Chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình

Chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình đã thu hút được sự quan tâm của cả thế giới. Thành công hay thất bại? Mục đích thật sự của chiến dịch này là gì? Và nhiều câu hỏi nữa vãn còn đang đặt ra… Sau đây, chúng tôi xin đăng lại một loạt bài viết của báo chí chính thống trong và ngoài nước về chủ đề này. Các nội dung đi theo bài gồm:

- Chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc

- Tập đả hổ diệt ruồi (3 kỳ )

- Trung Quốc, chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” sẽ tam ngưng?

- Đằng sau cuộc chiến “đả hổ, diệt ruồi” của Trung Quốc.

- Chiến dịch 'đả hổ, đập ruồi' của Trung Quốc đi đến đâu?

Bài 1: Chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc

(ĐSPL) - Một bài viết đăng trên The Diplomatngày 6/8 cho rằng chớ nên ngộ nhận, đánh giá thấp quyết tâm và nỗ lực chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tác giả bài viết Dingding Chen cho rằng hiện có nhiều ngộ nhận về chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc, ở cả trong và ngoài nước. Việc mổ xẻ những ngộ nhận này giúp người hiểu rõ hơn logic đằng sau những hành động gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đặc biệt về câu hỏi: bao giờ thì cải cách thực sự mới xảy ra ở Trung Quốc?

Thứ nhất, nhiều người đang ngộ nhận rằng chiến dịch chống tham nhũng hiện nay ở Trung Quốc sẽ nhanh chóng kết thúc.

Sau khi chính quyền Bắc Kinh công bố cuộc điều tra chính thức đối với cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, một số nhà bình luận cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động sẽ nhanh chóng chấm dứt hoặc ít nhất là trong tương lai không xa. Suy đoán này là sai lầm. Thực tế, chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc sẽ không và không được phép dừng lại vào thời điểm hiện nay. Một bài viết trên Diễn đàn Nhân dân chỉ ra rằng có thể có một đợt phản công của những “con hổ lớn” chống lại lực lượng chống tham nhũng. Điều này sẽ gây ra tình trạng bế tắc trên chính trường Trung Quốc. Nếu chiến dịch chống tham nhũng chấm dứt vòa thời điểm này, mọi thành tựu từ trước tới nay đều trở nên vô ích,  khi cả “ruồi” và “hổ” đều sẽ nhanh chóng hồi sinh. Thêm vào đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định sẽ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng, bất chấp điều đó có thể ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của ông. 

Quan niệm sai lầm thứ hai là có một cuộc đấu đá quyền lực giữa các phe phái khác nhau trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Quan niệm này ngày càng ít phổ biển khi ngày càng nhiều người tin rằng Tập Cận Bình là một mẫu lãnh đạo khác so với các vị lãnh đạo tiền nhiệm. Ông Tập tự xác định mình là một trong những người kế thừa các bậc lão thành cách mạng (khai quốc công thần) và coi chiến dịch chống tham nhũng hiện nay là “một sứ mệnh và nhiệm vụ để khôi phục vai trò của Đảng vốn bị xói mòn bởi tệ quan liêu và tham nhũng tràn lan”. Nói cách khác, chiến dịch chống tham nhũng này là nhằm củng cố quyền lực của Đảng, giữa lúc không ít các “nhóm lợi ích”, ngấm ngầm hoặc công khai, đang chống đối chương trình cải cách của Chủ tịch Tập Cận Bình. Để có thể thúc đẩy cải cách, điều đầu tiên mà ông Tập cần làm là củng cố quyền lực. Ông đã cài nhiều đồng minh thân cận của mình vào các vị trí quan trọng, không phải vì mục đích cá nhân mà là vì thực thi bằng được công cuộc cải cách mà ông hằng theo đuổi.

Ngộ nhận thứ ba về cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay là cuộc chiến đó chỉ nhắm vào giới quan chức tham nhũng mà không tập trung vào cải cách cơ bản.

Đây cũng là một quan niệm sai lầm nghiêm trọng. Ở Trung Quốc, các biện pháp cải cách phải được thực hiện một cách cẩn trọng để chúng có thể diễn ra suôn sẻ và từ từ. Ngay từ khi mới lên nắm quyền, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình đã khá khôn ngoan khi nêu rõ chủ trương rằng Trung Quốc nên tránh “những sai lầm cơ bản và không thể đảo ngược”. Theo quan điểm của ĐCS Trung Quốc, lộ trình của công cuộc cải cách sẽ là: cuộc chiến chống tham nhũng, sau đó tới cải cách kinh tế, cải cách xã hội, cải cách chính quyền và cuối cùng mới đến cải cách chính trị. Và cải cách chính trị ở đây cũng không nhất thiết phải theo mô hình của phương Tây. Điều quan trọng là không sử dụng các tiêu chuẩn của phương Tây để đánh giá các cải cách chính trị ở Trung Quốc.

Thứ tư, mọi người thường nghĩ rằng cuộc chiến chống tham nhũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Đây cũng là một quan niệm sai lầm. Trong thời gian gần đây, các nhà phân tích nhận thấy rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại (đặc biệt là trong lĩnh vực nhà đất và kinh doanh nhà hàng), song hành với cuộc chiến chống tham nhũng. Tuy nhiên, đây không phải là mối quan hệ nhân-quả và về lâu về dài, cuộc chiến chống tham nhũng là thực sự có lợi cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Một nhà kinh tế Trung Quốc chỉ ra rằng cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay mang lại 3 lợi ích đối với tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất, nó sẽ làm tăng phúc lợi xã hội. Thứ hai, nó có thể giúp cho nền kinh tế thị trường trưởng thành hơn và thứ ba nó sẽ giúp cho trung quốc tránh được cái “bẫy thu nhập trung bình” mà nhiều quốc gia đang phát triển khác gặp phải.


Bài 2: Tập đả hổ diệt ruồi

Tập đả hổ diệt ruồi (K1): Mở rộng trường săn

Thời gian qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến nhiều người bất ngờ khi liên tiếp triệt hạ cả “hổ và ruồi” trong chiến dịch chống tham nhũng được coi là cam go. Cuộc chiến càng gay cấn hơn khi những “con hổ” bị săn sau thường dữ hơn “con hổ” trước. Và với việc triệt hạ “hổ tướng” Chu Vĩnh Khang gần đây, có lẽ ông Tập đã không còn “tập” mà sắp bước vào giai đoạn quyết liệt. Sẽ có thêm nhiều hổ tướng bị triệt hạ, thậm chí nâng lên tầm mức “bắt rồng”?

Cho đến nay, trong 20 tháng đầu cầm quyền, nỗ lực chống tham nhũng của ông Tập đã hạ bệ ít nhất 36 “hổ” - các quan chức từ cấp Thứ trưởng trở lên. Trong khi đó, số “ruồi” - những quan chức cấp nhỏ hơn - bị điều tra lên đến hàng ngàn. Nạn tham nhũng đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc, nên có thể nói bất kỳ quan chức nào cũng có thể là “đối tượng săn bắn” của cuộc chiến đả hổ diệt ruồi hiện nay.

Không màng sống chết

Ngày 4-8, Nhật báo Trường Bạch Sơn tiết lộ một phát biểu đáng chú ý của ông Tập: “Trong cuộc chiến chống tham nhũng, tôi không màng tới sống chết cá nhân, hay thanh danh bị hủy hoại”. Tuyên bố này được ông Tập đưa ra tại một buổi họp tối mật của Bộ Chính trị, vài ngày trước khi xảy ra vụ đả hổ tướng Chu Vĩnh Khang ngày 30-6.

Ông Tập cho biết 2 đạo quân tham nhũng và chống tham nhũng đang trong thế đối đầu nguy hiểm. Một tờ báo nhà nước ở vùng Đông Bắc Trung Quốc đã thuật lại tin này, một số báo khác trích lại nhưng sau đó đều bị kiểm duyệt gỡ xuống khỏi mạng. Và chỉ vài ngày sau, 4 ông chúa sơn lâm dữ dằn nhất nước đã bị nhốt vào cũi. Các nhà phân tích cho rằng ông Tập hôm đó báo động tình hình chống tham nhũng để đòi hỏi sự ủng hộ, yểm trợ của Bộ Chính trị và đã thành công.

Trong bộ sưu tập những con hổ bị Tập Cận Bình đánh hạ, có các hổ tướng rất dữ dằn như cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai; Từ Tài Hậu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc - con hổ có thế lực nhất trong quân đội Trung Quốc; cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư thứ sáu Ủy ban Chính trị - Pháp luật, trùm an ninh Chu Vĩnh Khang - hổ tướng dữ dằn nhất cho đến nay.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng (CCDI) cho biết năm ngoái đã diệt được rất nhiều ruồi, với con số lên đến 182.000 người. Riêng tại Quảng Đông, nơi được cho là tâm bão của cuộc chiến đả hổ diệt ruồi, đến nay đã có tới hơn 2.190 quan chức bị nêu tên và 866 người trong số đó bị cách chức. Hơn nữa, tần suất truy tố các quan chức tham nhũng của CCDI ngày một tăng.

Chỉ trong ngày 13-8, có đến 10 quan chức cấp sở/cục bị đưa tên vào danh sách điều tra của CCDI, như Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Hà Bắc Phan Hiểu Đông. Trước đó, ngày 11-8 trên website cơ quan giám sát của CCDI công bố thông tin điều tra 9 quan chức cấp sở/cục trong vòng 1 ngày. Giới quan sát chính trị cho rằng động thái liên tục công bố tin quan chức cấp sở/cục bị điều tra của CCDI không nằm ngoài mục đích chuyển tải thông điệp của chính quyền Bắc Kinh sẽ không ngừng gia tăng cuộc chiến chống tham nhũng.

Quan tham bấn loạn

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập hiện đang gieo rắc nỗi sợ hãi trong giới công chức ở Trung Quốc, vì hầu hết tay ai cũng nhúng chàm, không ít thì nhiều. Hiện đang xảy ra làn sóng xin về hưu sớm, điều đi ngược lại với truyền thống bám ghế ăn xôi ở Trung Quốc trong hàng thập niên qua. Trong khi đó, những người ở lại cố tìm cách tránh xa những dự án lớn hoặc tìm đủ mọi cách để bảo mật thông tin.

Một quan chức tỉnh Chiết Giang tỏ bày: “Chiến dịch chống tham nhũng gây tác động lớn lên kinh tế. Nhiều quan chức địa phương không muốn triển khai các dự án đầu tư. Họ nơm nớp lo sợ mình cũng sẽ đoản mệnh như những người khác”.

Phập phồng nhất là quan chức trong các lĩnh vực mua sắm chính phủ, năng lượng, xây dựng và cấp phép sử dụng đất đai, khai thác mỏ... Nỗi lo bị rò rỉ thông tin bất lợi đã khiến các quan chức đổ xô tìm mua các loại điện thoại di động mã hóa. Thời báo Bưu Điện Buổi sáng của Thượng Hải cho biết doanh số bán hàng điện thoại di động có mã hóa do Trung Quốc sản xuất đã tăng đột biến trong thời gian gần đây ở Thượng Hải, sau khi CCDI điều người đến đây để điều tra tham nhũng.

Một chuyên gia trong ngành công nghiệp điện thoại di động ở Thượng Hải cho biết: “Chúng tôi đã phải chuyển điện thoại từ Thâm Quyến đến Thượng Hải vì ở Thượng Hải không còn hàng để bán. Mỗi lần chúng tôi chuyển 500-1.000 chiếc điện thoại di động”. Báo cáo cho biết các đơn đặt hàng điện thoại được mã hóa chủ yếu là từ các cơ quan chính phủ của Thượng Hải, như Ủy ban Thành phố Thượng Hải, Hội đồng nhân dân thành phố Thượng Hải, và Hội nghị Hiệp thương chính trị Thượng Hải.

Ông Ji, một nhân viên chính phủ ở Thượng Hải, nói: “Trong một cuộc gọi điện thông thường, nếu bạn cảm thấy nội dung nhạy cảm, bạn có thể chuyển nó sang chế độ mã hóa, chỉ mất một giây”. Một nhóm quan chức của CCDI sẽ ở Thượng Hải trong vòng 2 tháng kể từ ngày 30-7 để làm việc với các phòng ban và các quan chức chính phủ của Thượng Hải trong chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động. Uông Tông Nam (Wang Zongnan), cựu Chủ tịch Tập đoàn Bright Food có trụ sở tại Thượng Hải, đã bị bắt vì tội hối lộ và biển thủ công quỹ chỉ vài ngày sau khi đoàn thanh tra đến Thượng Hải.

Thậm chí, sự hoảng loạn đã khiến nhiều quan chức tìm đến cái chết. Nhật báo Thanh niên Trung Quốc cho biết trong số 54 quan chức chết vì nguyên nhân bất thường từ tháng 1-2013 đến tháng 4-2014, hơn 40% là tự vẫn. Chẳng hạn, cựu Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc Bạch Trung Nhân nhảy lầu hồi tháng 1 năm nay sau khi bị điều tra tham nhũng. Đến tháng 5, cựu Chủ tịch Công ty Dược phẩm Tam Tinh thuộc Tập đoàn Dược phẩm Cáp Nhĩ Tân tự kết liễu đời mình. Còn Ủy viên Bộ Chính trị Lý Kiến Quốc từng nhập viện sau một cuộc điều tra khiến ông này bị căng thẳng thần kinh.

Sự hoang mang của giới quan chức đang ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc. Dù không có số liệu chứng minh thiệt hại kinh tế tổng thể, Công ty Chứng khoán Hoa Xuyên ở Bắc Kinh ước tính chiến dịch chống quan chức xa hoa, lãng phí có thể làm giảm 0,4 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng 7,7% của kinh tế Trung Quốc năm 2013.

Theo nhà kinh tế Lục Đĩnh thuộc Tập đoàn Merrill Lynch, một trong những tác động của chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc là làm chậm tăng trưởng đầu tư tài sản cố định. Ông Lục ước tính điều này có thể tác động lên ít nhất 1% tăng trưởng GDP. Các chuyên gia kinh tế nói rằng dường như đang xảy ra cái vòng luẩn quẩn ở Trung Quốc. Đầu tiên là tăng trưởng cao đi kèm với tham nhũng lớn, sau đó điều tra chống tham nhũng mạnh hơn kéo thấp tăng trưởng; tiếp đó lại kích thích kinh tế để lấy lại đà tăng trưởng và đi kèm là nhu cầu tăng cường điều tra tham nhũng

Tập đả hổ diệt ruồi (K2): Ngũ đại hổ tướng

Sau khi hổ tướng Chu Vĩnh Khang bị chính thức điều tra, tờ Nhân dân Nhật báo nhận xét rằng việc hạ gục con hổ lớn này chưa phải là kết thúc. Các nhà quan sát tin đó một tín hiệu quan trọng báo hiệu cho một trận chiến thậm chí còn khốc liệt hơn. Theo đó có nhiều con hổ còn lớn hơn Chu Vĩnh Khang sẽ bị nhắm đến

Phá bỏ cấm kỵ

Việc truy tố Chu Vĩnh Khang đã phá bỏ một điều cấm kỵ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bấy lâu nay là không được truy tố các cựu và đương kim Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị. Điều này để giữ các lãnh đạo chóp bu của hệ thống chính trị tự nguyện rút lui một cách có trật tự sau khi thua cuộc trong đấu tranh chính trị. Nói cách khác, Đặng Tiểu Bình đã đề ra luật bất thành văn này để tránh tình trạng các quan chức chóp bu bị thất trận chiến đấu đến cùng và làm tan nát ĐCS.

Tuy nhiên, Tập Cận Bình đang đảo ngược quá trình vãn hồi trật tự này. Cuộc chiến đả hổ diệt ruồi của ông có thể làm sụp đổ sự cân bằng tinh tế giữa các phe phái trong ĐCSTQ. Thực tế, họ Tập đã nói rất rõ rằng trong cuộc chiến này ông sẽ làm đến cùng, sẽ tới mức “ngươi chết, ta sống” như trong phát biểu hồi tháng 6 (xem lại Kỳ 1).

Cùng với việc vi phạm điều cấm kỵ và tín hiệu được phát đi từ Nhân dân Nhật báo, người ta tin rằng ông Tập sẽ còn nhắm đến các hổ tướng khác, có thể còn cao cấp hơn hổ Chu Vĩnh Khang. Các nhà quan sát tin rằng có thêm 5 thành viên Ủy ban Thường vụ đã nghỉ hưu là những người có nguy cơ trở thành những hổ tướng bị bắn hạ tiếp theo.

Tăng Khánh Hồng

Người đứng đầu danh sách này là Tăng Khánh Hồng, cựu Phó Chủ tịch nước, nhân vật quyền lực thứ hai dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân và cũng từng được nhìn nhận là đối thủ chính trị lớn nhất của Tập Cận Bình trước khi ông tiếp quản vị trí Chủ tịch nước. Nhiều nguồn tin cho biết họ Tăng đã bị quản thúc tại gia từ cuối năm 2013, sau khi Chu Vĩnh Khang bị sờ gáy.

Sau đó, có nhiều tin đồn trong giới truyền thông Trung Quốc rằng ngày 12-7 họ Tăng đã bị bắt giữ ở Thiên Tân và đang bị điều tra bí mật. Tờ Minh báo ở Hồng Công cho biết đó là lý do vì sao ông Tăng không thể đến dự buổi họp mặt tại Bắc Kinh của hơn 200 nhân vật là con cháu các bậc nguyên lão cách mạng vào tháng trước.

Ngày 30-7, sau khi tin tức Chu Vĩnh Khang bị điều tra chính thức được công bố, các phương tiện truyền thông Trung Quốc được bật đèn xanh đưa tin rằng con trai ông Chu là Chu Bân đã có mối quan hệ chặt chẽ với cháu gái của Tăng Khánh Hồng là Tăng Bảo Bảo. Hiện Tăng Bảo Bảo đang nằm trong vòng giám sát của cơ quan điều tra. Các nhà bình luận nói rằng việc đánh lan ra Tăng Bảo Bảo trong vụ điều tra nhà họ Chu là tín hiệu cho thấy Tăng Khánh Hồng sẽ là hổ bị săn tiếp theo.

Cũng theo truyền thông Trung Quốc, Tăng Bảo Bảo đã đăng ký thành lập 23 công ty ở Hồng Công và nhận được nhiều hỗ trợ từ một nhóm các nhà tài phiệt Hồng Công khi Tập đoàn Fantasia niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2009. Tăng Bảo Bảo, 44 tuổi, có tên trong danh sách những người giàu có Hurun.

Khi Fantasia Holdings Group chính thức niêm yết tại Hồng Công năm 2009, Tăng Bảo Bảo cũng là người sáng lập với vốn sở hữu trị giá gần 1 triệu USD. Trang Apple Daily của Hồng Công cho biết cơ quan chức năng đã triệu tập Tăng Bảo Bảo để hỗ trợ cho một cuộc điều tra. Trước đó, Tăng Vĩ, con trai của Tăng Khánh Hồng, cũng bị điều tra vào năm 2010 sau khi bị cáo buộc tham nhũng do rút ruột 32,4 triệu AUD để mua sắm một biệt thự sang trọng tại Sydney.

Người ta cho rằng Tăng Khánh Hồng hiện sở hữu tài sản trên 1 tỷ NDT. Vụ đánh cha con Tăng Khánh Hồng năm 2010 chính là “bẻ gai mở đường” để ông Tập Cận Bình trở thành nhân vật số 2 Trung Quốc, từ đó thay thế ông Hồ Cẩm Đào trong một cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm. Giới quan sát cho rằng những việc làm sai phạm của Tăng Vĩ và Tăng Bảo Bảo chắc chắn có liên quan đến Tăng Khánh Hồng. Vấn đề lúc này là khi nào họ Tập sẽ lôi chúng ra điều tra.

Những hổ tướng còn lại

Tạp chí Next Magazine của Hồng Công nói rằng bên cạnh Tăng Khánh Hồng, hổ tướng thứ hai ông Tập nhắm đến có thể là Giả Khánh Lâm, cựu Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp). Vào giữa tháng 7, các trang mạng Trung Quốc lan truyền tin đồn ông Giả đã bị chính quyền bắt giữ. Cheng Lingxu, một nhà báo kỳ cựu, Giám đốc trang web bất động sản Xiafun.com, là người đầu tiên tung tin này.

Ngày 11-7, Cheng đăng tải lên cả trang cá nhân của mình tại 2 trang mạng xã hội Sina Weibo và Wechat rằng: “Theo một nguồn tin đáng tin cậy và 100% tuyệt đối chính xác, cựu Chủ tịch Hiệp thương Giả Khánh L. đã bị bắt giam vào nhà tù SH tại TP. Hohhot đêm qua. Hơn 500 binh lính đã được gửi đi từ Quân đoàn 38 Quân đội Giải phóng Nhân dân”. Hohhot là thủ phủ của Khu tự trị Nội Mông ở phía Bắc Trung Quốc. Cheng đã sử dụng chữ “L” khi viết tên của Giả Khánh Lâm để tránh khỏi hệ thống kiểm duyệt tại Trung Quốc. Còn địa danh “nhà tù SH” mà Cheng nhắc đến hiện vẫn chưa được xác định.

Cheng viết thêm: “Những ai đã mua bất động sản cho gia đình ông Giả nên thật thận trọng. Vợ cũ và con rể của Giả được cho là có dính líu tới nhiều vụ đầu tư bất động sản trứ danh, trong đó có cả việc đầu tư vào một biệt thự xa hoa tại Bắc Kinh. Rất nhiều nhà phát triển và các dự án bất động sản là bí mật thuộc sở hữu của gia tộc này”.

Chính quyền đã nhanh chóng ra tay chặn đứng tin đồn này. Sau lời nhận xét của Cheng, nhiều người khác cũng khẳng định về vụ bắt giữ ông Giả, mặc dù thông tin của họ không đáng tin cậy như của Cheng. He Qinglian, một nhà phân tích chính trị và là một tác giả nổi tiếng Trung Quốc, đã đăng tải một bài bình luận về vụ việc này trên Đài Truyền thanh Voice of America Chinese, cho rằng tin đồn này có vẻ đáng tin: “Là một người thành đạt, Cheng chắc chắn biết rằng những nội dung nào là cấm kỵ ở Trung Quốc. Nhất định phải có lý do nào đó khiến ông tiết lộ tin này. Chứ không phải ông ấy chỉ ngồi rỗi rãi mà chẳng làm gì cả, để rồi lại muốn nếm mùi của những thứ như chốn nhà tù”

Ngoài họ Tăng và họ Giả, những hổ tướng còn lại được dự báo sẽ bị triệt hạ gồm Lý Trường Xuân, La Cán và Ngô Bang Quốc. Cơ sở để người ta đồn đoán như vậy vì những bê bối liên quan đến họ đã được truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố. Từ năm 2012, vụ bê bối liên quan đến các việc làm xấu xa của gia đình Lý Trường Xuân đã bị công bố, với các tin tức về sự giàu có từ tham nhũng của con ông xuất hiện liên tục trong các tiêu đề trên các phương tiện truyền thông.

Cũng từ năm 2012, các phương tiện truyền thông Trung Quốc bắt đầu đăng tải thông tin về vụ bê bối liên quan đến gia đình của Ngô Bang Quốc. Trong khi đó, La Cán đã bị kiện tại hơn 30 nước trên thế giới về tội đàn áp dã man lên môn tu luyện Pháp Luân Công

Tập đả hổ diệt ruồi (K3): Hàng long tráng sĩ

Một đề tài thu hút tranh luận của giới quan sát về cuộc đả hổ diệt ruồi của Trung Quốc hiện nay là liệu ông Tập Cận Bình có nâng nó lên tầm mức bắt rồng hay không

Tín hiệu truyền thông

Khi tướng Từ Tài Hậu bị hạ bệ, cả 2 tờ báo chính thức của chính quyền Bắc Kinh là Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo cùng mượn chuyện nước Pháp để bàn chuyện trong nước. Cả 2 cùng đăng một bài báo có tựa đề: "Tại sao nước Pháp dám điều tra cựu tổng thống (Sarkozy)". Bài báo bình luận một số người Trung Quốc nghĩ rằng không thể động đến quan chức cấp cao cỡ tương đương chủ tịch nước vì e ngại làm tổn hại đến quốc thể. Vì vậy luôn có rào cản trong việc điều tra các quan chức cấp cao. "Giờ đây người dân Trung Quốc sẽ không còn coi việc điều tra các quan chức cấp cao là xấu hổ" - bài báo viết.

Báo Epoch Times (Đài Loan, Trung Quốc) phân tích rằng ông Tập đã dùng lễ kỷ niệm 110 năm sinh nhật của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình (22-8), để tuyên truyền cho những nỗ lực chính trị của chính mình, bằng cách đưa ra những dấu hiệu nhắm đến những cải tổ sâu rộng như thời ông Đặng. Những ý tưởng này đã xuất hiện trong các bài phát biểu của họ Tập về di sản của Đặng Tiểu Bình.

Tờ Nhân dân Nhật báo đã hé mở một dấu hiệu: “Ai không thúc đẩy cải cách cần bước xuống” - một cụm từ được Đặng Tiểu Bình dùng lần đầu tiên trong những năm 1990 để chống lại Giang Trạch Dân, người đã miễn cưỡng trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Các tờ báo chính thức của nhà nước Trung Quốc cũng ra sức tung hô để hỗ trợ sức mạnh cho ông Tập. Ngày 12-8, tờ Nhân dân Nhật báo nêu bật thành tích của Tập Cận Bình sau 18 tháng theo đuổi “Giấc mơ Trung Hoa”. Tờ báo này liệt kê chiến dịch bàn tay sắt chống tham nhũng, thúc đẩy cải cách và chính sách ngoại giao nước lớn.

Cựu tổng biên tập của tạp chí Trường đảng Trung ương Đặng Duật Văn nói: “Rõ ràng &oci