Đường trở về nguồn của một hồn thơ

(Nhân đọc “Im lặng của đá” của nhà thơ Cù Tiến Tuất – NXB Hội Nhà văn 2015)

Nguyễn Đình Minh – Hội viên Hội NVVN

Thường quen với vẻ mặt đọc thơ say sưa, có lúc tưởng như phát cuồng của Cù Tiến Tuất khi đọc những bài thơ tình yêu, nên khi đọc “Sự im lặng của đá”, tập thơ mới của anh, bỗng thấy có cảm giác khác, nhà thơ đang trở lại nguồn?

Trong một buổi tọa đám khi làm giám khảo một cuộc thi thơ với Thi Hoàng, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Mai Văn Phấn, tôi nghe Trần Đăng Khoa than phiền: Lâu nay thơ ít về đất nước, con người với tư cách nhà thơ công dân. Bây giờ, soi vào tập thơ của Cù Tiến Tuất mới thấy chính bản thân anh bao lần băng vượt đi những đâu đó với tư cách lãng tử trường tình; rồi ở cái tuổi “Lục thập bất nhập đình chung” anh bất ngờ trở về với bản ngã; cái mà con người anh vừa thi sỹ vừa chiến sỹ cuối cùng cũng không thể trốn chạy; ngược lại nó “Cho thơ tôi một lối đi về”- (Lối về của thơ). Và chính điều này đã làm cho tập thơ đạt đến cái mong mỏi của Trần Đăng Khoa, nó thực sự đã mang nặng tiếng của cuộc sống chứa chan nỗi đau và niềm yêu, của cuộc đời với những thân phận con người nổi chìm đau khổ và cao ngạo khát vọng nhân sinh.

Ngược thời gian, soi lại lòng mình cảm thức nổi trội và tạo ấn tượng mạnh là những hồi ức về chiến tranh. Đã có cả một luồng thi ca chảy với đề tài hậu chiến, nhưng đọc những bài trong tập này, tập mà tác giả của nó từng là lính trận lội ruộng bom mìn vẫn thấy một sự khác, dù rằng đề tài không mới. Sự khác ấy phải chăng nó sáng lên từ cái tâm thật, từ cách diễn ngôn rất lính?  

Khi viết về đồng đội hy sinh trong một trận đánh tác giả không cầu kỳ với những mỹ từ để diễn tả nỗi đau niềm tiếc thương xót xa như những bài thơ thường biết, ngược lại, tác giả dùng những ngôn từ trụi trần rất lính vương hơi thở chiến trường: “Bàn tay mày nắm chặt lấy tay tao/ không kịp nữa rồi…môi mày mấp máy/ Tao hiểu điều mày muốn nói/ Lộc ơi” – (Điều muốn nói). Đó cũng là nhận thức thấu đời của bao năm bươn trải, tác giả ngộ ra về cái “giá máu” khi trở về gặp mặt đồng đội yên nghỉ trong nghĩa trang mà thân xác đã vùi sâu dưới cỏ. Cái hiệu ứng bất ngờ của bài thơ mà tác giả đạt đến là diễn tả rất thật, tình cảm của người lính trận: thời chiến trường họ chia lửa cho nhau , sẻ nỗi đau, san niềm vui và bây giờ là chia sẻ những vinh quang mà người chết chưa kịp nhận; và trong dư cảm nhà thơ, đồng đội của anh vẫn như còn đang sống: “Ba thằng chúng tao/ mang theo huân chương/của những người còn sống/ tặng lại cho mày và những đồng đội đã hy sinh…”- (Những người còn sống).

 Những bức chân dung người lính được phác lên bằng bút thơ ở nhiều góc chiếu với những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng ở đâu trái tim nhà thơ cũng tỏa sáng thứ ánh sáng đồng đội rọi chiếu vào làm cho những hình ảnh người lính vừa chân thật vừa lung linh. Ngay cả khi người lính về với đời thường trở thành tỷ phú, những tưởng cơ chế thị trường sẽ làm họ biến dạng tính cách, nhưng không, họ vẫn là họ, cái bản chất được tôi rèn đã ăn vào máu thịt , hoặc cao hơn thành một thứ “Gen lính”: Nhưng cái thằng đến lạ/ Chẳng thay đổi tý nào/ Hắn vẫn cứ ào ào/ Như cái thời ở lính (Bạn lính)

Bên cạnh hình ảnh người lính,  tác giả có chùm bài nói về những miền khuất lấp của cõi lòng người phụ nữ thời chinh chiến, mà bây giờ ít ai còn nhớ khi tiếng súng trên chiến trường đã  lặng. Ở góc đề tài này Cù Tiến Tuất khá sâu sắc không chỉ ở phát hiện đề tài mà còn là ở những hình tượng thơ nhiều ám gợi. Đây là nỗi đau bản thể của người vợ chờ chồng ở hậu phương:

Những đứa con dâu của mẹ

Từng đêm, từng đêm…

Nghe tiếng mèo hoang gọi bạn

Buộc thêm nút quần

                           Đổ trấu vào xay.

                (Mặt sau tấm huân chương)

Tác giả có những lúc trầm lắng suy tư trong “Thông điệp gửi mai sau”, có lúc xót xa cho số phận người đàn bà sau chiến tranh “Mồ côi con”; tinh tế trong góc nhìn tâm trạng của một em bé hẫng hụt khi người cha từ mặt trận không về, không thể mang cho em “con búp bê biết khóc”, một món quà lính trận khá đặc trưng của những ngày sau giải phóng, và: “Tôi thành búp bê…”.

Có thể thấy, hơi thơ Cù Tiến Tuất hoàn toàn tự do trong các bài thơ viết về đồng chí đồng đội, dường như chỉ có thể như vậy mới thỏa được cái suy, cái nghĩ, cái ý chất trong đầu anh, nén ở tim anh bung ra. Những câu thơ như vậy lại hàm chứa nét đẹp ở  trong ý. Nó khác biệt với những bài anh viết về đề tài con người cuộc sống …chau chuốt công phu và nghiêm ngặt với mình hơn. Và một phần khác trong tập vẫn theo “lối đi về” của dóng hồi ức và suy luận... được thể hiện bằng “công phu” này. Ta chạm vào miền đề tài đó với đa dạng hình ảnh làng quê, người thân yêu… Ở đây hình ảnh trung tâm mà tác giả trao gửi trái tim mình phần lớn là những người đàn bà; trước hết họ hiện dậy là những gương mặt, trái tim yêu thương đã trút cả cho đời thi sỹ, họ ẩn tàng trong vóc dáng của bà, lời ru của mẹ… Tác giả có cái nhìn khác biệt về người mẹ “thưở xưa”, mẹ của thi sỹ vừa là người mẹ truyền thống, đồng thời là một người cha… trong câu lục bát của anh lại “là tất cả”:

Mẹ là cái cột cái kèo

Mẹ là mái lá gianh nghèo thưở xưa

(Mẹ là tất cả)

Vẫn còn bóng dáng của những người con gái đi qua đời anh như gió như mưa… có thể gặp trong “Đêm Khau Vai ở Huế”, “Điều bây giờ mới nói”… thậm chí vãn có cả bóng dáng của cô gái hiện đại “nóng hổi” bên phím chờ điện thoại di động (Ngày không anh). Song dường như nỗi thắc thỏm vơi đầy chạy theo cái “trục” hồi ức tìm về của trình tập vẫn là nỗi nhớ về bóng hồng xứ Huế dẫu đã mờ xa. Điều này chỉ tác giả mới biết và tự bạch khi để lòng mình “Về nơi đơn côi”:

Còn không Huế ơi

Em tôi ngày ấy

Bây giờ vẫn xưa

Những cơn mưa hạ

Ve kêu cháy trời

Với lối dắt hồn trở lại với cội nguồn, có đôi lúc tác giả tự dắt mình đi qua những ký ức đã được hình tượng hóa rất mơ mộng để tìm cho mình một hướng chết đẹp! Đó là ý nghĩ lạ lùng, nhưng rất thật của người có tâm đẹp và của thi sỹ mà trái tim khi chết vẫn muốn hướng về cõi đầy thơ:

Ta đi tìm lối xưa

Dấu chân ta sinh ra con đường

Và chính đôi bàn chân ta

Giờ lại bước trên con đường ấy

Tìm về cái chết.

Cù Tiến Tuất đã để lại 6 đầu sách trong đó có 03 tập truyện ngắn và trước đó đã xuất bản 02 tập thơ “Nơi cất dầu thời gian”(2007); “Nửa khuyết phía không em” (2011). Nếu so sánh, có thể thấy tác giả đã có sự vượt trội lên chính mình, mà điều khẳng định đầu tiên là chất cuộc sống được thể hiện sâu sắc. Anh đã tự đưa mình về vị trí thư ký của cõi người và ngọn bút thơ của anh hướng vào cuộc đời với những mâu thuẫn từ trong cõi lòng con người đến rộng hơn…Và đến đây “Sự im lặng của đá” đã hé lộ, thông điệp đá gửi đời dường như là cuộc hành trình về nguồn, một dòng ngược ăp ắp những kỷ niệm rất lung linh chất người dù nó vui sướng hay buồn đau, và tự hào vì mình đã là một nét vẽ, một giọt màu trong bức tranh huyền ảo mà thời gian dẫu phủ lên váng bụi. Và liệu rằng có phải đó cũng chính là khát vọng văn chương, Cù Tiến Tuất mong mỏi cho những đứa con tinh thần của mình:

Em hóa đá thành hang Trinh nữ

Để người đời tìm giữ suốt thời gian

                               (Im lặng của đá)

Hải Phòng, ngày lập đông năm Ất Mùi

NĐM