Hai ngày trong Thâm Quyến

Ngày thứ nhất : Thâm Quyến những cái lạ.

2_ngay

Thâm Quyến (Những con lạch sâu) thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Châu, diện tích 2050km­­­2 ­, dân số 13 triệu nằm cách Hồng Kông một eo biển nhỏ. Ngay trên đất Hồng Kông có một bức tường gạch xây cao 3m. Trước đây, vùng biển này được chính quyền Hồng Kông nuôi cá mập với mục đích là chống xâm nhập của cộng sản Trung quốc và dòng người di tản. Trong thời chưa mở cửa hàng ngàn người vượt biên đã tự nhấn chìm số phận của mình trên eo biển này.

Đặng Tiểu Bình khi thuyết trình kế hoạch xây dựng đặc khu Thâm Quyến đã  đã ví von Thâm Quyến như “Cái ổ” cho con gà Hồng Kông đẻ trứng vàng và kế hoạch của ông ta là kế hoạch “Dọn ổ cho gà đẻ trứng”. Thực ra tham vọng của Đặng nhằm vào nhiều phương với mục tiêu thu hút nguồn lực tài chính đầu tư vào Thâm Quyến, trước hết là từ các nhà tư bản Hồng Kông.

       Thâm Quyến chỉ là một làng chài nhỏ. Khi có chủ trương mở cửa, Đặng đã cho quân đội san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng giao thông căn bản. Cửa khẩu thông với Hồng Kông được nâng cấp, với chính sách dùng giấy thông hành thay cho hộ chiếu cho dân chúng dễ đi lại. Đồng thời tiến hành cây cầu nối Hồng Không với đại lục, song song với chính sách một nhà nước hai chế độ.

 Chính sách mở cửa và vị trí thuân  lợi đã giúp người Thâm Quyến sang Hồng Kông buôn bán, lao động phổ thông về làm giàu cho Thâm Quyến. Người Hồng Kông sang Thâm Quyến mở nhà hàng, mua đất, xây các tòa nhà cho thuê văn phòng, xây chung cư… Dòng Dola chảy từ Hồng Kông đã bồi đắp thành Thâm Quyến. Trên thực tế  hơn một nửa các dự án đầu tư lớn ở Thâm Quyến là của các ông chủ Hồng Kông. Địa Vương Đại Hạ, tòa nhà 79 tầng trên đại lộ Bảo An, cao nhất Thâm Quyến hiện nay là của một ông chủ Hồng Kông.

 

 Thâm Quyến còn có một làng không chính thức mang tên: “Làng vợ bé”. Đó là một khu chung cư nằm gần bờ sông Thâm Quyến, nơi đó có hàng trăm cô gái Trung Hoa khát vọng làm giàu bế tắc, họ gặp những ông chủ đến từ Hồng Kông, chấp nhận những chênh lệch về tuổi tác để lấy làm chồng. Họ đã trở lên sang giàu nhanh như mơ. Ngược lại các ông chủ Hồng Kông cũng có chỗ ăn nghỉ khi sang Thâm Quyến công cán và yên tâm lúc nào cũng được dùng “Rau sạch”.

Thâm Quyến có nhiều điều lạ, nhưng tất cả phải thừa nhận nơi đây là một đô thị hiện đại của thế giới. Giao thông cực thoáng do cách bố trí xây dựng các khu vực chung cư có các tiện nghi : chợ, công viên, các dịch vụ giải trí... như một tiểu thành phố. Do vậy người đi làm chỉ ngồi trên xe Buyt từ khu chung cư đến công xưởng mà thôi. Trên các đại lộ thi thoảng mới gặp 1 chiếc xe cảnh sát đi tuần. Những cao tầng chọc trời nhưng được xếp đặt quy mô có chủ ý  nên tất cả các binđin đều khoe được dáng vẻ của mình.

Thâm Quyến còn nổi tiếng thế giới bởi hai công viên độc đáo: Cửa sổ thế giới và Trung Hoa Cẩm Tú. Cửa sổ thế giới được xây dựng trên diện tích 50 ha; đó là nơi tập hợp hàng trăm kỳ quan của thế giới với quy mô xây dựng theo các tỷ lệ khác nhau so với kỳ quan thật. Bước vào quảng trường thế giới là tháp Effeil, đấu trường Colise; Khải Hoàn Môn… Việt Nam có Chùa một cột được xây dựng tại đây, nhưng đáng tiếc quy mô chỉ nhỏ như một cái chuồng chim bồ câu mà thôi. ông Lương Minh, giám đốc một công ty du lịch tháp tùng đoàn chúng tôi có kể về chương trình thu hút vốn rất độc đáo của Trung Quốc. đó là mỗi nước muốn xây 1 công trình tại Trung quốc thì được cấp đất. Do vậy có nhiều

khu kiến trúc như chùa ấn, Chùa Thái lan... được xây dựng bên đường đến công viên. Giá vào công viên cực đắt, nếu ưu tiên cũng mất 40 tệ còn không là 250 tệ/người. Các đồ uống ở trong công viên đều có giá mà người nghèo nản lòng 80 ngàn 1 que kem. Nếu muốn uống 1 ấm Trà loại trung bình ngay ngoài trời khách tự pha lấy cũng mất 65 ngàn đồng tiền Việt.

Khách sạn ở Thâm Quyến hiện đại và có đầy đủ các “Trò” như tất cả các thành phố trên thế giới, chỉ có 2 điều lạ là xem truyền hình vô phúc bấm vào phim “Cấm” là khách tự trả tiền thuê xem theo phút ngay. Trong phòng tắm có 1 miếng xà bông bé tí tẹo như 1 đốt ngón tay màu vàng chanh, nếu khách trót dùng thì xin mời xì ra...280 Tệ ( khoảng 900 nghìn VNĐ). Nghe nói đó là miếng xà bông tẩm hương tinh hoàn của con cầy đực ở vùng Ma Cao (Xạ hương) khi tắm vào thì da thịt đàn ông có mùi xạ khiến các cô gái mê mệt.

 

Ngày thứ 2 : Tượng đài Đặng Tiểu Bình.

tuongXe chạy qua các quảng trường, chúng tôi nhìn thấy những pa no to in hình các lãnh tụ Trung Quốc : Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Anh Lương Minh hỏi tôi “Anh có thấy gì khác nhau ở 3 hình lãnh tụ của chúng tôi không?” Tôi chịu, quả là tôi có chú ý nhưng chẳng thấy gì ngoài 3 khuôn mặt đã thuộc trên các sách báo. Anh cười “Có khác đấy. Anh chú ý độ mở của 2 bàn tay vỗ, độ lớn của nụ cười và góc nhìn của ánh mắt mỗi người một vẻ”. Tôi chợt nhận ra đúng thế thật. Tất cả xếp theo trình tự thời gian các vị này lãnh chức và mức độ thành công thời đương quyền của họ. Tất cả tăng dần, đến Hồ Cẩm Đào thì cười lớn tay giơ cao (Vỗ to hơn!) và ánh mắt nhìn vui và cao hơn. Cái nghệ thuật ảnh của Tàu hoá ra ghê gớm thật!

Leo dốc. Lại leo dốc ì ạch mãi cũng tới nơi đặt tượng đài họ Đặng. Người thuyết minh giới thiệu đó là bức tượng bằng đá cẩm thạch nguyên khối, đứng trên đỉnh quả núi mắt nhìn về hướng Hồng Kông. Dõi theo hướng nhìn của tượng, toàn bộ Hồng Kông hiện lên rõ nét như bức ảnh màu tráng lệ. Tôi ngắm rất kỹ dung nhan đá của con người đã từng có câu nói rất bành trướng “Việt Nam là một lũ côn đồ, phải dạy cho chúng một bài học”. Và chính Đặng đã hạ lệnh đánh tuyến biên giới của ta năm 1979. Sự thất bại của cuộc chiến này sẽ còn như một bóng mây đen bao phủ lên sự nghiệp đầy huy hoàng và bất trắc của Đặng. Lương MInh nói “Tượng này các nhà chính trị Việt Nam không bao giờ đến, vì ông Đặng đã hạ lệnh đánh Việt Nam hồi trước”. Tôi hỏi “Vị trí của nơi đặt bức tượng này cao bao nhiêu?” Minh nói “Tôi biết ngọn núi này cao 320m so với mặt nước biển, và chân của bức tượng cao đúng bằng đỉnh tháp chống sét của ngôi nhà cao nhất Hồng Kông. Các kỹ sư đã tính toán rất kỹ”. Tôi sững người. Thì ra người ta đặt tượng để tôn vinh cái bàn chân đã đè bẹp Hồng Kông! Thực ra làm gì mà phải cường điệu quá lên vậy. Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Ngày xưa, Triều Mãn Thanh ngu dốt, dâng cả Hồng Công cho người Anh. Vẫn là mảnh đất tổ tiên cả, cha ông yếu hèn thì cháu con thu về đó là nghĩa vụ. Vả lại, hết hạn 100 năm thì chả phải lên cao thế giơ chân ra đè làm gì cho tốn sức, theo luật quốc tế Hồng Kông cũng tự khắc về đại lục mà thôi.

Tôi bỗng thấy chán nản và buồn. Nằm dài trên thảm cỏ xanh tôi nghĩ “Giá ở đây đặt bức tượng Khổng Tử thì ý nghĩa hơn biết bao”. Nhưng rồi tôi biết là không được vì chính Đặng Tiểu Bình đã từng nói “Khổng Tử là tên tướng phản động nhất Trung Quốc”, và tôi chả là ai tự dưng lại can thiệp vào chuyện nội bộ của nước bạn. Tôi phì cười với ý nghĩ của mình.

Thâm Quyến tháng 7/2006