Đi Mỹ- Bút ký của Phạm Văn Đoan

Tôi đã nhiều lần ra nước ngoài công tác nhưng chuyến nào cũng đi cùng đoàn, thủ tục đều do một người làm, sự lo lắng không quá căng thẳng và hồi hộp như chuyến đi Mỹ lần này. Tôi sang Mỹ theo lời mời của trường đại học Mc Nee State University để dự lễ trao bằng tốt nghiệp cho con trai tôi vào ngày 17/5/2014. Chuyến đi này từ việc làm thủ tục xuất nhập cảnh, lối đi ra máy bay, viết tờ khai hải quan…đều phải tự làm. Tiếng Anh thì tơ lơ mơ, viết một câu lại hỏi một câu, mình nói họ không nghe được đã đành, mà họ nói gì mình cũng chẳng hiểu. Đã vậy, lộ trình lại loằng ngoằng. Điểm cần đến là bang Louisana nhưng ở nhà mọi người lại khuyên: Thôi thì một công đôi việc, tiện thể bay sang New York trước rồi sang California để thăm họ hàng lấy một lần chứ đã sang đến Mỹ mà không đến những nơi đó là không được. Thông tin trên mạng bây giờ rộng rãi và nhanh chóng lắm, tôi mới qua vòng phỏng vấn mà mọi người bên ấy đã biết và háo hức chờ đón tôi sang.

Từ sân bay Tân Sơn Nhất máy bay cất cánh lúc một rưỡi đêm, qua Nhật phải đợi ba giờ mới chuyển máy bay sang Mỹ. Máy bay hạ cánh tôi phải bám sát một người cùng đi để theo họ đến chỗ lấy hành lý. Lấy hành lý xong lại lúng túng tìm đường ra, vì phải đi nhiều chặng bằng nhiều phương tiện mới ra đến cổng. Lúc này tôi ở vào tình trạng đơn thương độc mã, đúng như Triệu Tử Long ở trận Tương Dương. Mà không phải thế, Triệu Tử Long lúc ấy chỉ  cần dùng đến sức mạnh để phá vây, còn tôi bây giờ có dùng đến sức mạnh cũng chẳng giải quyết được việc gì. Đang nhớn nhác, một người Mỹ da đen cao to, mặc đồng phục an ninh của sân bay lại gần hỏi tôi mấy câu tiếng Anh, chẳng hiểu anh ta nói gì, tôi vội đưa giấy tờ cho anh ta xem và cũng bập bẹ mấy câu tiếng Anh nhưng phải khua chân múa tay để chuyển tải ngôn ngữ thay cho sự khiếm khuyết của ngữ điệu lúc phát âm. Anh ta cũng hiểu được và dẫn tôi nhảy mấy chặng xe điện đưa tôi ra tận cổng. Anh ta quay về, lại phát sinh tình huống khó xử mới, tâm thần tôi thật sự bấn loạn vì lo lắng. Biết đi đâu bây giờ, lạ nước lạ cái, lạc lõng bơ vơ, ngôn ngữ lại bất đồng, trông trước trông sau không tìm ra cái cớ mỏng manh nào để bấu víu. Lường trước được tình huống này ở nhà đã phải mang đi hai cái điện thoại mà không có cái nào gọi được, mặc dù khi đi đã phải ra bưu điện Vũng Tàu nạp mỗi cái hai triệu rưỡi tiền trả trước của hai hãng Vinafone và Viettel, sau đó cài đặt hệ thống Roaming để liên lạc quốc tế, ghi các số cần liên hệ ở cả Việt Nam và Mỹ vào đó, đã thử đi thử lại chắc chắn, tin cậy lắm rồi, mà đến lúc này đều vô dụng, gọi cho số nào cũng không có tín hiệu. Lúc cần đến nó nhất thì nó lại vô dụng.

Trong lúc tôi đang lơ ngơ tìm cách liên lạc với bất kỳ ai để cần một sự chỉ dẫn, thì vừa lúc đó đã kịp nhận ra dòng chữ ghi họ tên mình trên tấm biển trắng đang giơ lên rất cao ở giữa đám đông đến đón khách. Gặp được nhau lúc này như đã tìm được kim đáy biển. Mọi người vồ vập ôm tôi, đã ôm chặt lại còn vỗ vỗ, ai cũng ôm tôi một lần như thế, có lẽ động tác này được xem như cái bắt tay thân mật ở Việt Nam. Tôi chỉ nhận ra được hai ông anh họ vì đã gặp các anh một vài lần vào giữa năm 1975 ở Sài Gòn, còn các chị và các cháu cũng ra đón thì tôi chịu chết không biết ai là ai cả. Một ông anh phải đứng ra giới thiệu tên từng người, mà người nào cũng có hai tên, tên Việt và tên Mỹ. Lại phải giải thích: Tên Mỹ là để hòa nhập vào cộng đồng Hợp chủng quốc cho tiện. Xe chạy hơn một giờ mới về đến nhà. Vẫn cái dáng đi vung vẩy, tất bật  không lẫn vào đâu được của người đàn bà Việt Nam giàu có đấy mà không sang trọng được. Bà chị chạy gằn vượt lên trước, te tái  dẫn mọi người vào cửa, vừa giới thiệu với tôi ngôi nhà của anh chị vừa bấm số khóa điện tử mở cửa. Đợi mãi cửa không mở, chị lại bấm lần thứ hai vừa bấm vừa quay về phía tôi thao thao bất tuyệt. Cửa vẫn không nhúc nhích, cô bé cháu tỏ ra thông thạo xông vào bấm tiếp, vừa bấm xong thì chiếc xe chuyên dụng có dòng chữ POLICE ập đến. Ba người cảnh sát trang bị đầy mình nhảy xuống quây lấy đám đông chúng tôi đang đứng. Động tác nhà binh của họ rất linh hoạt ở tư thế sẵn sàng đối phó như tình huống đang vây bắt bọn tội phạm có vũ trang. Yêu cầu mọi người cho xem giấy tờ tùy thân, sau vài câu trao đổi họ hiểu rõ sự tình và hỏi mọi người có cần giúp đỡ gì không? Chị tôi phải nhờ họ gọi về trung tâm để hỗ trợ mới mở được cửa cho lần bấm số thứ tư. Chị tôi nói: Dân ở Mỹ phải đóng thuế cao, như xưởng của chị mỗi năm cũng phải đóng hơn trăm ngàn đô nhưng tính mạng và tài sản luôn luôn được bảo vệ chắc chắn, có hiệu quả. Trăm việc to nhỏ ở đây đều phải nhờ cảnh sát. Chính quyền và cảnh sát họ nhân danh nhà nước trên cơ sở pháp luật, làm việc công tâm tất cả vì dân, thật sự vì dân giải quyết công việc rất công bằng, minh bạch và dân chủ.

Ở đây được ba ngày, mọi người rủ tôi sang thăm gia đình bà bác ở California nơi có cộng đồng người Việt đang sinh sống rất đông. Sang đó được hai ngày lại kéo nhau đi thăm quan thủ đô Washington.

New York lúc nào cũng như sôi lên với những hoạt động không bao giờ ngừng nghỉ của con người, nhà cao tầng che hết ánh mặt trời của đường phố, Washington lại thưa thớt vắng lặng và thanh bình. Tất cả những nơi vừa đến tôi không thấy lạ, đã biết nó rất nhiều trên màn hình vô tuyến hoặc đã đọc nó trong các trang sách báo rồi. Những ngày vừa qua tất cả chỉ là vội vàng đi, vội vàng chụp ảnh kỷ niệm và vội vàng dự các buổi tiệc chiêu đãi, quanh quẩn có thế cứ diễn đi diễn lại trong suốt mười hai ngày ròng rã. Bây giờ thấy thấm mệt và đã đến lúc phải tạm biệt bà con họ hàng để bay đến Louisiana, đấy mới là công việc chính của chuyến đi này.

Sau hơn nửa ngày ngồi trên máy bay mới đến được sân bay Dallats, thèm thuốc quá đi tìm phòng hút thuốc mà không có, nhìn khắp lượt hành khách không ai hút thuốc để mình hút theo, hút một mình thì sợ phạt, mà phạt lúc này cũng không sợ bằng sự phiền hà do ngôn ngữ bất đồng rồi không biết hậu quả nó sẽ dẫn mình đi đến đâu, ra ngoài sân bay để hút thuốc thì sợ lạc, thế là đành phải nhịn. Đợi hai giờ sau mới được lên chiếc máy bay cánh quạt chở chừng một trăm người về Louisiana. Sân bay nhỏ, ra khỏi máy bay vừa đi bộ tới nhà ga đã thấy con trai đến đón, tự lái xe đưa bố về chỗ ở.

Bang này mọi cái đều lạ khác hẳn với những bang mà tôi đã đến. Ấn tượng đầu tiên ở đây, không gian rộng rãi, đường rất sạch, cây cối bên đường mọc theo trật tự quy hoạch rất hài hòa với khung cảnh tự nhiên, đạt được tính thị hiếu thẩm mỹ rất cao của đất nước văn minh nhưng cũng tận dụng được công năng sử dụng của nó. Ở ngã ba, ngã tư không có cây cao quá tầm mắt người quan sát. Cỏ dại ven đường cũng mọc rất gọn gàng theo một trật tự đẹp mắt và lãng mạn. Hình như cây và cỏ ở đây cũng biết tự làm sạch cho mình, rất hiếm thấy có cành khô, lá úa đeo bám trên thân nó. Thảm cỏ bằng phẳng tươi xanh ít bụi bẩn, đẹp mắt và tự nhiên đến mức không để lộ dấu vết của người chăm sóc. Trong thành phố Lake Charles, nhà cửa thưa thớt ít nhà cao tầng, lặng lẽ và bình an, hình như ở đây họ sống theo trật tự hương ước, na ná thuần phong mỹ tục của văn hóa làng xã cổ Việt Nam.

Về đây tôi đến ở tại một gia đình người Việt Nam, chồng là tiến sĩ ngành dược đã đi làm, mức lương một trăm sáu tám ngàn đô một năm, còn vợ đang theo học chương trình thạc sĩ công nghệ thực phẩm tại trường đại học Mc Nee State University. Căn nhà rộng rãi, thoáng mát, khu vườn trước cửa gần đường lớn, rộng chừng gần một héc ta là thảm cỏ và những cây sồi to chỉ dùng để lấy bóng mát. Bàn uống trà ở vườn sau nhà, đây là khu thuần Việt. Buổi sáng thánh thót có tiếng chích chòe véo von gọi nhau dậy sớm học bài, trưa và chiều thỉnh thoảng lại nghe văng vẳng có tiếng chim bồ cu gáy. Tôi đã bỏ công soi mói tìm mãi mà chẳng thấy chim ẩn ở đâu, hỏi ra mới biết đây chỉ là âm thanh của một thiết bị điện tử đã được chủ nhà cài đặt theo chu kỳ thời gian định trước. Dưới vườn là những luống đủ loại rau thơm của Việt Nam và cũng đủ loại cây đặc trưng của Việt Nam từ cây ớt, cây chanh, cây hoa đại, cây xoan, cho đến cây đào, cây mít có cả những bụi tre ngà rực rỡ óng vàng, tất cả đều xanh tươi nhờ có hệ thống chăm sóc tự động theo kiểu cơ khí hóa. Xúc động nhất là tôi gặp ở góc vườn những luống rau muống, rau má và ngô đỏ, cứ như một mảnh cánh đồng bờ bãi ở vùng quê tôi rơi xuống nơi này.

Ranh giới các gia đình được ngăn cách bằng hàng rào gỗ thông già ghép lại, gỗ đã ngả màu bạc phếch nắng mưa nhìn qua rất đơn giản mà chắc chắn. Không thấy hàng rào có những cây sắt nhọn hoắt chĩa lên trời hoặc chĩa ngang như đâm vào mắt người qua lại mà tôi thường gặp. Mặt tiền của tất cả các nhà tuyệt nhiên không là hàng quán, mà nhà nào cũng có dăm chiếc xe hơi khi hết  giờ làm việc đỗ lại. Xe hơi là loại phương tiện đi lại thông dụng như xe máy, xe đạp ở Việt Nam, sinh viên đi học cũng xe hơi, người chạy máy hút rác trên đường cũng phải dùng đến xe hơi để hành nghề, vì bang này rất ít phương tiện giao thông công cộng, xe hơi để chật các hành lang, ban đêm không có người trông coi nhưng cũng chưa thấy ai kêu mất bao giờ.

Trên đường phố dù vắng xe, người đi bộ cũng không được đi dọc trên đường, thay vào đó lại được phép thản nhiên bước đi trên thảm cỏ, tất nhiên người đi bộ ở bang này không nhiều, nếu ở Việt Nam sẽ chẳng có cỏ nào chịu nổi cho những đội quân hùng hậu đi thể dục một ngày hai buổi. Vẫn biết được phép đi nhưng tôi chưa quen cứ thấy rờn rợn ở gót chân, cứ thấy như mình đang làm đau cho thềm cỏ dại khi nó đang mượt mà, hồn nhiên và vô tội thế kia.

Trên nước Mỹ ở đâu cũng thấy xe ô tô chạy như mắc cửi mà không gặp bóng dáng cảnh sát giao thông, hay là luật giao thông đã được vi tính hóa và cài đặt sẵn trong đầu của mỗi lái xe! Cứ đi trên đường là biết, đức tính nhường nhịn đã thành bản chất của những người cùng tham gia giao thông, gặp người đi bộ chuẩn bị qua đường, bất cứ xe nào vội vàng đến mấy đều phải ngừng lại, dù trước mặt là một đoàn người cũng phải đợi mọi người sang đường hết, nếu có trẻ con hay cụ già họ nhanh chóng xuống xe đến hỗ trợ. Tự giác tôn trọng luật giao thông đã thành thuộc tính của những người lái xe, mà ở Mỹ ai cũng là lái xe, kể cả sinh viên. Trên đường cao tốc chỉ có lái xe với lái xe nhưng họ đã ứng xử với nhau bằng thái độ và hành động của những người có đẳng cấp văn hóa rất cao. Tuy vậy, bằng hệ thống điện tử nhà chức trách vẫn luôn luôn theo sát họ, khi có sự cố dù là nhỏ thôi ở trên đường, khoảng dăm phút là cảnh sát đã có mặt với đầy đủ phương tiện hỗ trợ hiện đại và giải quyết triệt để theo khuôn thước chuẩn mực của pháp luật.

Người Mỹ rất tiết kiệm thời gian, tiết kiệm đến hà tiện, họ không có thói quen nghỉ trưa, thế mà theo thống kê xã hội học họ đã phải bỏ ra hơn sáu tháng trong quỹ thời gian một đời người để chỉ đợi đèn đỏ khi qua đường.

Ở Mỹ, đụng vào cái gì cũng thấy dính đến điện tử, thành quả của nền văn minh tin học đã được ứng dụng triệt để và rộng rãi ở đây từ cái li ti cho tới cái cồng kềnh hiện đại. Nhiều vật dụng tôi đã nghe nói tới nhưng đến khi gặp vẫn còn bị bất ngờ về độ chính xác và công năng sử dụng tối ưu của nó. Những tưởng, điện tử với tính chất đa dạng về chủng loại đang can thiệp quá sâu vào cuộc sống thế này, thì phải do nhiều kênh phân phối ở nhiều địa chỉ khác nhau mới đến được tay người tiêu dùng, để tìm mua được nó phải khó khăn lắm. Nhưng không phải, cứ vào siêu thị là có hết. Chất lượng cũng không lo ngại, các loại hàng hóa khi đã tung ra thị trường đều được kiểm định chặt chẽ theo tiêu chuẩn của xã hội văn minh mà người ta quen gọi là tiêu chuẩn Mỹ. Người tiêu dùng yên tâm và tin tưởng tuyệt đối vào sự vận hành của hệ thống điều phối, quản lý nhà nước. Tin tưởng tuyệt đối thật sự theo nghĩa đen chứ không phải lối rao quảng cáo quen mồm sáo rỗng. Sự kiểm soát nghiêm ngặt được áp dụng chặt chẽ đối với các loại hàng thực phẩm, bánh kẹo và rau quả. Rau quả mua trong siêu thị ra cũng như vừa được hái trong vườn nhà xuống, ăn được ngay chưa khi nào phải băn khoăn, lo lắng. Mua bán không cần mặc cả và mọi thanh toán đều dùng thẻ chuyển tiền điện tử, không mấy ai dùng tiền mặt đi mua hàng.

Hàng điện tử rẻ, rất rẻ nhưng gạo và rau xanh thì đắt. Gạo rất đắt, ba mươi cân gạo ngon có giá bằng một chiếc ti vi. Như thế có nghĩa là xã hội rất coi trọng những người đã làm ra hạt gạo, họ biết cân đối giữa thứ sản phẩm của nền văn minh cơ khí đang ào ạt phát triển với loại sản phẩm truyền thống đã, đang và lúc nào cũng đóng vai trò quyết định cho sự an dân, cho sự ổn định xã hội. Đây mới là giải pháp gốc để xóa bớt khoảng cách giàu nghèo giữa đồng quê và thành thị. Nôm na mà hiểu thì khoảng cách công chức, viên chức với người nông dân được kéo gần trở lại, từ đó tạo nên một xã hội ổn định làm nền cho sự công bằng, dân chủ. Chẳng thế, hơn hai ngàn năm trước Khổng Tử ở phương Đông đã dạy rằng: Dĩ thực vi đạo. Từ nửa vòng trái đất mà sao người Mỹ hiểu kỹ thế. Chính từ đó chính sách nông nghiệp đã được đề cao và quan tâm thích đáng. Vị thế của người nông dân được xác định với vai trò quan trọng trong xã hội, họ không bao giờ phải mặc cảm, họ vẫn đứng xấp xỉ hoặc ngang hàng với những loại hình nghề nghiệp khác. Phải chăng đây mới là mô hình mơ ước của bây giờ và của mãi mai sau ở Việt Nam ta.

Tới bang này đến ngày thứ ba, tôi được cô giáo chủ nhiệm khoa của trường con tôi học mời đến nhà riêng dự tiệc. Tôi háo hức được khám phá một loại hình văn hóa ẩm thực ở đẳng cấp cao kiểu Mỹ, do người Mỹ tự tay nấu ăn và ăn tại nhà riêng của người Mỹ. Khách mời chính là sinh viên ưu tú của trường thuộc khoa cô quản lý. Theo lệ ở đây sinh viên không ai tặng quà cô giáo, mà mỗi người đến dự tiệc phải mang theo một hộp thức ăn do mình tự chế biến để góp vui, tan tiệc phải mang về, tất nhiên món ăn của ai còn thừa nhiều sẽ tự cảm thấy rất buồn. Là phụ huynh cũng là người nước ngoài duy nhất, nên tôi được cô thông báo: Chỉ cần đến dự là được!  Ở nhà cô ngoài món đã làm sẵn còn có nhiều loại thực phẩm mới qua sơ chế, khi ăn thực khách phải tự làm. Vào tiệc, cô giáo đứng nghiêm trang như người chào cờ, làm dấu thánh rồi trịnh trọng giới thiệu thành phần những người trong gia chủ, giới thiệu phụ huynh của các em, và cô dành nhiều thời gian tuyên dương thành tích từng sinh viên với dáng vẻ tự hào, sau đó tặng cho mỗi em một chiếc huy hiệu “Sinh viên ưu tú” của khoa để đeo trên lễ phục cùng sợi dây vàng của trường trong ngày nhận bằng tốt nghiệp sắp tới. Bữa tiệc diễn ra cũng tự nhiên như các bữa tiệc đứng ở Việt Nam, nhưng ở đây không có ai đứng cả, tự chọn thức ăn xong tất cả về bàn cùng ngồi, ăn uống từ tốn, vui vẻ. Chỉ thấy lúc đầu cô giáo mời mọi người một lần duy nhất, còn đến lúc ăn trong đám thực khách cũng chẳng thấy ai mời xã giao ai, họ tự nhiên như ăn uống ở ngoài tiệm vậy. Không có nghi thức cụng ly chúc tụng, chai rượu và mấy chiếc ly vẫn đứng sắp hàng ngay ngắn trên bàn, không thấy ai mở nắp chai và cũng chẳng thấy ai uống rượu, họ chỉ uống nước lọc và trà Lipton pha sẵn. Không hiểu tập quán ra sao, cũng không tiện hỏi, không khí bữa tiệc vui vẻ, ấm áp đấy nhưng tôi cứ thấy mồm miệng lỏng lẻo nhạt thếch thế nào. Chẳng lẽ tự mình nhảy ra mở nắp chai, tự rót cho mình một ly trong lúc mọi người đang thờ ơ với rượu, như thế thì vô duyên quá. Càng có ý đợi chờ mồm miệng càng lỏng lẻo nhạt thếch, chả thiết ăn uống món gì. Với tôi tiệc đồng nghĩa với rượu mà phải rượu mạnh. Không có rượu tôi chả nói được chuyện gì, trong lúc cựu sinh viên của cô là con trai tôi cứ phải ở trong tư thế sẵn sàng chờ bố nói ra để dịch. Thấy ông khách nước ngoài đến đây cứ lầm lỳ như tảng đá, cô giáo và mọi người ngồi quây lại hỏi chuyện để chia sẻ. Rất hiếu khách nhưng tuyệt nhiên không ai hỏi xem có uống được rượu không? Tan tiệc vẫn tỉnh táo. Ra về như vừa dự hội nghị ra về. Về đến nhà lúc mười giờ đêm, vẫn tỉnh táo, sang đây hơn hai tuần mà đồng hồ sinh học của cơ thể chưa chịu thích nghi với múi giờ này, bây giờ ở Việt Nam đang là chín giờ sáng, chưa thấy buồn ngủ là phải. Trống vắng quá! Lôi chai rượu ta mang từ quê sang đây để ngồi độc ẩm giữa thênh thang thảm cỏ. Ngắm trăng. Trăng sáng quá! Nhẩm tính đêm nay đúng rằm tháng Tư. Nằm ngửa trên thảm cỏ giữa không gian vắng vẻ tự thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Những đám mây bông gọn nét tạo nên đủ mọi hình thù kỳ dị trôi nhẹ nhàng, nhàn tản trên nền trời trong xanh văn vắt. Đẹp và lạ, nếu là họa sỹ những đường nét kia sẽ gợi ra cho tôi rất nhiều ý tưởng trong sáng tạo hội họa. Lâu lắm rồi mới được dự một bữa tiệc trăng tuyệt vời và thú vị như đêm nay. Có lẽ thảnh thơi, nhàn tản và vô ưu sẽ là cái gốc để ta cảm nhận những vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên đem lại. Uống đến ly rượu thứ ba thì trăng đã lên tròn vành vạnh ở đỉnh đầu, nằm ngửa lên mà nhìn trăng vằng vặc sáng đẹp đến hoàn mỹ trên nền trời ngăn ngắt trong veo. Câu thơ ám ảnh tôi suốt một thời tuổi trẻ: Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, với đầy hàm ý mỉa mai thì bây giờ tôi xác nhận sự mỉa mai ấy là có thật, rất thật, rất sâu xa mà chua xót. Làm gì còn có trăng ở đâu mà tròn và sáng được hơn trăng nước Mỹ đêm nay! Chẳng biết sau này tôi còn được ngắm một đêm trăng toàn bích và tuyệt mỹ đến thế này nữa hay không?

Chiều hôm sau đến thăm người bạn Việt Nam đã tới định cư ở bang này từ lâu, nghe tôi kể về đêm trăng tối qua, như chạm vào một gợi ý ông buột miệng ừ lên một tiếng rồi vội hỏi: Ông có thích đi săn cá sấu với chúng tôi không? Trăng sáng thế này đêm nay đi đặt bẫy cá sấu là rất đẹp ông ạ. Tôi đồng ý ngay. Ông bạn nói tiếp: Nếu dám đi cùng thì ông phải xác định tinh thần là bình tĩnh, dũng cảm và tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của thuyền trưởng, vì loài cá sấu ở dưới nước khi bị thương nó còn hung dữ hơn loài hổ đói sổng chuồng. Nghe mà khiếp! Cứ tưởng chỉ là thú tiêu khiển đi cho vui, ai ngờ vỡ chuyện ra lại to tát thế. Sốt sắng chỉ thích được khám phá mà chưa biết được nó sẽ nguy hiểm đến thế này. Cũng định rút lui nhưng đã hăm hở nhận lời rồi làm thế thấy quê quá đành phải ừ hữ cho qua chuyện trong lúc ông đang gật gù độc thoại: Cũng hay! Đi một lần cho biết để về Việt Nam còn có chuyện mạo hiểm mà kể.

Bang Louisiana thuộc miền Tây Nam nước Mỹ, đặc điểm của bang này có rất nhiều đầm lầy và kênh rạch, môi trường tự nhiên rất thích hợp cho rắn độc và cá sấu sinh sản. Những loại “thú” ấy một thời là hiểm họa của dân cư ở vùng này. Rắn độc thì không cấm, tha hồ bắt nhưng cá sấu mỗi hộ gia đình một năm chỉ được bắt nhiều nhất là mười con để dùng làm thực phẩm, với điều kiện phải trả ngay da lại cho nhà nước, cấm bắt vào mùa cá sinh sản và những con dưới năm mươi cân không được thịt. Tuy vậy nhưng cũng rất ít người dám đi săn cá sấu.

Ăn cơm tối xong ông bạn vào kho lấy ra một cuộn dây cước rất to đã buộc sẵn vào đó chiếc lưỡi câu khổng lồ được đúc bằng loại thép cứng to bằng chiếc đũa, đầu lưỡi câu nhọn, sắc nhưng không có ngạnh. Lưỡi câu được mắc chắc chắn, kín đáo vào nửa con gà vừa lấy trong tủ lạnh ra. Ông bạn giục: Đi ! Mấy người chúng tôi theo ông lên xe, chạy chừng ba mươi phút đến con kênh vắng đỗ lại, họ xúm vào lấy cây gậy khoảng hai mét đóng chặt xuống bờ ngả ra phía mặt nước, buộc dây cước lên đầu gậy, chỉnh lên chỉnh xuống cho miếng thịt gà chỉ cách mặt nước bảy tám mươi phân. Đoạn cước còn lại được buộc chặt vào một gốc cây chắc chắn trên bờ. Ông bạn giải thích với tôi: Phải để mồi cao như vậy là chỉ muốn bắt cá sấu to, loại dưới năm mươi cân không nhảy tới được.

Sáng hôm sau, chừng tám giờ mọi người kéo nhau ra bến ca nô để cùng xuống một chiếc thuyền máy có chiều dài khoảng tám chín mét gì đó, chắc đây là chiếc thuyền săn cá sấu chuyên dụng của gia đình ông bạn tôi. Đoàn đi gồm năm thợ săn chuyên nghiệp, một tài công và một khán giả đi chỉ để xem là tôi. Trong đoàn duy nhất có một ông bạn người Mỹ là dân bản địa, mọi người gọi thân mật là Cun. Đến nơi, cây gậy treo mồi đã đổ, thuyền máy sịch sịch cặp sát bờ, Cun nhảy lên thấy sợi dây cước chạy dọc về phía trước, anh giơ tay ngoáy một vòng, chiếc thuyền quay đầu lại cặp sát vào bờ. Cun thận trọng kéo sợi dây cước buộc chặt vào đuôi thuyền bằng nút buộc chuyên nghiệp của người thợ săn cá sấu. Buộc xong kiểm tra lại rồi mới nhảy lên bờ gỡ đoạn dây cước ở gốc cây, anh xuống thuyền nạp đạn vào khẩu súng và khóa nòng lại cẩn thận. Mọi người im lặng sẵn sàng, không khí căng thẳng còn tôi thì hồi hộp. Ông bạn tôi đến cuối thuyền nắm sợi dây cước kéo nhẹ, thình lình ông giật ngược trở lại cho lưỡi câu bén vào hàm cá. Chỉ đợi có thế tài công tiếp tục cho thuyền chạy, &oc