nay một cây tươi tốt, một cây còi cọc sắp chết, ấy là vì cây tươi tốt được bón đất tốt, cây còi cọc được bón đất dổm. Hàng dổm hàng giả không chỉ là chuyện của bây giờ mà đã là vấn nạn của bao đời, có điều đời nay nó công nhiên vào cả những chốn thâm nghiêm nhất. Vậy anh hãy làm một bài thơ về việc đó, nếu được ta ký hợp đồng luôn”.

Tay nhà báo lủi mất. Buồn, Nguyễn Đình Minh nhớ  lại lời khuyên của nhà thơ tài hoa, yểu mệnh xứ Đoài. Máu thi sĩ nổi lên, anh gom nhặt toàn bộ thơ đã viết, viết thêm một số bài, quyết định ra tập đầu tiên Người hát quan họ đêm Tây hồ. Từ đây Minh mở rộng  sự giao du với bạn bè văn chương. Cảm xúc hồi sinh, thơ anh viết lại đều đặn xuất hiện trên các báo chí văn nghệ trung ương và địa phương. Tính cả Người hát quan họ…, đến nay Minh đã in 6 tập thơ: Câu hát ngày xa (2005); Ủ ấm trái tim (2011);  Mắt cỏ (2013); Thức với những tập mờ (2014); Lặng lẽ đời cây (2016).

Đọc những tập thơ trên, thấy rõ Nguyễn Đình Minh là nhà thơ của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Cảm xúc thơ anh gắn liền với đồng quê, mái rạ, với những cơn nắng sớm mưa chiều, những phận người như cò vạc sau lũy tre làng. Trong đó hình ảnh những người phụ nữ hiện lên bao giờ cũng đẹp và lành, mang nhiều tính biểu tượng: “Họ bay qua cuộc đời như những áng mây/ Rồi lại hóa thành mưa trở về với đất/ Hóa những bông sen sống vùi trong nước/ Vươn nở ở giữa trời/ Và cứ thế mà thơm. (Những bông sen nước).

Minh sở trường thơ tự do, nhịp điệu bài thơ đi khoan thai, biên độ câu thơ nhiều khi được mở rộng, vụ về câu mà ít vụ về bài: “Lòng người hình như có bão/ Con trâu cũng trở mình nằm nhai khúc canh khuya” (Tháng năm quê nội). Trâu bò thuộc bộ nhai lại. Hình ảnh những con trâu nằm trong chuồng nhai lại những gì gặm được trong ngày thân thuộc với mỗi cư dân nông nghiệp, nhưng từ đó tới trở mình nằm nhai khúc canh khuya như một triết nhân đang nghĩ cách chia sớt nỗi âu lo với con người thì chỉ những ai gắn bó máu thịt với đồng quê mới có thể viết được. Câu thơ thể hiện sự minh triết của tâm hồn. Những câu thơ như thế trong thơ Minh không hiếm, nên đọc anh, độc giả nhớ câu hơn nhớ bài…

Năm 2013, tập “Mắt cỏ” của Nguyễn Đình Minh đạt giải B (không có giải A) của Liên hiệp các Hội VHNTVN. Nhận xét về giải thưởng, Trưởng Ban chấm giải nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Thơ Minh viết chắc, nhưng nếu bỏ đi vài bài thì dễ xếp giải A”. Ấy là tác giả “Đường tới thành phố”muốn khuyên đàn em chắt lọc hơn.

 

Vinh, tháng 11-2016

N.T.M.A

 

 

*Thơ Chế Lan Viên: “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc…”

** Thơ Tố Hữu.