Hồng Kong – sự thất bại của mô hình “một nhà nước hai chế độ”

Khi xem bức tượng Đặng Tiểu Bình ở Thâm Quyến, một thạc sỹ văn hóa Trung Quốc đã nói với tôi rằng “ độ cao của bàn chân của ông Đặng (tính theo phương mặt phẳng nằm ngang) đè lên đỉnh cột chống sét của tòa nhà cao nhất Hồng Kông”. Đó là ý chí của ông Đặng, của Đảng CS Trung Quốc về bình định hoặc thu phục Hongkong? Kể ra thì hơi ngạo mạn và  tự đánh bóng quyền lực mà thôi. Kỳ thực đó chỉ là việc lấy lại phần đất mà tổ tiên xưa vì yếu hèn mà phải cam tâm đem biếu người Anh. Song dù gì nó vẫn là đạo lý, phải lấy lại đất của tổ tiên, dân tộc nào cũng vậy! Tuy nhiên chuyện dưới đây là lịch sử Hồng Kông thăng trầm và hôm nay thêm lần nữa trở về với đại lục trong bối cảnh không yên.

Từ đảo thuyền chài đến thành phố Alpha+

 Câu chuyện về mảnh đất Hồng Koong bắt đầu từ gần 200 năm trước khi sứ thần đầu tiên của nước Anh là Lord Macartney đến yết kiến vua nhà Thanh là Càn Long vào năm 1793. Với niềm tin nước Anh là đế quốc số 1 trên thế giới lúc này, Macartney quyết không khấu đầu (kowtow) tức quỳ dập đầu trước vua Càn Long trừ khi người đồng cấp nhà Thanh của ông cũng làm vậy trước bức ảnh của vua Anh lúc đó là George III. Đương nhiên vương triều Thanh không chấp nhận và cũng vì “nguyên cớ” này Thực dân Anh tìm phương cách gây hấn với Trung Quốc với mưu tính chinh phục mảnh đất màu mỡ này.

Đúng 50 năm sau, hai cuộc chiến tranh nha phiến giữa Anh Quốc và Trung Quốc đã diễn ra  với sự thất bại thảm hại của Nhà Thanh đang trị vì. Kết quả ấy đã mở đầu cho thời kỳ mà sử sách Trung Quốc gọi là trăm năm ô nhục (bách niên quốc sỉ). Cụ thể: Sau cuộc chiến nha phiến đầu tiên (1839-1842), nhà Thanh phải nhượng đảo Hong Kong vĩnh viễn cho Anh Quốc theo điều ước Nam Kinh, và tiếp đó cuộc chiến nha phiến lần 2 (1856-1860) buộc nhà Thanh phải nhượng khu vực bán đảo Cửu Long vĩnh viễn cho Anh Quốc theo điều ước Bắc Kinh. Tới năm 1898, Anh Quốc và nhà Thanh ký điều ước Bắc Kinh thứ II cho Anh Quốc thuê khu Tân Giới (New Territories) và các đảo nhỏ 99 năm. Thời hạn thuê chấm dứt vào năm 1997.

Như vậy, ba khu vực bao gồm đảo Hong Kong, bán đảo Cửu Long và khu Tân Giới. Từ ban đầu chỉ là một khu vực dân cư thưa thớt của các làng nông nghiệp và đánh cá đã hình thành nên một Hồng Kông nổi tiếng bên cạnh Trung Hoa với diện tích hơn 1.000 km2 và dân số 7 triệu người. Hồng Kông được phân loại là một thành phố thế giới alpha+ (Thành phố toàn cầu có sức ảnh hưởng toàn thế giới).Nó là một trong những trung tâm tài chính khổng lồ nắm giữ điểm số về Chỉ số tài chính cao nhất thế giới năm 2017. Đây cũng là Thành phố có số lượng nhà chọc trời lớn nhất thế giới, đồng thời liên tục được xếp hạng cao về Chỉ số phát triển con người. Năm 1997, khi Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc thì nền kinh tế của Hồng Kông gần 1/5 GDP của Trung Quốc (18%), trong khi hiện nay chỉ còn hơn 2%.

Vào tháng 9/1982  nguyên thủ tướng Anh Margaret Thatcher, tới Bắc Kinh để bàn về tương lai Hong Kong sau 1997 khi thời hạn thuê 99 năm sắp hết. mang theo hy vọng có thể gia hạn quản lý Hồng Kông. Tuy nhiên, Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đưa ra lời cảnh báo lạnh lưng với nước Anh và Thatcher rằng “Trung Quốc có thể đưa quân tiến vào Hồng Kông và lấy lại chỉ trong vòng 1 ngày”. Chính vì vậy, Vương quốc Anh đành phải trả lại Hồng Kong. Tại tuyên bố chung Trung-Anh (năm 1984) đã quyết định trao trả chủ quyền cả 3 khu vực đảo Hong Kong, bán đảo Cửu Long và Tân Giới về đại lục Trung Quốc vào 01/07/1997 với nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” (nhất quốc lưỡng chế) và điều kiện hệ thống tư bản và văn hóa của Hồng Kông sẽ không thay đổi trong khoảng thời gian 50 năm cho đến năm 2047 (ngũ thập niên bất biến/ 50 years unchanged). Hiến pháp của Hồng Kông được gọi là Luật Cơ bản (Basic Law). Điều 23 của Luật Cơ bản quy định các luật về an ninh sẽ do do cơ quan lập pháp của Hồng Kông quyết định.

Tuy nhiên, Quốc Hội Trung Quốc đã ban hành “Quyết định của Quốc Hội về xây dựng kiện toàn chế độ pháp luật và cơ chế thực thi về bảo vệ an ninh quốc gia của Đặc khu hành chính Hồng Công” hay Luật an ninh quốc gia Hồng Kông, sau khi đã được gần như toàn thể đại biểu Quốc Hội thông qua trong phiên họp ngày 28/05/2020. Trong số gần 3.000 đại biểu, chỉ có 1 người bỏ phiếu chống, và 6 người bỏ phiếu trắng. Với đạo luật này, “Năm mươi năm bất biến” trong tuyên bố chung Trung-Anh (năm 1984)  đã rút gọn thành hai mươi ba năm. Bắc Kinh gia tăng kiểm soát đặc khu hành chính Hồng Kông với mục tiêu chính ai cũng có thể nhìn thấy đó là nhất thể hóa đường lối lãnh đạo chính trị.

Phản ứng của thế giới

Từ năm 2019, tại Hongkong đã diễn ra làn sóng biểu tình dữ dội thu hút 1,7 triệu người tham gia lên án sự tàn bạo của cảnh sát vào ngày 18 tháng 8 và tạo ra một sự kiện 210.000 người đã tham gia kéo dài 50 km tạo thành “con đường Hongkong”. Cuộc biểu tình quy mô này nhằm đòi quyền dân chủ và phản đối dự luật dẫn độ do Chính phủ Hongkong  đề xuất. Người ta lo sợ khi Luật ban hành sẽ dự luật sẽ đặt người Hồng Kông và du khách tới Hồng Kông vào phạm vi tài phán của Trung Quốc đại lục do ĐCS Trung Quốc kiểm soát, làm suy yếu nguyên tắc "”Một quốc gia hai chế độ”. Ủng hộ Hongkong,  Mỹ đã ra Luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, buộc Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm xác nhận Hong Kong còn duy trì được quyền tự chủ hay không, để đặc khu được hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ. Sau khi quyết định Luật an ninh quốc gia Hồng Kông được Trung Quốc ban bố mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo viết trong thông cáo rằng Hồng Kông đã mất sự tự trị như cam kết. Ông cũng mô tả chúng là "hồi chuông báo tử" cho các quyền tự do của Hong Kong. Tuyên bố của Pompeo đồng nghĩa với việc Quốc hội Hoa Kỳ có thể thu hồi cơ chế thương mại đặc biệt của Hong Kong. Việc Ban hành Luật an ninh Hồng Kong giống như giọt nước làm "tràn ly" căng thẳng Mỹ - Trung hiện tại.

Và hệ quả là ngày 29.5 Tổng thống Trump tuyên bố Washington sẽ "khởi động tiến trình xóa bỏ chính sách miễn trừ vốn trao cho Hong Kong đối xử khác và đặc biệt" so với phần còn lại của Trung Quốc. Đồng thời Nhà Trắng đã ban hành một thông báo của tổng thống đình chỉ thị thực nhập cảnh vào Mỹ đối với sinh viên và nghiên cứu sinh từ Trung Quốc. Quyết định này có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/6 và duy trì tới khi bị hủy bỏ bởi Tổng thống Trump. Bước đi của Washington sẽ tác động tới các thỏa thuận Mỹ có với Hong Kong trên nhiều lĩnh vực bao gồm hiệp định dẫn độ, kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ lưỡng dụng, và các lĩnh vực khác. Tổng thống Trump cho biết Mỹ cũng sẽ tước quy chế hải quan và du lịch ưu đãi dành cho Hong Kong. Việc thu hồi này có thể gây nguy hại cho thương mại trị giá hàng tỷ đôla giữa Hong Kong và Hoa Kỳ và có thể ngăn cản mọi người đầu tư vào Hong Kong trong tương lai. Điều này cũng sẽ làm tổn hại đến Trung Quốc đại lục khi sử dụng Hong Kong như một bên trung gian để giao dịch với các nước khác trên thế giới. Các công ty đại lục và các công ty đa quốc gia sử dụng lãnh thổ này như một trụ sở mang tầm quốc tế và khu vực.

 Bên cạnh đó, một nhóm hơn 200 chính trị gia cao cấp từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra tuyên bố chung chỉ trích kế hoạch của Trung Quốc. Các ý kiến chỉ trích cho rằng luật an ninh mới ban hành đã vi phạm cam kết của Bắc Kinh trong Tuyên bố Anh - Trung năm 1984, văn kiện cơ sở cho việc Anh trao trả Hong Kong về Trung Quốc năm 1997, đồng thời vi phạm Luật cơ bản Hong Kong, trong đó quy định các vấn đề nội trị Hong Kong sẽ do chính quyền đặc khu trực tiếp thực hiện.

Tại Liên Hợp Quốc, Mỹ và Anh hôm 29/5 đã đưa vấn đề Hong Kong ra thảo luận tại một phiên họp kín không chính thức nhằm tránh bị Trung Quốc dùng quyền phủ quyết. Phát biểu tại đây, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft nói: "Mỹ kiên quyết kêu gọi tất cả thành viên Liên Hợp Quốc yêu cầu Trung Quốc đảo ngược quyết định và tôn trọng cam kết pháp lý quốc tế đối với tổ chức này và tôn trọng người dân Hong Kong".

Đánh giá về thực trạng này, Richard Fontaine, giám đốc điều hành tổ chức tư vấn chính sách Center for a New American Security, bình luận: "Quan hệ Mỹ - Trung đang chìm trong khủng hoảng toàn diện. Chúng ta đã chạm tới đáy và tình hình tiếp tục xấu đi. Bắc Kinh sẽ trả đũa vì các bước đi của Washington liên quan tới Hong Kong, và sau đó quả bóng sẽ được đá lại về phía Tổng thống Trump. Tình hình sẽ còn xấu hơn nữa, có lẽ là xấu hơn nhiều, trước khi có bất cứ dấu hiệu cải thiện nào".

NĐM