Thượng đế nơi mặt đất

Đã lâu lắm, có lẽ từ sau tốt nghiệp đại học tôi mới có dịp đến Tây hồ vào một buổi sáng như thế này. Tôi một cô gái lãng mạn hay mường tượng trong cái màn sương lãng đãng trên mặt hồ kia những nàng tiên cánh trắng và trong tâm hồn thì thàm một khúc ca dao rất cổ ngày xưa về cảnh đẹp nơi đây.

Sáng nay tôi dạy sớm và đến một quán caphe vườn ngay sát hồ. Chủ quán là một cô gái xinh đẹp chính hiệu gái Hà Thành, nhỏ nhẹ ngọt ngào : "Thưa, chị dùng đen hay nâu đá ?". Tôi mỉm cười "Cho mình một..."- chưa nói hết câu thì "xoảng" và một giọng dữ dằn quát lên "Đ. mẹ bố mày cứ làm đấy!" và sau đó là cuộc xô sát cốc chén đổ vỡ tứ tung. Tôi nhìn vào phòng trong, rất nhiều khách ngồi nhìn cuộc xô sát nhún vai vô cảm. Cô gái hình như phát hiện tôi là khách lạ ,khẽ khàng nói "Em xin lỗi, khách hàng là thượng đế mà". Tôi bỗng cảm thấy buồn, nhưng có lẽ chỉ tôi buồn mà thôi vì bên bàn ngay cạnh một cặp trai gái vẫn ôm bờ vai nhau, chàng trai gác chân lên mặt bàn nhịp một điệu nhạc gì đó làm cốc chén rung lên và caphe trào cả ra. Tôi thấy hết cả hứng, dù rằng cô chủ cố gắng nở một nụ cười ngọt ngào nhưng cốc caphê thực sự đắng ngắt! Tôi đang định đứng dậy trả tiền thì một nhóm khách tây bước vào quán. Cô chủ thực hiện lời chào buổi sáng, lời chúc và một đoạn quảng cáo quán mình bằng một giọng tiếng Anh trên cả tuyệt vời. Đám khách tây đáp lễ lịch sự. Caphê mang ra họ ngồi xuống nhâm nhi. Tôi để ý khi họ truyện trò trao đổi thì hạ giọng xuống như thì thầm, và tiếng cười cũng rất nhỏ. Hầu như đoàn khách chỉ nhìn nhau, trong khi tôi tháy bọn thanh niên choai ngồi các bàn bên cười hô hố và nhìn chòng chọc vào đám khách : "Con kia trắng như lợn cạo"- một nhận xét về cô gái nước ngoài, làm tôi bị xốc. Tôi ý tứ quan sát và thấy cô gái đó ra hiệu. Tất cả uống nhanh hơn. Sau đó họ thu dọn gọn gàng các cốc chén thìa..xếp vào khay thanh toán tiền rồi đứng dậy đi ngay. Tôi cũng vô tình bắt chước họ xếp gọn lại các thứ linh tinh trên bàn mình.
- Chắc chị mới ở nước ngoài về ? lại giọng cô chủ ngọt ngào. Tôi ấp úng "Vâng" rồi trả tiền Cô chủ nói : "Người nước ngoài mang phong cách công nghiệp, họ uống nhanh và đi nhanh về để làm việc cho kịp giờ".
- Chi quen đám khách này à ?
- Dạ không, nhưng đoàn khách tây nào cũng vậy? Khi uống xong họ đều xếp lại các thứ ngăn nắp như chị vậy.
Tôi không dám ở lâu nữa vì sợ lộ tẩy là chưa một ngày đi nước ngoài. Thực ra cái cách thu dọn cho ngăn lắp bàn ăn bàn uống là một thói quen văn hoá. Chỉ tiếc rằng ngay cả tôi cũng vừa mới học được ở đây. Tôi hình dung ra những cuộc liên hoan "hoành tráng" ở các cơ quan tiếng hò hét chúc tụng ầm ĩ, khói thuốc mịt mù, hơi bia rượu, thức ăn đồ dùng bừa ra như bãi chiến trường khi kết thúc các cuộc vui. Tôi chia sẻ điều này với sep tôi , sếp cười "Cái cô này hay nhỉ, tất cả đã được tính hết vào  thực đơn rồi . Mình là thượng đế mà, nhiệm vụ còn lại là của cave!". Lại thượng đế ! tôi thấy cứ y như bi hài kịch, Tất cả đều là thượng đế và rồi tất cả cũng là cave, cứ theo cái cung cách hiểu thé này.
Và mỗi khi là thượng đế thì trút toàn bộ cho cave, còn các ca ve thì è cổ thu dọn các phế thải mà thượng đế vừa thải ra! Dường như có cái gì đó không ổn ở đây? Hình như các nhà trường cũng chỉ đủ sức dạy chúng ta cung cách văn hoá ứng xử hồi còn thơ trẻ. Ở Thái hay Campuchia các nam thanh niên giai đoạn trưởng thành đều phải đi tu ở chùa một thời gian. Ở Nhật Bản các cô gái trước tuổi thành hôn cũng đều qua lớp dạy "nữ công gia chánh". Còn ở ta là "Tuỳ nghi di tản" nên cách ứng xử mới xô bồ thế. Thượng đế, đấng linh thiêng quyền uy tối thượng ngự trị ở trời cao, còn ở dưới đất có hàng tỷ thượng đế cũng chứng tỏ quyền uy của họ bằng một kiểu văn hoá riêng. Tôi bỗng nhiên thấy buồn vô hạn dù trên mặt Tây hồ sương trắng vẫn bay.