Thư mùa đông - Hữu Thỉnh

Vào tháng 3 năm 1982, thời điểm ấy tiếng súng biên giới phía Bắc vẫn chưa nguôi, trên một điểm cao ở Mèo Vạc, Hà Giang,  Hữu Thỉnh hoàn thiện bài thơ này, có lẽ tâm thư đã khởi thảo từ mùa đông chăng? Người lính miền biên ải hiện dậy dưới bút thơ anh, dung dị bình thường mà kỳ vĩ; họ đối mặt với kẻ thù hai chân là quân xâm lược, đối mặt với kẻ thù bốn chân là thiên nhiên bạo liệt và đối diện với chính lòng mình… rồi băng vượt bay bổng lãng mạn.


 

Hữu Thỉnh

 

THƯ MÙA ĐÔNG

 

Thư viết cho em nhòe nét mực

Phên thưa sương muối cứ bay vào

Núi rét đêm qua chừng mất ngủ

Sáng ra thêm bạc một nhành lau

 

Ở đây tuyết trắng trên chăn mỏng

Bếp đỏ cơm trưa núi vẫn mờ

Mực đóng thành băng trong ruột bút

Hơ hoài than đỏ chảy thành thư

 

Chắn gió cây run trong rễ tím

Hạt ngô gieo xuống cũng co mầm

Có hôm đồng đội đi công tác

Nhớ đấy, nhưng mà…thêm lớp chăn

 

Gà buốt gáy lười dăm tiếng khản

Ca bát khua cho đỡ bất thường

Núi giấu trong lòng trăm thứ quặng

Anh bòn không kiếm đủ rau ăn…

 

Gạo thường lên sớm, thư thời chậm

Đài mở thâu đêm đỡ vắng hầm

Bao năm không thấy màu con gái

Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em…

 

Mây đến thường rủ anh mơ mộng

Biết vậy, khuya em đỏ ánh đèn

Ước gì có chút hương bồ kết

Cho đá mềm đi núi ấm lên.

 

Mèo Vạc 3.82

 

Lời bình của Nguyễn Hữu Quý:

Một bức thư của người lính biên cương được viết bằng thơ. Một bài thơ trữ tình đậm chất Hữu Thỉnh: giản dị, tình cảm và thật “khéo” trong diễn đạt. Anh viết Thư mùa đông vào tháng 3 năm 1982 trên một điểm cao ở Cực Bắc Tổ quốc, cụ thể là Mèo Vạc, Hà Giang. Chẳng biết xuân về chưa nhưng cái buốt lạnh của mùa đông và ấm áp của tình yêu tràn ngập thi phẩm. Có lẽ, tôi cũng men theo hai trạng thái “buốt lạnh” và “ấm áp” của “mùa” và “người” để đi tìm cái hay cái đẹp của bài thơ.

Mùa đông Cực Bắc, không nói ra chắc ai cũng thấu hiểu sự khắc nghiệt của nó. Đấy là thử thách của thiên nhiên đối với những người bám trụ nơi đây trong đó có các chiến sỹ biên phòng. Mùa đông giá buốt được miêu tả bằng những chi tiết chọn lọc điển hình: Phên thưa sương muối cứ bay vào/ Núi rét đêm qua chừng mất ngủ/ Sáng ra thêm bạc một nhành lau. Rét làm cho núi đêm qua chừng mất ngủ và nhành lau sáng ra thêm bạc là rét dữ, rét hại lắm rồi. Tuyết trắng đã rơi xuống trên chăn mỏng và núi vẫn mờ trong mù sương dù bếp đã đỏ cơm trưa. Rét, đến độ Mực đóng thành băng trong ruột bút, đến mức Chắn gió cây run trong rễ tím/ Hạt ngô gieo xuống cũng co mầm Gà buốt gáy lười dăm tiếng khản. Những chú gà trống vùng cao dẫu không quên nhiệm vụ báo thức nhưng bởi trời rét quá nên mới gáy lười dăm tiếng khản như thế. Chữ gáy lười tác giả dùng thật khéo và tinh, nó không phải là lười gáy đâu nhé.

Trong mùa đông, người lính quân hàm xanh màu lá cây phải chịu đựng thêm nhiều gian khổ như chăn mỏng không đủ ấm, bòn không kiếm đủ rau ăn và thiệt thòi nhất là thư thời chậm trong cảnh xa người yêu và Bao năm không thấy màu con gái. Màu con gái là gì nhỉ; màu áo, màu tóc, màu mắt, màu má, màu môi chăng? Không, nó phải là cái màu gì đó rất lung linh và quyến rũ. Cái màu con gái ấy vừa dễ cảm nhận nhưng cũng thật khó hình dung đầy đủ, rõ ràng. Cái màu con gái ấy chung nhưng cũng rất riêng đối với mỗi người.

Không gì thay thế được tình yêu ấm áp, nồng nàn của người lính. Rét tới co cóng vẫn Thư viết cho em nhòe nét mực. Dẫu Mực đóng thành băng trong ruột bút các chàng lính ta vẫn không chịu “bó tay.com” mà đã Hơ hoài than đỏ chảy thành thư. Thư, đấy là những dòng tâm tình thương mến gửi người yêu, gửi bạn gái. Thật thà, thủ thỉ kể chuyện với người yêu bằng cái giọng “rất lính tráng”: Có hôm đồng đội đi công tác/ Nhớ đấy, nhưng mà…thêm lớp chăn. Chiến hữu đi xa, nhớ thì thật nhớ nhưng may nhờ thế mà có thêm tấm chăn đắp cho đỡ lạnh. Những câu thơ giản dị như thế làm ta xao xuyến, ngẫm nghĩ và sẵn lòng chia sẻ. Chất lính trẻ tếu táo rúc rích trong những câu thơ Ca bát khua cho đỡ bất thường; Bao năm không thấy màu con gái/ Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em…Đừng cho rằng ví tiếng guốc em với tiếng vó ngựa là thô thiển bất nhã nghe. Đấy chỉ là một cách nói tình cảm và ao ước của chàng lính với người yêu ở xa. Cũng đừng băn khoăn rằng bây giờ còn mấy cô gái mang guốc nữa, phần lớn các em mang giày dép cả rồi. Lẽ nào phải viết … “tiếng dép (tiếng giày) em” mới đúng thực tế. Tiếng guốc mang tính ước lệ (chỉ em) và âm thanh của nó mới gần tiếng vó ngựa lộc cộc ở vùng cao.

Dù cách xa, gian khổ những người lính biên phòng vẫn hướng về người thương. Lãng mạn mơ mộng đến bao nhiêu trước mây gió vùng cao những người lính ấy vẫn thấy rất gần những canh khuya em đỏ ánh đèn và không lạ gì khi các chàng trai khao khát Ước gì có chút hương bồ kết/ Cho đá mềm đi núi ấm lên.