An Cựu – Dòng sông Việt độc nhất vô nhị

acu1Huế mộng, Huế thơ ai cũng biết. Người đến Huế chiêm ngưỡng những lăng tẩm thành quách lưu dấu vàng son của một thời, thưởng ngoạn cái không khí yên bình của kinh đô cổ Triều Nguyễn không một ai có thể quên cái thành phố yêu thương mà “Cả nước dang tay ôm Huế vào lòng”. Song cũng giống như vào xem một lâu đài cổ kính, nếu quá chú ý vào kiến trúc hoành tráng với những dãy dọc toà ngang mà bỏ qua tiếng suối ngầm róc rách trong một hòn giả sơn trên một khuôn viên thảm cỏ xanh rì trong gió thì sẽ là một thiếu sót đáng tiếc.
          Và đến Huế, nếu bỏ qua dòng sông An Cựu gắn liền với dấu tích lịch sử và truyền thuyết với hiện tượng kỳ lạ khác biệt tất cả các dòng sông thì cũng vậy. Đi qua thời gian, ca dao Huế còn lưu truyền một câu ca đầy sức ám ảnh :
                       Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
                                       Sông An Cựu nắng đục mưa trong....
Hiện tượng An Cựu nắng đục mưa trong đến nay vẫn còn.  Thế nhưng đã có mấy ai đã từng đặt câu hỏi Vì sao sông An cựu lại “nắng đục mưa trong” ? Con sông gắn liền với những địa danh quen thuộc : Bến Ngự, Phủ Cam… đã từng đi vào thi ca, âm nhạc và nó cũng mang trong mình một truyền thuyết vô cùng thú vị.
Đầu thế kỷ 19, khi sơn hà xã tắc đã thống nhất, cùng với việc kiến thiết xây dựng kinh đô, củng cố triều chính, phát triển kinh tế,  vua Gia Long đã sắc cho Bộ Công đào sông An Cựu theo ước nguyện của dân trong vùng.
acu2An Cựu là tên một con sông nhỏ, chi lưu của sông Hương, ở phía Nam kinh thành Huế. Sông có nhiều tên gọi như Lợi Nông, Phủ Cam, Đại Giang, Hà Tự, Cống Quan, tên phổ biến ở Huế là sông An Cựu. Toàn bộ dòng sông dài khoảng 30km, bắt đầu lấy nước sông Hương từ đoạn cuối cồn Dã Viên, chảy qua địa phận Thành phố Huế, huyện Hương Thủy rồi đổ vào phá Hà Trung. Từ khi các chúa Nguyễn chọn Kim Long, rồi Phú Xuân là thủ phủ của Đàng Trong, 2 bên bờ sông An Cựu đã là nơi tập trung dinh thự, nhà vườn của các quan lại, quý tộc. Tuy nhiên lúc này sông còn nhỏ, nhiều đoạn cạn hẹp. Năm Gia Long 13 (1814), sau khi khảo sát tình hình và hỏi ý kiến các vị bô lão ở xã Thanh Thủy, nhà vua đã cho khơi đào thêm sông An Cựu và cho đắp đập Thần Phủ ở phía dưới để lấy nước tưới tiêu, rửa mặn cho hàng vạn mẫu ruộng ở khu vực này. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), sông An Cựu được đổi tên thành sông Lợi Nông. Bia đá khắc tên này vẫn còn. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) khi đúc Cửu Đỉnh, hình ảnh và tên sông đã được khắc vào Chương Đỉnh. Ở đoạn đầu của sông có Bến Ngự để thuyền rồng của nhà vua cập bến mỗi khi đi tế trời ở Đàn Nam Giao. Phía hạ lưu có các hành cung Thần Phù, Thuận Trực để vua tạm nghỉ trong những lần về chơi ở phá Hà Trung hoặc về rừng Đông Lâm săn bắn.
Theo truyền thuyết thì lúc đó dòng sông được khơi thông từ vũng eo dưới mũi cồn Giã Viên. Nhưng do khơi dòng đúng vào nơi hang động của một con thuồng luồng khổng lồ nhiều năm ẩn dật dưới lòng sông Hương làm cho hang động của nó bị lộ ra, do vậy mà mỗi khi trời nắng, thời tiết nóng không chịu được nó trở nên dữ tợn, vẫy vùng, khuấy đảo phù sa, làm đục ngầu cả dòng nước nguồn, chính vì vậy mà sông An Cựu trở nên đục vào những ngày nắng. Còn những ngày mùa thu, tiết trời mát mẻ, thuồng luồng nằm im trong hang động, dòng sông không bị khuấy đảo, nước sông An Cựu trở nên trong vắt như mặt nước Hương Giang. Trên thực tế, thì dòng sông này là dòng sông đào nhận nước từ sông Hương trong xanh chảy về Phá Hà trung và ra biển nên ngay cả những ngày mưa nước vẫn ít khi đục vì không có nước nguồn trên núi chảy về. Trái lại, mùa nắng hạn, nước sông cạn, có khi cạn gần đến đáy sông và lại có màu vàng đục của lớp phù sa dưới đáy. Gió tạo sóng trên một mực nước thấp như vậy đễ dàng tạo nên sự quấy đảo đáy sông làm dòng ngầu đục.
acu3Ngược lại, giới trí thức Huế đã đưa ra một cách giải thích khác hẳn mang màu sắc khoa  học. Họ cho rằng, sở dĩ sông An Cựu nắng đục mưa trong là do dưới lòng sông chứa một hàm lượng lớn nguyên tố sắt, vào mùa nắng sông cạn nước, nhiệt độ lên cao do đó xảy ra phản ứng khử tạo ra oxit sắt kết tủa có màu nâu đỏ, chính hàm lượng oxit sắt này lơ lửng trong dòng nước đã làm cho nước sông có màu đục ngầu. Đến khi trời lạnh lớp oxit sắt này lắng xuống nên dòng sông lại trong xanh. Một lời giải thích thú vị cho câu ca dao xứ Huế. Cách lý giải này mặc dù chưa được kiểm chứng nhưng có một chi tiết liên quan đến nó, đó là một trong những cây cầu bắc qua dòng sông này có tên là cầu Kho rèn (nối liền đường Trần Phú và đường Lý Thường Kiệt). Phải chăng theo cách gọi tên cây cầu như vậy thì nơi đây xưa kia đã có một Kho rèn hoặc một lò rèn lớn hoạt động, như vậy liệu có phải vùng đất ở đây có sắt hoặc giả
sắt từ lò rèn này mà trôi xuống lòng sông?
          Cho đến bây giờ thì dòng sông An Cựu, không chỉ nắng đục  mà mưa  nước vẫn đục.  Đất đai từ các cống rãnh hàng năm vẫn đổ xuống dòng sông. Người ta vẫn lén lút đổ rác, đổ xà bần xây dựng xuống dòng sông làm cho dòng sông đào vốn đã không sâu bây giờ ngày lại càng cạn dần. Có những đoạn sông vào mùa nắng hạn mặt nước chỉ còn xâm xấp đáy sông.
Chính quyền thành phố cũng đã tốn không biết bao nhiêu tiền để nạo vét dòng sông, dọn rác, xây kè chống xói lở và vành đai hai bên bờ,  tạo cảnh quang cho dòng sông, vậy mà chính những bờ kè và lề sông ấy lại trở thành những quán ăn, quán bia, quán giải khát di động và có ai chắc rằng rác từ đó lại không được xả xuống dòng sông?  Nếu mỗi một người dân không tự ý thức trong việc bảo vệ môi trường, cứ đà ấy, viễn cảnh của một dòng sông đen chẳng mấy chốc sẽ trở thành… cận cảnh! Và, hàng chục tỷ của Nhà nước đã và đang đổ ra để chỉnh trang đôi bờ sông An Cựu sẽ không còn mấy ý nghĩa. "Sông An Cựu, nắng đục, mưa trong" câu ca dao xưa đã đi vào tâm thức của người dân xứ Huế chẳng lẽ bây giờ chỉ là huyền thoại ?
acu4Tôi đã ở khách sạn liên doanh Sinhgapo – Việt hai ngày 11 và 12 tháng 3 năm 2010, được nghe được nhìn được trả lời quá nhiều về dòng sông An Cựu. Tôi vẫn nhớ cảm giác nhìn sông lúc 4 h sáng yên tĩnh trong màn sương bảng lảng, mặt sông phản chiếu ánh đèn dạ thuỷ. Thật thơ mộng và yên bình như dòng sông tiền sử xa xôi. Tôi thoáng buồn và ao ước nếu một ngày kia Huế làm cho An Cựu sạch và khơi sâu thêm dòng chảy, thì chắc chắn có thêm một tua xuôi  dòng sông “Nắmg đục mưa trong”. Chắc chắn  khách sẽ thêm một hình ảnh đẹp và An Cựu sẽ thành sông “ vàng” cho Huế. Và dòng sông độc nhất vô nhị Việt Nam này có lẽ sẽ được thêm vào hai câu ca dao tôi muốn viết tiếp thành bài tứ tuyệt song thất lục bát :
                                            Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
                                            Sông An Cựu nắng đục mưa trong....    
                                            Thuyền xa Bến Ngự xuôi dòng
                                            Mà người dùng dắng lòng không muốn về