Có thể bạn quan tâm
Giáo dục đại học Mỹ, sự khác biệt
(Đăng tải trên Tạp chí KH GD&ĐS tháng 5/2012)
Phần 1. Hệ thống đại học Mĩ và phương pháp tuyển sinh
Mặc dù gần đây có nhiều đánh giá cho rằng Mỹ có vấn đề ở Giáo dục phổ thông, nhưng cũng phải thừa nhận Giáo dục đại học Mỹ vẫn ở đẳng cấp cường quốc và xếp ở vị trí số 1 thế giới.
Cơ cấu và quản lý hệ thống
Hiện nay hệ thống đại học Mĩ gồm 2 hệ thống công lập và tư thục, trong đó có hơn 3000 trường, và gồm 7 loại bao gồm cả trường tôn giáo nhưng trên căn bản được chia thành 4 loại hình đại học chính. Thứ nhất là các Trường đại học (College of liberal srts): Hoạt động với tư cách độc lập, theo chương trình 4 năm, dạy nhiều ngành về khoa học tự nhiên và nhân văn. Mỗi ngành được tổ chức thành một khoa. Học sinh khi ra trường nhận bằng cử nhân. Thứ hai là các Viện đại học (University) : gồm nhiều trường Đại học chứa trong nó: Trường khoa học tự nhiên và nhân văn , Trường thương mại , Trường sư phạm…Hầu hết các đại học loại này đều có thêm chương trình học lấy bằng cao học (MA hay MS) và thường là cả bằng tiến sĩ ( PhD hay DS). Thứ 3 là các Trường Đại học 2 năm (Two year college): là những trường chỉ có chương trình đào tạo 2 năm. Học sinh học xong được cấp bằng cao đẳng, có thể ra đi làm hoặc chuyển học tiếp tục tại Trường hoặc Viện đại học để học tiếp. Thứ 4 là Cộng đồng các trường Cao đẳng (Community colleges): cũng giống như trường 2 năm, nhưng là trường công trực thuộc quận hoặc thành phố quản lý.
Về quy mô, các đại học có uy tín của Mĩ đều không có nhiều sinh viên, số lượng nhỏ hơn rất nhiều so với ĐHQG Hà Nội hay ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí nhỏ hơn cả một trường đại học tầm trung bình. Tại Đại học MIT có 4000 sinh viên đại học và 6000 sau đại học, với 974 giáo sư, tỉ lệ 10 sinh viên 1 giáo sư, Harvard có 6000 sinh viên đại học và 12000 sau đại học, với 2000 giáo sư , tức là 9 sinh viên 1 giáo sư. Trong khi Trường Đại học Sao Đỏ (Hải Dương) mới chuyển từ Cao đẳng lên đã có quy mô 15000 sinh viên, Trường Đâị học Hàng hải Việt Nam có tới 22000 sinh viên… nhưng tỷ lệ Giáo sư Tiến sỹ chỉ bằng 1%. Các đại học Mỹ dồi dào cơ sở vật chất và phương tiện dạy học, riêng đội ngũ giáo sư có khả năng lấy giải Nobel hiện tại ước tính trên 100 người.
Mặc dầu vậy cách tuyên bố sứ mạng , mục tiêu đào tạo trong các trường Đại học Mỹ lại rất khiêm nhường, bám sát hơi thở cuộc sống. Mục đích của giáo dục bốn năm đại học, không đặt ra vấn đề đào tạo nhân tài, quan niệm của Đại học Mỹ, việc học đại học là yêu cầu bình thường. Một trường danh tiếng viết: “ Mục đích của môi trường giáo dục và sinh hoạt sinh viên là đào tạo những cá nhân hiểu biết về tri thức cơ bản và là những công dân có trách nhiệm. Người tốt nghiệp cảm thấy tự tin trong việc tìm hiểu nhiều vấn đề và kinh nghiệm ở môi trường đại học hay ngoài đời, dù là học bất cứ ngành chuyên môn nào”.
Quản lý chất lượng và quản lý nhà nước của các Đại học Mỹ có nhiều sự khác biệt với Việt Nam. Việc đánh giá và công nhận tư cách đại học (Năng lực, chất lượng đào tạo), giữ vai trò quyết định sự sống còn của đại học. Quyền lực quyết định vấn đề này do các Hội các Đại học ở Mỹ , một tổ chức có hội viên là tất cả các đại học danh tiếng nhất, công nhận. Nội dung đánh giá công nhận dựa trên các tiêu chí: số sinh viên trên một giáo sư, bằng cấp và công trình của giáo sư, chương trình học, phương tiện học tập và nghiên cứu, độ khó và tính nghiêm túc trong thi cử v.v. Do là tổ chức ngoài chính phủ, nên tổ chức này không chịu tác động của bất cứ áp lực nào ngoại trừ công việc kiểm định. Kết quả của các kết luận đánh giá cực kỳ nghiêm khắc, thậm chí có thể dẫn tới sự giải thể của một nhà trường. Tại Việt Nam chưa có Hội này, hiện nay toàn bộ phần kiểm định và đánh giá các trường học trong hệ thống giáo dục quốc dân vẫn do Bộ Giáo dục toàn quyền định đoạt về nội dung, phương pháp đánh giá và kết luận. Năm 2008, tiếp đoàn của Bộ GD Việt Nam, GS Thomas J.Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam của ĐH Harvard đã đề cập vấn đề này “ Theo chúng tôi, Việt Nam cần xây dựng cơ chế kiểm định chất lượng mới có thể tiếp tục cải cách hệ thống giáo dục đại học. Và chúng ta phải nhớ rằng, cơ chế kiểm định chất lượng chỉ là một công cụ chứ không phải là loại thuốc có thể chữa bách bệnh. Riêng kiểm định chất lượng thôi thì không giải quyết được vấn đề chất lượng. Kiểm định chất lượng chỉ hiệu quả khi các trường phải tự chịu trách nhiệm. Theo cách nói người Mỹ, đó là kiểm định chất lượng “có răng”, nghĩa là phải kèm với xử lý, không phải kiểm xong rồi thôi”.
Quản lý nhà nước đối với đại học ở Mỹ hoàn toàn giao quyền tự chủ toàn diện các nội dung hoạt động, không chịu sự quản lí của chính phủ Trung ương hay địa phương về chương trình , nội dung giáo dục, bổ nhiệm giáo sư và tuyển sinh viên. Đối với trường công thì cấp tài trợ sẽ quản lí thông qua việc bổ nhiệm hội đồng quản trị. Bộ giáo dục và nhà nước trung ương hoàn toàn không có quyền quản lí với đại học. Vai trò của nhà nước trong quản lý đại học là quản lý luật pháp thể hiện trên lĩnh vực quản lý chính trị và đầu tư ngân sách (40-42%) là chủ yếu.
Phương pháp tuyển sinh
Có một vài hệ thống viện đại học công (như ở Texas và ở Canifornia) nhận tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp từ hệ thống trường trung học tiểu bang, nếu học sinh nằm trong tốp 10-12% có thành tích học tập tốt nhất. Tuy nhiên hầu hết các trường tuyển sinh đều qua các kì tuyển chọn. Mỗi trường đại học có những chiến lược và tiêu chuẩn xét chọn khác nhau, nhưng tuyệt đại đa số đều dựa trên kỳ thi chuẩn gọi là SAT. Kỳ thi này do Hội đồng Đại học , một cơ quan độc lập với mọi trường đại học, tổ chức nhiều lần trong năm cho bất kỳ ai muốn dự thi. Như vậy học sinh muốn trúng tuyển vào đại học điều kiện đầu tiên quyết định là phải đỗ trong 2 kỳ thi SAT.
Bài thi SAT 1 gồm 2 phần: Ngôn ngữ và Toán. Kết quả thi SAT 1 là thông số cơ bản kết luận về thí sinh. Bài thi SAT 2 gồm nhiều môn, thí sinh có thể tự chọn một hoặc nhiều môn để thi: Toán, Lý, Hóa, và Văn viết (Writing). Khác với SAT 1, bài thi SAT 2 chú trọng nhiều hơn đến kiến thức, nhằm kiểm tra những kiến thức cơ bản mà thí sinh nắm được trong một lĩnh vực cụ thể, điều được coi là một tiền đề để tiếp thu những kiến thức cao hơn ở bậc đại học. Điểm khác biệt cơ bản giữa đề thi SAT, và đề thi tuyển sinh đại học Việt Nam, là đề thi tuyển sinh đại học Việt Nam nhằm kiểm tra khối lượng kiến thức đã tích lũy được, còn đề thi SAT nhằm kiểm tra khả năng suy luận hợp lý.
Ngoài điểm thi SAT, một số trường có những quy định thêm khác, nhưng nhìn chung , đại học Mỹ dựa thêm vào các yếu tố sau để chọn học sinh: điểm trung bình hai – ba năm cuối trung học, điểm tổng kết cao hay thấp của các môn (khó) chọn lọc ở trung học; điểm thi sát hạch SAT ; khả năng chuyên môn nổi trội như thể thao, âm nhạc, nghệ thuật; tiềm năng lãnh đạo như trong quá trình hoạt động ở trung học hay trong xã hội. Các trường danh tiếng ở miền Đông như Harvard, Yale, Princeton còn để ý đến yếu tố đó là tiềm lực kinh tế và vai trò ảnh hưởng chính trị của Cha mẹ học sinh. Yếu tố này áp dụng cho với cả người nước ngoài.
Hệ thống Đại học Mỹ được trải nghiệm qua lịch sử đã đi vào ổn định và thích ứng với nhu cầu thay đổi của kinh tế - xã hội nước Mỹ. Vấn đề mấu chốt nhất giúp đại học Mỹ trở thành hệ thống đứng vị trí số 1 toàn cầu chính là chính sách tự chủ tự chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và xã hội, trong điều kiện Kinh tế - xã hội Mỹ hưng thịnh. Chính nhờ chính sách giáo dục này mà các đại học Mĩ qua quá trình đấu tranh tồn tại trụ lại được đều trở thành những nhà trường mạnh. Hệ thống kiểm định chất lượng có uy tín độc lập không lệ thuộc vào nhà nước tạo ra hệ quả là sự đánh giá luôn khách quan, bởi cơ quan này phải đối mặt trực tiếp với đối tượng bị đánh giá và chịu sự tác động trở lại mạnh mẽ nếu có những kết luận sai lầm. Giáo dục Đại học Việt Nam, trên thực tế cũng có một số nội dung vận dụng từ Mỹ, nhưng sự chuyển đổi không đồng bộ, trong khi yêu cầu thay đổi là phải đồng loạt cả hệ thống thành ra vẫn chưa thể có sự phát triển như mong muốn.
..................................................................
Bài viết có sử dụng tư liệu của trung tâm Thông tin Giáo dục Hoa Kỳ (IIE)