Câu chuyện tháng tư

Thày gọi tôi lên gặp nhờ tôi giúp một việc, đó là đưa cô gái Mỹ đi du lịch. Thày nói :

- Mẹ của Jên là bạn thày. Bà ấy yếu nên không sang được. Jên sang đây là thực hiện một sứ mệnh thay mẹ giúp cô Hồng ở  Sài gòn ngày xưa thực hiện mơ ước của cô. Cô Hồng vốn là một điệp báo của ta. Trong cuộc giao tranh tết mậu thân bà mẹ Jên là nhà báo Mỹ đang tác nghiệp bị trúng thương đã được cô Hồng cứu sống. Sau này bà âm thầm giúp cô Hồng hoạt động và là đôi bạn tri kỷ thời chiến tranh. Một thứ tình bạn không phân chia giới tuyến Và tấm lòng của bà ấy với bạn nữa sau chừng ấy năm trời tưởng như nước chảy bèo trôi... thật là cao thượng!

Nghe thày kể và bình luận, tôi thoáng thấy buồn cho chúng tôi, đang còn quá trẻ mà tình bạn lập nên chủ yếu chỉ là vì lợi nhuận vì cá nhân mình.

Máy bay đến thành phố Hồ Chí Minh lúc 12 giờ, tôi mời Jen một bữa trưa ở nhà hàng Sao Băng. Là một người rất sành điệu về ẩm thực lại muốn khoe văn hoá Việt, nên tôi đặt thực đơn hơi nhiều và yêu cầu phục vụ bày ra hết một lượt. Jen thích thú và ăn luôn miệng, chợt cô dừng lại hỏi : - Có còn nữa không?

Tôi ngạc nhiên, những món tôi gọi ra có đến 5 người ăn chẳng hết. Chẳng lẽ Jen lại ăn khoẻ thế. Tôi tròn mắt nhìn Jen, cô cười :

- Ồ không, bạn gọi thừa nhiều đó, nhưng quả thật, món ngon quá mình muốn ăn mỗi thứ một tý. Hôm ở Hàn Quốc, ban đầu mình ăn nhiều về sau phục vụ cứ bê ra liên tục các món khác thành ra mình no mất rồi. Mình hỏi để điều tiết mà!

Tôi cười "Đúng là người Mỹ thực dụng ghê" nhưng cũng giật mình "Chỉ vì để khoe khoang một chút mà mình gọi bừa phứa các món. Số tiền bằng cả tháng lương!". Tôi ngộ ra một điều : không phải có tiền là vung bừa bãi và càng giàu thì hoá ra càng tiết kiệm và có tiết kiệm mới có thể giàu.

Cô Hồng  mừng lắm ôm chặt Jen và khóc nức lên. Tôi sửng sốt khi Jen nói tiếng Việt :

- Thưa dì, mẹ con nói con phải giúp dì thoả hai nguyện vọng : gặp Cụ Hồ và viếng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Con cũng muốn như vậy.

Tôi thực sự cảm phục vì cái tiếng "Dì" mà Jen dùng, đó là một đại từ chỉ người em gái ruột của mẹ. Mà tiếng đó lại nói từ Jen cô gái Mỹ. Đó là tình yêu, tình bạn hay văn hoá? Có lẽ đó là tất cả mà hai người đàn bà Mỹ Việt đã tạo dựng cho Jen.

Hôm chờ cô Hồng thắp hương ở nghĩa trang, tôi hỏi Jen :

- Thày mình nói Jen đã là tiến sỹ, nếu Thày mời bạn sang hợp tác, Jen có sang không ?

Jen chỉ những hàng bia mộ nói :

- Đất nước bạn có thật nhiều anh hùng, nhưng mình thấy còn nhiều người nghèo quá. Nếu để giúp cộng đồng bạn, mình sẵn sàng. Nhưng để giúp cho một ông chủ nào đó mình khước từ.

Tôi học trò cưng của giáo sư, một con bé nổi tiếng về ứng phó cũng ngớ ra vì câu trả lời bất ngờ của cô gái trẻ người ngoại quốc. Đúng vậy, Jen đã đưa ra không chỉ cho tôi một thông điệp "Hãy vì cộng đồng". Tất nhiên, đó không phaỉ là vấn đề mới, nhưng trước làn sóng kinh tế mới hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân tràn vào và khát vọng làm giàu của giới trẻ đang dâng trào thì vấn đề cộng đồng cũng là điều cần nghĩ tới.

Chia tay nhau tại lăng Bác, Jen tựa đầu vào vai cô Hồng nói :

- Tạm biệt bạn, mình sẽ ở lại với mẹ Hồng một thời gian nữa, để giúp mẹ và tìm hiểu tại sao mẹ vẫn cô đơn suốt cả cuộc đời. Các bạn không giữ thì mình mang mẹ về quê mình đấy. Cô Hồng cười  cốc vào đầu Jen mắng yêu "Con bé này, nhiều chuyện như con gái Việt rồi".

Hai mẹ con đi giữa nắng xuân Hà Nội để lại cho tôi tâm trạng buồn xao động. Tiếng "Mẹ" Jen gọi, một lần nữa lại làm tôi suy nghĩ " Những người hy sinh cả cuộc đời như cô chả nhẽ chỉ làm tấm gương cho chúng tôi thôi. Cô cũng cần có hạnh phúc. Và còn biết bao những mái nhà có những người con ra đi kháng chiến từ đó không về! Những vết thương "Da cam",Dioxin... còn đang đốt cháy hàng vạn những gia đình! Lớp trẻ sẽ nghĩ gì khi mà những ngày tháng tư đang đến.