Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, di sản Thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam

Ngày 16.9.2023, tại Thủ đô Riyadh (Ả-rập Xê-út), Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên thế giới. Đây là di sản Thế giới liên tỉnh - thành phố đầu tiên ở Việt Nam.

Hành trình đề cử di sản

  Theo báo cáo của bà Nguyễn Thị Bích Dung - Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Hải Phòng tại Hội nghị giao ban báo chí ngày 05 tháng 10 năm 2023, hồ sơ đề cử Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái (tiêu chí ix và x) được gửi tới Trung tâm Di sản thế giới  từ năm 2013.  Căn cứ trên các mức độ đạt được của các tiêu chí này,  Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã ra Quyết định số WHC-14/38.COM/INF.8B, trong đó nêu: “Quốc gia thành viên xem xét khả năng đề xuất nối dài với Vịnh Hạ Long, theo các tiêu chí (vii) và (viii) và có thể là tiêu chí (x), để gộp cả Quần đảo Cát Bà”. Quyết định này được trình để Ủy ban Di sản thế giới thông qua tại kỳ họp lần thứ 38 ở Qatar năm 2014. Như vậy mong muốn Cát Bà trở thành khu Di sản thế giới của riêng Hải Phòng đã không thành công.

Căn cứ vào góp ý của UNESCO và khuyến cáo của IUCN, thành phố đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, Bộ văn hóa để điều chỉnh hồ sơ theo hướng hợp nhất Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát bà thành một khối di sản. Vào tháng 9 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng hồ sơ mở rộng Vịnh Hạ Long sang Quần đảo Cát Bà để gửi tới UNESCO. Được sự hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với những khuyến nghị, góp ý của UNESCO, IUCN, đầu năm 2021, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã xây dựng hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định có liên quan.

Sau thẩm định, Thủ tướng Chính phủ cho phép gửi tới UNESCO để được ghi vào danh mục Di sản thế giới và chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà và giao Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, gửi hồ sơ tới UNESCO theo thời hạn quy định.

  Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra tại Thủ đô Riyadh, Vương quốc Ả-rập Xê-út từ ngày 10 tháng 9 năm 2023, đoàn Việt Nam do PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ủy viên thường trực Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia làm trưởng đoàn, cùng với đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Pháp và đoàn công tác của hai địa phương thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh tham dự. Đoàn Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chuyên môn của UNESCO, cung cấp thông tin, giải trình, bày tỏ quan điểm, cam kết của Việt Nam trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được ghi vào danh mục Di sản thế giới. Kết quả là đoàn Việt Nam đã thuyết phục thành công các nội dung mà các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế và các Quốc gia thành viên Ủy ban Di sản thế giới đặt ra. Đồng thời UNECO đánh giá cao giá trị di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà và ủng hộ việc nó trở thành Di sản thiên nhiên thế giới.

Để đi đến quyết định này Chính phủ và các cơ quan tổ chức hữu quan đã bỏ ra rất nhiều công sức, trí tuệ. Riêng với Hải Phòng tính đến thời điểm được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (16.9.2023), thành phố đã mất 10 năm chuẩn bị, theo đuổi cho việc đề cử quần đảo Cát Bà thành di sản thiên nhiên thế giới cùng với vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Những đặc điểm của Di sản đã chinh phục UNESCO

    Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là khu vực biển đảo có vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ bao gồm các đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ. Với 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (775 đảo đá vôi, Quần đảo Cát Bà có 358 đảo). Trong nhiều dãy núi còn chứa những hang động kỳ bí tập trung nhiều ở Vịnh Hạ Long. Riêng với Quần đảo Cát Bà có điểm nhấn là vịnh Lan Hạ. Vịnh này nằm ở phía đông của đảo và là cầu nối liền kề giữa đảo Cát Bà với vịnh Hạ Long. Diện tích của vịnh rộng trên 7.000 ha, trong đó có hơn 5.400 ha là thuộc khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận Vườn quốc gia Cát Bà. Vịnh được bao quanh bởi hơn 400 đảo lớn nhỏ khác nhau với 139 bãi cát nhỏ, nước biển trong vắt. Vịnh đã được Hiệp hội Câu lạc bộ các Vịnh thế giới xếp vào top vịnh đẹp nhất thế giới. Khung cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng của miền biển đảo Đông Bắc được ví như một bàn cờ trên biển.

Nơi đây còn là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu, gồm nhiều hệ tầng trầm tích lục nguyên và cacbonat, có tuổi từ nguyên đại Cổ sinh đến Tân sinh. Nhiều tầng trầm tích chứa các dạng hóa thạch khác nhau, trong đó có những nhóm ngành động, thực vật đã tuyệt diệt hoặc gần như tuyệt diệt trên trái đất.

Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là một khu vực tiêu biểu, có mức độ đa dạng cao của Châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo.

Với diện tích hơn 17.000 ha rừng cùng các hệ sinh thái đa dạng, diện tích rừng nguyên sinh khoảng 1.045,2 ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của di sản, là  môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Nơi đây có 1585 loài thực vật rừng, nhiều loại cây gỗ quý như trai lý, lát hoa, lim xẹt, dẻ hoa, kim giao, gõ trắng, chò đãi (trên thế giới chỉ có ở dãy núi Himalaya), thực vật ngập mặn 30 loài, rong biển 102 loài, thực vật phù du 400 loài. Vì vậy, rừng Cát Bà vẫn được coi là một khu rừng độc đáo trên núi đá vôi của cả vùng biển Đông Bắc Việt Nam.  Về động vật, hiện có 4.910 loài động vật trên cạn và dưới biển cư ngụ, trong số này có tới 198 loài thuộc Danh mục Đỏ IUCN, 51 loài đặc hữu. Đặc biệt, Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) là loài quý hiếm ghi vào Sách Đỏ thế giới, đến nay, còn khoảng 60-70 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà.

Phần đất ngoài địa giới di sản và quản lý liên tỉnh?

Text Box:  Ông Trịnh Văn Tú, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng phụ trách về di sản cho biết, không phải là toàn bộ quần đảo Cát Bà, thuộc huyện Cát Hải trở thành di sản. Theo đó, chỉ những diện tích được trình và được UNESCO xét duyệt mới là địa giới khu vực di sản. Địa giới này bao gồm: Toàn bộ vịnh Lan Hạ, Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, một phần diện tích thuộc các xã: Gia Luận, Xuân Đám.

Như vậy, toàn bộ thị trấn Cát Bà, khu Bến Bèo, khu triển khai thực hiện dự án Cát Bà Amatina của Vinaconex, xã Hiền Hào, xã Phù Long… không nằm trong chỉ giới công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Khu vực đã được quy hoạch phát triển kinh tế, phát triển khu dân cư, khu thương mại, du lịch và dịch vụ. Theo đó, địa bàn thị trấn Cát Bà được định hướng phát triển trở thành đô thị vệ tinh của thành phố Hải Phòng, đầu mối giao thông du lịch, nơi kết nối Cát Bà với trung tâm thành phố Hải Phòng và các điểm du lịch phụ cận. Đây cũng là trung tâm cung cấp thông tin và các dịch vụ du lịch.

Về vấn đề quản lý di sản theo mô hình liên tỉnh cũng là vấn đề thách thức.  UNESCO chỉ yêu cầu tuân thủ các quy định của nước sở tại. "Các địa phương nên thực hiện nghiêm túc luật pháp của chính mình. Địa phương phải cân đối việc phát triển kinh tế ồ ạt, xem lại việc xem nhẹ khía cạnh bảo tồn hơn, đánh giá tác động môi trường một cách hình thức, không thực chất”. Tuy nhiên, PGS-TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: đây là việc khó khăn vì hiện trong luật Di sản văn hóa chưa có những quy định cụ thể về các di sản liên vùng. Trong thời gian tới, khi sửa đổi luật Di sản văn hóa nội dung này cũng sẽ được soạn thảo, thảo luận và bổ sung. Tại Hội nghị giao ban báo chí tuần 40 ngày 05.10, bà Đào Khánh Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng cho biết: quá trình thực hiện những công đoạn sau rất quan trọng, còn nhiều vấn đề được đặt ra và giải quyết; cả hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch quản lý khu Di sản, sau khi tổ chức Lễ công bố UNECO công nhận Di sản được diễn ra.

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận là di sản Thế giới hoàn toàn xứng với tầm vóc của nó. Vùng biển đảo Đông Bắc Tổ quốc này luôn là một trong những điểm du lịch hút khách trong nước và quốc tế nhất Việt Nam trong nhiều thập niên gần đây. Việc nó được ghi danh sẽ tăng vị thế, sức hút cho hai điểm du lịch này. Với riêng Hải Phòng được sở hữu Cát Bà là quần đảo độc đáo của quốc gia. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ ba danh hiệu quốc gia và quốc tế gồm: Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu bảo tồn biển và Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Với sự đa dạng về sinh học sẽ giúp Cát Bà có tài nguyên du lịch sinh thái nổi trội và trở thành căn cứ vững chắc để thành phố phát triển ngành “Công nghiệp sạch không ống khói”.

 

Nguyễn Đình Long Hải