Cuộc tình tay ba trong Truyện Kiều

Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) là một đặc sắc nghệ thuật, giới nghiên cứu phê bình đã có nhiều công phu phân tích về hệ thống nhân vật trong kiệt tác này. Trong bài viết nhỏ sau đây chúng tôi mạn đàm về cuộc tình tay ba giữ Kiều – Thúc Sinh và Hoạn Thư, mong tìm ra những nguyên nhân đích thực dẫn đến sự ly hợp và quan trọng hơn là mối quan hệ tình cảm giữa ba nhân vật với nhau và theo từng cặp.
1.Hoạn Thư nỗi đau bị phụ bạc
Thúc Sinh và Hoạn Thư là vợ chồng có hôn ước theo đúng lễ giáo phong kiến, gia đình Hoạn Thư lại thuộc dòng dõi quan gia cao cấp. Bản thân Hoạn Thư là cô gái xinh đẹp sắc sảo thông minh có học thức. Còn Thúc Sinh xuất hiện trong truyện Kiều:
"Khách du bỗng có một người
Kì tâm họ Thúc vốn nòi thư sinh"
Chàng họ Thúc cũng là một nho sinh tài hoa “cầm kỳ thi họa”. Làm thơ hay như nàng Kiều (Ví đem vào tập đoạn trường/ Thì treo giải nhất chi nhường cho ai) thế mà phải bái phục Thúc Sinh. Nàng khen thơ chàng “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”.
kieu4Một Thúc Sinh “nòi thư sinh” chính là một thanh niên lý tưởng của thời Nho học, và cặp đôi Thúc – Hoạn theo lẽ thường là một cặp đôi phù hợp với đạo đức phong kiến. Nhưng quan hệ vợ chồng giữa Thúc Sinh và Hoạn Thư không hề bình thường bởi nó bị mối quan hệ mang tính đẳng cấp chi phối. Thúc Sinh chưa bao giờ là một người chồng theo đúng nghĩa. Trong tay gia đình danh gia vọng tộc và người vợ quá thông minh như Hoạn Thư, Thúc Sinh là một anh chàng lép vế. Đây là một nguyên nhân quan trọng khiến cho Hoạn Thư không chiếm được trái tim Thúc. Đương nhiên còn một sự đối lập nữa  đó là tính cách của cặp đôi này, nếu Thúc tự do lãng tử, thì Hoạn Thư lại gia giáo chấp nhặt chi tiết, nếu Thúc bay bổng phóng đãng thì Hoạn Thư lại là người lạnh về lý trí khuôn phép. Sự đối lập - tương phản về tính cách giữa vợ chồng Thúc - Hoạn là nguyên nhân dẫn đến bi kịch cay đắng của Hoạn Thư đó là nỗi đau của người đàn bà danh giá có chồng không được chồng yêu, mà còn bị phụ bạc.
Dưới ngòi bút Nguyễn Du, cuộc tình Thúc sinh - Hoạn Thư lạt lẽo, vô vị. Sau bao ngày  xa cách gặp lại  nhau, tình cảm của họ cũng chỉ được Nguyễn Du chiếu cố cho một cặp lục bát:
Lời tan hợp nỗi hàn huyên,
Chữ tình càng mặn chữ duyên càng nồng.
Thông minh và nhạy cảm, biết rõ chồng ngoại tình, lập mưu lừa chồng để quan sát thái độ, để rồi Hoạn Thư đau khổ đến tột cùng, khi  tâm trạng Thúc phơi phới lúc chia tay với mình:
Được lời như cởi tấc son,
Vó câu thẳng ruổi nước non quê người.
Và trong tâm trạng Thúc Sinh sau khi “thoát” được vợ thì mọi cảnh vật qua con mắt chàng hóa thành thơ lung linh muôn sắc màu kỳ ảo:
Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.
Ở đoạn Kiều báo ân, báo oán Thúc Sinh mất hết chí khí Nho gia mà vốn một kẻ sĩ cần phải có (Uy vũ bất năng khuất); nhận báo ân mà mặt tái xanh “như chàm đổ”, nhưng quan trọng hơn là sự câm lặng trước nan nguy của vợ. Ở đây, chỉ còn một Thúc Sinh bạc nhược và run sợ tột cùng “Mồ hôi chàng đã như mưa ướt đầm”. Hoạn Thư phải một mình đối phó với Kiều.  Thúc Sinh đã tự phơi bày cái hèn kém, nhu nhược, và xét trong khía cạnh quan hệ tình cảm với Hoạn Thư, Thúc còn là kẻ bạc tình, bạc nghĩa. Thúc đã bỏ rơi Hoạn vào lúc gian nguy nhất của cuộc đời nàng. Hoạn Thư có chồng mà cũng như không.
Với bấy nhiêu nhìn nhận có thể dễ dàng tìm ra sợi tơ duyên giữa Thúc Sinh và Hoạn Thư chỉ là sự gán ép, xếp đặt trong trật tự xã hội phong kiến mà thôi. Trong sợi tơ duyên ấy không có lời tri kỷ, không có hồn sẻ chia, không có tình nhân ngãi và nghĩa vợ chồng. Khi nói Kiều là bi kịch của thế giới đàn bà thì rõ ràng chưa đủ, Hoạn Thư là một dạng bi kịch khác của thế giới phụ nữ phong kiến. Bi kịch ấy không từ một ai dù người đàn bà có ở nơi màn the trướng gấm, có xuất thân từ danh gia vọng tộc. Bức tranh bi kịch được hé lộ ở từng mảng khác nhau trong một vở diễn của sân khấu cuộc đời. 
 
2. Thúy Kiều gặp trái tim yêu và cái đầu hèn
 
Cái khác biệt ở Thúc Sinh mà Nguyễn Du giới thiệu chính là ở chỗ “kỳ tâm”. Thúc là chàng thư sinh có trái tim đa tình, trăng hoa, bản tính thích ăn chơi ham vui chuộng lạ:
Thúc Sinh quen thói bốc rời
Trăm nghìn đổ một trận cười như không
Thế giới của Thúc Sinh là thế giới của đam mê và là sứ giả phong lưu, cho nên dễ hiểu, khi Thúc xa nhà và quan hệ với vợ là thứ quan hệ ràng buộc luân lý chưa chắc đã có sự ràng buộc của trái tim thì gặp cảnh gặp tình trái tim Thúc sẽ rung động là điều chắc chắn. Đó là cảnh ở Lầu xanh, Thúc được bố trí quan sát Kiều – tòa thiên nhiên quyến rũ khỏa thân:
Rõ màu trong ngọc trắng ngà!
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
Điều đáng quý, là dẫu có vợ dẫu biết Thúy Kiều là một gái làng chơi nhưng Thúc vẫn yêu vẫn cảm mến bằng một sự rung động thực sự và cao hơn là cứu vớt Kiều. Tiến trình của cuộc tình mà họ Thúc theo đuổi là một tiến trình ngược lo gic, bắt đầu từ chiếm đoạt như một khách làng chơi và từ chiếm đoạt chuyển thành cảm mến để rồi gắn bó không dứt ra được.
Sớm đào tối mận lân la
Trước còn trăng gió sau ra đá vàng…
Miệt mài trong cuộc truy hoan
Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình.
kieu_1Như vậy Thúc Sinh đã làm được công việc chinh phục một trái tim tưởng như rất khó khăn bởi làm xiêu lòng một cô gái ngây thơ trong trắng đã khó, phục sinh cho trái tim yêu của một phụ nữ mà cõi lòng đã nguội lạnh lửa tình thì khó hơn nhiều. Sự thành công của Thúc rõ ràng không hẳn vì tiền bạc, tài năng mà căn cốt là có tấm lòng chân thực.
Thúc Sinh phải vung tiền cứu Kiều ra khỏi lầu xanh  nếu hiểu  quyết định đó chỉ là một phút cuồng si cũng được, nhưng sẽ khó lý giải cái quá trình “Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình” chẳng  phải là tình yêu ngày càng phát triển sao?. Và nữa, quyết chí lấy Kiều làm vợ thì rõ ràng đã là một quyết định nghiêm túc rồi.
Thúc Sinh và Kiều dưới một mái nhà, những ngày tháng sống với chàng Thúc là những ngày tháng nàng Kiều hết sức hạnh phúc “hương càng đượm, lửa càng nồng”. và rõ ràng đây không phải chỉ là một mái nhà đơn thuần, nó đã là tổ ấm được ủ bằng lửa tình yêu thực từ cả hai phía con tim, của sự ý hợp tâm đầu:
Khi gió gác khi trăng sân,
Bầu tiên chuốc rượu câu thần nối thơ
 
Khi hương sớm khi trà trưa,
Bàn vây điểm nước đường tơ họa đàn.
Đọc đoạn chia tay Thúc Sinh Thúy Kiều, một đoạn mẫu mực nhất trong tả cảnh ngụ tình của văn chương Trung đại, chúng ta sẽ cảm nhận được sự sâu sắc của mối tình này. Bắt đầu là sự bịn rịn với tâm trạng luyến tiếc, một ánh nhìn theo hút chất chứa đầy đau khổ:
Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Người đi đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Rồi hai trái tim xa lìa bỗng trở lên cô đơn thổn thức, hai hình ảnh soi chiếu vào nhau dù khác không gian nhưng đều chnng một nỗi lòng nhớ thương trống vắng.
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường…
Nhưng trong truyện, Thúc Sinh và Kiều giống như cặp cá trong mẻ lưới giăng sẵn của Hoạn Thư. Kết quả Kiều bị bắt bị làm cho nhục nhà bẽ bàng. Kết quả bi thương này chính một phần quan trọng là tại Thúc Sinh không nghe lời Kiều thú thực với Họan Thư. Bởi thực tế thời phong kiến, việc đàn ông có thê có thiếp là nhẽ thường tình, và câu chuyện chắc sẽ khác đi rất nhiều. Hoạn Thư có thể sẽ vẫn ghen, vẫn cay độc nhưng không đến mức ly tan vì trong nỗi đắng cay, Hoạn Thư vẫn còn cái uy quyền. Việc không làm theo lời dặn của Kiều, chứng tỏ Thúc Sinh hiểu tâm sự và tấm lòng Kiều muốn hạnh phúc nhỏ nhoi, muốn yên bình sau những ngày bão tố;  nó cũng biểu hiện rất rõ tính cách hời hợt, ý trí yếu mềm của một lãng tử nơi Thúc.
Trước đây Thúc Ông (Cha Thúc Sinh) đã đưa Kiều ra quan xử bắt về lầu xanh Thúc đã từng kêu gọi bảo vệ Kiều, nhưng lúc ấy thế lực là Cha đẻ và may mắn là gặp viên quan thấu tình đời nên thoát hiểm. Ở thời điểm này với tâm lý khiếp sợ trước thế lực gia đình Họan Thư và vị trí vai trò quá bé nhỏ trong gia đình đại quan này mà Thúc Sinh đã đẩy tất cả đến bi kịch. Câu chuyện xưa khi Thúc Sinh bày tỏ với Kiều Đường xa chớ ngại Ngô Lào/Trăm điều hãy cứ trông vào một ta, đã biến Thúc thành một tay ba hoa sáo rỗng. Và khi kịch hạ màn, Thúc Sinh bỏ mặc Kiều  trong cơn họan nạn, vai trò của người chồng, người tình xẹp lép bạc nhược:
Liệu mà xa chạy, cao bay
Ái ân ta có ngần này mà thôi
Hóa ra Thúc Sinh chỉ  là người tri kỷ của Kiều trong những không gian thời gian sự kiện bình thường, còn khi gặp biến cố, khi cần phải chứng tỏ bản ngã để bảo vệ bạn tình thì Thúc Sinh chối bỏ. Và mối tình Thúc - Kiều là mối tình khoảnh khắc như cầu vồng nơi chân mây bừng lên rồi tan biến, như ánh sao băng rực rỡ rồi vụt tắt giữa lưng trời.
 
3. Quan hệ Thúy Kiều - Hoạn Thư : Tình trong của hai kẻ không đội chung trời.
Hoạn Thư là biểu tượng của cái ghen điển hình, trong truyện Kiều Nguyễn Du cũng có lần lên tiếng coi Hoạn Thư như thủ phạm, là nguyên nhân làm cho Kiều phải gánh chịu bao nỗi bất hạnh:
Dưới cờ gươm tuốt nắp ra
Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư
Nhưng Hoạn Thư trong Truyện Kiều không là bản sao của “Kim Vân Kiều truyện” với tất cả sự nanh ác quỷ quyệt. Nguyễn Du đã sáng tạo một Hoạn Thư mới, Hoạn Thư trở nên bản lĩnh, thông minh, sắc sảo, “thiệp thế biết điều của Truyện Kiều. Và xét  ở góc quan hệ với Kiều, có thể nhìn ra một khía cạnh quan hệ khác, không đối lập mà là tri kỷ của nhau. Trong Đoạn trường tân thanh, Hoạn Thư  là nhân vật được sáng tạo theo tinh thần giảm tối đa sự tàn ác. So vớ Hoạn Thư của Kim Vân Kiều truyện, Hoạn Thư trong Truyện Kiều trở thành một người vị tha, độ lượng. Sự sáng tạo này trong xây dựng nhân vật, thể hiện cái nhìn của Nguyễn Du đề cao tấm lòng liên tài, sự tri ngộ, biết cảm thông, chia sẻ ở nhân vật này.  Cunhx bởi vậy, nhà nghiên cứu Đông Hồ từng khẳng định trong Đoạn trường tân thanh, nhân vật tri kỉ nhất của Kiều chính là Hoạn Thư.
kieu_2Nếu xâu chuỗi lại các sự kiện, hoàn cảnh có thể tìm ra sự “Đồng sàng đồng mộng” khá chồng khít của hai nhân vật này. Trong trong suy nghĩ của Kiều, trong những nagỳ mặn nồng với Thúc Sinh, Hoạn Thư đã xuất hiện, từ suy nghĩ này cho thấy Kiều rất hiểu Hoạn Thư. Việc Kiều giục Thúc Sinh về  bàn với vợ, rõ ràng là Kiều đã dự cảm có thể “chung sống” với Hoạn Thư dưới một mái nhà. Tình tiết Hoạn Thư để cho Kiều ở nhà Hoạn bà rồi sau đó mới mang Kiều về làm người hầu cũng chứng tỏ Hoạn Thư rất hiểu Kiều. Rồi sau đó, Kiều luôn được Hoạn Thư gia ân trong nhiều tình tiết như không bắt Kiều hầu ngủ, cho Kiều ra Quan Âm các, không truy nã khi Kiều bỏ trốn… Ngay trong đoạn Kiều hầu rượu, hầu đàn thì rõ ràng, mục đích của việc đánh ghen là nhằm vào Thúc Sinh chứ không hẳn là nhằm  tập trung vào Kiều:
Bốn dây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng
Có thể nói, Hoạn Thư luôn phải suy nghĩ và hành xử theo ba vai: Người vợ cả, người tri kỷ và vị thế gia tộc cộng với lòng ghen bản tính đàn bà với Kiều. Hoạn Thư tỉnh táo, lí trí song luôn giằng xé với những trăn trở, đớn đau:
Lòng riêng, riêng những kính yêu
Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai
Với tri kỷ thì tri ngộ gia ân và trong vai trò của người vợ cả, Hoạn Thư thực sự thấu hiểu tình cảnh chung chồng; và khi lửa ghen bốc lên thì sự nanh lọc xuất hiện. Nhưng ở Hoạn Thư người đàn bà thiệp thế này biết chế át sự nanh lọc ấy. Do vậy  có tri ngộ, có gia ân nhưng tỏ ra lạnh lùng và tàn nhẫn. Bi kịch của Hoạn Thư không chính là ở chỗ luôn phải kìm nén, phải giết chết những tình cảm thật trong mình.
Có thể xem quan hệ này ở góc độ ngược lại đó là việc Kiều tha bổng cho Hoạn Thư trong đoạn báo ân, báo oán mà không hề đánh đập, khảo tra. Kiều tha Hoạn Thư là một nhân quả về gia ân mà trước đây Hoạn Thư đã dành cho Kiều. Nó đồng thời cũng thể hiện đánh giá của Kiều, tấm lòng của nàng với Hoạn Thư có sự tri ngộ đặc biệt:
Khen cho thật đã nên rằng
Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời
Một số quan niệm cho rằng Kiều (Chánh án Vương Thúy Kiều) hay Nguyễn Du đã sai khi tha bổng thủ phạm chính mà tiêu diệt bọn lâu la. Nếu tạm gác ý tưởng có phần chính trị này để suy về nghệ thuật thì sẽ khác. Nguyễn Du sẽ trở thành bình thường nếu vẫn để mối quan hệ Hoạn Thư – Thúy Kiều kết thúc trong bi kịch giống y hệt mối quan hệ của nàng với các nhân vật khác. Tác giả đã sáng tạo một Hoạn Thư khác  và dày công chuẩn bị tình tiết cho một kết cục khác biệt mà không phải là cuộc chém giết của hai tình địch đàn bà. Bởi thế, trong Truyện Kiều, Hoạn Thư vừa là phạm nhân vừa là nạn nhân. Chính trái tim Kiều (Nguyễn Du) lắng được tiếng thổn thức của Hoạn Thư đồng cảm và tri ngộ với nàng trong tiếng kêu cứu với tư cách nạn nhân này. Với cách sáng tạo ấy Nguyễn Du đã đạt được nhiều mục đích: ngợi ca tài sắc nói chung và trong mối quan hệ Thúy Kiều – Hoạn Thư Nguyễn Du đã tìm thấy điểm chung trong mối liên hệ giữa hai con người tưởng như “không đội trời chung” để từ đó khắc sâu bi kịch của họ, mỗi người một kiểu; để rồi đồng nhất như kết luận của chính thi sỹ trong thiên truyện này:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.